Disneyland 1972 Love the old s
Giọt nước mắt của cha!

Giọt nước mắt của cha!

Tác giả: Sưu Tầm

Giọt nước mắt của cha!

Nhiều năm sau, tôi cũng không làm sao quên được cái ngày hôm ấy - cái ngày mà cha xé hết tập vở của tôi!


***


Hôm đó, tôi đi học về trễ hơn mọi bữa, trời đã nhập nhoạng tối. Cha đứng đợi ở cửa, quát: "Đi đâu giờ này mới về?". Tôi lí nhí đáp: "Dạ, con đi học thêm!". "Không học thêm học thiếc gì hết! Bỏ cửa bỏ nhà, không dọn dẹp nấu nướng; heo ca gà vịt không ai cho ăn", vừa nói, cha vừa rút cây roi vắt trên vách, quất liên tiếp vào mình tôi. "Kể từ ngày mai, không được đi học gì hết! Học nè, học nè, học nè!", mỗi từ học là một roi. Tôi đau quặn người, đưa tay ra đỡ. Cây roi gãy làm đôi. Cha quăng cây roi gãy xuống, phăm phăm bước vào nhà, đến kệ sách của tôi, chụp lấy đống sách vở, vừa quăng vừa xé! Tôi đứng trân mắt nhìn, đau điếng nhưng không dám phản ứng.


Mẹ từ trong bếp chạy ra, kéo tôi vào nhà sau, nói: "Muốn ăn đòn nữa hay sao mà còn đứng đó. Vô nấu cháo heo đi!". Nhà sau là một cảnh nháo nhác. Bầy heo đói, kêu eng éc. Lũ gà lên chuồng lục tục, quang quác. Âm thanh inh ỏi. Mẹ tôi vừa thổi cơm, vừa la hai đứa em trai tôi, bảo tụi nó xắt rau, xắt chuối. Khói cay mù mịt gian nhà tranh chật chội, cay xè cả mắt. Bữa cơm tối rất trễ, tôi nuốt cơm, nuốt luôn cả những giọt nước mắt.


Giọt nước mắt của cha!


Năm đó tôi đang cuối cấp ba. Nhà tôi nghèo xơ xác. Cha tôi làm nông, mùa được mùa mất. Mẹ thì đi may ở chợ, sớm dọn đồ ra, tối dọn về. Anh Hai tôi trước đó buổi đi học, buổi phụ mẹ. Thấy mẹ cực quá, anh quyết định nghỉ học. Mẹ không cho, bảo: "Nếu con không học thì ra chợ xin thức ăn thừa ở mấy quán cơm về nuôi heo!". Anh tôi làm thiệt. Thấy cảnh đứa con trai mười bảy tuổi ngày ngày hai tay xách hai xô ra chợ xin thức ăn thừa, mẹ chịu không nổi, cho anh theo học may.


Đến lúc anh Ba tôi vào đại học, cha mất đi một người phụ việc, lại phải hàng tháng gửi tiền cho anh, nhà lâm vào cảnh túng quẫn. Cha mẹ cắn răng chịu đựng thêm vài năm, đến khi tôi vào lớp 12, cha bảo: "Con Phương là con gái, không cần phải học nhiều, hết mười hai ở nhà phụ mẹ vài năm rồi lấy chồng là vừa". Nghe vậy, tôi ứa nước mắt, nhưng biết cảnh nhà cơ cực, không dám hó hé, dặn lòng học đến đâu hay đến đó, biết đâu cha mẹ đổi ý cho tôi vào đại học.


Năm cuối cấp, bài vở rất nhiều. Tôi vừa học ở trường, vừa học thêm ở nhà Nam - học miễn phí, vì "thầy giáo" chính là Nam! Nam học với tôi từ nhỏ, hai đứa rất thân. Biết cảnh nhà tôi, Nam thường kèm tôi làm bài tập. Sau giờ đi luyện thi ở nhà thầy chủ nhiệm về, Nam sắp xếp thời gian hướng dẫn cho tôi làm bài tập chung. Nhờ vậy mà tôi học cũng khá. Nhưng kẹt nỗi, tôi vừa học vừa phải canh giờ về.


Ở nhà bao nhiêu việc chờ tôi, nào nấu cơm tối, dọn dẹp nhà cửa, nào giặt giũ áo quần, cho heo ăn - lũ heo chính là tiền học của mấy anh em tôi, nhất là anh Ba; nhờ bán mấy lứa heo con, mẹ mới có tiền gửi cho anh trọ học! Cha tôi biết chuyện tôi nuôi mộng đại học, nhưng do việc nhà cũng ổn nên không nói gì. Ngặt nỗi, hai đứa em tôi lười chảy thây, chẳng giúp tôi được gì. Đó cũng chính là lý do gián tiếp khiến cho tôi bị cha xé tập vở, bắt phải nghỉ học gấp.


Giọt nước mắt của cha!


Sáng hôm sau, lo lắng cơm nước xong, phần cho cha bới đi làm, phần để mẹ bới đi chợ, tôi rón rén ôm cặp ra khỏi nhà. Cha nhìn theo, lặng lẽ. Đến lớp, mắt tôi vẫn còn sưng húp, tụi bạn xúm nhau hỏi, nhưng tôi không trả lời. Xui xẻo làm sao, đúng hôm đó thầy chủ nhiệm gọi tôi lên trả bài. Tôi hoảng hốt, ngơ ngẩn bước lên bục giảng. Thầy cầm lấy quyển tập của tôi, ngạc nhiên hỏi: "Tập em sao thế này? Không phải em xé đó chứ?". Tôi đứng im vô hồn, thầy hỏi gì cũng không đáp. "Này!", thầy khẽ nắm lấy cổ tay tôi lắc lắc, đúng ngay chỗ bị cha đánh. Tôi đau quá, la "oái" lên. Thầy nhìn thấy cổ tay tôi sưng vù, bầm tím, như hiểu ra điều gì, dịu giọng nói: "Em xuống phòng y tế đi, nhờ cô Vy bóp dầu cho. Thầy cho em nợ, lần sau trả bài nhé!".


Kể từ hôm đó, thầy chủ nhiệm quan tâm đến tôi nhiều hơn. Thỉnh thoảng, thầy nhờ Nam gửi cho tôi một vài quyển sách tự học với lời nhắn nhủ: "Hãy cố lên, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp, em nhé! Không gì là mãi mãi..." Lời nhắn nhủ của thầy theo tôi mãi đến những tháng năm sau này...


Rồi tôi cũng tốt nghiệp, loại giỏi! Tôi tiếp tục nộp đơn dự tuyển sinh đại học. May thay, dù chỉ dự thi một trường duy nhất là Đại học Sư phạm, tôi cũng đậu. Trước mặt tôi là một con đường! Dưới chân tôi là một con đường! Tôi sẽ phải bước tiếp!


Hôm tôi trình giấy báo nhập học, mẹ lặng lẽ cười. Cha tôi trầm ngâm không nói. Thêm một người nữa vào đại học. Một niềm vui, một nỗi lo. Phía trước, phía trước. Phía trước chắc chắn là những tháng ngày gian khó cho cha mẹ, và dĩ nhiên, cả cho tôi nữa. Tôi nhớ lúc trong phòng thi, khi đã hoàn thành bài thi cuối cùng mà vẫn còn chút ít thời gian, thay vì coi lại bài, tôi đã gục đầu trên trang giấy của mình và khóc. Giám thị có lẽ nghĩ tôi làm bài không được, nhìn tôi ái ngại.


Nhưng tôi thì lại khác, không hiểu sao tôi nghĩ là mình sẽ đậu, đậu trong lo lắng. Tôi khóc vì tấm lưng cha phơi nắng giữa đồng. Tôi khóc vì những đường kim miệt mài của mẹ. Khóc cho hai đứa em tôi. Và tôi khóc cho tôi. Không gì là mãi mãi... Tôi nhớ câu nói của thầy chủ nhiệm và tự nhủ: vì những người thân yêu, mình sẽ thay đổi được mọi thứ! Nhất định!


Giọt nước mắt của cha!


Khuya hôm đó, mẹ dậy sớm nấu cơm. Hai đứa em tôi vẫn còn say ngủ. Cha ngồi uống trà, nghe radio, kênh nhà nông. Tôi một mình xếp hành lý. Ăn sáng xong, tôi cúi chào cha mẹ lên đường. Cha tôi chỉ gật đầu, còn mẹ chỉ dặn: "Con đi đường cẩn thận. Phải biết tự chăm sóc cho mình, cha mẹ ở xa không lo được". Lần đầu tiên tôi xa nhà, xa những vài trăm cây số. Trong túi tôi cũng chỉ vỏn vẹn vài trăm ngàn. Ra đến cổng, tôi ngoái lại nhìn căn nhà thân yêu của mình, nơi tôi đã sống, đã thương yêu, đã buồn khóc những 18 năm trời!


Bất chợt, tôi bắt gặp ánh mắt của cha nhìn theo. Thấy tôi quay lại, cha vội lảng đi chỗ khác. Dù xa, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhận ra những giọt nước mắt - giọt nước mắt đã chảy xuống đôi gò má sạm nắng của cha. Cha đã khóc vì tôi. Nghĩ đến đó, mắt tôi chợt cay xè!


Bến xe hôm đó thật đông. Tôi lên xe, lặng lẽ nhìn ra cửa. Đây là quê hương tôi, lát nữa tôi phải xa. Dù là đi học, nhưng không hiểu sao tôi vẫn có cái cảm giác biền biệt, như lời một bài hát: "Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa lắm...".


Xe khởi động. Tiếng rừm rừm làm tôi rùng mình. Tôi thò đầu ra khỏi xe, nhìn về hướng nhà.