Đi theo lời của gió
Đi theo lời của gió
- Lũ đó anh. - Trúc hổn hển giải thích cho hành động bất ngờ vừa rồi khi thấy cậu vểnh tai nghe ngóng.
Lũ đổ dồn vào thung, đồi bắp phía đường đi của nó bị dọn sạch gốc. Nước xoáy quanh trường. Bốn cô gái lo lắng đứng dưới mưa nhìn về phía trường. Lũ cao gần tới nóc, mà trong trường còn nhiều thứ chưa lấy ra. Gần sáng thì lũ rút.
Trúc với cậu trải học bạ ra sân phơi, Mun, Cúc và Liên dọn lại các lớp. Cơn lũ qua đi, chật vật và khổ sở. Với cậu, đây là lần đầu, nhưng với bốn người kia, có thể đã là lần thứ mười mấy.
Anh nhân viên phòng giáo dục tới, đưa cậu tờ đơn. Cậu sững sờ khi biết mình bị rút đi nơi khác. Ở đây, dù khổ, dù cực, nhưng có tình cảm. Ở đây, cậu thấy được nhiệt huyết của Liên, Mun, Cúc, Trúc. Và còn nhiều cái ở những đứa học trò mà cậu thấy thích.
Bốn cô gái tiễn cậu lên đồi, Mun bẻ cho cậu một bông bắp:
- Đem cái này theo nha anh, mai mốt nhớ về thăm tụi em.
Chị Liên ngậm ngùi:
- Đợt này có đi ngang Sài Gòn phải không, đi ngang nhìn cảnh giùm chị, lâu rồi chị chưa về.
Cậu tạm biệt họ rồi đi ngược hành trình hôm trước, xe thồ, xe ôm, rồi xe lửa. Về Sài Gòn, cậu cố nhìn cảnh, rồi bằng hình thức nào đó cố gửi nó về cho Liên. Xong, cậu bắt xe đò về Đồng Tháp.
Cao Lãnh mùa nước nổi. Gió chướng đẩy nước từ sáu cửa biển vào, còn sông Mê thì vẫn bình tâm thả nước từ thượng nguồn xuống. Nước bị ứ đọng, tràn sang các ấp, nuốt trọn những cái đầm sen. Nhưng cái trường mới của cậu thì coi ra vẫn nghiễm nhiên trước những thứ đó. Người ta xây trường trên một cái gò cao, và cậu nghĩ ở đây chắc ít phải đi phổ cập giáo dục, nếu không cái trường đã không cao kiểu đó.
Trường có ba giáo viên, Thạnh là người đi xuồng đón cậu lúc cậu mới bước chân xuống đường cái. Thạnh kể trường không đông lắm, tụi học trò khá ngoan, giăng lưới bắt cá giáo viên cũng ăn đủ.
- Có điều mùa nước phải bơi xuồng, vậy thôi!
Hai giáo viên còn lại là Nụ và Hương, quê ở Cao Lãnh. Còn Thạnh quê ở Cần Thơ, cũng bị chuyển công tác như cậu. Vừa về tới, Nụ đã kéo cậu:
- Anh anh, đi gỡ lưới cá.
Nụ bơi xuồng ra xa gò trường, cậu hơi sợ khi thấy xuồng chông chênh.
- Cá ở đây nhiều lắm, tụi em ăn không hết, có lúc còn cho học trò.
- Ở đây có sen không?
- Hết rồi, nước rút tụi nó mới mọc lại. Đẹp lắm, mai mốt em dẫn anh đi.
Cá tép được nửa thùng sơn lớn. Tối đó, cậu ăn cá linh, và mấy lần mắc cổ vì thứ cá này xương quá nhỏ.
Sáng, cậu dạy học. Những đứa trẻ long lanh đôi mắt tròn, ngoan ngoãn đọc từng chữ cậu dạy. Cậu thấy nhớ Nạm Kha, giờ này chắc Liên, Mun, Cúc và Trúc cũng đang dạy, chắc Liên phải trở lại dạy hai lớp. Và cậu tội chị khi chị làm việc quá nhiều.
- Anh thấy tụi học trò sao? – Hương hỏi cậu.
- Ngoan, ngoan hơn ở Nạm Kha, mấy đứa ở Nạm Kha phải nói dữ lắm tụi nó mới chịu nghe.
- Thì mấy đứa này cũng vậy, lúc đầu quậy quá xá, Thạnh còn làm không nổi, em với con Nụ nói về méc cha mẹ tụi nó, đứa nào đứa nấy im re. Tụi nó sợ đòn. Ở đây ai cũng "mày phải đi học đặng khỏi làm ruộng" hay "mai mốt cá chết hết, không học sao sống". Bởi vậy dễ dạy lắm.
Và cậu dạy miệt mài hai tháng, nước vẫn chưa rút. Nhưng những ghe vải, ghe kẹo đã bắt đầu mon men tới các nhà dân. Thạnh nhắc cậu, Tết rồi đó anh.
Mẹ cũng nhắc cậu tới Tết rồi đó ông con, về không? Cậu trả lời có, nhưng nghe truyền hình nói đang có bão hướng vào phía Nam, đợi bão tan rồi về.
Bão tan, ba mươi Tết, không còn vé xe. Vậy là cậu phải ở lại. Mẹ hơi buồn nhưng cũng :
- Chịu chứ sao, mai mốt về cũng được, gần mà.
Nụ kêu cậu lại nhà cô ăn Tết, ở trong trường buồn. Tết ở nhà Nụ ghế bắt từ trong ra ngoài, người ta đi trên ghế, dưới đất nước ngập chân. Má Nụ đãi cậu với Thạnh củ kiệu, thịt kho, bánh tét và vài trái dưa hấu bà mua của mấy ông bán trên ghe. Nhà không giàu, nhưng được cái ấm cúng, nhờ vậy cậu đỡ nhớ nhà.
Qua Tết, buổi dạy đầu tiên, cậu lại nhận được đơn chuyển công tác. Về Cà Mau. Ba người kia nhìn cậu bùi ngùi. Cậu cũng bùi ngùi. Cậu không ngại đi, nhưng ngại bỏ lại những kỷ niệm ở chỗ này. Chắc đi sẽ nhớ mọi người, nhớ ba má Nụ và những đứa học trò mới dạy được hai tháng.
Ngày đi, Nụ ngắt cho cậu một nhánh bông điên điển:
- Nhớ về thăm tụi em, đừng có quên nha. Anh ăn hết cái Tết ở nhà em rồi đó.
Cậu nhớ lời dặn của Mun hôm trước, và nghĩ khi nào giàu sẽ tụ họp giáo viên hai trường đi chơi xả láng.
Thạnh lại là người bơi xuồng đưa cậu ra đường cái, nhưng lần này anh buồn và có hơi bần thần.
- Nhớ lo cho hai đứa con gái, ba đứa ráng dạy cho tốt nghe.
- Anh đi mạnh giỏi.
Vậy là cậu bắt xe xuống Cà Mau, vừa tới trường, người ta đã dẫn cậu đi tham quan Mũi Cà Mau. Một chiếc xe du lịch mười sáu chỗ cho thấy mức độ sang trọng của cái trường mà cậu sắp dạy. Trường có hiệu trưởng hẳn hoi, mười hai giáo viên già trẻ. Cậu không hiểu bà giám đốc ngớ ngẩn ra sao lại cho cậu dạy trong một cái trường tốt như vầy.
Tới Mũi, Khánh gọi:
- Má ghẻ mày chết rồi, té chỗ An Sương, ông tài xế taxi say sỉn làm sao mà đâm vô trụ cầu vượt. Chú tao mới lên thế bả. Sao, về không, tao xin cho về.
- Không, tao biết tao cần cái gì rồi.
Đúng, cậu đã biết cậu cần cái gì. Trẻ con Sài Gòn vẫn có thể du học nếu không có cậu, ở đó quá thừa giáo viên. Nhưng trẻ con vùng sâu nếu thiếu thầy sẽ không qua nổi đại học, và nếu nghèo sẽ cứ nghèo mãi, cực sẽ cứ cực hoài.
Cực khổ, gian truân không là tất cả. Như cái mũi đất trước mặt cậu đây, dù mấy ông nhà khoa học dự đoán vài chục năm nữa cả cái đồng bằng này sẽ chìm trong nước thì mỗi năm nó vẫn giành biển một trăm mét chiều dài. Vậy thì tại sao cậu không vượt qua và đi tới.