Yêu như tình yêu vẫn thế

Yêu như tình yêu vẫn thế

Tác giả: Sưu Tầm

Yêu như tình yêu vẫn thế

Nhưng Yên và Đào không đánh nhau vì giành nhau một đứa con gái, chúng đánh nhau vì chúng thân nhau quá... Vì thằng Đào không muốn Yên yêu con Linh....


***


Yên có một thằng bạn thân, đó là Đào. Hai thằng chơi với nhau từ ngày còn thơ dại. Tuổi thơ hai thằng như những mảnh ghép trong cùng một bức tranh. Bức tranh có màu xanh mướt của thảm cỏ cạnh con giếng đầu làng, màu đỏ vàng của trời chiều vi vút gió – những cơn gió cho diều lên cao, có màu lấp lánh rất riêng của những hòn bi mới đang lăn trên nền đất. Tình bạn hai thằng là cả một tuổi thơ. Ngày ấy chúng cũng có lắm khi giận dỗi bâng quơ, nhưng chưa bao giờ biết ghét nhau. Bọn trẻ đối đãi với nhau bằng thứ tình bạn mà nhiều khi người lớn chẳng có được: tấm lòng chân thực nhiều khi ngây ngô. Chúng vẫn luôn nghĩ ký ức sẽ cho chúng một tình cảm chẳng thể phai nhòa, bạn bè chúng cũng đều nghĩ thế.


Vậy mà mới vài hôm trước, Đào và Yên lại đánh nhau. Bọn bạn đồn lý do hai thằng đánh nhau là vì một đứa con gái. Chúng ngạc nhiên lắm, nhưng cũng có thằng nói "bạn be thân rồi cũng có lúc quay sang vạc nhau thôi, đời làm gì tin được thằng nào. Mà đây lại là vì con Linh!".


Yêu như tình yêu vẫn thế


Lắm khi người ta tin chắc vào một suy nghĩ bỗng chốc hiện ra về một sự việc mình còn chưa rõ. Mà lứa tuổi mới lớn thì lại càng hay như vậy. Hãy đứng vào trong đám đông, bạn sẽ thấy đa số họ nhìn vào bề nổi, những suy nghĩ bồng bột lắm khi lại là những suy nghĩ dễ cảm thông. Còn tình cảm thương yêu lắm khi cảm thưởng như một cái gì xa xỉ.


Thế nên bọn bạn nhiều đứa tin Đào với Yên đánh nhau vì đứa con gái, mặc dù chúng đã từng rất thân. Mà cũng có khi là thế thật. Lứa tuổi mười tám đôi mươi, người ta có vẻ thích đánh nhau, đánh nhau đôi khi chỉ vì một cái gợn trong ánh nhìn. Nhưng có lẽ lại là cái gợn trong ánh nhìn chung về một đứa con gái có thể làm đôi bạn thân thành ra không nhìn nhau nữa? Cũng có thể lắm! Tuổi hai mươi người ta thay đổi rất nhiều. Hai mươi tuổi, một người bạn thân cũ có thể sẽ chẳng còn là bạn nữa.


Nhưng Yên và Đào không đánh nhau vì giành nhau một đứa con gái, chúng đánh nhau vì chúng thân nhau quá... Vì thằng Đào không muốn Yên yêu con Linh....


***


Nhà Linh nghèo lắm, năm lên ba, ông nội mất để lại cho cha và mẹ Linh một khoản nợ không trả được. Đôi mắt trong veo của cô bé ba tuổi chưa thể thấy gánh nặng đồng tiền đang đè trên vai người bố. Sau khi ông mất, bố không hay trêu đùa cô con gái nhỏ nữa. Rồi dăm ba tuần, Linh không thấy bố ở nhà. Mẹ bảo bố đi làm công nhân ở đâu xa lắm. Cô bé ngây thơ hỏi "sao bố không làm ở làng mà phải đi xa" thì mẹ bảo, bố phải đi xa mới kiếm được tiền để trả nợ cho ông. Trong đầu đứa trẻ nghĩ về những món nợ: có những món nợ mà người này đi vay nhưng kẻ khác lại phải trả. Việc phải trả những khoản nợ như thế nhiều khi là cái họa. Và, có những khi tai họa đột nhiên ập xuống đầu làm những người yếu đuối chỉ biết khóc.


Ông đánh bạc thua nợ. Ngày ông mất, người ta cầm giấy đến tận đám ma đòi. Thế là bố đi. Ngày bố đi, Linh nghe tiếng sụt sịt rất khẽ từ trong bóng đêm, tiếng mẹ khóc. Rồi vài tháng sau mẹ cũng đi buôn rau cỏ với hoa quả trên chợ xa ngoài thành phố. Mẹ giao Linh cho bác hàng xóm gần nhà, giao theo cái cách vội vã của người đang chất chồng bao suy nghĩ lo âu. Phải chăng khi trong lòng đang có một nỗi lo lớn thì người ta sẽ không còn tâm trí cho một thứ nhỏ bé hơn.


Không cha mẹ quản, Linh được đi chơi nhiều hơn. Trẻ con rất thích đi chơi nhưng người lớn lắm khi gọi niềm vui thích hồn nhiên ấy bằng hai từ lêu lổng. Họ nói với con mình mỗi khi con bé Linh đến rủ nó đi chơi "Mày đua thế nào được với con Linh, nó là đứa không ai dạy bảo". Dĩ nhiên là bọn trẻ vẫn tiếp nhận Linh trong những cuộc chơi, nhưng vẫn có thứ gì đó chẳng hay gợn lên trong suy nghĩ còn ngây thơ của chúng về Linh.


Cô bé biết điều đó, càng lớn cô càng biết điều đó, và co lại dần. Càng tham gia những cuộc vui nhiều bao nhiêu, Linh càng cô quạnh bấy nhiêu. Hóa ra người ta không cô đơn khi có một mình, người ta chỉ cô đơn khi đứng trước nhiều người mà nhận ra rằng mình khác biệt, chỉ cô đơn khi nhận ra mình khác biệt mà chẳng thể nào vượt qua nổi sự khác biệt đó.


Rồi tới chuyện của bố mẹ, họ làm ở hai nơi xa nhau, sự xa cách làm bố mẹ Linh trở lên khác đi trong quan hệ của hai người. Dường như cô gái bé nhỏ ấy vẫn âm thầm nhận ra cái ủ rũ trong ánh mắt bố mẹ nhìn về nhau, họ vướng vào những ràng buộc vô hình nào đó mà cô bé còn chưa tưởng tượng ra được, nhưng cảm nhận thì rất rõ. Người lớn, họ tưởng trẻ con là không biết gì. Nhưng trong trái tim non dại ấy lại đầy nhạy cảm và giờ sự nhạy cảm của Linh được rót vào biết bao là đau thương. Cô bé nào biết cái định nghĩa đau thương nó như thế nào, chỉ biết lắm khi vu vơ nghĩ mà khóc ra được, nghĩ tới cái gì xung quanh cũng có thể khóc, nước mắt đẫm đầy gối mà chẳng ai vỗ về.


Linh lớn lên trong cái buồn, cái buồn gặm nhấm cả tuổi thơ của cô bé. Cô bé thích ngắm mưa rơi, những giọt mưa buồn rơi xuống cho cây tươi tốt và cho hạt giống từ tâm hồn cô bé nảy nở và lớn nhanh hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Lên lớp bốn, Linh đã biết đến cảm giác thích, Linh thích một anh gần nhà hơn cô bé cả chục tuổi. Cô bé giữ điều ấy vào sâu trong sự rụt rè, vì cô biết nếu nói ra anh sẽ cười cô trẻ con. Lên lớp sáu, đôi môi Linh đã hồng, ánh mắt ngây thơ buồn càng đen và trong veo, cơ thể thì có biết bao sự đổi khác. Lớp sáu Linh có bạn trai, Linh biết đến cái hôn lần đầu. Con bé lớn cùng những giọt mưa buồn, cái cây nhỏ của Linh mặc sức lớn lên mà không người uốn nắn. Một ngày, mẹ cô về thăm nhà và bất ngờ thấy con mình cùng một thằng con trai đang nằm trên giường. Đó là năm Linh lên lớp bảy. Lên lớp bảy, Linh đã là đứa con gái hư trong mắt mọi người.


Thằng Đào không muốn Yên yêu Linh, Đào không lạ gì con bé ấy, nhưng chẳng hiểu làm sao mà Đào nói mãi nó không nghe:


- Mày không yêu được con đấy đâu Yên ạ!


- Sao mà không yêu được, tao tệ lắm hả?


- Mày không tệ, mày là thằng rất tốt. Con Linh cơ, nó chỉ là con đĩ thôi!


Đào không ngờ lời nói chân thành ấy làm Yên xúc động mạnh, Yên nói như trút nỗi xúc động ấy ra bằng sự bực dọc:


- Mày không biết gì thì im đi.


Đào không thể hiểu thằng Yên nghĩ gì. Nó có thể thích một đứa con gái vì vẻ bề ngoài. Nhưng yêu thì lại là chuyện khác! Con Linh không phải đứa đáng để những thằng như Yên yêu. Thằng Yên nghĩ sao thế...


- Tao không biết hay mày mới là thằng không biết, mày bỏ nó ngay đi! Thằng như mày lại đi yêu một con đĩ hả?


Đào chưa kịp nói hết câu thì Yên đã đứng lên túm lấy cổ áo thằng bạn:


– Mày thích chết không?


Thằng Yên lại còn muốn đánh Đào, nó điên mất rồi hay sao..Mà nó đã điên thì Đào cũng phải đánh cho nó tỉnh lại. Đánh cho nó một trận để cho nó tỉnh ra...


Yên mất bạn, cái mất ấy sẽ mau chóng nguôi đi vì thằng Đào chẳng phải loại hay để bụng. Nhưng còn có điều khác buồn hơn, nó đang hiện lên bằng một khoảng trống, bằng một nỗi băn khoăn trong lòng Yên: chẳng biết Đào sẽ nghĩ thế nào về Yên.


Thằng đàn ông vì đứa con gái mà bỏ bạn. Nó có hiểu Yên đâu, nó có yêu đâu mà biết được, một đứa con gái như Linh cũng có cái để yêu lắm chứ!


***


Yên gặp nụ cười như nắng nhạt sau cơn mưa của Linh vào một ngày tan trường. Ngôi trường được xây lên trên khoảng đất vốn nằm ở đầu cánh đồng. Đường nối ngôi trường với làng vắt qua một đường ray và muốn đi học cũng phải đi qua cả đường cái. Người ta gặp gỡ nhau là vì cái duyên. Phải chăng đường đi đến trường là cái duyên cho Yên gặp cô bé ấy?


Ngày hôm đó mưa rả rich và đường thì thật là trơn. Tiếng mưa lẫn tiếng máy tời vu vu của một nhà bên đường đang xây dựng. Dưới lòng đường lác đác vài ba mẩu gạch vụn. Và cảnh tượng ngày hôm ấy đúng là cái duyên. Giờ tan học, đúng lúc Yên băng qua đường thì gặp một tai nạn nhỏ.