Rụng rơi những mộng
Rụng rơi những mộng
Một thằng nhỏ kém hơn mình chừng chục tuổi nghe ý tưởng đó phì cười. Nó hỏi sao chị không viết về cái máy khiến người ta biết ước mơ. Nó đang rầu rĩ vì không kiếm được một ước mơ làm thuốc. Năm ngoái nó mơ đi Mỹ chơi chừng một tháng, nhưng giờ đi Mỹ cũng không cần thiết lắm. Năm năm trước nó ước xe hơi nhưng giờ quyết định mua chiếc xe đạp Martin chạy rồi. Muốn mộng những giấc vĩ đại, ngông cuồng để làm mục tiêu dấn bước nhưng mồi chài, o ép mãi mà chính mình vẫn chối nguây nguẩy, không chịu đeo vào.
Nên phía trước nhiều khi là nhẹ bâng, trống rỗng…
****
Mình nói nay mai này bẻ bút xếp văn chương, mình muốn làm thợ chụp hình đám ma đám cưới, ghi lại những khoảnh khắc tận hai thái cực của cuộc đời. Mình nói phải lần thứ mấy rồi mà vẫn còn kinh ngạc, vì cái mộng tầm thường quái quỷ không biết từ đâu tới này, kinh ngạc còn vì bạn bè lắm đứa không tỏ ra kinh ngạc, chỉ bảo ừ thì bạn cũng ước được làm một ông gác cỗng trường, coi chừng cánh cửa, đóng vai ông ác chơi trò rượt đuổi với tụi trẻ đá banh. Có thằng gật gù, ừ tao thích có một mảnh vườn để gieo cải, trồng cây. Có thằng định mở quán ăn, đích thân nó vô bếp nấu (bằng những kinh nghiệm của mấy chục năm ăn nhậu).
Mà chúng nó chưa đứa nào bạc tóc hay rụng răng, trên mặt chưa xuất hiện dấu hiệu của tuổi già. Tuổi mới băm mấy nhát mộng đã đìu hiu an phận.
Khát vọng vĩ cuồng xưa đâu rồi ? Giấc làm thủ tướng, làm phi hành gia, làm người giàu nhất thế giới đâu ? Giấc làm nhà báo nổi tiếng, yêu dân nghèo và chiến đấu vì những người ở đáy xã hội đâu ? Mình ơi, giấc trở thành một tiểu thuyết gia lừng lẫy đâu, để bây giờ chỉ ước mỗi chuyện tìm được ý tưởng con con viết vài mẫu nho nhỏ bán lấy tiền, nuôi giấc mơ làm chị thợ ảnh vô danh.
Những giấc mơ còm cõi dần, đuối dần, nhẹ dần. Nếu nhà Phật vỗ tay mừng bọn trẻ bây giờ sớm chạm đến bờ không, thì xã hội chắc cũng nên lo lắng kêu lên kìa tụi nó đã lụi tàn khát vọng, y học báo động về hội chứng chưa trẻ đã già.
Vẽ chân dung những người quen biết đồng trang lứa với mình, cực khó. Một đám người không trẻ không già đi trong mù mù không rõ thân không rõ mặt. Vài ba đứa mê ghế, lượn lờ quanh rình rập mấy cái chức vụ con con. Vài ba đứa mê danh, táo tác tìm cách nào lên báo. Vài ba đứa lê la mông chai bụng bự sống đời công chức. Vài ba đứa xục xạo kiếm tiền đôi khi chỉ để nuôi những cái mộng con con, sống cuống cuồng để mau mau về sớm. Kiểu nào thì cũng thấy không hợp với tuổi mình.
Hôm kia có anh cười khùng khục kể mình nghe về quyển truyện khoa học viễn tưởng của Việt Nam mà anh từng đọc được trong một thư viện cũ nát, về một anh chàng sáng tạo ra máy nhân hàng loạt… đùi gà. Chắc anh ta đang viết trong cơn đói meo, bủng beo vì thèm thịt. Nó phản ánh cái tâm thế nhỏ nhoi tầm thường mà vài chục năm trước đã hiển hiện trong đầu người có chữ. Mình hơi giật mình, thế thì nếu mình viết khoa học viễn tưởng, chắc mình viết về một cái máy biến người ta thành con diều, xếp xó cho đến khi nào có gió lên thì trẻ con dắt đi chơi. Một bữa nọ con diều không thể biến trở lại làm con người nữa bởi vì nó quên làm người như thế nào, phải tự đi ra sao.
Một thằng nhỏ kém hơn mình chừng chục tuổi nghe ý tưởng đó phì cười. Nó hỏi sao chị không viết về cái máy khiến người ta biết ước mơ. Nó đang rầu rĩ vì không kiếm được một ước mơ làm thuốc. Năm ngoái nó mơ đi Mỹ chơi chừng một tháng, nhưng giờ đi Mỹ cũng không cần thiết lắm. Năm năm trước nó ước xe hơi nhưng giờ quyết định mua chiếc xe đạp Martin chạy rồi. Muốn mộng những giấc vĩ đại, ngông cuồng để làm mục tiêu dấn bước nhưng mồi chài, o ép mãi mà chính mình vẫn chối nguây nguẩy, không chịu đeo vào.
Nên phía trước nhiều khi là nhẹ bâng, trống rỗng…
Nguyễn Ngọc Tư