Pair of Vintage Old School Fru
Gần chiều

Gần chiều

Tác giả: Sưu Tầm

Gần chiều


Tôi lật những sách mà không đọc nổi chữ nào. "Em không còn là Midori và Naoko của anh nữa." Khi nhận được bức thư đó (chúng tôi vẫn thích viết tay hơn là gửi và nhận email), tôi đã mỉm cười và trả lời đại ý rằng: em là con gái, lại nữ tính thì ít chịu ông Murakami bằng bà Banana là đương nhiên; em không hẳn thích Midori hay Naoko cũng phải thôi.


Thực ra, mùa hè vừa rồi, tôi có theo chân nhóm bạn Hồi giáo đến Chicago. Tôi không tiện tách riêng. Mà có khi trong thâm tâm, tôi cũng không muốn gặp em vội vàng gấp gáp. Chẳng để làm gì cả. Lúc nhìn chiều xuống trên hồ Michigan, tôi chợt quay ra hỏi bạn tôi rằng: cậu biết mấy người đang dùng tay vục nước kia là có ý gì không? Bạn tôi nhìn mặt hồ lấp loáng, rộng như biển và đoán rằng họ nghịch thôi; trời đẹp, hồ đẹp thế cơ mà. Tôi bảo không, họ đang bắt lấy quá khứ đấy, bắt lấy những ảo ảnh chẳng bao giờ trở lại nữa, bắt lấy quá khứ của người khác, chứ của họ thì chịu chắc. Bạn tôi lắc đầu cho rằng tôi lậm The Great Gatsby quá, còn nó chẳng phải là Nick Carraway để nghe tôi than thở. Bạn tôi ngừng một chút rồi nói thêm dù sao cái hình dung của tôi cũng hay hay. Tôi đáp là tôi nghịch, tôi bịa theo một ý cũ mèm về trăng dưới nước thôi, chẳng Gatsby gì đâu. Lúc đó, nhìn sông, nhìn những người vục nước đùa nghịch, tôi nhớ em. Em bé bỏng đến không thể nào cầm giữ nổi, lấp lánh tuột đi mất.


Tôi gấp sách lại, để lên bàn cạnh giường ngủ. Đồng hồ vẫn trắng ởn mặc dù đèn đã vặn sáng hết cỡ. Nỗi nhớ, tình cảm dành cho em đã quá lâu năm nên giờ mang một vẻ kì quái khác hẳn với những người mới bắt đầu một tình yêu. Đôi lúc nặng nề như bầu trời mùa đông sắp sa xuống, đôi lúc lại vời vợi cao xa vi vút gió; nghĩa là bị đẩy hết về biên, về cực điểm, không bao giờ dừng nổi đâu đó ở giữa. Bạn biết đấy, bình thường, thậm chí đôi lúc phải tầm thường, thì mới an ổn được; hình như tôi đọc ở đâu đó ý này.


Tôi rút lá thư cũ ra đọc lại. Lá thư em gửi tôi ngay sau lần đầu trở về Hà Nội. Em bảo em chết lặng khi nhận ra cà phê ở quán cũ hóa ra không ngon như em hình dung, không hề giống với kí ức của em. Tối đó em khóc. Hóa ra những gì em tưởng là thật, tưởng là biết đều ảo, đều là tự huyễn hoặc mình. Em quyết định không thăm lại những hàng quán cũ, những nơi chốn cũ nữa. Em kể tiếp rằng ngày cuối cùng ở nhà, chính bố mẹ em nói em hãy ra đi, bao giờ vững mạnh thì về, không cần về thăm nhà nhiều làm gì. Em thật lòng mong bố mẹ nói khác cơ. Em biết bố mẹ muốn tốt cho em, nhưng nghe vậy thì không chịu được. Em đùa rằng đã hát "Em ơi Hà Nội phố" không kém Thanh Lam là mấy, cũng như cào vào lòng người rồi. Nhưng cái Hà Nội trong bài hát ấy là ảo, như em vừa nói ban nãy, Hà Nội chẳng toàn vẹn nữa. Và em cũng thế thôi! Tôi tưởng ra khi viết câu cuối ấy, em đã cười, một nụ cười có thể có vẻ ngoài viên mãn như vầng trăng mờ ngoài kia. Sau đó, tôi cố ngăn hình dung em biến dần thành một con mèo, mặc dù hình dung đó thật sự gây cười.


Tôi còn nhớ em đã không liên lạc với tôi một thời gian dài ngay sau lá thư này. Có lẽ tại lá thư trả lời của tôi. Tôi đau đớn biết bao tuy đó không phải là lần đầu.


Hè năm ngoái, em và bạn trai đuổi theo Niels Lan Doky – một nghệ sỹ Jazz lừng lẫy có bố người Việt, mẹ người Đan Mạch - từ Chicago đến tận Tây Ban Nha. "Sau đó, bọn em cạn tiền anh ạ". Câu cuối của bức thư đó như sau, tôi nhớ như in: "Em viết thế này có hại gì cho anh không?". Tôi đã định trả lời là hoàn toàn không rồi lại thôi. Tôi đã thú thực – như chúng tôi hứa với nhau – rằng có một chút, nhưng anh đâu còn trẻ con nữa. Lạ một điều, tôi chưa bao giờ băn khoăn tự hỏi về bạn trai của em. Tôi cũng không biết nữa.


Tôi với tay lấy remote. Noctune số 1 xi giáng thứ, Op. 9 của Chopin chạy miết; số 2 dịu nhẹ quá, tôi không chịu nổi.


Hồi mới đi lại với T., tôi đã kể với T. về em và hỏi T. có thể cho phép tôi kể một vài điều với em được không. Sau một thoáng ngẩn người, T. vừa xỏ tay áo vừa bảo tôi không sao đâu. Tôi biết là tôi sai, tôi ích kỉ, thậm chí là ác nữa, nhưng tôi không đừng được. Một lần tôi bảo T. là về sau có khi tôi cũng kể về T. T. nhìn tôi rồi lắc đầu đáp: "Cũng thế thôi anh". Năm ngoái, tôi nghe loáng thoáng qua bạn bè rằng T. và chồng đang lục đục. Tôi mong T. được hạnh phúc. Tôi cũng tin T. sẽ hạnh phúc bởi vì T. là người nhân hậu và cũng tinh tế nữa. Nếu T. không được hạnh phúc thì bất công quá. Chỉ cần thời gian và T. gặp được đúng người đúng lúc.


"Đúng người và đúng lúc! Thật không dễ dàng gì! Nhưng T. chắc là được!"


Bên ngoài tuyết rơi như mưa mặc dù so với năm ngoái thì mùa đông năm nay dễ chịu hơn rất nhiều. Tôi tự giễu với tưởng tượng bản thân như Gordon-Levitt trong một phim dark comedy đang nhìn xuống từ một vị trí cứ mỗi lúc một cao, thành phố không còn thấy rõ mặt người, chỉ còn li ti những chấm đen di động và lô nhô những mái nhà càng lúc càng giống nhau; chẳng ai biết người trong xe hoặc trong nhà ra sao. Người xem bỗng dưng thành Thượng Đế hoặc hồn ma cũng được, cô quạnh đến phát rồ lên được. Nhưng khôi hài chỗ nào thì tôi chịu, không tài nào nghĩ ra được, nhưng chắc chắn có tính hài hước đâu đó. Mà có khi thế đã đủ buồn cười rồi.


Bình thường, tôi ra khỏi nhà lúc sáu giờ bốn mươi nhăm, chạy độ nửa tiếng thì về nhà tự pha cà phê mà uống; sau đó, đến tám giờ mười lăm, tôi ra khỏi nhà, đi làm. Bây giờ vẫn sớm quá, vẫn kịp đọc một truyện ngắn của Raymond Carver. Tôi nói thành lời rành rọt: "Không sao! Đây là phòng của tôi mà!". Và bật cười.


4.


Một chiều mùa xuân 2012, Thúy vào mạng trong lúc Andre, chồng Thúy, vừa huýt sáo vừa nấu ăn. Bên ngoài, áng trời đỏ rực và sông thì lấp loáng. Bờ sông lố nhố người và tiếng huyên náo vọng vào tận phòng vợ chồng Thúy. Đang có cuộc đua thuyền của giữa các trường cấp ba trong thành phố thì phải? Trời còn lạnh mà hầu hết mọi người lại mặc phong phanh, kể cả đám trẻ con bốn năm tuổi.


Thúy bất giác hít sâu và xoa xoa cái bụng nhô cao.


Thúy hay thì thầm với Andre rằng "Vợ là The Fat Girl của chồng!". Andre cảm động lắm, Andre đáp lại bằng cái ôm xiết và thứ tiếng Việt lơ lớ "Chồng yêu vợ nắm!".


Thúy mỉm cười và mở hộp thư. Có một email từ người cũ.


"Người đó có boyfriend là một cậu da trắng em ạ. Anh cũng dần kiểm soát được mình. Chuyện gì cũng qua đi thôi.


Chúc em hạnh phúc!


Và xin lỗi vì đã làm phiền em nữa!


PS. Lần đầu tiên anh có cảm giác muốn viết một thứ gì đó như tiểu thuyết. Em thấy hài không?"


Thúy hơi cáu. "Da trắng thì sao chứ? Chẳng lẽ anh cũng như bao người khác? Anh không ngờ... cũng tự ti thế! Nỗi tự ti điển hình của đàn ông châu Á!"- Thúy nhìn lại bức thư điện tử mà không đọc được chữ nào. Mẹ hồi xưa cứ khóc mãi rằng lỡ có chuyện gì thì thằng nào dám lấy mày nữa, chỉ lấy Tây được thôi. Lúc đó Thúy không hiểu mẹ đang nói gì, cũng không tưởng đến chuyện rộng với hẹp đó chứ nói gì đến những ẩn ý với ám chỉ xa xôi. Thế mà giờ mẹ vui lắm, đi đâu cũng khoe con gái may mắn, hai vợ chồng sắp đón thằng cu con kháu khỉnh, con lai kháu khỉnh bầu bĩnh phải biết.