The Soda Pop
Yêu trong cơn điên

Yêu trong cơn điên

Tác giả: Sưu Tầm

Yêu trong cơn điên

Những lão già bụng phệ áo sơmi, quần âu đóng thùng tự cho ta đây khí chất đạo mạo lại tìm đến em để giải tỏa thú vui tình ái. Em là "gái điếm." Họ gọi em như vậy khi em chỉ mới 17 tuổi.


***


"Bác sĩ lại tiêm à?"


Anh mỉm cười gật đầu trả lời:


"Ngoan nhé, bác sĩ sẽ không làm em đau."


"Bác sĩ."


"Bác sĩ nghe."


"Bác sĩ có người thương chưa?"


"Bác sĩ có người thương rồi."


"Người thương của bác sĩ đẹp không?"


"Ừ, đẹp."


"Đẹp hơn Thục Quyên ạ?"


"Không. Không đẹp hơn Thục Quyên đâu. Thục Quyên là đẹp nhất."


"Á đau."


...


Yêu trong cơn điên


Em không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu mùa xuân rồi ở nơi này. Nơi mà em bị người đời ghẻ lạnh để rồi ném vào đây với sự miệt thị dành cho một con điên. Họ nói em là trẻ mồ côi. Họ gọi em là gái điếm. Họ bảo em không có tư cách được sống trên cõi đời này. Vậy... họ có đủ tư cách để biến em trở thành một con điên?


Em không mồ côi. Em cũng có đấng sinh thành mà. Nhưng họ đã lần lượt bỏ em đi rồi. Mẹ em đâu? Em không biết. Em chỉ nhớ... mẹ đã phải ôm chân lão chủ nhà keo kiệt nài nỉ lão tờ bạc năm nghìn để mua gói xôi cho em. Em chỉ nhớ... lão đưa ánh mắt thèm khát của một con thú nhìn mẹ rồi buông những lời cợt nhã. Em chỉ nhớ... lão nắm mái tóc dài của mẹ mà em hay tết bím rồi lôi mẹ khuất sau cánh cửa. Và em chỉ nhớ... em đã ngồi rất lâu để đợi mẹ. Đợi mãi, đợi mãi, cho đến khi có một người phụ nữ đến bồng em đi. Bà ta nói bà ta là mẹ mới của em. Và còn nói rằng em phải chóng lớn để đền đáp công ơn cưu mang của bà.


Những tháng năm dài dằng dẵng trong ngôi nhà khang trang có nhiều đứa trẻ cùng lứa như em, em gọi bà là "má"... nhưng sự uất hận, căm phẫn em giấu kín sau cánh môi đỏ rướm máu. 17 tuổi, độ tuổi nảy nở và nhạy cảm nhất của một cô gái mới lớn thì cũng là thời điểm thượng đế quay lưng lại với em.


Dưới tiếng sấm rền xé toạc màn đêm như tiếng gào thét của chính mình, em đã hiểu được sấp giấy bạc trên tay mà Má nuôi gọi là đô la ấy có ý nghĩa gì. Nó là giá trị của em. Là những thứ thức ăn thừa thãi mà em được ăn? Là những bộ quần áo sida dăm ba nghìn mà em được mặc? Hay những thỏi son rẻ tiền có màu đỏ lòe loẹt – màu son đặc trưng của những cô gái làm tiền mà bà mua cho em? Bà ta trao em cho một gã trung niên đáng tuổi cha. Một gương mặt góc cạnh hung hãn với bộ râu quai mọc lởm chởm trên cằm. Cặp mắt hắn long lên cái nhìn tà dâm khiến em run rẩy trong sợ hãi. Hắn buông lời nhục mạ, rồi lao vào nghiền nát em như một con thú sổ lồng. Em khóc, cầu lụy hắn, van xin hắn, nhưng tất cả những gì em nhận được là sự sỉ vả, là những lời đe dọa cưỡng ép và sự đau đớn từ thể xác.


...


Những lão già bụng phệ áo sơmi, quần âu đóng thùng tự cho ta đây khí chất đạo mạo lại tìm đến em để giải tỏa thú vui tình ái. Em là "gái điếm." Họ gọi em như vậy khi em chỉ mới 17 tuổi.


18 tuổi. Những cô bạn đồng trang lứa với em ở tuổi này còn vô tư lắm với những quán trà sữa sau giờ tan học. Còn em thì phải mặc lên người những bộ áo thiếu vải gọi mời những con thiêu thân đói khát như một công việc để "trả ơn" cưu mang theo cách mà Má nuôi vẫn thường nói.


19 tuổi. Thằng khốn tay sai của Má nuôi để ý đến em, hắn nhiều lần gạ gẫm em không thành công, cuối cùng là đánh em đến gãy tay chỉ vì em không chịu phục vụ hắn.


20 tuổi. Sau những trận đòn roi trong căn phòng bốc mùi phân chuột, em như một xác chết nằm trên sàn nhà lạnh lẽo, nơi loang lổ những vết máu của chính mình. Vì em bị sốt, em thấy lạnh cóng dưới tiết trời oi ả của nắng Sài Gòn và làm sao em có thể tiếp khách khi mà cơ thể em không thể đứng vững!?


21 tuổi. Lần đầu tiên em cho phép mình trở thành thú dữ. Một con thú ngoan dù có trung thành mấy thì cũng sẽ quay lại cắn chủ nếu nó đã bị dồn ép đến cùng đường. Tất cả chỉ để được tồn tại. Đôi mắt tròn long lanh ngày nào của em giờ trở nên mất kiểm soát bởi sự căm hận. Em trừng ả, em lao vào người đàn bà mà ai cũng khiếp sợ ấy, hàm rang nhỏ nhắn nhưng lại sắc bén của em khiến bả vai mụ bật máu, em giật mái tóc nhuộm vàng của mụ, xé toạc bộ đầm đắt tiền mà mụ khoe mới mua ở Sing về. Nhưng đó chỉ là một phút nhất thời em cảm thấy mình mạnh mẽ. Sau tất cả những trò điên em làm, chúng lại đánh em. Đánh cho đến khi em không còn van xin được nữa, đánh cho đến khi thân thể thâm tím của em không còn cảm giác. Bọn chúng vứt em trong một khu nghĩa trang bỏ hoang vì nghĩ rằng em đã chết, để che giấu tội ác của mình.


Nằm bất động bên một ngôi mộ dát những phiến đá lạnh toát, em choàng tỉnh trong cơn đau ê ẩm lan tỏa khắp thân thể. Tưởng chừng như cuộc đời tăm tối sắp kết thúc. Nhưng số phận mãi là một vòng luẩn quẩn khiến em cứ chạy mãi. Trốn tránh chính mình để rồi cuối cùng vẫn phải nhận lấy sự thật nghiệt ngã. Em trách ông trời sao lại để em tỉnh dậy? Sao không để lũ quỷ dữ kia đánh thêm chút nữa để chắc chắn rằng em không còn cơ hội sống sót? Sao không cho em trở về bên người mà lại đày đọa em trong thân thể của một con người khốn khổ?


Đưa đôi mắt ai oán đẫm lệ lên nhìn trời xanh, tiếng gào thét vang tận bầu trời xa thăm thẳm khóc thương cho mảnh đời nhỏ bất hạnh.


...


Em... từ một gái điếm lại trở thành kẻ điên thang lang, rong ruổi trên các con phố với làn da đen nhẻm, nhem nhuốc. Không còn chốn để về, không còn nơi nương tựa. Đôi mắt thiên hạ nhìn em như một sinh vật bẩn thỉu đáng sợ rồi buông vài câu thương hại. Ánh mắt xót thương nhất cũng chỉ ném được cho em mẩu bánh mì vụn rồi đưa mắt với những người xung quanh "sao không ai gọi cho nhà thương tâm thần vậy?!"


Cuộc sống mới của một cô gái điên nơi đầu đường xó chợ với trăm ngàn mối hiểm nguy luôn trực chờ đe dọa, nhưng đâu đó trong đôi mắt nâu thẳm của em luôn phảng phất những nụ cười hồn nhiên đến tội nghiệp. Vậy nhưng cuộc sống lang thang bình dị êm ả của em trên con phố nhỏ cùng những đứa trẻ xóm chợ chẳng kéo dài được bao lâu khi tờ lá cải của thành phố đưa tin một người phụ nữ bị tấn công trọng thương bởi một cô gái điên. Nhân vật trong bài báo đó là em, là em đã tấn công người phụ nữ đó, vì bà ta mặc chiếc đầm giống hệt chiếc đầm em đã xé của Má nuôi nên em nghĩ rằng đó là người đã hủy hoại em. Trong một phút run rẩy không kiềm chế được chính mình, em đã hành động trong vô thức.