12 chiếc bánh flan
12 chiếc bánh flan
"Có một bộ phim, tao xem lâu lắm rồi, nhưng tên phim thì là cái mẹ gì tao cũng không nhớ nữa. Đại khái nói về một nhà chuyên làm bánh truyền thống ở Nhật. Eo ơi, người Nhật coi trọng chữ tín kinh khủng khiếp. Tóm lại là rất gàn dở. Gàn dở nhưng mà ...hay."
Đó là một bộ phim truyền hình Nhật chiếu trên ti vi ta cách đây nhiều năm. Bộ phim kể về một gia đình có nghề truyền thống làm bánh. Cửa hàng bánh của họ rất có uy tín, và để tồn tại qua nhiều thế hệ, họ đã trải qua rất nhiều gian nan thử thách.
Cũng như các nước nhanh phát triển trên thế giới, nước Nhật cũng mỗi ngày một thay da đổi thịt. Trong bối cảnh đó, cửa hàng bánh đã chênh chao đứng ở gianh giới giữa truyền thống và hiện đại. Để bắt nhịp với thời cuộc, họ đã sản xuất bánh với số lượng đại trà, đổi mới các công thức chế biến, đem lại một cuộc cách mạng về bánh. Khách hàng cũng đón nhận rất nhiệt tình những thành quả ấy.
Nhưng ...cuối cùng, chính khách hàng lại quay lưng. Họ đã đi qua cơn say nắng, và khi tỉnh lại trong bóng râm, họ nhận ra rằng họ không thể chấp nhận thứ bánh sản xuất đại trà bởi những cỗ máy công nghiệp, thiếu "tâm huyết", "tình cảm" của một con người.
Khi đó, nhiều người xem phim cho rằng có lẽ người Nhật quá khó tính không chỉ trong lĩnh vực ẩm thực, mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa. Làm sao họ cứ phải tự làm khổ mình chỉ vì mấy thứ gọi là truyền thống chi cho mệt. Cứ cho rằng nước Nhật để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách quốc tế chính vì họ đã gìn giữ văn hoá truyền thống của mình như báu vật, nhưng trong khi đó nước Mỹ đâu có cần văn hoá truyền thống mà vẫn hoành tráng toàn cầu đấy thôi...Nói chung là người ta đã bực mình với nhân vật trong phim và liên hệ thực tế như thế.
Kim hay chơi ác. Khi cảm thấy mình đang dắt mũi ai đó, Kim luôn muốn dồn họ đến cùng.
Ngày nọ, Kim bày một trò mới. Nhân khi "mẹ" lơ là, Kim lẻn đi rất nhanh. Nhưng không phải đi xuống nhà dưới, mà trốn vào sâu trong phòng ngủ. Từ bên trong, Kim có thể nhìn rất rõ những việc "mẹ" làm."Mẹ", hỡi ôi, giống hệt một kẻ tham lam nào đó bị kẻ trộm cuỗm sạch sành sanh số tiền vàng nhiều năm ki cóp.
Điều Kim ít ngờ đến là "mẹ" lồng lên gào khóc. Nhưng lạ là "mẹ" không chạy xuống nhà dưới tìm Kim, mà vật vã trên sàn. Kêu khóc một hồi, đột nhiên "mẹ" chạy ra lan can, cứ thế móc tay vào những mắt lưới sắt mà giằng mà giật. Ý chừng muốn nhảy xuống bên dưới mà những mắt lưới chết tiệt không chịu tránh ra. Khi bà Hồng chạy lên đến nơi, "mẹ" đã rũ xuống, miệng sùi bọt, như thể vừa uống một chai thuốc sâu kịch độc.
Bà Hồng bảo, mỗi khi lên cơn nhớ San, "mẹ" thường tìm cách nhảy lầu. Lạ là chả bao giờ "mẹ" thành công. Cứ như San vô cùng linh thiêng, xui khiến người ta đến cứu mẹ cô ta kịp thời. Rồi lại chính anh con cả đưa ra sáng kiến vây lưới sắt quanh tầng năm của "mẹ". Từ ngày có lưới sắt, cả nhà họ yên chí hẳn, vì "mẹ" chỉ có một cách muốn chết là nhảy lầu thôi.
Có lần độc diễn xong một tích chèo ngắn, trả lời câu hỏi lớ ngớ của Kim, "mẹ" trách Kim mau quên. "Mẹ trước làm ở đoàn văn công Sao Mai, toàn thủ vai nữ chính. Gặp và lấy bố con mới thôi đấy."
Rồi "mẹ" ngồi thụp xuống, vuốt má Kim, thình lình khóc, nước mắt ròng ròng.
"Bố con hát chèo hay nhất đoàn cơ đấy."
Một hôm khác, sau khi hát xong, "mẹ" đột ngột buồn hiu: "San à. Bố con ghét đàn hát xướng ca biết bao. Ông ấy chỉ giỏi tán gái, cái mồm dẻo có chòi có chóp. Không thế làm sao lấy được vợ văn công..."
Lâu dần, Kim mơ hồ về câu chuyện mơ hồ của "mẹ". Sống với người mơ hồ mãi, không khéo Kim lây rồi cũng nên...
...Thực tình, việc trêu chọc khiến "mẹ" "lên cơn" sùi bọt mép làm Kim sợ. Mà bà Hồng thì như kì đà, thình lình cản đường thoái lui của Kim. Nép chặt vào tấm ri đô cuối góc phòng, Kim nín thở chờ mọi việc chậm chạp trôi qua.
Căn phòng rộng, chia làm hai ngăn nhỏ, một ngăn làm "phòng khách", đặt ti vi, các đồ dùng, thiết bị khác, một ngăn chỉ để giường ngủ, tủ quần áo, bàn viết. Có lẽ đây chính là nơi bí mật mà gã từng cảnh báo Kim trước đây.
Phòng ngủ sang trọng, nhưng vẫn phảng phất một mùi gì đó. Không phải mùi hôi, mà là một thứ mùi khó tả. Có thể đó là một mùi đặc biệt của sự mơ hồ, cô đơn, sầu muộn.
Việc khiến Kim hoảng sợ hóa ra bà Hồng xử lí quá đơn giản. Bà ta chỉ việc đỡ chủ của mình vào phòng, lấy khăn ướt lau miệng, mặt mũi cho chủ, rồi dỗ chủ đi nằm. Sau đó bà ta mở đầu đĩa, cho quay ới a một chương trình hát chèo.
Thế là "mẹ" ngoan ngoãn nằm im như một em bé. Lúc sau đã ngủ.
Còn lại một mình, Kim vẩn vơ trong căn phòng, và rồi một ý nghĩ thôi thúc sự tò mò vốn chìm sâu trong tiềm thức - ở đây là hoàn cảnh tạo nghiệp chướng - Kim bắt đầu muốn chạm tay vào những thứ mà Kim nghi nó chứa những bí mật có liên quan đến người đàn bà kì lạ đang ngủ kia.
Trên chiếc bàn giấy được điểm trang bởi một bình hoa hồng, Kim thấy vài bức ảnh lồng khung kính.
Ảnh chụp "mẹ" khi còn trẻ. Rất xinh, trong bộ lụa sân khấu, hay xiêm y của một công chúa cổ xưa. Mọi người thường hay nịnh bợ bản thân một cách quá đáng, họ hay trưng những bức ảnh thời trẻ đẹp để gặm nhấm những dư vị ngọt ngào nuối tiếc. Mấy bức ảnh kiểu này Kim đã thấy treo dưới phòng khách. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Đáng ngạc nhiên là một bức ảnh chụp "mẹ" bên một cô gái nhỏ. Cô gái gầy gò, đôi mắt mở to, cái miệng nhỏ xinh, hình trái tim như mỹ nhân trong tranh.
Hẳn đó là San.
Bà Hồng cũng không phải người trung thành tuyệt đối với chủ. Khi chỉ có Kim, bà ta vẫn nói xấu chuyện nhà chủ như những người thích ngồi lê khác. Chẳng hạn như vợ chồng anh cả lười chảy thây, ăn chơi như phá mả. Cô con gái út mấy lần hút thai, giàu mà toàn chơi với mấy thằng ngu. Hay bản thân ông chủ xuất thân cũng vớ vẩn, chỉ giỏi mồm mép và đi lên từ lừa lọc. Nghe đồn ông đã dùng thủ đoạn "kiến tha lâu cũng đầy tổ" (chả biết Tôn Tử binh pháp gọi là kế gì) đục khoét toàn bộ gia sản của một người bạn có vợ chết trẻ (đến nỗi ông này phát điên ( lại điên ) và chết trong cô độc) để làm nền tảng bước vào thương trường. "Kiến" này đương nhiên không phải ông, mà là...vợ ông. Người vợ văn công xinh đẹp...
Mà ông bạn xấu số này không phải là trường hợp duy nhất.