Ring ring
Người chưa bao giờ yêu

Người chưa bao giờ yêu

Tác giả: Sưu Tầm

Người chưa bao giờ yêu

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ


Năm canh đầy mẹ thức đủ năm canh


***


Mẹ - qua những dòng miêu tả của con


Trong 14 năm ròng rã đã qua, con đọc biết bao nhiêu bài viết hay những ca dao ngợi ca sự ân cần, dịu dàng của người phụ nữ dành cho con cái. Mẹ cũng là phụ nữ nhưng mẹ không có những điều lẽ ra một người phụ nữ ' công dung ngôn hạnh' phải có ngoài lòng yêu thương con vô bờ bến mà mẹ chưa bao giờ mở lời nói ra, nhưng đối với con thế là quá đủ rồi mẹ ạ. Đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên con đặt bút viết về mẹ, nhưng chưa bao giờ con viết về mẹ chân thành như bây giờ...


Khi con còn là cô bé tiểu học, trong những bài tập làm văn, con vẫn hay viết về một người mẹ đẹp như người mẫu, mắt bồ câu, mũi sọc dừa, mái tóc đen suông mượt giống trong bao cuốn sách viết văn mẫu. Rồi những điểm 9, điểm 10 đỏ chói trên trang giấy trắng tinh khôi tuổi học trò làm rộn rã thêm nụ cười trên môi con. Nó cũng hong khô những giọt mồ hôi vội vã rơi trên gò má rám nắng của mẹ. Mẹ vui, mẹ cười, mẹ hạnh phúc vì con đã không phụ lòng mẹ mà học thật tốt nhưng đứa con nít lúc ấy là con vẫn ngây ngô không nhận ra một chút buồn còn vương trên đôi mắt thắm những lo âu của mẹ...


Người chưa bao giờ yêu


Đến khi con lên lớp Sáu, trong đề thi học kì tả một người thân em yêu nhất, con vẫn viết về mẹ. Lúc ấy, con đã không viết mẹ hoàn hảo như vậy nữa vì con sợ cách viết trẻ con ấy sẽ không nhận được đánh giá cao của thầy cô, vì thế con đã viết về một người phụ nữ cơ cực mất chồng một mình bươn chải cuộc sống lo cho con cái ăn học đầy đủ, dù ba vẫn còn sống khỏe. Và lần ấy, con lại được điểm cao và những lời khen của thầy cô vì những tình huống éo le con đã tự dựng lên. Và khi con đem bài về cho mẹ đọc, con tưởng chừng mẹ sẽ vui khi nhìn thấy điểm môn văn cao chót vót của con, nhưng không mẹ chỉ nhẹ lắc đầu rồi quay gót bước đi. Khi ấy, con đã đủ nhận ra sự khác thường từ mẹ, nhưng những niềm vui khác đã che lấp một chút hoài nghi đó của con, con vẫn chưa đủ chín chắn để nhận ra những suy nghĩ của người phụ nữ đi qua 40 năm bão tố cuộc đời là mẹ.


Cho mãi đến lúc này, dù con vẫn chưa được coi là một cô gái trưởng thành nhưng đã không còn là cô con gái bé bỏng cần sự chăm lo từng tí một như ngày nào, con mới hiểu được rằng dù mẹ vẫn sẽ cười mỗi khi con được điểm cao, vẫn hạnh phúc nhìn con gái mẹ vui vẻ nhưng sâu thẳm trong trái tim mẹ vẫn mong một lần con viết về mẹ bằng lòng yêu thương chân thành nhất chứ không phải là những từ có cánh, sai sự thật ấy.


Mẹ - một người phụ nữ cơ cực


Mẹ là một người phụ nữ cơ cực đúng nghĩa. Mẹ sinh ra trong gia đình có 10 đứa con thời chiến tranh khó khăn ấy, và vì thế nên ông bà ngoại chẳng nhớ nổi ngày tháng sinh nhật của mẹ. Mẹ chưa bao giờ được thử cái cảm giác ngồi trước bánh kem, được nghe mọi người hát ' Chúc mừng sinh nhật', được thổi nến hay được nhận một món quà nào. Lúc con hỏi sinh nhật của mẹ, mẹ chỉ cười cười : ' Chỉ nhớ mẹ sinh năm 1972 thôi'. Con nhớ mãi cái nụ cười ấy của mẹ, nhẹ nhàng mà khi lướt qua tưởng chừng thật thanh thản nhưng chứa đựng trong đó biết bao đắng chát. Mẹ thấp nhưng mập mạp. Con bảo: ' Mẹ giảm cân không thì mắc các bệnh mỡ máu gì gì đấy thì khổ'. Mẹ đáp : ' Lúc còn nhỏ, nhà làm gì có gạo mà ăn, cả nhà mười ba người mà chỉ nấu hơn lon rưỡi gạo, rồi bỏ sắn, khoai lang vào, bao nhiêu cơm được ưu tiên hết cho cô cậu út mẹ làm gì được ăn, bây giờ phải cho mẹ ăn bù chứ.' Con chỉ biết lặng câm trước những lời nói của mẹ, đã biết bao nhiêu lần con chê cơm mẹ nấu mà bỏ thừa, đã bao lần con phung phí vứt thức ăn đi dù trên đời này còn biết bao nhiêu người thèm thuồng những thứ con bỏ đi ấy – như mẹ ngày xưa.


Những lúc thằng em trai nghịch ngợm đem một bài toán hay vài chữ tiếng anh mà nó không biết đọc lại hỏi mẹ, mẹ lại lắc đầu và bảo nó hỏi con. Lúc ấy, con lại được thả mình trôi theo dòng tâm sự về những ngày mẹ hối hả chạy đến trường đúng lúc 7 giờ, hết giờ học thì ba chân bốn cẳng chạy về nhà nấu cơm, giặt giũ phụ giúp gia đình. Mẹ lúc trước không học tệ nhưng vì nhà đông con, dù rất thích học mẹ vẫn xin nghỉ học mà thời đó phụ huynh nào chẳng muốn con mình nghỉ học, vừa đỡ đần được việc nhà, vừa tiết kiệm được khoản tiền kha khá. Vậy là sau 7 năm học hành, mẹ đã từ bỏ. Từ bỏ những khát khao, đam mê cái chữ, những ước ao mong muốn về một cuộc sống khỏi những lo toan bận bịu để đủ cái ăn cái mặc. Sau những ngày tháng cắp sách đến trường, mẹ đạp chiếc xe đạp cũ kĩ mua của bà bán đồng nát hơn 30 cây số bỏ sĩ bánh đa cho người ta bán lẻ. Lớn hơn một chút, lúc 16 tuổi mẹ đã xa nhà vào miền đất Buôn Mê Thuột đầy nắng, gió và hương thơm nồng nàn cà phê ấy để buôn bán, kiếm tiền tự lo cho mình và gửi về cho ông bà ngoại. Mãi cho tới khi, về tới quê nhà, mẹ ngạc nhiên khi ông bà nhận trầu cau của ba- người mà mẹ chưa bao giờ gặp qua một lần. Lúc ấy, dĩ nhiên chẳng có mail, điện thoại gì như bây giờ vì thế những người xa nhau thường viết thư tay – và đó cũng là sợi dây tình cảm của hàng vạn cặp tình nhân lúc ấy. Mẹ - cô gái tuổi xuân xanh lúc ấy đã chẳng biết thế nào gọi là tình yêu hay những rung cảm đầu đời, chưa thể nào cảm nhận được sự ngường ngùng khi trao nhau lá thư tay, lại phải khăn gói bước về nơi đất khách quê người làm dâu. Mẹ đi qua cái tuổi mộng mơ ấy mà chưa được cầm lá thư với hàng chữ ghọn ghẽ hay những câu thơ tình ngọt ngào, chưa ôm ấp lá thư của người yêu vào lòng, chưa được ngồi sau xe đạp ôm eo người yêu phía trước, chưa nắm tay người yêu dưới hàng cây đầy lá vàng rơi mùa thu hay ôm ấp vỗ về hơi ấm trong cái lạnh rét buốt của những ngày đông.


Mẹ - người phụ nữ chưa bao giờ có khái niệm yêu


Đáng thương thay, cho đến lúc này, lúc 43 mùa lá rơi rồi lại mọc, mẹ lại bất hạnh chưa bao giờ yêu và được yêu, chưa có một cuộc tình vắt vai nào. Kể cả khi về chung sống cùng gia đình với ba, cho đến bây giờ, con vẫn hiểu đó cũng chỉ giống như chốn lao tù mà mẹ lỡ bước vào và không ra được. Ba mẹ không hề có khái niệm yêu đương và đó cũng là lý do ba mẹ chưa lúc nào có một phút giây hạnh phúc thật sự dù đã có hai mụn con. Mẹ ạ, mẹ đừng nuốt những nỗi buồn vào oán hận để rồi đêm đêm cắn răng khóc ướt đẫm gối, đừng âm thầm chịu đựng từng đợt đau đớn ùa về trong bao cơn tức giận. Con của mẹ đã lớn lắm rồi, làm sao mà nó không hiểu những gì mẹ đã phải trải qua. Mẹ về làm dâu nơi khỉ ho cò gáy này với sự ghẻ lạnh của họ Nội cùng hiềm khích với mẹ chồng và chị dâu. Từ nhỏ đến bây giờ, con không đếm được những cuộc cãi vả ầm ĩ giữa mẹ và những người được coi là chị dâu, là người thân máu thịt ấy. Con đã đứng trân mắt nhìn biết bao nhiêu lần ba đánh mẹ, giật tóc mẹ mà con chỉ biết nhìn và em trai con vốn mạnh mẽ cũng chỉ biết khóc ré. Con đã đi cùng mẹ những ngày mẹ đau đầu, những ngày mẹ nén uất ức, nuốt căm hờn mà sống.


"Tức nước vỡ bờ' – rồi cũng đến lúc mẹ không chịu đựng được nữa rồi, mẹ thu dọn bỏ nhà ra đi vào trước tết hơn một tuần, và năm ấy con đón tết mà không có mẹ. Căn nhà bụi bặm không ai quét dọn như một căn ghác bỏ hoang, vắng cây quất mẹ chọn hằng năm, vắng nồi bánh ít tay mẹ vẫn gói, em trai bé nhỏ của con vắng bóng mẹ như cây thiếu nước mòn mỏi, khô cằn. Tất cả như một khoảng không đen tối, ảm đạm, không một chút màu sắc sức sống nào. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, con dù mới học lớp 4 đã học cách vò quần áo bằng bàn tay nhỏ bé trước giờ chưa lúc nào làm việc gì, con cũng học cách sống và lo cho cả em con, con đã sống cho con và thay cho cả mẹ nữa. Một tuần sau tết, mẹ đã về. Chẳng phải mẹ muốn quay về chốn lao tù này, mà mẹ đi mà lỡ bỏ quên ở đây linh hồn và cuộc sống của mẹ là chúng con. Thế rồi, ba vẫn cứ đi làm xa, mẹ vẫn bán mặt cho đất bán lưng cho trời ngày ngày vác cuốc, sống tựa vào mấy sào ruộng. Thật là bất hiếu nhưng con thật sự mong muốn những lúc ba đi xa như thế, những lúc chỉ có tiếng đùa giỡn của ba mẹ con, những lúc xua đi tiếng khóc rậm rực, tiếng chửi bới lẫn nhau ầm ĩ những lúc ba có nhà.


Cũng bởi vì mẹ gặp một cuộc sống khó khăn như vậy nên mẹ đổ lỗi cho ông bà ngoại – những người ghán ghép cho cuộc hôn nhân không tình yêu này, những người vô tình hay cố ý vẫn là điểm mấu chốt gây nên bao nỗi đau thương cho cuộc đời mẹ. Mẹ ít khi về bên ngoại, một phần vì tránh lời ra tiếng vào của những người xấu xa ưa bàn tán, một phần vì mẹ giận ngoại. Vì vậy, mối quan hệ của mẹ với bên nội đã không tốt, nay ngay cả với ông bà ngoại – những người đứt từng đoạn ruột sinh mẹ ra cũng ngượng ngập, như những người xa lạ vậy. Mẹ chỉ biết sống mà không có tình cảm, không có những chỗ dựa tinh thần vững chắc, những hậu phương giúp mẹ đứng lên, sống nhưng không có lối về.


Những lời cảm ơn và xin lỗi con gửi cho mẹ.


Con cũng chẳng biết mình phải cảm ơm và xin lỗi mẹ bao nhiêu lần cho đủ. Con cám ơn mẹ đã sinh ra con vào những ngày mùa lũ tháng 12 năm 1999 thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất ấy. Mẹ bảo lúc ấy, nước đã ngập vào tận trong nhà, khi sinh con xong mẹ phải chèo thuyền gần 20 cây số từ trạm xá về tới nhà bên Nội. Sau khi sinh, đáng ra mẹ phải được bồi bổ sức khỏe bằng các món ăn bổ dưỡng thì mẹ phải ăn mì tôm, cũng vì vậy mà con cũng chẳng có sữa bú đến nỗi gầy lồi cả xương, đáng ra là những bộ quần áo, chăn bông ấm áp thì mẹ lại phải đi mượn đồ người ta mặc vì quần áo đã trôi theo dòng cuốn dữ dội, cuồng nhiệt của bão lũ.


Con xin lỗi mẹ nhiều nhiều lắm. Xin lỗi vì mỗi sáng mai thức giấc vẫn để mẹ phải thức dậy chuẩn bị bữa ăn sớm để con không trễ giờ học, để mẹ dọn dẹp bàn học bừa bãi mà con bày ra, để mẹ lo cho từng bước chân vội vã của con. Con xin lỗi vì ngày con đi xe để quên tâm hồn nơi mây xanh nào, để bị tai nạn giao thông, trong khoảnh khoắc mơ màng, khóe mắt con nhòe đi thì con chỉ thấy trước mắt con người người phụ nữ nắm chặt tay con gào thét lên: ' Mở mắt ra nhìn mẹ, con ơi'. Khi con nằm trong phòng bệnh chờ kết quả xét nghiệm, nhìn những nếp nhăn trên gương mặt mẹ xô vào nhau đầy lo lắng, rồi cười mãn nguyện khi biết con chỉ bị ngoài da thôi. Con biết là lúc ấy mẹ rất lo lắng cho con nhưng không muốn con buồn, nhưng mẹ không thể hiểu đâu, con cũng sợ lắm mẹ ạ, con sợ khi nghĩ đến khoảnh khắc con chết đi, con sợ không thấy mẹ ngày ngày cạnh con, con sợ sẽ có lúc con không được bàn tay mẹ vừa quạt vừa xoa xoa lưng cho con ngủ những ngày hè oi bức, con sợ không ai ủ ấm con ngày đông giá rét. Con không thể sống mà thiếu mẹ cho dù chỉ trong giây lát, mẹ ạ!


Con xin lỗi cho lúc con nhìn điểm khảo sát vòng hai trên tay. Mẹ biết không? Thời gian ấy con không chăm chỉ học hành, con vẫn có thể dự đoán trước kết quả không tốt này, nhưng khi chính thức cầm tờ điểm trên tay, tâm trí con dường như sững lại mẹ ạ, con thất vọng, về chính con mẹ ạ. Con dù nghĩ là sẽ rớt nhưng vẫn có những tia hi vọng rằng mình sẽ đậu, con đâu có thể oán trách ông trời hay ai, cũng chỉ vì chính con đã tạo cho mình một viễn cảnh xấu hổ đó mà thôi. Con đã tự hứa là sẽ không được yếu đuối mà khóc nữa, cánh cửa này khép lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra thôi nhưng khi con nhớ đến hình ảnh mẹ còng lưng nặng nhọc gánh từng gánh lúa, khổ sở lau từng giọt mồ hôi thấm dần vào sự kì vọng của mẹ dành cho con, nước mắt con cứ trào ra bất chấp những suy nghĩ cứng rắn của con. Con xấu hổ khi nhìn thấy mẹ, con đã phụ lòng mẹ rất nhiều. Lần ấy, con đã khóc hơn hai ngày, và đã tập đứng dậy sau vấp ngã, con sẽ xem đó là một bài học để con cố gắng hơn. Thế rồi bẵng đi một thời gian, con bất ngờ nhận được tin con đậu kì thi cấp tỉnh, nhiều người nghĩ con phải lập tức về nhà mà báo ngay cho mẹ biết, họ nghĩ rằng con đang rất vui nhưng cứ giả vờ. Nhưng có ai hiểu được lòng con? Con tự nhận thức được trình độ học Anh Văn của con có xứng đáng được vào hay không và con cũng không muốn một lần nữa để mẹ hi vọng rồi lại thất vọng, thà cứ nghĩ là con rớt để mẹ chấp nhận sự thật rằng con mẹ chẳng phải giỏi giang gì...


Con xin lỗi vì bao lần tự hứa với lòng mình sẽ chăm chỉ, dọn dẹp nhà cửa, phụ giúp mẹ nhưng rồi cũng bấy nhiêu lần con bỏ quên ý nghĩ đó, ngược lại còn ung dung vui vẻ khi mẹ đang cực khổ, con hư quá phải không mẹ. Con ngày ngày gõ bàn phím, click chuột trong khi tắt máy tính mẹ cũng chả biết. Ngày ngày con ôm ảnh của cả những thần tượng Kpop ngắm nhìn, ngưỡng mộ, ăn ngủ cùng họ trong lúc mẹ ăn ngủ cùng một đống lo toan tất bật công việc. Bao nhiêu lần con hứa cũng là bấy nhiêu lần con thất hứa....


Con xin lỗi mẹ vì nếu không có con chắc mẹ đã không đủ kiên nhẫn để bám trụ vào gia đình này. Trong lúc nổi giận, mẹ từng nói với con: ' Nếu không có bọn con, mẹ đã phải xa cái xứ này hàng vạn lần chứ không điên gì mà khổ sở bò lết sống sót qua ngày ở đây như thế này'. Nếu không có con, biết đâu bây giờ mẹ đang có một gia đình khác hạnh phúc hơn, người chồng mới sẽ yêu mẹ hơn ba con, sẽ chăm sóc mẹ khổ mẹ không phải lao tâm như thế này nữa. Có thể có những đứa con không muốn bố mẹ li hôn, nhưng con không như vậy, con đã từng nói với bố mẹ rằng ; ' Bố mẹ sống được thì sống không thì ly hôn đi'. Không phải con không muốn có một gia đình đầy đủ ba mẹ mà con không muốn mình là gánh nặng của bất kì người nào, không muốn mình là lí do để duy trì mối quan hệ không một chút liên kết hay hạnh phúc nào như thế này nữa. Bố mẹ sống với nhau làm gì khi cả hai luôn càm ràm lẫn nhau, bằng mặt mà không bằng lòng, sống một cách giả tạo như vậy không chỉ ảnh hưởng tới bố mẹ mà còn con lẫn em trai con. Thế nhưng đến tận bây giờ, mẹ vẫn học cách chịu đựng tất cả, mẹ bảo người ngoài nhìn vào con bởi một ánh mắt khinh thường khi con không có bố bên cạnh, mẹ bảo mẹ sẽ cắn răng mà sống chỉ cần con học tập tốt mà thôi và con cũng đã dần bị mẹ khuất phục. Gia đình mình ít quan tâm tới nhau hơn, trong cả một năm qua con đếm được trên đầu ngón tay số lần cả nhà ngồi ăn cơm chung với nhau. Con cũng học cách lơ là với thực tại, con chỉ biết sống cho con mà thôi. Con biết con đang rất ích kỉ, nhưng con chẳng còn cách nào khác, mẹ à...


Mẹ à, dù con chưa bao giờ mở miệng nói : ' con yêu mẹ' và mẹ cũng chưa bao giờ nói: ' Mẹ yêu con' nhưng trong thâm tâm cả hai đều hiểu tình cảm mẹ con hai chúng ta dành cho nhau lớn đến nỗi nào. Nó không thể đong đầy hũ gạo, nó không lau khô hết nước mắt, nó chẳng có thể giắt bên lưng để kè kè cạnh người nhưng nó vẫn luôn tồn tại một cách trân trọng và sống động nhất.