Những lằn roi
Những lằn roi
***
Con vẫn còn nhớ mới hơn mười tuổi bố mẹ đã đánh thức dậy từ ba giờ sáng đi kéo nước cho lúa, vẫn còn nhớ dáng hình bé nhỏ trên chiếc xe đạp chân mới với được nửa vòng đèo những bó rau đi chợ phụ mẹ. Con vẫn còn nhớ những buổi nhá nhem tối mấy bố con, mẹ con vẫn đang hì hụi ngoài đồng với những ruộng rau, bãi sắn... Tuổi thơ con đã ước được một ngày nô đùa cùng lũ bạn trong xóm chơi nhảy dây, đánh khẳng, thả diều... Nhưng những ngày bỏ trốn đi chơi như vậy đều bị bố túm tay lôi về và đánh cho một trận. Con đã từng hối hận khi sinh ra trong gia đình mình, con đã có tư tưởng bỏ đi xa khỏi gia đình ấy dù ở cái tuổi còn non nớt.
Dù trời mưa hay nắng, nóng bức hay lạnh giá những ngày không còn bận rộn việc đồng áng bố vẫn đánh thức con dậy từ bốn, năm giờ sáng. Hôm bố bắt ngồi học bài, hôm bố lôi ra ruộng rau phụ mẹ, những ngày mệt mỏi bố bảo cứ ngồi cho tỉnh rồi ngẫm lại những gì mình đã làm được và chưa làm được. Ở cái tuổi con làm sao con hiểu hết được sự đời chứ? Bố bảo "con thử nghĩ xem làm sao để con có thể như các bạn cùng trang lứa mà không phải bươn chải cùng bố mẹ". Lúc đó con chỉ nghĩ được do bố mẹ các bạn có điều kiện còn bố mẹ mình nghèo khổ, con không nghĩ sâu xa hơn được nữa...
Bố nổi tiếng trong làng là người khó tính và nghiêm khắc. Anh em con làm chuyện gì sai là cây roi mây của bố lại được nằm ngang dọc trên mông chúng con. Con còn nhớ ngày ấy ở làng có đám cưới, bố và anh ra đồng dặn con ở nhà trông em cùng sân lúa đang phơi. Con đem em đi xem đám cưới gặp trời mưa, chẳng hiểu sao lúc đó ham chơi con không còn nhớ đến sân lúa bố dặn. Trời mưa làm trôi những hạt lúa ra các rãnh nước trước nhà. Lúc con về nhà mẹ đang ngồi khóc, còn bố giận dữ vô cùng. Bố rút liền chiếc roi mây ra đánh con tới tấp vào mông. Có lẽ đó là trận đòn lịch sử của con, lúc đó ông bà, mẹ và anh lại căn ngăn nhưng không làm bố nguôi cơn giận dữ. Bố vừa đánh con vừa mắng "Mày có biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu công sức tiền của mới kiếm được hạt lúa không? Hôm nay bố đánh mày đau còn hơn sau này xã hội đánh mày..." Nói rồi giọng bố nghẹn lại, tay bố dừng đánh. Tôi lết không được vì những vết thương đang rớm máu của bố. Tôi đã không dám cãi lời bố, nhưng không hiểu sao lúc đó ánh mắt tôi nhìn bố xa lạ, giận hờn. Tôi đã có tư tưởng bỏ đi xa khỏi cuộc sống địa ngục mà bố dành cho tôi.
Lớn lên bố ít đánh tôi hơn, bố dành nhiều thời gian cho việc học hành của tôi. Bố luôn khuyên tôi muốn thoát nghèo thì phải có kiến thức và trình độ. Con muốn có điều đó thì phải cố gắng học hành. Tôi đã đồng ý với bố để nổ lực phấn đấu. Ý chí lúc đó không phải vì những gì bố nói mà vì muốn thoát khỏi bố, khỏi cuộc sống nghèo nàn và hơn thế nữa tôi muốn thoát khỏi những roi mây mà bố dành cho tôi.
Ngày ấy cũng đã đến, lúc cầm tờ giấy báo đậu Đại học là lúc tôi vui mừng hò hét. Tôi đã thoát khỏi gia đình này, thoát khỏi bố, thoát khỏi cảnh nghèo nàn mà bấy lâu tôi chịu đựng. Nhưng chỉ khi bố đưa ra Hà Nội tìm phòng trọ trong cái nắng gay gắt, khi bố đưa ra bọc tiền lẻ cho tôi ở lại chi tiêu tôi mới òa khóc hiểu ra rằng: "Cái tôi đang có chính là những hạt mưa rơi trên lưng bố mẹ, là những giọt mồ hôi của họ đổ dưới đồng ruộng, là sức khỏe của họ đang bán dần cho thời gian..." Tôi đã khóc, khóc rất nhiều và ôm bố thật chặt khi bố rời đô thành về quê.
Khi tôi đã có công việc ổn định, đã có va vấp ngoài đời, đã chạm vào những chông gai trong cuộc suống mới ngộ ra rằng vì sao bố lại đánh tôi như vậy. Đến tận bây giờ có gia đình, con cái tôi mới hiểu hết lòng bố. Đã bao đêm tôi òa khóc nhớ bố, bao đêm tôi ân hận vì những suy nghĩ bồng bột về bố mẹ. Đôi lúc tôi chỉ muốn chạy về bên bố để được hưởng những roi mây mà bố đánh ngày xưa, muốn chạy về với gia đình đã nuôi dưỡng tôi bằng những mùi nồng của đất, hương thơm của lúa... Bố đã già, lưng đã còng, tóc đã bạc và tôi đã khóc cho tất cả những gì bố đánh đổi cho cuộc đời chúng tôi ngày hôm nay.