Đàn bà
Đàn bà
1 Mặt hơi xanh. Cổ dài ngẳng ra. Xương ức hõm xuống. Con bé đứng dựa hẳn vào cánh cổng lớn, rụt rè vê tà áo mỏng, ngập ngừng mãi vẫn không cất thành lời. Giọt nắng lọt qua tán hoa giấy rắc loang lổ lên mái tóc và bờ vai gầy bé bỏng. Đôi môi mắm lại và mi mắt chớp chớp mọng nước.
"Cô ơi! Đây có phải nhà... anh..." .
Nói chưa hết, con bé đã giật mình, y như vừa lỡ lời, muốn thu lại câu hỏi vừa thả ra gió mà bất lực. Tay nó nắm chặt lại tấm các vi dít, mà thoáng qua chị cũng biết là của chồng mình. Chị bắt gặp cái nhìn cầu cứu của con bé. Tội nghiệp! Đũng quần nó ướt đẫm, hình như là máu? Chị nhận ra tình cảnh lê lết của mình hai chục năm về trước cũng giống y hệt thế này. Bằng sự nhạy cảm của người đàn bà đã qua thời sinh nở, chị nghĩ con bé đang đến bước đường cùng. Chị bảo:
"Cháu có chuyện gì quan trọng phải không?".
"Dạ...". Vẫn e dè, con bé ngập ngừng.
"Cô cũng là người chân lấm tay bùn ở nhà quê ra phố. Cháu đừng ngại, có điều gì cứ nói. Cô sẽ giúp".
Con bé lưỡng lự:
"Cô là...".
"Cô là ô sin nhà bác Nam Lê". Rất nhanh chóng, chị biết chị cần phải làm gì. Phải nói dối con bé. Nói dối một cách trôi chảy và tự nhiên. "Nhưng, về quan hệ dòng tộc, cô là em họ. Cùng làng ở ngoài Bắc vào đất Sài Gòn này giúp việc gia đình bác ấy mà".
"Thế ạ? Anh Nam Lê luôn tắt máy... Con không biết xoay xở thế nào" - mắt con bé lấp lánh.
"Bác Nam Lê nhận được công trình xây dựng thủy điện ở bên Lào. Bác gái thì sang bên Anh quốc thăm đứa con gái lớn đang học ở đó rồi. Có lẽ tháng sau mới về". Chị lại nói dối. Nói dối một cách trơn tru, nhẫn tâm với con bé ngây thơ, ngờ nghệch và khốn cùng. "Bác Nam Lê dặn, ở nhà xảy ra mọi việc đột xuất thì cô thay mặt bác ấy giải quyết".
"Cô ơi!... Con... con không còn nơi nương tựa...".
Hai gối nó khuỵu dần. Người lả đi. Đổ sập xuống. May mà chị đỡ kịp. Chị dìu con bé vào đi văng. Máu đỏ dây ra cả mặt da màu huyết dụ làm chị lo sợ và lóng ngóng. Nó khóc thật sự. Khóc như mưa như gió. Khóc như khi manh áo cuối cùng vừa bị đánh mất thì ông Bụt hiện ra.
2 Bây giờ thì con bé nằm kia. Cảm giác như nó chui gọn vào trong bộ quần áo ngủ của chị. Như con mèo con. Co ro trong căn phòng nhỏ tầng trệt dành cho người giúp việc.
Bây giờ thì nó đã ăn được nửa bát cháo tim gan, chị mua vội ngoài ngõ.
Bây giờ thì cái áo thun vàng, bộ đồ underwear hiệu Triumph màu đỏ và quần bò đũng đẫm máu... đang quay trong máy giặt.
Bây giờ thì, còn việc gì chị chưa kịp làm cho nó nhỉ? Nó chỉ bằng tuổi con chị. Có lẽ chỉ bằng tuổi thằng bé đang học ở Pháp. Không! Phải bằng tuổi đứa con gái lớn đang học ở Anh quốc. Vậy là, anh cũng đáng tuổi cha mẹ nó rồi.
Nó - con bé gặp chồng chị trong một buổi anh đọc thơ ở trường đại học X. Anh là doanh nghiệp xây dựng mà vẫn làm thơ. Thiên hạ lắm gã có tiền bạc, biệt thự, xe hơi, có quyền chức... vẫn phấn đấu làm nhà thơ. Cái loại thơ này bỏ tiền túi ra in chất đống ở góc nhà, quẳng hàng bao tải trong cốp xe, đi đến đâu tặng đấy, gặp ai cũng tặng. Tặng từ ông sếp trên cao ngất ngưởng trong nhà đầy tranh thuê sinh viên mỹ thuật chép và hầm rượu, không một quyển sách...; đến chị công nhân trộn vữa trong nhà chỉ toàn vật liệu làm vàng mã bán kiếm thêm tiền cho con ăn sáng.
Nhưng, anh không thuộc loại nhà thơ rởm đời này. Anh là nghệ sĩ thật sự. Anh có đẳng cấp thơ toàn quốc. Anh xây ngôi nhà tình yêu không chỉ bằng cát sỏi, sắt đá xi măng mà cả bằng hồn thơ và sự lãng mạn cần có của một nghệ sĩ. Chị cảm anh, yêu anh bắt đầu từ những bài thơ nồng nàn hoa phượng cháy tặng chị từ thời sinh viên. Anh mài đũng quần, hoa mắt với bản vẽ công trình ở Đại học Xây dựng, còn chị đang mơ mộng với các vần thơ đồng quê của E xê nhin, thơ tình đắm say của Xuân Diệu và mênh mông vũ trụ của Huy Cận... ở Văn khoa.