Polly po-cket
Cảm xúc tháng 12

Cảm xúc tháng 12

Tác giả: Sưu Tầm

Cảm xúc tháng 12

Thời gian trôi nhanh nên người cũng gấp gáp quá chăng. Hôm qua, gặp đôi bạn trẻ hỏi đường, nó chỉ tận tình, cặn kẽ, vì đã thấm cảm giác đi lạc nhiều lần - cái hồi mới vào thành phố, ngơ ngác như gà lạc mẹ.


***


Sáng ra, xé tờ lịch cũ chợt giật mình, hóa ra đã sang tháng mười hai. Dạo một vòng trên Facebook, thấy bạn bè mỗi người chào tháng mười hai với một tâm trạng khác nhau. Kẻ háo hức, mong chờ, người thẫn thờ tiếc nuối.


Hiển nhiên rằng, dẫu mình đứng yên thì đời vẫn chảy. Dẫu muốn hay không thì ngày vẫn qua. Hôm nào, hè còn rực rỡ, rồi thu vàng phơi phới gõ cửa, chóng vánh lắm đã đến đông. Giờ đây, đông cũng rũ áo đi nhanh, buông mành cho những gì ở lại.


Cảm xúc tháng 12


Thời gian trôi nhanh nên người cũng gấp gáp quá chăng. Hôm qua, gặp đôi bạn trẻ hỏi đường, nó chỉ tận tình, cặn kẽ, vì đã thấm cảm giác đi lạc nhiều lần - cái hồi mới vào thành phố, ngơ ngác như gà lạc mẹ.


Thế nên, mỗi khi có ai hỏi đường, nó chỉ cho họ tựa như bằng cả trái tim. Lấy cả giấy bút ra minh họa cho hai bạn dễ hình dung. Nghe xong, cả hai người bình thản đi luôn, quên thả lại một câu cảm ơn nhẹ nhàng. Chặc lưỡi, chắc là họ đang vội. Nghĩ thế để đỡ buồn hơn với cuộc đời.


Lại nhớ, cái hình ảnh ghim sâu vào tâm trí hồi ở Huế, cũng tháng mười hai. Năm ấy, trời rét cắt da cắt thịt. Lang thang trên cầu Tràng Tiền, chợt thấy phía chân cầu, một người đàn ông đạp xích lô gầy nhom đang còng lưng chở ông bà khách Tây to gấp ba, gấp bốn lần.


Giữa tiết trời giá rét mà bác túa mồ hôi như nước, hì hục nhấc từng bàn đạp nặng trịch để bánh đỗ lăn trên cầu. Nhìn mà cứ sợ, bởi chiếc xe chỉ chực tuột xuống lúc nào không hay. Hai người khách ngồi trên điềm nhiên, chỉ trỏ, chụp hình.


Chạnh lòng mà nghĩ, chắc là cuối năm, bác cố gắng vượt sức để sắm cho con tấm áo manh quần. Người ta thi đua, nỗ lực đạt chỉ tiêu cuối năm cuối tháng thì bác cũng thế, âu cũng là cơm áo gạo tiền. Có chăng, khi cơ quan đoàn thể mừng thành tích, liên hoan cuối năm bằng những ly men sóng sánh thì người đạp xích lô ấy mừng bằng nụ cười của con trẻ, no đủ của gia đình.


Cảm xúc tháng 12


Chạy dọc đường quê, tháng mười hai, ở quê cũng vào vụ cuối. Ước sao những cánh đồng xanh mướt, thấm mồ hôi, đậm nụ cười cứ trải dài bất tận theo nhọc nhằn của người nông. Cho cơn gió tạt qua chỉ khẽ vỗ về, cho mưa cũng đừng nặng hạt. Cho ngày đủ nắng, cho người đủ sức cày sâu. Bát cơm cuối năm có thêm chút mặn mòi, để người nông đỡ tủi thân.


Tháng mười hai có sinh nhật ba, năm tháng qua lại nhắc rằng ba đang già thêm một tuổi. Bất giác lại để ý đến mái tóc của ba và vết chân chim ở đuôi mắt mẹ. Dấu vết thời gian cứ thi nhau vẽ vời, điểm tô lên hai nơi yêu thương ấy. Nghĩ mà xót xa, ước ao lắm cũng thế thôi bởi đó là quy luật muôn đời của tạo hóa.


Vạn vật cứ sinh sôi, trưởng thành, già cỗi... Tháng mười hai, cũng nhớ tròn một năm rưỡi ngày nội mất. Người còn vấn vương lắm bao chuyện ở đời, lo lắm cho từng đứa con đứa cháu, nhưng có lẽ đã xong chuyện nhân gian, đến lượt nên người phải đi.


Thương nhớ lắm nụ cười móm mém hơi trầu và cái dáng lưng còng thân thuộc của nội.


Nó cũng sinh ra trong một ngày cuối tháng cuối năm, hó hé ra đời trong một ngày sắp thay lịch mới. Những năm tháng tràn trề nhựa sống của thời con gái cũng sắp qua mà hóa ra vẫn chưa làm gì, chưa được gì. Có những cơ duyên đến rồi đi vì bỗng dưng người hay ta vô tình để tuột, không cố gắng để giữ.


Cũng bởi bao cám dỗ, thị phi ở đời làm lay động cái con người vốn thiếu lập trường ấy. Cuộc sống vẫn dửng dưng trôi đi bao ngày, người đi người ở lại. Người ước hẹn cùng nhau rồi cũng xa nhau khi đi hết một vòng yêu thương, ghét bỏ, những luẩn quẩn vô thường...


Cảm xúc tháng 12


Ngẫm ra, tháng mười hai chỉ vừa đến, vẫn còn mấy mươi ngày nữa để hoàn thành nốt những việc của năm cũ. Sẽ yên tâm gói gém và cất vào kho kỷ niệm, chỉ mang niềm vui và yêu thương sang thôi, bỏ lại buồn đau cho ngày tháng cũ. Rồi ta sẽ thay tờ lịch ấy, viết tiếp cho một năm tháng mới bắt đầu.


Tháng 12 vừa về, tìm một chút lặng để thoáng qua bao cảm xúc mông lung, bộn bề thế thôi.