Má ơi con không ngủ được
Má ơi con không ngủ được
Lúc đó má chợt hiểu: Ta không là ai cả khi không còn một liên hệ với người khác. Ta không là gì cả khi không một ai biết đến ta. Từ đó má không còn thắc mắc. Má chỉ cố hết sức trong khả năng mình gìn giữ tình liên hệ với bất cứ ai quen biết, trừ khi vì lý do nào đó má bị phủ nhận.
- "Phủ nhận" tiếng Anh là gì má?
- Ở đây má muốn dùng cả hai chữ "refuse" và "reject".
- Má nói tiếng Việt hay quá!
- Không đâu con. Má nói thường lắm. Nếu con nghe hay là vì tiếng Việt mình hay, má không biết nói sao cho dở được. Con khen mà có hiểu gì không?
- Dạ hiểu chút chút. Má nói nếu không ai biết mình thì mình buồn vì không có ai nói chuyện. Má thường dặn con phải hiểu bạn và giúp bạn hiểu mình, đừng để mất bạn.
- Con hiểu cũng kha khá. Má muốn khi nào con tự hỏi câu "Ta là ai?" thì con trả lời con là con của má, là học trò của thầy con, là bạn của bạn con, là người hàng xóm của hai ông bà bên cạnh... Tạm bằng lòng như vậy cho đến khi con lớn lên, con tìm được một câu trả lời nào thỏa đáng hơn. Con chịu không? Má chỉ biết có chừng đó.
- Dạ chịu, nhưng mà như vậy cũng còn buồn. Má không biết chứ đêm lễ Độc lập ở đây người ta đốt pháo con nghe khổ khổ trong bụng, suốt đêm không ngủ. Con đâu có tính khóc mà nước mắt cứ chảy ra. Con nhớ Việt Nam quá. Con muốn làm người Việt. Ở đây mãi thành Mỹ mất!
- Con muốn làm người thuần Việt Nam như ông bà mình thì phải về Việt Nam sống. Điều đó chưa thực hiện được. Má đã giải thích với con nhiều lần rồi. Con muốn làm người Việt Nam để làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam? Chuyện đó ở đâu làm cũng được. Con muốn làm người Việt Nam để phục vụ dân tộc con? Người Việt mình bây giờ đang ở nhiều nơi trên thế giới. Con có cả cuộc đời để phục vụ nếu con muốn. Con không bao giờ thành Mỹ cả. Con là người Việt chịu ảnh hưởng hai nền văn hóa. Má và bạn bè của má sẽ giúp con hiểu về văn hóa của xứ con. Cái chính là con phải biết lựa chọn cái hay của hai nước để học hỏi.
- Con hiểu rồi. Má nói cái đó hoài. Má nói như giảng bài trong lớp. Con chỉ muốn nói là con thấy thiếu thốn cái gì mà không nói được. Những lúc má đi vắng, nhà im lặng quá. Chung quanh người ta đóng cửa không thấy ai cả. Con nhớ chỗ mình ở hồi đó trên đường Yên Đổ lâu lâu nghe hàng xóm cãi lộn rồi làm lành với nhau cũng vui vui. Với lại người lớn ở Việt Nam thương con nít lắm.
Ở đây họ khác. Má dẫn con đến nhà ai người ta cũng chỉ nói: "Hi, con. Sao mập vậy? Sao ốm vậy?" rồi thôi. Họ lo nói chuyện mua bán nhà, mua đồ sale, quần áo, máy móc... Còn thêm cái nạn mấy đứa Việt Nam ở đây trước, thấy mình chưa biết gì khinh khinh, chơi sao được mà má biểu chơi? Con muốn về Việt Nam vui hơn.
- Má biết con buồn lắm. Ở Việt Nam con là điểm sáng của gia đình. Con là một đứa bé có tình, dễ thương, hiền hậu. Con có đầy đủ tình thương trong gia đình ngoài hàng xóm. Rồi bỗng dưng không còn gì cả. Ở đây con chỉ có một mình má. Má không thay thế được hết tất cả mọi người. Con cũng không nên thắc mắc về những người bạn nhỏ. Những gì con đã trải qua các bạn đó không được biết.
Gặp con họ cũng lúng túng khổ sở như con vậy. Con ở lâu sẽ hiểu bạn con hơn. Má thương con, thấy con thui thủi một mình mà xót xa. Nhưng mà con à, dù sao con cũng còn có má. Học trò của má nhiều đứa không có được một người thân. Mỗi lớp đều có vài ba đứa không nhìn thấy má là cô giáo, chỉ thấy má là người mẹ, gọi má là "mother" trong giờ học.
Chúng nó than với má đủ chứng sổ mũi, nhức răng, chiêm bao, ác mộng. Có đứa đã bỏ học đi bụi đời mà tình cờ gặp lại má vẫn gọi bằng "má" một cách chân thành, trách má không đem về trông nom mới thành hư hỏng. Trong hoàn cảnh này phải bằng lòng với cái gì mình đang có. Con không nên quá tủi thân.
- Tội nghiệp mấy bạn đó quá má há. Hôm đến ngủ với con, anh Hùng nói: "Em chịu khó chỉ anh học đi, mai mốt anh giỏi anh vô trường giúp lại mấy thằng dở". Ảnh người lai mà giống Mỹ quá, mấy thằng bạn con tưởng ảnh Mỹ thiệt nói tiếng Mỹ lia lịa, làm ảnh ú ớ thấy thương lắm. Con phải cứu ảnh.
- Mười sáu tuổi mới bắt đầu đến trường lần thứ nhất đó con. Lúc này cậu ta viết được cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
- Ảnh chịu khó lắm. Con thấy một chữ mà ảnh viết đi viết lại mấy trang giấy. Má à, con thấy học cực quá rồi cũng chẳng ra gì cả.
- Con nói vậy nghĩa là sao?
- Mỗi ngày trên đường đi học về, con thấy nhiều người đàn ông mặc đồ lớn, thắt càvạt, xách cặp da, đứng ngồi trong xe buýt, trông họ nản lắm. Con thấy đàn bà áo quần thiệt đẹp mà phấn son trôi hết, mắt lim dim mệt mỏi. Không thấy ai vui, ai cũng có vẻ lo lắng ráng chịu, chen chúc trong xe. Rồi con lớn lên, học đại học xong, đi làm như họ, cũng mệt mỏi chán chường như họ, con không muốn! Đến nước Mỹ để cuộc đời chỉ có vậy thôi sao?
- Con còn nhỏ con chưa biết. "Chỉ có vậy thôi" mà biết bao nhiêu người ở xứ này không làm nổi. Con đã nhiều lần chỉ cho má những kẻ không nhà nằm la liệt trong công viên, trên đường phố, đến bữa ăn xếp từng hàng dài đi lãnh phần ăn miễn phí, con nhớ không?
- Dạ nhớ. Họ ngồi quanh thư viện ở Copley đông lắm má. Ngày nào con cũng gặp. Họ xin tiền con hoài. Có nhiều người còn trẻ quá mà sao vậy hả má?
- Vì hoàn cảnh thế nào đó mình không thể biết được. Nhưng có thể cũng có những người nghĩ như con; cuộc đời "chỉ có vậy" thôi thì cố gắng làm gì.
- You got me, mom.
- Không, má không có ý muốn "thắng" con. Má chỉ muốn cho con thấy hai con đường lựa chọn đó. Thật ra còn nhiều con đường nữa. Má không biết hết. Má chỉ nói với con điều má biết. Con có thể bỏ học ngày mai rồi đi làm cũng được. Con đi làm thuê lặt vặt. Con học hỏi ngay trong cuộc đời. Người Việt mình gọi là trường đời.