Old school Easter eggs.
Lão già và ngọn lửa

Lão già và ngọn lửa

Tác giả: Sưu Tầm

Lão già và ngọn lửa

- Với một chiếc roi mây, lão đã quất thật lực vào người bà vợ. Chuyện đánh đập chỉ diễn ra hai lần. Trận đòn thứ hai vợ lão đã liệt giường.


***


Lão kiếm thêm được một khoản nhỏ nhờ việc dọn dẹp nhà cửa. Công việc là vào mỗi thứ bảy, lão thường mất gần hai tiếng để hoàn thành. Ngôi nhà mà lão phải tới để dọn dẹp có ba tầng, mỗi tầng phân ra nhiều buồng nhưng đều rất luộm thuộm. Đáng lẽ công việc dọn dẹp nhà cửa cần một người đàn bà nhưng lão đã thỏa thuận và sau buổi làm việc đầu tiên người chủ đã hài lòng. Lão được trả ba trăm ngàn để dọn dẹp ba tầng, bao gồm cả nhà vệ sinh. Đây là một món hời, thế nên lão phải làm việc thật chăm chỉ để tránh người chủ ngôi nhà đưa một kẻ lạ thế chỗ lão. Công việc là vào mỗi sáng thứ bảy nên lão hoàn toàn có thể thu xếp thời gian để làm việc khác.


Lão là người rất yêu quý đồng tiền nên chẳng lạ gì nếu ai đó thấy lão mặc một chiếc sơmi kẻ đã nhàu nát, ố vàng, chiếc quần vải cũng rách rưới và đã bạc màu. Đôi xăng đan lão mang một chiếc đã há mõm, quai hai bên cũng đứt gần hết. Chân lão rất to, gan bàn chân cũng khá dày và lão hoàn toàn có thể đi lại mà không cần giày dép. Nhưng đấy là thời trẻ, bây giờ lão đã có tuổi, rủi dẫm phải miểng chai, mảnh thủy tinh hoặc các vật nhọn khác thì chẳng phải chuyện đùa. Chân lão sẽ bị thương, nếu nặng còn có thể phải nhập viện. Lão sẽ tốn tiền và đấy đúng là điều tai hại. Thế nên lão đã dùng những sợi dây điện bọc nhựa để tròng vào hai bên, thít lại thành một cái quai dép mới. Còn việc chiếc há mõm thì thật đơn giản, lão chỉ cần vài cái đinh đủ dài để đóng hai mảnh lại. "Cũng nhọc đây, đinh thì cũng phải mua, thế là lại mất toi mấy đồng.."- Lão nói, và tặc lưỡi.


Lão già và ngọn lửa


Một ngày, hai bữa cơm đều có đậu phụ và một đĩa rau luộc. Canh rau là bắt buộc vì lão sẽ không để thừa cơm. Quãng chừng một tuần lão lại đổi món nhưng vẫn luôn xoay quanh các món đạm bạc. Chẳng mấy khi lão ăn mặn, không hẳn là lão theo đạo hoặc có khẩu vị với đồ chay. Những khi được mời ăn cỗ lão đã gắp rất nhiều thịt, chân giò ăn xong lão còn gặm tới mức nhẵn thịt. Dĩ nhiên những bữa ăn đó là phải thiện chí, không có sự nhờ vả nào liên quan tới tiền cả. Nếu đả động tới tiền, dù là lời bóng gió, lập tức lão sẽ bỏ về. Còn nếu họ đả động tới bữa ăn, vì rằng lão đã ăn rồi, thì lão sẽ móc họng để ói hết những thứ đã tống vào bụng nãy giờ.


Ngày lão rời khỏi khu phố ai cũng mừng. Đấy là chuyện mấy năm về trước, giờ họ đã quên hẳn lão dù khi thoảng lão vẫn về khu phố. Sự trở về của lão không phải để thăm thú lại một nơi đã gắn bó nhiều năm, còn mấy người hàng xóm có gặp thì lão vẫn chào hỏi. Lão sẵn sàng tươi cười với họ, nhưng nếu ai đó viện cớ khó khăn để vay tiền, lão sẽ lảng đi ngay và không bao giờ xuất hiện. Việc quay lại con phố của lão là nhằm vào cái thùng rác của nhà ông Trọng, người khá giả nhất phố.


Lão và ông Trọng chỉ là biết mặt nhau, hai người chưa từng qua lại. Bởi tính hoang phí nên thùng rác nhà ông Trọng lúc nào cũng chật cứng đồ bỏ đi. Lão ghét những ả đồng nát hoặc đám người bụi đời vì lười nhác và đói quá phải lục thùng rác. Cũng chẳng bao giờ lão định làm cái trò khỉ đó cả nhưng cái thùng rác nhà ông Trọng lại là một ngoại lệ. Trong thùng vẫn có thứ còn dùng được. Đôi khi lão lại tìm thấy trong đó một cái bật lửa vẫn còn ga, khi thì là cái màn hoặc một vài chai dầu gội vẫn còn một chút ở đáy.


Năm ngoái lão may mắn vớ được một cái chăn bông, mặc dù nó đã mất vỏ và bốc mùi do để chung với mấy hộp thức ăn nhưng thế đã là tốt. Một ả đồng nát cũng đã nhìn thấy cái chăn và nổi lòng tham. Con mụ đó định giật chiếc chăn khỏi lão nhưng lão đã đẩy ả ra. Giằng co một hồi, với sự xì xào của người đi đường ( phần lớn là cổ vũ cho lão.) ả ta đã phải buông chiếc chăn ra. Với niềm hân hoan, lão mang chiến lợi phẩm về nhà, tất nhiên tay lão đã bị trầy vì móng tay ả đồng nát khá dài và sắc. Năm đó, lão đón tết trong ấm áp.


***


Lão rất hăng kiếm tiền, ngặt nỗi những việc lão làm tạp nhạp và mang tính thời vụ. Bởi lão không giỏi kinh doanh, cũng thiếu sự bỉ ổi để có thể dẫm lên đầu người khác. Từng có thời lão làm tạp vụ trong một tòa báo, công việc của lão không thống nhất, sai gì làm nấy. Họ có thể bảo lão quét dọn phòng, vận chuyển đồ đạc, bưng nước hoặc cọ rửa toalet. Đáng ra lão sẽ được cất nhắc vào tổ bảo về, và sẽ có hậu đãi về tiền lương nhưng chính lão đã nghỉ việc.


"Ai trong số họ cũng là ông giời, và thế đấy, một tòa báo hoạt động về nghệ thuật." – Lão tự nói trong đầu - " Kệ mẹ bọn họ có tâng bốc nhau sau khi đã dè bỉu chán chê sau lưng, kệ mẹ họ đay nghiến, xỉ vả ai đấy yếu thế hơn, nhưng cái lũ người đó...Không hiểu tại sao lại lố bịch tới mức vung vít tiền vào mấy trò vô bổ. Ngày nào họ cũng nhậu nhẹt, rồi lại còn mất cả đống tiền vì mấy cái hội nghị gì đó."- Lão rít lên trong đầu mình - " Nào có hay ho gì, mấy cái họp hành đó cũng chỉ để họ ba hoa nhiều hơn. Họ mua danh bằng cách hèn hạ tới buồn cười. Nếu họ chưa từng phải tranh giành một mẩu bánh với một con chó hoang, nếu công việc của họ chưa cực nhọc tới mức phải hộc máu thì họ nào biết quý đồng tiền."


Và thế là lão nghỉ việc. Người ở tòa báo chẳng bận tâm gì nhiều vì sự có mặt của lão ở đó chỉ như một tôi tớ có tuổi. Không lâu sau lão tìm được một công việc khác. Vẫn là việc làm thuê, và lão vẫn thích thú với nó. Lão sẽ kiếm được tiền.


Lão già và ngọn lửa


Căn nhà nhỏ của lão nằm trong một khu ổ chuột cách không xa trung tâm thành phố. Cống ở đây hỏng từ lâu, tới mùa mưa nước cống dềnh tới mắt cá chân. Bởi vì ở đây rất lắm chuột mà thức ăn từ các thùng rác của hộ dân cũng chẳng thừa thãi nên chúng phải tự tàn sát nhau. Xác những con chuột bại trận, bị cắn nát vẫn thường dềnh lên cùng nước cống và các loại rác rưởi hôi thối. Nhà lão ở tít trong cùng, căn nhà nhỏ, một tầng theo kiểu nhà cấp bốn. Trải qua mấy mùa mưa tường đã lở hết, cửa nẻo thủng lỗ chỗ, sân nhà lão rộng nhưng lại chẳng trông cây hay nuôi chó.


"Trồng cây sẽ lọc không khí tốt hơn." – Một người đã nói với lão thế.


"Cần quái gì, tôi không mát tay, có khi trồng rồi lại chết khô ra."


"Cũng nên trồng vài cây, hoa jun, hoa sữa sẽ lọc được mùi xú uế."


"Rườm rà lắm. Muốn trồng thì cũng phải mua hạt giống, chậu hoa, rồi tốn cả nước để tưới cây. Tôi không bao giờ hoang phí tiền vào mấy trò vô bổ."


Lão khước từ mọi lời khuyên nhủ. Với lão, những gì tốn tiền đều đáng lo. Áo quần không bao giờ phải nghĩ đến vì lão đã gần 70, cơ thể lão sẽ không phát triển nữa. Cữ người lão gầy rộc, lại khá lùn nên rất tiện cho việc mặc loại áo ngắn. Đồ đạc trong nhà gần như trống trơn. Chỉ có một cái tủ, một cái bàn nhỏ và cái bếp than tổ ong đặt góc phòng cùng nồi niêu song chảo. Lão không sắm giường, năm này qua năm khác lão chỉ nằm chiếu. Mùa nóng lão cởi trần, vận cái quần đùi, còn lạnh hơn thì lão sẽ mặc thêm áo, đại hàn thì đã có cái chăn bông.


Lão đóng cửa nẻo lại, thắp ngọn đèn dầu lên. Lão bắt đầu đếm tiền. Số tiền lão tích cóp từ nhiều năm và cất trong ngăn tủ. Bởi vì lão là người cẩn thận, số tiền này như tính mạng của lão nên lão đã khoét một cái hốc sâu trong tường và cất tiền ở đó. Lão cũng khoét một cái lỗ ở cái tủ, vừa khớp với kích thước cái hốc trên tường. Rồi lão đẩy tủ sát vào tường, cuối cùng lão lấy miếng gỗ cắt ra từ cái tủ gắn lại. Lớp gỗ đó lão đã khổ công thiết kế để có thể lật lên được. Số tiền được giữ an toàn trong hốc tường.


Dưới ngọn đèn leo lắt, lão ngồi trên chiếc bàn nhỏ và đếm từng tờ tiền một. Cặp mắt lão chăm chú vào từng đồng một. Lão đếm rất chậm và cái đầu thì luôn ghi nhớ tới từng seri.