80s toys - Atari. I still have
Tin vào lòng tốt giờ khó đến vậy sao?

Tin vào lòng tốt giờ khó đến vậy sao?

Tác giả: Sưu Tầm

Tin vào lòng tốt giờ khó đến vậy sao?

Hôm nay, câu chuyện một chàng trai trẻ tuổi trả lại sổ tiết kiệm 1,3 tỷ đồng kèm theo 1 điện thoại iPhone và 15 triệu tiền mặt được các bạn trẻ chia sẻ chóng mặt trên khắp mạng xã hội. Trong một cuộc sống mà hàng ngày bạn phải đọc không ít những tin tức về các vụ giết người, nhiều vụ đánh bom, những kẻ lừa đảo lòng tốt… hẳn nhiên, câu chuyện này giống như ngọn lửa nhỏ ấm áp, thắp lên lòng tin và sự tử tế của con người. Vậy mà hoá ra lại không phải. Lướt xuống đọc bình luận và giật mình nhận ra những comment xuất hiện gần như ngay lập tức, lại chất chứa đầy sự nghi kị: "Ôi hoá ra là sổ tiết kiệm, có tiêu được đâu mà chẳng trả lại?"; "Nếu 1,3 tỷ đó là tiền mặt, chắc gì cậu ta đã trả lại", hay "Trả lại thì mới được lên báo chứ?".

Nó chua chát và xấu xí đến nỗi, ngay cả chính chủ của cuốn sổ tiết kiệm được trả lại đã phải lên tiếng comment, bảo vệ chàng trai tốt bụng đã tìm gặp và trả lại đồ đánh rơi cho chị ấy. Hình như người ta hoài nghi về lòng tốt của chàng trai nhiều hơn là cảm phục, phân tích lý do tại sao chàng trai trả lại sổ tiết kiệm thay vì tin vào cái gọi là sự thành tâm.

Câu chuyện chàng trai trẻ tuổi này khiến tôi nghĩ rằng, dường như chúng ta bị ám ảnh nặng nề bởi sự hoài nghi và tiêu cực. Chúng ta coi việc “nhặt được của rơi tạm thời đút túi” là chuyện hiển nhiên, thay vì chân thành trả lại. Đồng thời trong lúc đó, chúng ta vẫn kêu gào vì lòng tốt ngày một hiếm hoi trong xã hội hiện đại, và rằng người tử tế dường như đã trở thành người tiền sử. Chúng ta tự biến mình trở thành một tờ giấy thấm, thẩm thấu hết những câu chuyện tiêu cực đang xảy ra ngoài kia, để rồi tự miễn dịch với lòng nhân ái. Và đó là một điều tốt? Không, chắc chắn là không.

Tôi vẫn còn nhớ một lần, ngày mình còn học cấp 3, tôi đi bộ từ trường về nhà. Trên đường, tôi gặp một bà lão nghèo đang chật vật gánh hàng cân giấy vụn. Trong lòng tôi mách bảo tôi phải chạy lên và giúp bà, nhưng rồi điều gì đó nảy nở trong cái mong muốn được giúp đỡ kia đã kéo tôi lại. Tôi sợ những người xung quanh nhìn và nghĩ tôi giả dối. Tôi sợ bà lão sẽ nghĩ tôi đang thực hiện một kế hoạch lừa đảo nguy hiểm nào đó. Và tất cả những nỗi sợ rất mơ hồ và vô căn cứ đấy, đã kéo tôi lại, ngăn tôi làm một việc tử tế và đúng đắn.

Và điều đó vẫn làm tôi xấu hổ đến tận bây giờ mỗi khi nghĩ đến. Tôi đã để nỗi sợ sự hoài nghi lấn át phần muốn làm việc tốt trong mình. Đó chính là ví dụ rõ ràng nhất cho việc sự tiêu cực hoàn toàn có thể ảnh hưởng vào những hành động của chúng ta. Những câu chuyện tồi tệ, những hình mẫu xấu xa khiến chúng ta nhìn đời bằng con mắt cảnh giác, chúng ta e sợ lòng tốt nhưng đồng thời cũng biến ta thành những kẻ lãnh cảm, thiếu vắng lòng tin vào cuộc sống và phủ nhận sự nhân ái. Chúng ta than phiền cuộc đời này thật thiếu sự tử tế, nhưng lại từ chối nhìn sự tử tế bằng con mắt chân thành và thiện cảm.

Tin vào lòng tốt giờ khó đến vậy sao?

Trở lại với câu chuyện chàng trai trả lại sổ tiết kiệm. Rất nhiều những bình luận cho rằng chàng trai trả lại chỉ vì đó không phải sổ tiết kiệm của anh ta nên anh ta chẳng thể rút tiền. Nhưng không ai nhìn vào khía cạnh rằng, chàng trai thậm chí đã trả lại chiếciPhonevà hơn 15 triệu tiền mặt, cũng như từ chối nhận tiền “cảm ơn” của khổ chủ. Rất có thể, nếu là một ai đó khác, họ sẽ giữ tất cả lại và cắt đứt liên lạc với người chủ đang tuyệt vọng tìm lại. Hay trả lại giấy tờ nhưng bắt chuộc tiền. Đơn giản hơn, giữ hết tiền và vứt trả giấy tờ ở một đâu đó. Rất nhiều kịch bản kiểu đó đã xảy ra thật trong những trường hợp mất đồ tương tự. Thế nên, chẳng phải hành động của chàng trai kia là rất đáng quý và chân thành hay sao?

Vậy mà, hình như từng đó ví dụ tương phản vẫn chưa đủ để thuyết phục những kẻ hoài nghi mong ngóng tìm ra một chi tiết nào đó để hạ thấp việc làm tử tế này. Họ làm vậy có thể chỉ để thoả mãn cho sự bất mãn với cuộc sống, cho sự thiếu vắng lòng tin và một tâm hồn đã mất đi sự ngây thơ. Nhưng ai nói việc làm đó sẽ vô hại? Ai nói đó chỉ là những bình luận cho vui, hay những lời trớt quớt nói rồi quên? Những câu nói đấy sẽ tồn tại mãi, đi sâu vào tâm trí những kẻ ngây thơ khác, để rồi họ thấy rằng nếu làm việc tốt thật ra cũng sẽ chẳng ai tin, và rằng trong cuộc sống này phải tính toán thì mới được khen ngợi. Và như một phản xạ, họ cũng sẽ thu mình lại, đóng kín những cánh cửa của lòng tốt đang hớn hở mở ra trước cuộc sống. Như một kết quả tất yếu, những câu chuyện tử tế cũng sẽ dần ít đi theo những tâm hồn đã vấy màu hoài nghi.

Ngày Giáng Sinh, tôi có đọc được một bài viết rất hay về sự tồn tại của ông già Noel. Bài viết đại loại là thế này: Cô bé Virginia O’Hanlon, 8 tuổi, viết thư về tờ New York’s Sun, hỏi rằng:“Liệu ông Noel có thật không? Hãy cho cháu biết sự thật.”Và một ký giả của tờ báo này, đã hồi âm lại cho cô bé một bức thư mà cho đến tận bây giờ, vẫn còn nguyên giá trị và cảm xúc. “Virginia, bạn bè cháu nói sai rồi. Họ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoài nghi trong một thời đại hoài nghi. Họ không tin trừ khi họ không thấy. Họ nghĩ rằng những thứ mà tâm hồn bé nhỏ của họ không thể lĩnh hội được là không có thật. Tất cả tâm hồn, Virginia, dù là của người lớn hay trẻ em, đều rất bé nhỏ. Nếu đem so với vũ trụ bao la, sự hiểu biết của loài người chỉ giống như loài côn trùng. Đúng vậy, Virginia à, ông già Noel thực sự có thật. Ngài tồn tại hiển nhiên như tình yêu và lòng tốt và sự thành tâm tồn tại, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được bao bọc bởi vẻ đẹp và niềm hạnh phúc.”

Tất nhiên, cuộc sống này vẫn còn đầy rẫy những câu chuyện có thể khiến bạn mất lòng tin vào sự tốt bụng của người với người. Vẫn còn những câu chuyện kinh hoàng xảy ra mỗi ngày vì sự hẹp hòi và ích kỉ. Nhưng song song với nó, luôn có những việc tốt, luôn có những câu chuyện tử tế đủ ấm áp để kéo ta lại bên phía ánh sáng. Chỉ đơn giản là, ta có chấp nhận nhìn thấy nó hay không? Tôi tin là ông già Noel có thật, cũng như tin vào những việc tốt vẫn xảy ra hàng ngày. Tôi cũng tin vào những câu chuyện cổ tích, tin vào phép màu, cũng như tin vào sự tử tế vẫn có thể đâm chồi trong trái tim của những kẻ khô khan. Bởi, bạn biết không, giống như ý niệm về ông già Noel vẫn tồn tại đâu đó giúp chúng ta thấy cuộc đời này trở nên màu sắc, thì giữa những câu chuyện đen tối diễn ra mỗi ngày, đôi khi để trái tim mình ngây thơ là điều tốt nhất ta có thể làm để cuộc sống quanh mình đẹp hơn.

Enigma