Snack's 1967
Ngưỡng đàn bà

Ngưỡng đàn bà

Tác giả: Sưu Tầm

Ngưỡng đàn bà

Lúc còn nhỏ, cha mẹ dặn đi đâu cũng về sớm, con gái phải ở trong nhà, tề gia nội trợ, việc ngoài đường là của đàn ông. Ông bà xưa cũng dặn lại bốn chữ "Khuê môn bất xuất" thì mới được cho là thục nữ. Bởi vậy, đàn bà lúc nhỏ gắn liền với cái ngưỡng cửa nhà, muốn bước qua mà sao gian truân quá.

Lớn lên chút, đời đàn bà gắn với ngưỡng tài năng. Làm gì cũng ít khi được công nhận. Học hành, người ta cũng bảo học làm chi cho cao, đời con gái lấy chồng sinh con là giỏi lắm rồi, học cao quá đàn ông họ sợ, họ không dám đến gần. Mà đúng thật, đàn ông thường sợ đàn bà thông minh, bởi đàn bà thông minh thường ít khi tin vào đàn ông, họ thích tin bản thân mình hơn, vì vậy đàn ông thấy yếu thế trước đàn bà nên sợ.

Đàn bà cũng chẳng thể giỏi, giỏi đến đâu rồi cũng phải nép sau đàn ông một chút. Ngay cả trong những thứ việc người ta cho là "việc đàn bà" như may vá, vẽ vời, thiết kế quần áo, trang điểm, cắt tóc, nấu ăn... thì người giỏi nhất, được người đời vinh danh, phần lớn vẫn là đàn ông, hay chí ít có hình dáng đàn ông.

Ngưỡng đàn bà

Đàn bà đẹp quá cũng không nên. Đẹp quá rồi người ta cho là chỉ có nhan sắc mà không có não. Thậm chí nếu đẹp mà còn giỏi thì cũng bị đời khinh khi là dùng nhan sắc để đi lên chứ làm gì có thực tài. Thậm chí tới cái lúc xinh đẹp, tài năng, gia đình viên mãn cũng phải chịu tiếng đời dị nghị xăm soi. Đừng tưởng đàn bà đep, giỏi thì đã sướng, cái khổ tâm nó còn khổ gấp trăm lần khổ thân khổ xác.

Sự chịu đựng của đàn bà, cũng nằm trong ngưỡng. Như chị bạn, có chồng, có con đề huề, chồng không tốt tính, có khi say về kiếm chuyện, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Chị đau, buồn nhưng vẫn ở, "vì con", chị bảo. Nhưng chỉ cần một ngày chồng về nhà có mùi nước hoa lạ, trong điện thoại có tin nhắn tình nhân, chị hỏi cho ra lẽ, rồi quyết định ly thân để ly dị. "Với chị, khi trái tim đã thay đổi thì không thể chấp nhận được." Ngưỡng của chị cũng đến đó là cùng.

Đời đàn bà, thỉnh thoảng cũng nên ngồi tự vấn coi đâu là ngưỡng của mình, để còn biết sướng biết khổ, biết giữ biết buông, chứ tay đàn bà vốn mềm, giữ người không thuộc về mình làm chi, cho đau, rồi cuối cùng cũng vuột mất. Mở lòng bàn tay ra, thấy xước, thấy máu.

Đời đàn bà, chung quy cũng nằm trong cái ngưỡng đời... Bởi thương lắm, cái kiếp đàn bà, sinh ra hình như là đã khổ...

Nguyễn Ngọc Thạch