Rất xa, rất gần
Rất xa, rất gần
- Em có biết gió lạnh đang về không? Và việc chờ em làm cơn gió lạnh hơn với anh.
Vì là trong giấc mơ cho nên tôi có thể nói theo cách mà tôi thích. Nhưng tôi vẫn sợ Thùy không hiểu. Thật may là cô ấy đã nghe thấy lòng tôi và mỉm cười:
- Em xin lỗi!
Lời xin lỗi của kẻ đang được yêu chất chứa tất cả định nghĩa về sự dịu dàng. Ánh mắt Thùy làm tôi tin rằng cô ấy đã cố tình đến muộn. Để tôi chờ. Để cô ấy dịu dàng mà nói xin lỗi tôi. Bởi vì cô ấy là con gái. Thế nên, tôi vờ hỏi Thùy một câu hết sức ngu ngơ:
- Em mải làm bài tập à, hay phải làm việc nhà.
Thùy cười:
- Em chỉ hơi bận thôi, xin lỗi anh!
Thế là tôi tin rằng Thùy bận thật. Từ trong những trả vờ, vô số tình cảm thật đến lạ lùng được gieo lên. Thứ tình cảm ấy bắt tôi phải nhớ Thùy mãi.
Và như thế, tôi đã có một mối tình, mối tình trong mơ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tôi đã không thật thà lắm khi kể lại sự bắt đầu giữa tôi và Thùy. Thực ra tôi cũng có hỏi thăm mọi người về cô ấy, cũng đôi lần gặp cô ấy ở sân thể dục hay dưới căng –tin trường chứ chẳng phải chỉ là trong giấc mơ. Nhưng tôi muốn kể về tình yêu bằng sự gặp gỡ lạ kì trong cảm nhận của tôi. Như bạn biết đấy, khi muốn kể cái gì tận sâu trong lòng thì đừng nên thật thà quá. Mà nếu nói dối được thì càng tốt, nói dối như là cách mà những người yêu nhau nói dối nhau về sắc đẹp hay sự dịu dàng của đối phương. Tôi thấy rằng chúng ta chẳng nên sống trong mơ, nhưng phải biết trông vào giấc mơ để mà sống.
Giấc mơ còn kéo dài thêm một đêm nữa. Đêm thứ ba của những giấc mơ, tôi quyết nói với Thùy rằng tôi nhớ, rằng tôi thấy Thùy xinh xắn nhất trên đời, rằng Thùy là người con gái ngoan nhất. Phải, bạn không hề đọc nhầm: đêm thứ ba, tôi nói với Thùy, cô ấy là ngoan nhất:
- Em là một cô bé ngoan...
Thùy cúi mặt xuống, bần thần. Rồi với cái giọng rụt dè khe khẽ, Thùy nói với tôi:
- Em chẳng hề ngoan đâu... Em là một cô gái không tốt!
- Nhưng anh thương em mất rồi!
Thùy lặng đi, không trả lời tôi nữa. Cô ấy chỉ nhìn tôi, ánh mắt cô ấy trong như là giọt nước, một ánh mắt biết cười. Nhưng giờ, ánh mắt biết cười ấy đang trực khóc. Thùy lặp lại câu nói lúc nãy. Lần này, giọng cô ấy run đi:
- Em là cô gái không tốt... Em không ngoan đâu anh!
Ánh mắt cô ấy vẫn nhìn tôi, tôi cũng chỉ biết đáp lại bằng ánh mắt. Ngay cả trong mơ mà tôi vẫn nhút nhát, giá không rụt rè quá thì có lẽ tôi đã đến và ôm lấy cô gái tôi thương. Nhưng tôi mới có lớp chín thôi mà, và tôi chưa yêu bao giờ, thế nên tôi chỉ biết đứng từ xa xa mà nhìn Thùy. Tôi đứng từ xa nhìn Thùy trong giấc mơ... Có lẽ như thế lại tốt, bởi vì khoảng cách tạo cảm giác an toàn cho những người chưa biết nhau nhiều. Nguồn gốc của sự nghi ngờ là việc ta cố tiến lại gần ai đó trong khi cô ấy chưa cảm thấy ta đáng tin. Mà tôi lại vừa mới nói một điều chẳng mấy đáng tin: Tôi bảo Thùy là một cô gái tốt, một cô gái ngoan trong mắt tôi.
Người con gái như Thùy, một người con gái tim đã đôi lần vụn vỡ thì làm sao có thể tin câu nói đó của tôi ngay. Một cố gái biết mình hư là một cô gái mong muốn có ai đó thấy mình ngoan. Nhưng thật khó có ai có thể cho một cô gái hư biết rằng cô ấy thật ngoan. Một thông điệp yêu thương sẽ khó được truyền tải nếu trái tim người nhận đã đau thương quá nhiều rồi.
Đôi lần tôi thấy Thùy bước thật nhanh qua cửa lớp tôi. Tôi hiểu vì sao Thùy bước nhanh như thế, bởi vì ở cửa lớp, bọn con trai lớp tôi đang nhao lên bàn tán. Chúng bàn về phẩm hạnh của con gái, chúng bàn về cái mà chúng gọi là "trinh". Lũ con trai mới lớn nhiều khi hiếu kì và mang cái suy nghĩ cổ như một ông già. Mà quái thay, chúng lại chẳng phải ông già hẳn, một ông già thì làm gì ngây ngô như thế.
Tôi thấy bọn con trai lớp tôi bảo:
- Con này mất trinh rồi, con gái đẹp mà chẳng còn trinh thì chỉ làm đồ chơi thôi.
Một thanh niên mười sáu tuổi sẽ suy nghĩ như vậy đấy. Chúng hay bàn về cái chúng chẳng hiểu gì. Khi người ta chẳng hiểu nổi mong muốn của mình, người ta sẽ thấy đời toàn quái thai. Người ta có thể sẽ nghĩ rằng: những ai đã một lần lỡ làng sẽ lỡ làng mãi. Người ta quen một cô gái từng lầm lỡ vì mong rằng cô ấy sẽ lầm lỡ thêm một lần nữa... Tôi thương Thùy. Đôi khi thương với yêu là một thứ gì đó thật gần nhau.
Tôi nghe người ta kể vê gia đình Thùy. Bố mẹ Thùy li dị từ năm cô lên sáu. Thùy về sống với mẹ. Mẹ Thùy đi chợ xa suốt, giao cô cho bà ngoại. Cô lớn lên trong lời ru của bà, trong vị ngọt của những chiếc kẹo bỏng dài và những câu chuyện cổ tích toàn người tốt. Có những lúc, Thùy thấy chú Năm hàng xóm xách điếu cày đuổi đánh vợ, cô bé tự hỏi: sao chú Năm không tốt như trong chuyện cổ tích, sao bụt không hiện ra giúp cô Năm?
Lớn lên một chút, Thùy chẳng tin lời bà nữa. Những câu chuyện cổ tích bà kể toàn nói dối cả. Những cây bỏng dài, những que kem, những cây kẹo kéo Thùy ăn cũng chẳng thấy ngon nữa. Đồ ngọt vốn dĩ không chứa nhiều năng lượng. Và cái màu hồng của cặp kính đôi khi còn góp phần đánh chân người ta quỵ xuống, bởi sẽ có lúc ta phải tháo nó ra. Thùy lớn thêm, bà chẳng thể quản được cô nữa, còn mẹ thì vẫn đi biệt. Bà thương Thùy lắm, nhưng tình thương đơn thuần, cho dù vô bờ bến cũng không thể nào làm người ta yên bình. Trong mỗi con người vốn dĩ luôn có một chất nổi loạn, thế cho nên một vòng tay sẽ chẳng thể nào giữ lấy một tâm hồn được.
Thùy cứ thế lớn trong những chơi vơi. Tôi tin chính Thùy cũng chẳng biết mình "hư" từ khi nào. Bạn thấy người khác hư là vì bạn không có cơ hội để hư thôi, nếu cứ được tự do trong cám dỗ và ước muốn người ta sẽ từ từ mà đi tới lầm lỡ.
Với lại, tôi thấy Yêu là một ước muốn hết sức bình thường ở con người. Con gái nếu không muốn mất trinh thì hãy cứ chuẩn bị khăn gói mà lên chùa. Mà trên đời, ni cô có khi cũng còn mất trinh ấy. Chuyện sớm muộn cũng là chuyện của cơ thể, là chuyện của những sợi dây trói người ta lại. Tôi thấy Thùy vẫn có thể là đứa con gái ngoan. Con gái có thể chẳng còn "trong trắng" nhưng họ phải giữ cho mình lòng tự trọng.
Mà Thùy thì đang cúi đầu, cố đi cho nhanh. Tôi thấy Thùy buồn...
Tôi cần lòng tin của cô ấy, để nói rằng cô ấy đừng buồn nữa. Tôi cảm giác rằng lòng tin đúng đắn nhất của phụ nữ có khi mang hình hài một ảo tưởng. Nhưng dù gì tôi cũng đã gặp Thùy.
Nỗi buồn, đó là nơi tôi gặp Thùy. Tôi đã đi tới nỗi buồn của cô ấy băng một niềm băn khoăn, niềm băn khoăn của người lạ. Tôi thấy như là mình thích thích và có tình cảm với đứa con gái ấy. Ta có thể thích ai đó về bất cứ điều gì, nhưng nếu muốn tiến lại gần cô ấy thì ta phải có tình cảm đã, nếu không ta lại giống như loài thiêu thân, lao vào lữa mà ngỡ là ánh sáng của đời nó. Thanh niên thì cần phải nhiệt huyết nhưng nhiệt huyết như thiêu thân thì buồn lắm!
Thế là tôi đợi những giấc mơ lớn thêm.
Thế là tôi tìm hỏi mọi người về Thùy.
Như thế, nỗi buồn của cô ấy lớn lên trong cảm nhận của tôi, lớn lên bằng những suy nghĩ, những giấc mơ tôi, những giấc mơ của đời thật.
Mẩu thư đầu tôi gửi, Thùy đã trả lời:
- Em cảm ơn anh!
Tôi xin nhắc lại mẩu thư đó:
"ta ngắm một vì sao vì hai lẽ, một là vì nó sáng, hai là vì ta chẳng hiểu gì về nó.