Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Khi người quay lưng

Khi người quay lưng

Tác giả: Sưu Tầm

Khi người quay lưng

Căn nhà nhỏ bé nằm trong hốc của con hẻm nhỏ, cửa nhà luôn đóng im ỉm, đôi khi thấy hay hắt vài giọt sáng qua khe cửa. Lũ trẻ trong xóm không bao giờ dám bén mảng đến đây, ngược lại chúng thường ném đá vào cửa nhà kêu bộp bộp.


***


"Này, chúng bây cút mau cho tao" - một giọng quát trẻ con làm bọn trẻ sợ hãi chạy biến. Thằng quát ấy chỉ chừng mười tuổi, cái đầu húi cua, dáng người còm nhom đen nhẻm. Nó mặc cái áo rộng thùng thình trễ nốt một bên vai, con mắt to tròn tỏ vẻ giận dữ.
 
Nó là trẻ lang thang, không, nó là trẻ mồ côi, không, nó có nhà, một ngôi nhà lụp xụp, nó có gia đình, một gia đình đổ vỡ. Từ mốc thời gian này tính về trước, căn nhà này tràn đầy tiếng cười, niềm hạnh phúc của ba má nó. Nó được đi học đàng hoàng cùng chúng bạn, có ba có mẹ yêu thương nó, quãng thời gian đó nó rất hạnh phúc. Nhưng cũng từ mốc thời gian này trở về hai năm trước, đó là thời khắc nó mãi mãi không quên được, để rồi hằng đêm nằm thui thủi nó ứa nước mắt tức tưởi.
 
Khi người quay lưng
 
Ba má nó lấy nhau trong cái nghèo khó, sính lễ của ba nó chỉ vỏn vẹn mấy kí gạo, còn của hồi môn của má nó chỉ là bộ quần áo lành lặn. Căn nhà này do chính tay ba nó xây nên, là tổ ấm nhỏ bé của ba người, là nơi nó sinh ra và lớn lên. Ba nó chất phác lắm, mọi người quý mến ông lắm, má nó hiền hậu lắm, bà con thương má nó lắm, còn nó ngoan lắm, năm nào cũng được học bổng. 
 
"Con trai, ngày mai là tết rồi, chúng ta đi xem pháo hoa nhé" - ba nó đặt nó vào lòng khi nó mới 7 tuổi.
 
"Hoan hô, cả nhà chúng ta cùng đi xem pháo hoa" - nó hân hoan vỗ tay.
 
"Hai cha con ra ăn nào, bữa cơm cuối năm phải ăn cùng nhau" - má nó gọi vào.
 
Nhưng bào toán cơm áo vẫn là bài toán nan giải muôn thuở, ba nó trong một lần đi phụ hồ bị chấn thương cột sống. Tiền thuốc, tiền nhà, tiền gạo và cả tiền cho nó đi học, mọi thứ đè nặng lên vai mẹ nó, tinh thần ba nó bị tổn thương nghiêm trọng. Ba nó bắt đầu uống rượu, uống từ sáng đến chiều, từ chiếu đến tối, đỉnh điểm là khi trong men say ông đánh má nó, có khi đánh luôn nó. Ông gắt gỏng, chửi bới lung tung, say khướt thì đánh vợ đánh con, nó chỉ còn nhìn ông bằng con mắt căm thù. Nó ghét ông !
 
Tết năm nó tám tuổi, ba nó dẫn về nhà một người đàn bà, trông rất giàu, rất sang và có vẻ lớn tuổi hơn ông. Nó đứng ngoài cửa không dám vào, nó thấy ba nó ép má nó cầm viết viết gì đó lên tờ giấy, nó thấy bà đó hung hăng với má nó, nó nghe hai người đó quát má nó, nó thấy bà đó ném một xấp tiền lên bàn, và, nó thấy má nó khóc. Nó nép vào khe cửa nhìn hai người kia đi ra, nó chạy đến thật nhanh ôm chầm lấy má nó, hai má con ôm nhau khóc ròng, nỗi đau, tủi nhục, mất mát xâm chiếm trái tim họ, hòa vào nước mắt tuôn trào.
 
Rồi má nó có dấu hiệu không bình thường, đêm đến bà thường nói nhảm một mình, ngày ra bà thẫn thờ như người mất hồn. Bà không có khả năng đi làm được nữa, có khi suốt ngày không ăn mà chỉ đưa mắt nhìn xa xăm, những lúc ấy nó chỉ biết chảy nước mắt mà không dám nấc nghẹn, chỉ sợ má nó nghe thấy. Nó lén mẹ nó xin thôi học, hằng ngày đi lượm ve chai, bán vé số, đi phụ giúp người ta kiếm tiền thay má nó. Chuyện này hiển nhiên nó giấu má nó rất kỹ, nó luôn sáng xách cặp đi chiều mang cặp về, ra dáng là một học sinh ngoan.
 
"Con trai hôm nay học hành thế nào?" - má nó tay cầm chén cơm ngơ ngẩn hỏi nó.
 
"Được má ạ, bài cũng dễ" - nó ngập ngừng giây lát mới đáp.
 
"Nhà mình nghéo, ráng mà học" - má nó thẫn thờ nói. 
 
Nó không đáp lại bà, nó cúi gằm mặt và cơm vội vàng, nó khóc, nhưng không dám lên tiếng. 
 
Người ta nói má nó bị tâm thần, là bà điên, đòi đưa má nó đi bệnh viện, nhưng nó luôn ngăn cản không cho. Má nó tuy tâm trí không bình thường, hay nói nhảm nhưng có làm hại ai đâu, có phá hoại làng xóm đâu mà đưa má nó đi. Bọn trẻ không chơi với nó nữa, chúng xa lánh nó, chúng gọi nó là con thằng tửng, gọi má nó là bà điên, chúng ném đá vào nhà nó, vẽ đầy tường nhà nó. Nó nhịn, nó nhịn tất, nó có làm cũng chẳng bịt miệng được thiên hạ, nó chỉ mong má nó bình an hạnh phúc qua ngày. Có người thương má nó, hay cho đồ ăn, quần áo cho nó, có lẽ lúc ấy nó mới thấy tình người ấm áp ra sao.
 
...
 
Ngày hôm ấy, người đàn bà kia đến nhà nó, trông bà ta vẫn cao ngạo như hôm nào.
 
"Tôi muốn bắt thằng nhỏ về nuôi" - bà ta nói giọng đanh đá, khinh người.
 
"Bà có quyền gì chứ, bà giựt chồng tôi rồi giờ muốn bắt con tôi sao" - má nó hoảng loạn, nói năng bắt đầu khó kiểm soát, có lẽ má nó dễ kích động hơn xưa.
 
"Dựa vào nó là con trai đích tôn của ảnh, chúng tôi có thể cho nó cuộc sống sung sướng hơn khi ở bên cô" - bà ta nói với ánh mắt sắt lạnh.
 
"Sung sướng, bà nói cho nó sung sướng, bà nói thật chứ?" - má nó hỏi bà ta.
 
"Đúng, chỉ cần cô để nó theo tôi, tôi cam đoan sẽ cho nó ăn học đàng hoàng" - bà ta nở nụ cười gian trá.
 
"Được, được, tôi đồng ý" - má nó rối rít.
 
Từ ngày ấy, má nó bắt nó dọn quần áo theo người đàn bà kia, theo bà ta đến cái nơi có sung sướng. Má nó làm sao biết cái gọi là sung sướng là như thế nào, đó là ở nhà làm việc nhà, nghe bà ta sai khiến, phục vụ hai cô con gái riêng của bà ta. Còn ba nó, là một người đàn ông nhu nhược, tuy được ăn sung mặc sướng nhưng đôi khi cũng nghe bà ta chửi mắng. Bà ta không cho nó đi học, ngược lại bắt nó đi làm kiếm tiền cho bà ta, cho đến khi nó không chịu nổi mà trốn về nhà. 
 
Tết năm nay, nó mười tuổi, bữa cơm hôm nay chỉ có dĩa rau luộc và hai cái trứng, nó nhường mẹ nó hết. Nó chỉ mới mười tuổi, cái tuổi không lo không nghĩ nhưng chính nó đã phải nghĩ rất nhiều để sinh tồn, để kiếm cơm nuôi má nó. Nó nhớ ngày nó trở về, nó thấy mấy người hàng xóm sang thăm má nó.
 
"Thằng nhỏ bây giờ ra sao?" - người ta hỏi má nó.
 
"Sung sướng lắm, bã cho nó ăn thịt cá không hà"  - má nó ngây ngô đáp. Thịt cá, ừ thì nó có ăn đó, nhưng đó là thứ thừa lại của người ta, nhưng bà ta bắt nó nói dối với má nó.
 
"Thế còn ổng?" - người ta hỏi tiếp má nó.
 
"Không biết, nghe đâu cũng tốt lắm, cũng thương thằng nhỏ lắm" - má nó nói xong rồi bần thần, có lẽ nỗi đau năm nào đã quay về cắt cứa tim bà. Nó đã khóc, khóc cho bản thân, khóc cho má nó, khóc cho cái xã hội bất công đã dồn ép má và nó.
 
Khi người quay lưng
 
Ngoài cửa có tiếng gõ cửa, nó ngỡ là hàng xóm sang chúc Tết nên nhanh chân ra mở. Vừa mới nhìn thấy người trước cửa, nó giật mình đứng sững, là bà ta, bà ta đến bắt nó sao. Nó chạy vào bên trong, bộ dáng bảo vệ má nó, người đàn bà kia đi vào, nhìn qua hai má con nó, nhìn qua thức ăn trên bàn, ánh mắt lộ lên sự nhu hòa.
 
"Hôm nay tôi đến là mong chị cho phép tôi dẫn thằng bé đi gặp cha nó" - bà ta nói.
 
"Không, bà đừng hòng lừa gạt tôi"  -nó đáp không cần má nó nói.
 
"Trước hết tôi muốn nói xin lỗi với chị về những chuyện tôi đã gây ra cho gia đình chị. Chính tôi cho đến bây giờ cũng mới thấy ăn năn" - bà ta giọng buồn sầu. "Ông ấy bệnh gan, sắp không qua khỏi, xin chị cùng cháu đi gặp ông ấy lần cuối" - bà ta nói xong thì bật khóc. Nó cùng má nó thất thần, nhìn nhau cùng trào nước mắt.
 
"Mình à, tôi xin lỗi bà" - ba nó thều thào nắm lấy tay má nó.
 
"Sao ngày xưa ông bỏ tôi?" - má nó khóc ngất.
 
"Ngày xưa ông ấy bị bệnh, biết mình không qua khỏi nên không muốn làm gánh nặng cho cô. Ông ấy tìm đến tôi, mong tôi giúp ông ấy" - bà ta đứng bên cạnh tiếp lời, lúc này má nó lại càng khóc dữ dội hơn. Thì ra thời gian qua ông ấy chống chọi với bệnh tật, muốn má con nó hạnh phúc, không muốn làm gánh nặng cho má nó. Nó trách lầm ba nó rồi sao, nó từng hận ông thấu xương, mong sao ông chết đi, nhưng sao bây giờ nó không muốn ba nó chết chút nào. 
 
Ba nó trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, má nó khóc đến ngất trong lúc đó. Bà đã trách lầm ông, cũng từng hận ông, nhưng giờ đây tình yêu đã chết lại quay về, bà thương ông biết bao. Bà lao đi như không phương hướng ra khỏi bệnh viện, đến giữa ngã từ thì một chiếc xe tải lao đến, khi nó đến chỉ thấy bà nằm giữa vũng máu. 
 
Giờ đây quỳ trước hai di ảnh, trong lòng nó trống rỗng, nước mắt không còn chảy được nữa.
 
Ba má ơi, hạnh phúc nhé!