80s toys - Atari. I still have
Người trẻ chông chênh

Người trẻ chông chênh

Tác giả: Sưu Tầm

Người trẻ chông chênh

Năm 18 tuổi, người trẻ phân vân giữa vô số ngả đường. Chọn trường nào, thi vào đâu, trường nào dễ đậu, trường nào ra dễ xin việc, trường nào học xong có suất làm trước hay trường nào thì có thể cho mình sống đúng với ước mơ của chính mình.

Người trẻ lạc lõng, người trẻ băn khoăn,, người trẻ phân vân và rồi người trẻ thấy mất phương hướng. Thôi thì chọn đại, thôi cứ học đi rồi tới đâu thì tới. Trường kia top 3, trường nọ là ĐH Vip, trường đấy chắc ra không lo thất nghiệp, thế là thi, thế là học, học rồi thi, thi rồi học. Người trẻ căng lên như dây đàn trong cái vòng luẩn quẩn đậu hay không.

19 tuổi, đỗ thì đi học, không đỗ cũng vạ vật được ở 1 trường nào đấy. Rồi chông chênh. Học ở ĐH thế này sao? Người trẻ cảm giác không bắt kịp, người trẻ cảm giác mình đang ở ngoài rìa. Người trẻ mếu máo, học nhởn nhơ hay dù học cật lực, người trẻ vẫn chống chếnh trong cơn say của riêng mình.

Người trẻ chông chênh

Lên ĐH, cảm giác như có 1 sự đổ vỡ. Hay nói đúng hơn là vỡ mộng. Người trẻ hốt hoảng, bao năm cày cuốc giờ lên ĐH thế này sao. Nhưng cũng có người hào hứng, bắt kịp môi trường mới nhanh chóng. Những người trẻ ấy sẽ là một câu chuyện khác chứ không phải trong bài viết này.

22 tuổi, gần ra trường. Và tới ngưỡng cuối cùng là ra trường. Học xong 4 năm trầy trật, thi rồi đậu, thi lại rồi học cải thiện, cuối cùng cũng méo mó cầm được tấm bằng đi về. Học xong 4 năm, nói làm được gì, học được những gì, cảm giác quên sạch. Thôi thì chữ thầy giả thầy, người trẻ lại một lần nữa chông chênh. Cảm giác chông chênh tăng theo cấp số cộng, theo năm tháng, và theo những trải nghiệm ngột ngạt của người trẻ trên đường đời.

22 tuổi, học xong, cầm bằng về gói kĩ cất trong tủ. Mới đắng lòng, nhận ra xung quanh mình, bạn bè có những đứa chỉ học trung cấp, cao đẳng 2, 3 năm nhưng đã công việc ngon ngon. Còn mình cái bằng đại học giờ rẻ tới vậy. Lại mới thấy có lẽ bản thân đã quá ảo tưởng, đặt quá nhiều kì vọng và niềm tin vào tấm bằng. Để giờ đây người trẻ lại say sóng giữa đời.

Người trẻ nhặt nhạnh những thứ đã trải qua trong 4 năm, cái này 1 chút, cái kia 1 tý đóng gói lại thành mớ hỗn tạp được đặt tên là kinh nghiệm. Cái CV èo ọt được vài dòng giới thiệu bản thân và những kinh nghiệm hổ lốn ấy chẳng đáng để màng người ta nhìn tới.

Người trẻ đau, và người trẻ thất vọng. Khóc bắt đầu từ 2 chữ lập nghiệp, thế mới biết để ra đời sao lắm nỗi chông chênh.

Rồi người trẻ nhìn người ta, người trẻ ước, người trẻ ghen tị và người trẻ cay. Cay và xót. Người trẻ vẫn mãi mờ nhạt với cái bóng của chính bản thân mình.

Rồi đi làm, người trẻ lao vào làm. Làm rồi nghỉ, vừa làm vừa học, cứ khập khiễng, đứt đoạn. Cho đến lúc ngoảnh lại người trẻ vẫn thấy mình chưa làm được trò trống gì.

Người trẻ giật mình hỏi bản thân rốt cục mình thích gì, thực sự đam mê gì, cái mình theo đuổi trong suốt bao năm trời ở ghế nhà trường có phải, có đáng được gọi là ước mơ. Người trẻ loay hoay trong mớ câu hỏi xác định lại bản thân, xác định lại phương hướng cho chính mình.

Như 1 vòng quay, người trẻ vẫn thấy mình hụt chân trong vòng quay đó. Người trẻ cứ đi, rờ rẫm mà chẳng biết đi về đâu, đi về nơi nào.

Người trẻ thấy ngột ngạt trong môi trường mới, rồi người trẻ học cách đeo những lớp mặt nạ khác nhau. Mặt nạ vui, mặt nạ buồn, mặt nạ tức giận... Cứ sợ mình làm sai hay sợ mình làm không đúng, người trẻ bối rối trên con đường khẳng định mình.

Nhắm mắt lại và nắm lấy đam mê, cho những ai hãy đang còn trẻ và sẽ là những người trẻ. Cái từ đam mê nó thật khó định nghĩa, nhưng biết răng chừng nào người trẻ vẫn chưa biết mình yêu gì, muốn gì, thích gì, thì người trẻ vẫn cứ chông chênh sải bước giữa bão dông cuộc đời.

trinh troi