Duck hunt
Đợi người khi mùa hoa gạo nở

Đợi người khi mùa hoa gạo nở

Tác giả: Sưu Tầm

Đợi người khi mùa hoa gạo nở

(Admin - "Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi")


Người ta nói bác tôi "điên vì tình".


***


Đợi người khi mùa hoa gạo nở


Sáng nào cũng vậy, tôi thường nhờ âm thanh chói tai quen thuộc ấy đánh thức như một thứ chuông báo thức miễn phí. Khó chịu, nhưng dần dà cũng quen.


- Khà khà..a..a... Bèo dạt mây..ư... trôi, trốn xa xôi, anh ơi...em vẫn đợi vẫn chờ... Hà hàaa...


Ghé đầu qua khe cửa he hé, vẫn thân hình nhỏ bé đến tội đưa chén rượu lên mũi, hít hà một hơi rồi dốc cạn không để lại giọt nào. Uống cạn chén rượu, bác liêu xiêu đứng dậy, đưa bàn tay gầy guộc, đen đúa và chai sạn lên, khuôn mặt cố nặn ra một thứ gọi là cười


- Chào!


Bố tôi xua xua tay


- Thôi chị về đi cho tôi còn bán hàng.


Bác quay đi, hướng về căn nhà nhỏ xiêu vẹo đang hiện dần trong ánh sáng ban mai, vừa đi vừa hát. Vẫn câu hát quen thuộc, vẫn điệu cười ha hả đánh thức cả làng.


Bố tôi nhìn mẹ chép miệng, mẹ chỉ thở dài rồi quay lại với nồi bánh cuốn đang bốc hơi nghi ngút.


Bác là bác họ hàng xa của tôi, từ khi biết nhận thức mọi thứ xung quanh, tôi đã thấy người ta gọi bác bằng cái biệt hiệu không mấy thiện cảm "điên".


Phải, bác tôi là người không bình thường, không bình thường đến tội nghiệp.


Có những người xem thường bác, chửi bác là con nghiện rượu, con ma xó, con điên và trăm thứ biệt danh, ngôn ngữ khinh bỉ khác. Bác vẫn cười khà khà, đi lướt qua mặt họ như  xem những lời tục tĩu, thô tục ấy là tiếng muỗi vo ve.


Tôi cũng đã từng có cái ý nghĩ xấu xa, ích kỷ và tầm thường như biết bao con người ấy. Cái ý nghĩ mà mỗi lần nhớ đến tôi thấy hổ thẹn.


Lần ấy trên đường đi học về, tôi thấy bác ngồi thẫn thờ bên bờ sông. Rồi bỗng dưng bác đứng phắt dậy. Ban đầu là bước đi từ từ, sau đó nhanh dần rồi như chạy, đôi chân trần đạp từng bước thật mạnh trên con đường đầy những viên đá sỏi lô nhô. Bác đang đuổi theo người đàn ông phía trước. Nhìn từ đằng sau, người đàn ông có mái tóc rối hù, áo quần bám đầy dầu xe và bụi bặm. Ông cao và gầy gò, những bước chân có phần xiêu vẹo và mệt mỏi.


Bác tôi chạy nhanh tới trước mặt người đàn ông xa lạ, bác cười, cười hiền lắm. Tôi chưa từng thấy bác cười như thế. Cho đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được nụ cười của bác hôm ấy.


Nhưng nụ cười ấy lụi dần rồi tắt hẳn.


Người đàn ông tỏ ra khó chịu, chửi thề rồi bỏ đi.


Bác tôi lại cười. Nhưng là nụ cười khà khà méo xệch thường trực.


Khi người đàn ông ấy khuất sau lũy tre làng, bác lê đôi chân nặng trĩu quay đi, ngửa mặt lên trời cười không ngớt. Bộ quần áo nhàu nhĩ, cũ mèm, bạc thếch theo thời gian còm cõi bước đi.


Ngày ấy, trong đầu đứa con nít không hiểu chuyện, như vậy gọi là "điên". Mỗi lần thấy bác tôi đều trốn sau lưng mẹ. Lớn thêm một chút, tôi tỏ ra khó chịu mỗi lần nghe bác lải nhải chuyện trên trời dưới biển, chuyện nhà cô này hôm qua bị mất con gà, con nhà bà kia hư đốn, nghiện ngập, phá của... Và đến bây giờ mỗi lần thấy bác tôi chỉ thấy xót xa.


Đôi vai ấy đã chịu biết bao dày vò, gánh nặng cuộc sống khiến nó oằn xuống.


Câu chuyện của bác tôi chỉ được nghe bố mẹ kể lại.


Hơn 30 năm trước, bác tôi cũng như bao người phụ nữ thôn quê khác, hiền lành, nhu mì và chăm chỉ. Trong làng, bác cũng có tiếng là xinh đẹp. Là con đầu trong một gia đình có tới sáu người con, khi còn trẻ, bác phụ cha mẹ nuôi năm người em ăn học. Khi từng cô bạn bằng tuổi bác lập gia đình, sinh con đẻ cái, bác vẫn một mình. Hết lo phụng dưỡng cha mẹ già lại lo cưới vợ, gả chồng cho các em. Cha mẹ, các em khuyên bác lấy chồng, bác chỉ cười cho qua chuyện.


Mình bác ngày hai buổi chợ, đi đi về về lầm lũi như một chiếc bóng.


Đến một ngày, người ta nhìn thấy bác thẹn thùng cười nói với anh thợ sửa xe ở đầu làng, cha mẹ vun vén, các em động viên, bác tôi đỏ mặt gật đầu đồng ý.


Không ai biết anh thợ sửa xe ấy là ai và từ đâu đến, chỉ thấy một ngày anh ta dựng lều ngay đầu làng và treo bảng nhận sửa xe. Anh thợ nói giọng Nam, người dong dỏng cao, có mái tóc rối hù và quần áo luôn lấm lem dầu mỡ. Ngày ngày, bác tôi vẫn mang cơm ra đầu làng, trong căn lều lụp xụp luôn tràn ngập tiếng cười.


Ngày cha mẹ bác tôi cho phép mối nhân duyên, anh thợ sửa xe vốn hiền lành, chịu khó xin được về nhà thưa chuyện với cha mẹ và hẹn ngày mang sính lễ tới đón bác tôi.Ngày chia tay, dưới gốc cây gạo đầu làng, bác tôi mỉm cười vẫy tay rồi vội vã quay đi giấu những giọt nước mắt nghèn nghẹn.


Thời gian qua đi, ngày hẹn đến, gà chưa gáy sáng, bác tôi đã đứng đợi ở đầu làng. Đợi mãi, đến tận trưa khi nắng lên tới đỉnh, nắng gắt như thiêu đốt làn da trắng hồng của bác, bác vẫn nép người dưới gốc cây gạo, đôi mắt hướng về phía xa xăm. Sáng, rồi trưa, tới tận tối mịt mà người vẫn không thấy đâu. Cha mẹ bác đi ra đi vào, thở dài thườn thượt.


Bác tôi cứ tự dặn lòng rồi ngày nào cũng đứng dưới gốc cây gạo đầu làng chờ đợi.


Đợi từ ngày này qua ngày khác...


Tháng này qua tháng khác...


Năm này qua năm khác...


Hoa gạo nở rồi lại tàn. Người không thấy đâu mà mái tóc bác tôi đã pha thêm sợi bạc. Thỉnh thoảng người ta thấy bác lẩm nhẩm hát, đôi khi thấy bác tôi cười như ngây dại.Thời gian qua đi, tên bác đã gắn liền với tiếng "điên" từ lúc nào.


Người ta nói bác tôi "điên vì tình".


Những người trong làng ác miệng chửi bác tiếng "điên" nhưng ở đời đã mấy ai điên vì tình? Đã mấy ai bỏ cả đời để chờ đợi một người trong vô vọng? Bác tôi đã đánh mất cả tuổi thanh xuân, đánh mất chính mình chỉ vì một chữ "yêu". Yêu đến ngây ngốc, yêu đến điên dại, cả cuộc đời chỉ chờ đợi một người trong vô vọng.


Tôi khâm phục bác, trân trọng cái gọi là "tình yêu" trong con người bác, tình yêu không toan tính, vụ lợi. Bất chấp tất cả, bất chấp thời gian, tuổi tác khắc khoải...dường như bác tôi chỉ sống vì tình yêu thủy chung, sống để chờ đợi.


Mỗi năm, khi hoa gạo nở đỏ rực, ngày nào bác cũng ra đầu làng đứng đợi người xưa, cây gạo đã già cỗi, nhưng người thì mãi không thấy trở lại.


.