Polly po-cket
Miền kí ức

Miền kí ức

Tác giả: Sưu Tầm

Miền kí ức

"Đừng nghĩ tuổi thơ có thể được mua bằng tiền, không có tuổi thơ thì tâm hồn đã khuyết một phần mất rồi..."


***


Sắp đến mùa thi, bài vở nhiều làm tôi đâm ra chán, lúc này điều làm tôi hưng phấn còn gì nữa ngoài việc hí hoáy trên trang giấy để truy lùng thứ cảm xúc bí ẩn. Cũng phải thôi, ngoài nhiều dự định ấp ủ bấy lâu đối với một thằng con trai chập chững vào đời, tôi còn nuôi biết bao ước mơ con con từ bé nữa. Bất giác tôi quay sang nhìn tấm ảnh ngày thơ của mình, có cả cái Mén, thằng Xì, rồi nhiều đứa trong xóm nữa. Chợt nghĩ về cái ngày xưa yêu dấu của mình, kỷ niệm cứ theo dòng tiềm thức mà trôi mãi...


Miền kí ức


Tôi nhớ những trò chơi mà tụi trẻ đã thức đêm thức ngày để sáng tạo ra, trò chơi đã theo thời gian đến giờ để khi nhìn thấy tụi nhỏ đàn em chơi, lại cười bâng quơ... Ngày bé, tôi và mấy đứa cùng trang lứa khoái nhất là chơi trò "tìm kho báu" – trò chơi được "truyền lại" đến giờ. Mỗi đứa tự đánh dấu "lãnh thổ" của mình sau đó chôn ở đó những đồ vật nhỏ như cái đồng hồ đã hỏng, con ốc, quan trọng nhất là sợi dây tơ hồng. Khi khách đến "lãnh thổ" của ai mà tìm được sợi dây tơ hồng sẽ cưới "chủ nhà" làm vợ. Chị tôi (tuy không phải ruột thịt gì nhưng tôi quý chị ấy lắm nên gọi thân mật vậy) "thích" cái Ất – tên công tử nhà giàu đẹp trai nhưng vô cùng hống hách và tôi cũng chẳng hiểu sao chị tôi lại "thích" nó nữa! Lần ấy, chị tôi chơi gian chôn ở "đất nhà mình" toàn là dây tơ hồng mà chẳng có lấy một thứ gì cả. Thế là tên Ất sang, xúc lên toàn trúng dây tơ hồng, hắn phát cáu văng tục:


- Con Búp chơi gian, tao đếch chơi nữa – Nó hâm hực xé đống dây tơ hồng quẳng xuống đất quay ngoắt về.


Chị Búp ngẩn người hồi lâu rồi ngồi phịch xuống mà òa lên khóc, khóc nức nở, réo rắt khiến cả bọn chúng tôi thở dài ngán ngẩm chỉ biết vỗ nhẹ vào vai chị, nói mấy tiếng rồi mỗi đứa mỗi nơi. Trưa hôm đó tôi ăn vội bát cơm, chạy sang nhà Búp dù trên mặt vẫn còn vương mấy hạt cơm trên mép. Chị ngồi trước cửa, mắt đỏ hoe, chốc lại nấc lên nghẹn...Tôi thương chị quá, tôi bắt chước mẹ vuốt nhẹ trên lưng chị như cách mẹ tôi làm khi tôi khóc rồi nhỏ nhẹ:


- Chị cần xấc gì loại người như thằng ấy, cứ cố gắng đi sau này em sẽ kiếm cho chị một anh đẹp trai, giỏi giang hơn tỉ tên này, nhé...!


Chị tôi không nói, chỉ cười trừ mặc trên đôi mắt vẫn còn ầng ậng nước. Lúc này, trong đầu tôi dường như đã "ghi lòng tạc óc" câu hứa lúc nãy, tôi tự thề sẽ làm như thế, đó không phải là lời hứa suông. Ngồi với chị hồi lâu, tôi chào rồi ra về, qua đám lau cao tít là nhà tôi thế mà không hiểu thế nào tôi vướng sợi gì nhỏ nhỏ trong suốt làm suýt vấp té. Về nhà tôi hỏi mẹ mới biết đó là tơ trời, mẹ tôi nói rằng những người vướng vào sợi đó sẽ được trời se duyên với nhau...


Đã hơn 14 năm trôi qua, lần tôi trở về năm ấy mang theo biết bao kỷ niệm. Ở đầu làng, bọn con nít vẫn chơi trò "tìm kho báu", tiếng reo hò tan vào gió heo may bay đi mất. Tôi khẽ cười, nhớ về người chị thân quen của mình. Chị tôi lấy chồng rồi, một anh thợ mỏ không giàu có như cái Ất nhưng yêu thương chị tôi lắm, thấy vậy tôi cũng mừng cho duyên số chị. Không hiểu chị tôi và anh ấy lấy nhau là do sợi tơ hồng hay phải chăng hai đã vướng tơ trời từ thuở nào...


Tôi giờ chỉ là một họa sĩ nghèo nay đây mai đó lang thang khắp nơi tìm cái đẹp của trời đất, cái ước mơ trở thành nhà kinh doanh ngày xưa của tôi giờ chỉ như cái sự trớ trêu của cuộc đời. Năm ấy tôi rời quê lên tỉnh thi vào trường Đại học Kinh Tế - ước mơ lớn lao của bản thân. Vào trước ngày thi, thì thằng em tôi bị tai nạn rồi qua đời, tôi bỏ thi lo ma chay cho nó, nỗi trống trải chiếm ngự lòng tôi, tôi từ bỏ mộng kinh doanh chắc cũng vì nó, thằng em mà tôi hằng yêu quý. Em tôi, một thắng bé loắt choắt, nghịch ngợm và cũng chính nó đem đến sự thay đổi không lớn nhưng khiến tôi có thể nhìn cuộc sống theo chiều hướng đẹp hơn. Mưa rồi, kỷ niệm xa xưa về em tôi cứ xối xả trong tim tôi...


Ngày ấy, khi em tôi chưa mất thì gia đình tôi luôn rất ấm cúng, nhất là trong ngày mưa gió rả rích như thế này. Mưa kéo dài từ đầu tháng đến giờ vẫn chưa ngớt hẳn, nhà tôi phải uống nước oi khói, ăn cơm chẳng có tí canh. Chú Năm với cha ngồi đan nón ở trên nhà, cả hai ngồi nói đủ thứ chuyện trên đời để giết khoảng thời gian nhàm chán, từ chuyện hợp tác xã đến chuyện đồng ruộng, bỗng giọng chú Năm sang sảng:


- Mùa này mà có thịt cầy với mắm tôm thì ngon hết xẩy anh Hai (cha tôi) nhẩy !


Tôi giật thót nhìn con Vàng đang nằm lim dim dưới tấm phản đen...


- Mưa gió thế này, nước uống còn oi khói huống hồ gì đến thịt cầy, anh nghĩ cần có ấm chè với điếu cày là "thơm" nhất, chú nó thấy thế nào ?


Nghe cha nói tôi thở phào...Chưa kịp để chú Năm trả lời, cha tôi đã gọi lớn:


- An, mày ra phía sau lấy rơm nấu cho cha với chú mày ấm chè !


- Vâng ạ!-Tôi đáp trong ngán ngẩm, tôi lười ra lấy rơm lắm.


Tôi quay phắt sang bên thằng Tít đang đùa với con mèo bằng giọng nài nỉ:


- Mày đội nón ra ngoài kia lấy hộ anh ít rơm vào nấu cho cha ấm chè đi, mưa gió thế này anh ngại ra ngoài ấy lắm.


Ban đầu nó giả lơ không thèm để ý đến lời tôi, sau nghe tôi nài nỉ chán quá hắn đặt con mèo xuống đánh đôi mắt sắc lẹm lườm tôi một cái khiến tôi như phát sởn gai ốc. Bước thình thịch, nó vơ cái nón tươm treo trên cây đinh bé tí như khắp bung ra trên góc tường rồi đặt vội vào cái đầu bé tí ti của mình khiến cái nón dường như che gần hết mặt. Chốc sau nó vào nhà với một lọn rơm bé xíu còn rơi mấy hạt nước mưa xuống sàn nhà, nó gãi đầu cười hì hì bảo:


- Mưa to quá, tạt cả vào trong chuồng heo nên rơm ướt cả rồi. Anh lên nhà đi, tí em nấu xong rồi mang lên cho cha !


Tôi vơ lọ lạc rang vừa đi vừa cho vào mồm nhai ngấu nghiến mặc kệ thằng em tôi làm gì...Đang ngồi xem vô tuyến cùng cha với chú năm, bỗng tôi nhíu mày gióng tai lên nghe tiếng động lạ đang phát ra dưới bếp. Là tiếng chẻ củi. "Quái ! Nhà mình làm gì còn củi dù là một cây bé mà tại sao lại có tiếng bôm bốp nhỉ?"


Gác vội lọ lạc lên nóc tủ, tôi chạy xuống nhà xem có chuyện gì xảy ra. Tôi giật mình nhìn vào các que gỗ nhỏ từ chiếc chày bếp vung vãi ra, cùng cái rựa đang lăm lăm trên tay thằng Tít, tôi hét:


- Trời, mày đang làm gì đấy Tít, sao mày lại chẻ cái chày của mẹ, mày muốn chết à ?


Nó vẫn bình thản đưa tay quệt quệt mấy giọt mồ hôi trên trán, hít một hơi nó nói mà chẳng thèm nhìn mặt tôi:


- Chày thì mua ngoài chợ thiếu gì, chứ để cha uống chè oi khói mãi em thương lắm...


Tôi như đơ ra giữa căn bếp họp hẹp, thằng Tít cho củi vào lò, dốc mông lên thổi phù phù như con ngựa phun lửa trên chương trình tôi vừa xem. Lặng hồi lâu, tôi đến xoa đầu nó, rút ra trong chiếc áo gió xanh một chiếc kẹo nhỏ như một món quà trao cho người chiến thắng. Vừa thổi, nó vừa nói :


- Anh đặt đấy cho em, lấy cốc với khay em rót cho cha, nước sắp sôi rồi...


Tôi "ờ, ờ" rồi chạy đi lấy như con rô bốt, lúc này em tôi dường như to lớn đến nhường nào. Lửa reo "tanh tách" cùng mùi thơm dễ chịu của chè, ấm áp....


Đã qua rồi...Bất giác, tôi nhìn trên tấm ảnh thờ Tít, khẽ đặt cành mai vàng thắm bên tấm ảnh...Mùi nhang tỏa ra như như tiếp cho tôi chút ấm áp để chống chọi với sự cô đơn đang giết dần từ sâu thẳm trong lòng. Ngày mai tôi quyết định nộp hồ sơ thi vào trường ĐH KHXH & NV và ngày mai cũng là ngày tôi bước sang tuổi 24.


"Đừng xem tuổi thơ như một nhát dao sắc mà hãy xem nó như vết lăn của chiếc xe cuộc đời – sâu thẳm nhưng cũng đầy thiết tha..." Tâm hồn tôi giờ đây cũng như chiếc giày bị thủng, thà để nó bị thủng chứ tôi nhất quyết không dùng đến những mảnh chấp vá xấu xa...


Xuân đang đến, gió nhè nhẹ thổi vào miền ký ức buồn của tôi. Ngoài kia, mai vàng đang nở rộ, một nỗi niềm không tên dần trôi vào vô thức.


Nguyễn Tiến Huy