Nước mắt bên bến sông

Nước mắt bên bến sông

Tác giả: Sưu Tầm

Nước mắt bên bến sông

Chuyện chị Liên nhà bác Phúc sắp lấy chồng đã trở thành đề tài bàn luận khắp cái thị trấn nhỏ này hơn một tuần nay.


***


Vừa đi đến đầu cổng chợ tôi đã nghe thấy mấy bà, mấy cô nhiều chuyện râm ran bàn tán ở quán nước bà Toàn:


- Cái Liên nhà ông Phúc xem vậy mà tốt số ra phết nhỉ! Ba mươi tuổi đầu rồi chứ có ít ỏi gì đâu mà vẫn còn kiếm được một anh bác sĩ có nhà cao cửa rộng trên Hà Nội. Ngày xưa, con gái ở cái tuổi ấy một là ở vậy đến già, hai là đi làm hai cho người ta, để lấy chỗ nương tựa về già thôi, chứ đâu mong lấy được trai tân tử tế.


Bà Lai vừa dứt lời, thì bà Mẫn đã lên tiếng:


- Bà đúng là chẳng biết gì cả. Thằng chồng con Liên chẳng phải là trai tân trai tiếc gì đâu. Nghe nói nó có một đời vợ rồi, cưới được mấy tháng thì cô vợ bị tai nạn chết. Thôi thì chưa vướng bận con cái thì có khác trai tân là mấy.


Bỗng đâu, cô Lan bóng gió một câu bằng cái giọng nửa chì chiết, nửa mỉa mai mà cả cái thị trấn này đã nghe từ mười mấy năm nay:


- Thôi gái sát trai đi với trai sát vợ là đúng rồi. Nồi nào úp vung nấy mà bà. Thằng Huy nhà anh cháu mà không bị con Liên hại chết thì bây giờ đừng nói là nhà cao cửa rộng ở Thủ đô, khéo khi sang Tây sang Tàu thằng bé cũng được đi rồi. Ngày con sống nó học giỏi nhất cái thị trấn này ai mà chẳng biểt. Thi đại học nó gần đỗ thủ khoa chứ chẳng chơi. Thế mà dính vào cái ngữ ấy vậy là..


Nước mắt bên bến sông


* * *


Ngày ấy, chị Liên, anh Quân và anh Huy là ba người học giỏi nhất cái thị trấn này, là tấm gương cho bọn con nít chúng tôi học tập. Ngày nào ba anh chị ấy cũng cùng nhau đạp xe lên trường chuyên đi học, chiều lại rủ nhau cùng về. Đến một ngày anh Quân và anh Huy cùng ngỏ lời yêu chị Liên. Không từ chối, cũng không nhận lời chị chỉ nói với hai anh là cả ba đang còn kì thi Tốt nghiệp và thi Đại học đang ở trước mắt, khi nào thi xong chị sẽ trả lời.


Cuối cùng, kỳ thi Đại học cũng kết thúc. Cả ba đang hồi hộp đợi kết quả. Với chị, chị chỉ đợi kết quả thi, nhưng hai anh còn đợi cả đáp án từ trái tim chị. Không biết là vì yêu chị, vì quá nôn nóng để đợi đáp án từ trái tim người con gái mình yêu, hay sợ hãi một cuộc cạnh tranh của những người bạn thân, sợ một cái lắc đầu từ chị.... Giữa hai anh đã có một lời thách đố. Cả hai sẽ cùng bơi một vòng quanh sông Thẫm, người thắng sẽ được theo đuổi chị, người thua sẽ phải tự nguyện rút lui. Khi anh Quân bơi xong một vòng và lên bờ mặc quần áo, vẫn không thấy anh Huy đâu. Anh Quân đã cùng mấy người gần đó nhảy xuống cứu anh Huy. Nhưng không kịp nữa rồi...


Đau lòng hơn, một tháng sau giấy báo đỗ Á khoa Đại học Bách Khoa được gửi đến nhà anh Huy. Nhìn mẹ anh ôm tờ giấy báo kết quả của con trai mà ngất lên ngất xuống, chị Liên như thể người mất hồn. Chẳng biết do cái thị trấn này bé quá hay do miệng lưỡi thiên hạ giỏi đưa chuyện, mà khắp các hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng nghe thấy chuyện của chị Liên. Người tốt bụng thì bảo: "Sống chết có số, chắc thằng Huy chỉ ở với bố mẹ nó được đến chừng ấy thôi, chứ con bé Liên nào có tội tình gì". Người ác miệng thì bảo: "Chắc tại nó sát trai nên thằng Huy vừa dính vào nó là chết. Các bà không nhớ ngày xưa có một anh nhà gần cầu Đa Sô đến tán tỉnh cô Thắm- cô ruột nó rồi bị trai làng này đánh chết hay sao. Gái độc sát trai nó có dây có dòng cả đấy. Ai dại mà dây vào cô cháu nhà ấy thì chỉ có chết bất đắc kì tử".


Cả tháng trời chị hết giam mình ở trong nhà, lại chạy ra bến sông. Hai vợ chồng bác Phúc sợ con nghĩ quẩn, sợ con không đối mặt được với miệng lưỡi thiên hạ nên đã phải cho chị lên Hà Nội sớm hơn so với giấy báo nhập học của nhà trường. Mãi đến bây bác Hy- mẹ chị Liên vẫn bảo: "May mà năm ấy con bé đậu Đại học, chứ nếu trượt rồi ở nhà thêm thời gian nữa không khéo nó chết mất. Còn anh Quân cũng không chịu được ám ảnh bởi cái chết của anh Huy, cũng như áp lực từ phía dư luận nên anh đã không học ở trường Y của tỉnh như ý định ban đầu mà chuyển vào Nam học. Ít lâu sau gia đình anh cũng chuyển đi.


* * *


Chị Liên đẹp lắm! Nhưng mà là đẹp buồn. Nhất là đôi mắt. Một đôi mắt, to tròn đen láy láy, long lanh ươn ướt như muốn khóc. Chúng được đặt trong hốc mắt sâu, phía trước là hai hàng lông mi dài, dầy và cong vút, chẳng khác nào cặp mi được uốn kĩ càng ngoài tiệm. Bà tôi bảo con gái đứa nào có đôi mắt buồn như thế sau này đa đoan lắm. Chẳng phải chờ đến sau này, ngay từ mùa hè năm ấy số chị đã đa đoan rồi. Và nỗi đa đoan này còn theo chị mãi đến tận bây giờ.


Chị tốt nghiệp Đại học rồi đi làm, hết tuổi hai ba rồi ba rồi sang tuổi hai tư. Bạn bè chị có người đã sinh con đầu lòng, có người đã làm đám cưới vài người khác thì rục rịch chuẩn bị cho ngày vu quy. Chỉ có chị là vẫn lủi thủi một mình. Cũng có vài anh đến tán tỉnh chị. Người thì vừa nghe thấy chuyện cũ đã vội chia tay. Có người đã tính đến chuyện trăm năm với chị, nhưng cuối cùng anh cũng không thắng nổi sự phản đối từ gia đình. Nghe đâu mẹ anh nói nếu anh quyết tâm lấy chị, bà sẽ tuyên bố trước cả họ là anh đã chết rồi. Anh ấy là người trí thức có thể không mê tín, không tin vào chuyện số mệnh. Nhưng mẹ anh, họ hàng anh sao không thể không tin. Tướng mạo, số mệnh hay ý trời đó đều là những điều mà những người phụ nữ truyền thống, quanh năm chỉ biết chuyện bếp núc, chỉ lo hương khói cho bàn thờ tổ tiên, mỗi khi thấy bất an đều chỉ niệm một câu: "Cầu giời khấn phật" như mẹ anh đã tin, và sẽ mãi tin.


* * *


Hôm nay, tôi ra sông Thẫm và gặp chị Liên ở đó. Chị ngồi bên bờ kè đá, khẽ thả xuống sông mấy bông cúc trắng. Sau đó chị ngồi bó gối, mắt xa xăm nhìn theo mấy bông hoa cúc đang chầm chậm trôi. Thấy tôi, chị hỏi:


- Ra đây làm gì vậy Hân?


Em ra ngồi một lúc cho mát thôi. Còn chị tự dưng sao lại mang cúc trắng ra đây? Hôm nay, đâu phải ngày rằm.


Lặng im một lúc, chị trả lời:


Chị muốn tạm biệt anh Huy, muốn nói với anh ấy rằng hãy yên lòng vì chị sắp lấy chồng rồi. Lấy một người yêu lòng vì chị sắp lấy chồng rồi. Lấy một người yêu thương chị thực lòng. Đừng nặng lòng vì chị nữa. Và chị cũng sẽ không nặng lòng về anh ấy nữa.


Như đang vô thức tôi hỏi chị:


- Chị có hối tiếc không, chị Liên.


- Vì sao?


- Vì nếu chuyện của anh Huy không xảy ra có lẽ chị đã không gặp nhiều trắc trở như vậy. Đã không phải...


- Đã không phải mang tiếng sát trai và lấy một người đàn ông có một đời vợ đúng không?


- Đã có lúc chị rất giận anh Huy. Thầm trách anh ấy không biết nhiêu lần là tại sao anh ấy làm như vậy. Dẫu chị có yêu Huy đi chăng nữa, thì việc mạo hiểm tính mạng để chứng tỏ tình yêu đó vẫn là một việc làm dại dột. Việc có một người sẵn sàng chết vì yêu chỉ lãng mạn trong tiểu thuyết mà thôi. Nếu chuyện đó xảy ra với em, thì em sẽ thấy nó là một bi kịch. Chị chắc rằng nếu được lựa chọn Romeo sẽ không muốn Juliet chết cùng mình mà chàng sẽ muốn cô ấy sống thật hạnh phúc.


- Vậy chồng chị có biết chuyện của anh Huy không?


- Có. Lúc hỏi cưới chị, anh ấy bảo rằng: "Không phải anh sợ bị em hại chết, mà là em có sợ bị anh hại chết hay không? Cùng lắm thì cả hai đứa cùng chết cho công bằng. Nhưng anh chắc rằng hai chúng ta sẽ sống thật hạnh phúc. Để chứng minh rằng những điều xảy đến với chúng ta chỉ là chuyện không may mà thôi". Đã có rất nhiều người trong đó có cả bác Thục- mẹ anh Huy khuyên chị hãy quên đi mọi chuyện, rồi tính việc trăm năm, đừng để lỡ dở cả đời vì người đã khuất. Nhưng chị vẫn không sao quên được. Mãi cho đến khi chị nghe được những lời đó của anh Khánh- chồng sắp cưới của chị. Chị mới không nghĩ nhiều về chuyện của anh Huy, cũng không tự trách bản thân rằng tại sao năm ấy không từ chối tình cảm của cả hai người bạn thân từ ban đầu để chuyện buồn xảy ra nữa. Nếu đã nghĩ rằng trên đời có sự an bài thì chị không lận đận vì chuyện của anh Huy cũng sẽ lận đận và một lý do khác. Nghĩ như vậy sẽ nhẹ lòng hơn.


* * *


Chia tay chị tôi không biết liệu chị có quên hết chuyện buồn để đến với một tương lai mới tốt đẹp hơn không. Nhưng đám cưới chị xe hoa không đi qua bến sông mà chọn một con đường vòng.


Lê Thị Quỳnh Anh