Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Yêu tinh rừng sâu

Yêu tinh rừng sâu

Tác giả: Sưu Tầm

Yêu tinh rừng sâu

Từ nhỏ tôi vốn khác người, không thích nghe kể truyện cổ tích mà chỉ thích chuyện ma. Đây là một câu chuyện đời xưa mà tôi được nghe bà ngoại kể lại.


***


Cũng giống như những lần khác, bà ngoại tôi luôn khẳng định chuyện này có thật. Nhân một lần về quê gần đây, tôi lại cố đi hỏi những người bà con gần nhà. Và thật bất ngờ khi bọn họ cùng xác nhận chuyện mà bà ngoại tôi kể là sự thật. Tuy có nhiều dị bản khác nhau, nhưng nhân vật chính đều cùng là một bà già. Bà ta già lắm rồi, sống lâu đến nỗi đã biến thành yêu tinh. Một con yêu tinh ăn thịt người.


Yêu tinh rừng sâu


Chiến tranh Việt Nam, mà lịch sử nước ta gọi là Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 - 1975) là giai đoạn thứ hai và giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh Đông Dương (1945 - 1979). Hai bên cuộc chiến bao gồm Việt Nam Cộng hoà ở miền nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền bắc. Tuy nhiên, tham chiến trực tiếp còn có các đồng minh khác của Việt Nam Cộng hoà như Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines. Ngược lại, miền bắc nhận sự viện trợ mạnh mẽ của các nước khối Xã hội Chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc.


Sự kiện tết Mậu Thân năm 1968, quân giải phóng tung ra trận Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền nam, đánh vào hầu hết thành phố, thị xã và căn cứ quân sự của Mỹ. Sau đó là chiến dịch xuân hè 1972, quân giải phóng liên tục chọc thủng ba tuyến phòng ngự quan trọng Trị Thiên, bắc Tây Nguyên và miền đông nam bộ. Hiệp định Paris 1973 là hiệp định chấm dứt chiến tranh với sự ra đi của quân viễn chinh Hoa Kỳ, kết cục chiến tranh Việt Nam đã rõ ràng.


Trong thời kỳ đó, gia đình bên ngoại của tôi sống ở vùng Nhựt Ninh, tỉnh Long An. Vốn từ đời ông cố ông xơ cả dòng họ đều làm ruộng, ông ngoại tôi lại là một tài công, lái xe ở tận vùng Bà Rịa, Vũng Tàu. Nhưng do tính hay lo xa và cái khoản dũng khí không được nhiều, ông thường hay chuyển đổi chỗ ở và nghề nghiệp. Phần lớn lý do là muốn tránh xa vùng chiến trận.


Làm lái xe nên quen biết nhiều, cũng hóng được tin tức nhanh hơn kẻ khác. Hễ ông ngoại tôi nghe ở đâu có đánh nhau là dắt díu vợ con trốn biệt. Thế nhưng nơi nơi đều có lính Cộng hoà, chỗ chỗ đều có quân giải phóng. Buổi sáng ông có thể lái xe chở người của quốc gia, tối tối lại cho quân giải phóng đi nhờ. Thậm chí cả cơm gạo, chăn mền ông đều không tiếc cho đi hết, nói tóm lại ông là một người sống tốt với tất cả các bên.


Yêu tinh rừng sâu


Thập niên bảy mươi, chiến trường miền nam đang tới hồi ác liệt nhất. Ông ngoại tôi bỏ thành thị, dắt díu cả nhà chạy tuốt xuống miệt Sóc Trăng. Ở đây ông hành nghề đi ghe chở hàng với mấy cậu. Bà ngoại, cùng mẹ tôi và các dì thì dựng nhà ở Bờ Xán cách Ngã Năm chừng chục cây số. Lại tiếp tục hay tin Sài Gòn đã giải phóng, ông ngoại tôi đuổi cả nhà chạy tới vùng Cạnh Đền. Vốn chỉ là người dân lương thiện, nhưng ông ngoại tôi lại có lá gan bé xíu. Nghe người ta đồn quân giải phóng vào rồi sẽ bắt người dân đi đến vùng kinh tế mới hết trơn.


"Đi kinh tế mới thì toàn đến vùng đồng khô cỏ cháy, cả lá chuối khô cũng không có mà ăn." Chính vì nghe đồn ác nghiệt như vậy, ông ngoại tôi mới có ý định "đón đầu dự án", chạy vào vùng hẻo lánh mong tìm trước một khu đất tốt để mà khai khẩn vỡ hoang.


Mẹ tôi và các dì thì khóc tấm tức như mưa, trước giờ họ chỉ sống ở thành thị, nào có biết gì về nghề nông, nghề ruộng. Thế nhưng ông ngoại tôi dù có nhát thì tính tình vẫn vô cùng gia trưởng, một lời ông đã quyết thì cả nhà đều phải dỡ lá dọn đi.


Gả con về xứ Cạnh Đền,Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh.


Nghe câu hát đó vẫn còn chưa đáng sợ bằng trải nghiệm thức tế. Mẹ tôi kể vùng này tựa hồ như rừng, như nơi tận cùng của thế giới. "Đất rộng người thưa, ma quỷ hoành hành. Mỗi nhà cách nhau một tiếng hú." Mà cái tiếng hú giữa rừng nước mênh mông thì phải vang xa đến biết chừng nào. Đơn vị đo khoảng cách độc đáo như thế chắc chẳng nơi nào có được.


Ấn tượng thứ hai là xứ này dường như không phải rừng hoang núi sâu chưa có người khai phá. Hàng trăm mẫu đất đã bị cày xới lên liếp thẳng hàng dài thăm thẳm suốt cả cây số. Không sức người hay máy móc nào vào thời kỳ đó lại có khả năng tạo nên công trình kỳ vĩ đến vậy. Nghe kể về chuyện này, tự dưng tôi lại nhớ đến mấy những hình tròn bí ẩn đã xuất hiện tại Anh, Mỹ hay châu Phi ... Liệu đó có phải là những dấu vết bí ẩn mà UFO đã để lại ở Việt Nam?


Câu trả lời mới thật làm tôi chưng hửng. Toàn bộ người dân ở Cạnh Đền đều nhất mực tin rằng đây là dấu vết do quân đội của vua Gia Long để lại. Nghe kể ngày xưa vị vua này đã tháo chạy đến đây, địa danh Cạnh Đền cũng chỉ vùng đất ở cạnh đền của vua mà có. Cậu tôi kể thêm vào là sau giải phóng có người đã đào được vàng ở gần chỗ nhà gia đình ngoại tôi sống. Đó một chiếc mũ miện công chúa gì đó, đã được bán đi ngay. Nói tóm lại là vô phương truy cứu. Nếu thật có việc này, chắc hẳn Cạnh Đền đã được xếp vào di tích cấp quốc gia mất rồi.


Nhưng trong phạm vi câu chuyện, tôi xin không bàn cãi về cái "thật" của những lời đồn kể. Nếu có thể tìm ra chân tướng của toàn bộ mọi thứ, thì còn gì là sự quyến rũ bí ẩn của những câu chuyện ma.


Nói tóm lại, Cạnh Đền trong câu chuyện của tôi là một vùng rừng thiêng nước độc, ma quỷ hoành hành. Mà nói đến cái kiểu lộng hành của quỷ thì cả dòng cả họ tôi, ai cũng đều có thể kể được vài dăm ba chuyện mà tự mình đã trải nghiệm.


Yêu tinh rừng sâu


Cậu của tôi thời ấy còn trẻ cũng là một tay lực điền nổi tiếng gan dạ nhất xóm. Sống ở Cạnh Đền người ta năm giờ đã về nhà, sáu giờ đã rút vào mùng chuẩn bị ngủ, ấy vậy mà ổng vẫn còn hay lê la ở nhà hàng xóm nhậu. Nói hàng xóm chứ thật ra hai nhà cũng cách nhau vài cây số. Có chuyện gì nhà này hét khản giọng thì nhà kia mới nghe được phong phanh.


Say xỉn trở về nhà, cậu tôi nhìn thấy từ đằng xa có một bóng người đi bên bờ ruộng. Sống cùng một vùng không nhiều người nên ai nấy đều quen biết với nhau hết. Cậu tôi dự định đến gần chào một tiếng, nhưng người kia cứ đi đằng trước mãi, có gọi cũng không dừng. Chẳng biết có phải do rượu hay tính tò mò mà cậu tôi kiên quyết đuổi theo cho bằng được.


Từ rảo bước nhanh cho đến chạy vội, ông vẫn không đuổi kịp người bước đi khoan thai trước mặt. Tức mình, ông lấy dép chọi người ta một cái. Người đi phía trước dừng lại, ông cậu tôi hả hê chạy lại gần để xem đó là ai.


Kết quả là ngày hôm sau, nhà tôi tìm thấy ông bị giấu trên đọt cây, miệng bị nhét đầy đất sét không thể nói chuyện được. Đến khi đưa ông xuống đất, moi hết đất sét trong miệng ra, ông vẫn bần thần chưa tỉnh. Mấy ngày tiếp nữa mới có thể dần dần nói chuyện được, nhưng có hỏi thế nào ông cũng chỉ nhớ được đến khúc lấy dép chọi người ta...


Chuyện của cậu nhỏ tôi thì không li kỳ khúc chiết đến vậy. Cậu tôi lúc đó mới mười mấy tuổi đầu, ngoan ngoãn hiền lành cũng không có chọc phá ai bao giờ. Chỉ có một đêm cậu tôi cùng bà ngoại đi xăm cá thì đột nhiên gặp được một đàn tôm lớn. Tôm nhảy soi sói dưới bùn chỉ cần đưa tay là có thể chụp trúng mấy con. Hai mẹ con hí hửng bắt cho đầy giỏ rồi chạy về nhà lấy thêm đồ ra đựng.


Nào ngờ khi trút tôm ra thau thì chỉ thấy toàn bùn đặc đen chảy lệt bệt xuống. Cả một cái râu tôm cũng tìm không ra chứ đừng nói đến con tôm. Ấy mới có thể thấy quỷ quái lộng hành trêu ghẹo con người đến cỡ nào.


Yêu tinh rừng sâu


Câu chuyện của mẹ tôi chỉ là vào một hôm trời mưa lớn. Bà ngoại cùng các cậu vẫn còn ngoại ruộng chưa về, trông nhà chỉ có mẹ và dì tôi. Lúc ấy chỉ vào khoảng giữa trưa, tuy mây mù che đen nhưng vẫn có thể tính là trời sáng. Mẹ tôi thấy ngoài cửa sổ có người đứng thì hảo tâm mở cửa cho người ta vào nhà trú mưa.


Nào ngờ ngoài sân bốn bề trống hoác không còn lại bất kỳ người nào. Chỉ trong một tích tắc như vậy, muốn chạy khỏi sân trốn vào lùm cây cũng là việc không dễ dàng gì. E lại là một trò quấy phá nào của bọn yêu quái.


Thêm một câu chuyện khác do dì tôi kể lại. Số là hôm ấy có đám giỗ nên ông ngoại tôi mần cả một con heo để dành đãi bà con chòm xóm. Thịt heo thì đã làm được nhiều món, đầu heo để nấu một nồi cháo to đùng. Nào ngờ dì tôi chỉ quay lưng đi xắt hành một chút, lúc quay lại nồi cháo đã bốc mùi ôi thiu khủng khiếp. Lửa vẫn còn trong lò, cháo vẫn sôi ùng ục nhưng cứ như thể là đã bị bỏ đó suốt ba bốn ngày trời.


Sống ở Cạnh Đền chưa được hai năm thì nhà ngoại tôi lại bỏ xứ mà đi lần nữa.