The Soda Pop
Mảnh đất tổ

Mảnh đất tổ

Tác giả: Sưu Tầm

Mảnh đất tổ

Trần Lê nằm sõng xoài giữa vũng máu tươi, khuôn mặt chừng đau đớn lắm, cau có nữa. Hắn ta cau có không phải vì hắn sắp chết mà vì cuối cùng hắn vẫn không thể giành được phần thắng về mình. Chỉ có vợ con hắn là xót xa, khổ sở vật vả khóc than bên chồng.


***

Người đến xem mỗi ngày một đông nhưng không ai nghĩ đến chuyện đưa hắn đi nhà thương. Bởi có làm thế cũng chẳng để làm gì vì hắn đã trúng nhát dao sinh tử. Mà có làm gì đi chăng nữa thì cũng chẳng ai dám đụng đến hắn lúc này.


Trần Lê không nghĩ cuộc đời hắn lại có lúc ê chề đến vậy.


Mảnh đất tổ


Nhà hắn có bốn anh em trai, ba cô con gái. Chiến tranh đã cướp đi mất của hắn hai người anh cả và một cô em kế út nên giờ đây hắn chỉ còn có một chị gái một em trai và một cô em út. Vị chi, ba mẹ hắn còn cả thảy bốn đứa con trên dương thế.


Bốn đứa con, cứ ngỡ trải qua bao cuộc sinh tử chắc chắn sẽ yêu nhau hơn, thương nhau hơn. Ai dè…


Thật tình thì anh em nhà Trần Lê có thương nhau thật. Nhưng đó là chuyện của ba năm về trước. Khi đó, cái xóm này nghèo lắm. Trần Lê là anh lớn nên chắc chiu, bảo bọc em út theo đúng nghĩa. Bắt được con cua con cá ngon thể nào Trần Lê cũng bảo vợ mang cho các em mỗi nhà một tẻo ăn lấy tình. Vụ mùa trúng, hắn sắm luôn cho mỗi đứa cháu một bộ đồ hay tấm vở kẻ ô ly. Anh em nhà hắn chưa từng biết cãi vã nhau là gì. Cho đến một ngày.


Quê hắn tự dưng đổi thay hoàn toàn chỉ sau một dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của nhà nước. Mấy con đường làng đất cát pha ngoằn nghèo đã được khoát lên mình chiếc áo mới phẳng phiu với chất bê tông hay nhựa dầu hợm hỉnh. Những con đường giờ đây không còn khép nép, khiêm tốn nấp mình dưới khóm tre làng như ngày xưa mà căng ra rộng thênh như vênh mặt lên với đời đề rốt cuộc đành oằn mình trần trụi dưới cái nắng chói chang hay gió táp lạnh buốt.


Đó chỉ là chuyện của những con đường vô tri mà ai cũng thấy rằng bây giờ đi lại thật sướng. Chỉ có điều khi những con đường làm xong, hàng trăm thửa ruộng đã bị san lấp. Một vài ngôi nhà bị giải tỏa. Mọi người được mời đến xã để thông báo đền bù. Có thể, họ đã rất buồn, họ gào khóc, họ giằng xé kẻ đã dám đụng đến tất đất “xương máu” của họ. Từng tất đất, thửa ruộng đã gắn liền với cuộc đời mỗi con người nơi đây. Nó cũng là nơi chất chứa tầng tầng lớp lớp hy vọng đổi đời, hy vọng cho tương lai của con cháu họ. Thế mà, giờ đây, chẳng ai buồn khóc, chẳng ai thềm nuối tiếc một lời. Có lẽ họ tin vào niềm tin đổi đời mơ hồ nào đó cho dù họ không thể hình dung ra được nó như thế nào. Hay cũng có thể vì mớ tiền đền bù nhiều hơn cả gia sản tích góp của mỗi nhà từ thời tổ tiên đến này.


Anh em nhà Trần Lê không là ngoại lệ. Hắn có hai sào ruộng bị lấp mà toàn là đất trồng lúa. Khoảng tiền kiếm được chỉ sau một đêm khiến hắn hoa hết cả mắt. Từ thưở cha sinh mẹ đẻ đến giờ hắn đã được cầm khoảng tiền lớn như thế trong tay bao giờ đâu. Hắn run run rút xấp tiền trong túi dúi dắm đưa cho vợ. Mụ Trần Lê đào luôn một lỗ nhỏ ngay dưới giường ngủ của hai vợ chồng rồi chôn cẩn thận mớ tiền hẳn còn mới cong mới cứng xuống đó.


Tiền của hắn, hắn mừng. Đó cũng là chuyện đương nhiên. Có một việc mà Trần Lê không ngờ tới, cái việc còn đáng quan tâm hơn nhiều, hay hơn nhiều so với mớ tiền đến bù từ mấy thửa ruộng mưu sinh kia. Việc mãnh vườn hắn đang ở giờ nằm ngay đối diện với cổng của khu du lịch mà giá đất ở đó đã tăng lên gấp năm, gấp mười thậm chí gấp mười mấy lần so với trước kia.


Mảnh đất tổ


Mãnh đất trước đây là của ông bà nội để lại cho ba mẹ Trần Lê. Mãnh đất ấy vốn cằn cỗi lại nằm gần mé sông. Nếu không tính đến quan niệm phong thủy dân gian vốn xem mãnh đất thuộc diện “vô tiền khoáng hậu” thì nó cũng chả mang lại lợi lộc gì cho người ở. Đất ở đây quanh năm nhiễm mặn, chua lè lè. Ngoài mấy cây dừa, cây tre đưa lại giá trị kinh tế không mấy đáng kể cho người trồng, mỗi năm Trần Lê cố công chăm bón cũng chỉ được một vụ khoai mà củ nào củ ấy nhỏ như con chuột con mới nức mắt.


Từ khi lập gia đình riêng, vợ chồng hắn nhận nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ già. Mãnh vườn vì thế hiển nhiên thuộc về hắn - thằng con trai được xem là trưởng (bởi hai anh cả của hắn đã chết). Mà nếu hắn không giữ, anh em hắn sẽ chẳng ai thèm dành giữ mãnh đất đó làm gì. Lâu nay vợ hắn thỉnh thoảng vẫn cằn nhằn “Đất chi mà đất khổ, đất cực như ri cũng mang tiếng của ông bà để lại. Cứ nhằm vô đất ni có mà chết đói nhăn răng.” Hắn lời lẽ hoa mỹ chừng đạo lý lắm “Thì mình là con trai trưởng, mãnh đất khai hoang của ông bà khổ cực để lại, vô lẽ chừ mình bỏ đi. Mình không giữ thì ai giữ. Chẳng lẽ để đất tổ tiên ông bà cho bò đẵm trâu dày hay răng.” Vậy là mãnh đất thành thứ bắt buộc hắn phải đảm nhận.


Mãnh đất đó giờ đây thành thứ đêm lại bạc tỷ và Trần Lê đinh ninh sẽ thuộc về phần mình.


“Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền” Câu nói tưởng chừng khá thực dụng đến bất nhân ấy nay lại đúng với hoàn cảnh của Trần Lê. Anh em hắn bắt đầu bằng cách cạnh khóe nhau vì “tương lai” của mãnh đất hiện tại xét về mặt luật pháp vẫn còn quyền sử dụng của mẹ hắn.


Thằng em trai đến xin đón mẹ về nhà mình chơi mấy bữa. Trời ạ! Lâu nay sao thằng em không nghĩ đến chuyện đón mẹ về nhà an dưỡng mà lại lựa ngay cái thời điểm “nóng” này để đón mẹ chứ. Hết thằng em lại đến lượt bà chị lớn. Cô em út cũng dòm ngó đến mẹ, o bế mẹ chừng quá mức bình thường. Chị rồi em của Trần Lê cứ thế thay phiên nhau tranh quyền nuôi mẹ kẻ nữa tháng người mươi ngày. Mục đích của việc này không riêng gì anh em nhà Trần Lê mà tất thảy bà con lối xóm khắp làng hắn ai ai cũng rõ.


Thường thì mọi người chọn giải pháp vờ như không biết rồi giả tảng đi trước mặt anh em nhà hắn. Nhưng cũng có dăm người chừng “chẳng sợ trời không sợ đất” hay bị “ma men bắt” mà cứ thế oạch toẹt tất tần tật trước mặt anh em nhà Trần Lê chẳng thèm ý tứ gì nữa. Người ta bảo “Anh em nhà mày nổi tiếng mẫu mực, thương yêu nhau, nhưng chừ cũng xâu xé nhau vì tiền rồi đó hở?” “Tội bà già, sống đến cái tuổi gần đất xa trời như bả rồi lại phải nhìn cảnh con cái tương tàn nhau vì đất, vì tiền. Tội nghiệp thiệt!”


Nghe thế, ban đầu Trần Lê ngượng lắm. Hắn cho tập trung tất cả anh em lại tổ chức một cuộc họp nội bộ. Hắn phàn nàn vì những gì tai nghe mắt thấy ngoài kia. Hắn kêu gọi anh em phải đoàn kết đừng để những lời lẽ không hay ảnh hưởng đến danh dự và tình cảm gia đình. Chị em hắn đều ngúc ngoắc tán thành. Được thể, hắn tuyên bố luôn “ai muốn nuôi mẹ thì nuôi, mẹ là của chung, tôi không cản. Nhưng lâu ni, mẹ ở với tôi, miếng đất của cha mẹ để lại tôi luôn coi ngó, chăm sóc. Mặc dù trên giấy tờ thì mẹ vẫn đứng tên nhưng trên thực tế miếng đất ba mẹ đã chính thức cho tôi coi như là để tôi trồng thêm củ khoai gia tăng thu nhập nhằm phụ vào khoản chi phí phụng dưỡng ba mẹ rồi lo ngày ông ngày bà. Nên bây chừ, mấy cô mấy chú lỡ có nghe ai nói chi thì chịu khó giải thích cho họ hiểu kẻo họ nói ni nói kia, chướng lắm.”


Hắn nói chưa dứt lời, thằng em đã nhảy dựng lên “Anh nói rứa mà nghe được à, đất là đất của ba mẹ đúng không mọi người? Mà đã là đất của ba mẹ thì phải chia đều cho tất cả. Có lý mô người được hưởng hết người không có chi. Em không đồng ý với ý kiến của anh Năm.” Rồi thì em dâu, anh rễ, em gái thi nhau nói, thi nhau cãi, thi nhau đưa ra vô số ý kiến, biện pháp mà hình như ai cũng muốn đêm lại phần lợi lớn nhất cho mình. Lời qua tiếng lại cứ lớn dần lớn dần bất chấp cái quyền “quynh trưởng” của Trần Lê bao lần nhắc nhở, hay lên giọng áp chế. Cuối cùng, từ một cuộc họp nội bộ gia đình, tất cả kéo nhau ra sân.


Đầu tiên là mụ Trần Lê. Nước mắt nước mũi kèm nhem, mụ lăn lộn giữa sân khóc trời, kêu đất “Trời ơi là trời, cái thân tôi răng mà khổ ri hở trời. Cái hồi cha đau, một tay tôi lo ăn, lo ỉa, lo thuốc men. Tụi hắn có thèm ló cái mặt đến rót thử cho cha chén nước không chớ. Đến lúc cha chết đi, tôi lo ma chay, mồ mả. Rồi bao năm qua tôi chăm mẹ không thiếu một chút chi hết. Còn bao ngày giỗ, ngày chạp, ngày ông ngày bà, tôi lo tất. Tụi hắn có thềm biết chi tới không chớ. Rứa mà chừ nghe nói đến đất, đến tiền tụi hắn lại xúm vô xâu xé. Mẹ ơi là mẹ, mẹ có thấy con mẹ không hở mẹ, mẹ nói chi đi chớ, mẹ sống cho công bằng chớ mẹ!”


Cãi chán, bốn anh chị em nhà Trần Lê quay sang sỉ vả nhau, bêu xấu nhau. Cái chuyện từ thời còn ở truồng tắm sông cũng bị lôi ra để hạch sách nhau. Mấy con cá sặc, cá rô phi trở thành thứ kể lễ nghĩa tình. Thôi thì cả làng được một phen xem cãi vả hả hê. Chán chê, ai về nhà nấy. Chỉ có bà mẹ già của Trần Lê chừng không hiểu kịp “mô tê chi hết” ngồi bệt ngoài bìa hè mà nước mắt ràn rụa.