pacman, rainbows, and roller s
Chuyện một người lính đặc công không quen biết

Chuyện một người lính đặc công không quen biết

Tác giả: Sưu Tầm

Chuyện một người lính đặc công không quen biết

Ngày xưa khi đọc Vũ Cao


"bảy năm về trước, em mười bảyanh mới đôi mươi, trẻ nhất làng..."


tôi thấy thời gian bảy năm thật là dài. Vậy mà hôm nay, khi nhớ lại câu chuyện này, tôi giật mình nhận ra hai mươi bảy năm đã trôi qua. Tôi gặp người lính đặc công đó trong không quá hai tiếng, và hai mươi bảy năm sau vẫn nhớ.


***


Chuyện một người lính đặc công không quen biết


Ngày đó, Hà Nội còn nghèo và đám thanh niên mới lớn chúng tôi không có gì để giải trí nhiều ngoài chuyện xem phim chưởng, tập tành võ nghệ và đánh nhau (nếu dám). Hồi đó, tôi cũng học võ. Bọn tôi tập ở cung Việt Xô. Khi tập xong, bọn chúng tôi, khoảng chục đứa, thường mặc nguyên võ phục mà đạp xe về.


Tôi gặp người lính đặc công đó trong một lần chúng tôi về qua đường đê La Thành, đoạn từ Ô Chợ Dừa về trường Cao đẳng nhạc hoạ. Đoạn đó có các cửa hàng bán sắt xây dựng và những người bán hàng khi sắp xếp lại sắt cây thường kéo các cây sắt ra tới nửa đường. Người nào đi đường mà không để ý sẽ dễ bị tai nạn. Hôm đó chúng tôi về qua đó là khoảng 9, 10 giờ tối. Đường vắng và các cửa hàng hầu hết đều đã đóng cửa. Thế nhưng có một cửa hàng vẫn đang dọn hàng. Đường vắng nên những người bán hàng coi đường như sân nhà họ. Khi chúng tôi cách đó khoảng 20 mét, chúng tôi thấy một anh bộ đội đang đạp xe qua bị một thanh sắt chắn ngang người khiến cho anh ngã ngửa ra đất. Chiếc ba-lô cũ anh buộc sau xe rơi bịch xuống đất và vỡ bung trên đường. Từ chiếc ba-lô đó, các củ tam thất bung vãi ra khắp mặt đường.


Ba thanh niên hàng sắt thấy anh ngã ngửa thì cười phá lên và tiếp tục đảo sắt, họ không hề có một ý xin lỗi nào cả. Anh bộ đội gượng ngồi dậy, không oán trách những người vô ý thức kia một tiếng mà dựng chiếc xe đạp lên, đặt nó vào vệ đường và dùng tay vội hốt những thứ rơi vãi trên đường vào chiếc ba-lô. Anh hấp tấp, vội vã, lui cui dưới đất để hốt các thứ đó nên vướng chân mấy thanh niên hàng sắt. Một người khi vướng vào anh đang ngồi xổm nhặt tam thất liền chửi thề và bảo anh biến đi cho rộng chỗ họ. Anh bộ đội nhìn lên rồi bảo "để cho em nhặt nốt chỗ này không phí lắm", rồi lại cúi xuống nhặt tiếp. Một thanh niên khác đi ra và bất ngờ đá một cái vào đầu người lính. Anh ngạc nhiên nhìn lên và lắp bắp "để, để em nhặt một chút thôi!" Người thanh niên kia chửi thề "mẹ cái thằng nhà quê này, bướng à!" rồi đấm tiếp vào mặt người lính. Anh bật ngưả người né cú đấm và vẫn lắp bắp "sao lại đánh em!" Hai tay thợ sắt còn lại ùa ra cùng tay kia đấm đá bình bịch như giã giò vào người anh. Anh lính chỉ đỡ, không đánh lại mà chỉ la "tại sao lại đánh em? tại sao lại đánh em?" Mấy tay thợ sắt vừa đánh vừa nói "mày là bộ đội mà láo với dân thì bọn tao đánh mày".


Lúc đó, gần chục đứa tập võ chúng tôi đứng sững người xem và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Có thể những người thợ sắt đã có một ngày dài mệt mỏi và họ muốn trút bực vào đâu đó. Thế nhưng việc họ xúm vào đánh người lính một cách bất công làm cho chúng tôi không hiểu nổi. Thế rồi, anh lớp trưởng của tôi hô to lên "chúng nó đánh bộ đội anh em ơi. Đánh bỏ mẹ chúng nó đi!" thì lũ chúng tôi, đứa nào cũng tuốt côn nhị khúc ra khỏi túi đồ. Tất nhiên, chẳng cần nói thì các bạn cũng biết là ba anh thợ sắt ôm đầu máu bỏ chạy. Anh lớp trưởng tôi, kinh nghiệm đánh nhau đường phố nhiều, thấy ba anh thợ sắt chạy mất thì hô to "chạy thôi, chúng nó về lấy đao đấy". Chúng tôi nhảy phóc lên xe và phóng được chục mét thì dừng lại - anh lính vẫn đang vội vã hốt nốt chỗ tam thất vào ba-lô. Anh lớp trưởng của tôi kêu to "con lạy bố, chạy đi, chúng nó mang đao ra phay hết cả lũ bây giờ". Anh xua tay "các anh chạy đi, em hốt cho hết kẻo phí. Em không sao đâu". Đúng là dở khóc, dở cười. Chúng tôi lo ngay ngáy đợi cho đến khi anh hốt xong rồi cùng chạy.


Khi đã yên vị ở một cái quán chè chén cách xa chỗ đánh nhau, chúng tôi mới hỏi chuyện anh và trách anh là chỗ tam thất đó có đáng là bao mà phải cố hốt, bọn kia nó quay lại đánh cho thì khổ. Anh hồn nhiên bảo "các anh cứ chạy chứ em ở lại cũng không sao đâu. Mấy thứ đó của anh em đơn vị gửi làm quà nên không bỏ được". Chúng tôi hỏi là không sợ bị đánh đau à. Anh cười hồn nhiên bảo là đánh thế không ăn thua gì với anh ấy. Đến lúc đó, chúng tôi mới hỏi trong bộ đội, anh ấy ngành nào và làm gì ở Hà Nội. Anh ấy bảo là thuộc binh chủng đặc công và về Thủ Đô thi võ thuật toàn quân. Hỏi anh ấy được giải không thì anh ấy bảo là được giải nhất và vì thế anh ấy mới được phép rời doanh trại. Chúng tôi chỉ thiếu nước ngã bổ chửng và lúc đó mới hiểu là mấy tay thợ sắt đánh anh ấy như bổ củi mà quả thật anh ấy chẳng sao cả. Đến lúc đó, anh lớp trưởng của tôi hỏi là sao anh ấy không đánh lại đám kia. Anh cười hiền lành và nói "bọn em có võ là để đánh giặc chứ ai lại đánh dân". Sau đó bọn tôi chia tay, anh về nhà người quen ở khu Thành Công.


Hai mươi bảy năm đã qua kể từ ngày đó. Giờ này chắc anh lính đặc công đó, nếu còn ở trong ngành thì chắc đã lên cấp tá và đã là chỉ huy. Tôi không biết tên anh, tên đơn vị của anh. Tôi nhỉ nhớ là anh nói ngọng, tiếng như người vùng Hải Dương. Điều đặc biệt mà tôi nhớ là anh nói anh thuộc quân khu Tả Ngạn. Quân khu tả ngạn, cái tên đó dùng từ thời chiến tranh chống Mỹ và khi quân khu này hợp nhất với quân khu hữu ngạn, anh vẫn còn là một cậu bé. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao anh dùng từ đó.


Hai mươi bảy năm đã qua, đôi khi, như ngày hôm nay, đêm trước ngày sinh của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, tôi lại nhớ về anh, người lính đặc công vô danh của quân khu Tả Ngạn, người đã bằng chính hành động của mình dạy cho tôi về tinh thần của người lính quân đội nhân dân. Và đến giờ, tôi chưa bao giờ hối hận là lũ chúng tôi đã đập vỡ đầu mấy tay thợ sắt đó. Chiến sỹ quân đội nhân dân không chống lại nhân dân, nhưng chúng ta cũng phải bảo vệ họ trước những kẻ côn đồ lợi dụng chuyện đó.


Cuối cùng, chúc mừng tất cả những người đã, đang và sẽ là chiến sỹ của quân đội nhân dân nhân ngày thành lập quân đội. Chúc các anh chắc tay súng để mãi là thành đồng bảo vệ Tổ Quốc.


Bao Anh Thai


(https://www.facebook.com/baoanh.thai)