Duck hunt
“Trời sao chưa thôi mưa?”

“Trời sao chưa thôi mưa?”

Tác giả: Sưu Tầm

“Trời sao chưa thôi mưa?”

Ngay lần đầu tiên ấy, tôi đã tìm thấy ở Trịnh một điều gì đó giải thoát. Một thứ mà rất lâu sau này, tôi vẫn lấy nó làm cứu cánh trong những lúc rụng rời nhất.


***


Năm 1996, lần đầu tiên tôi được nghe Sơn ca 7, mà người ta vẫn hay gọi là đĩa nhạc Khánh Ly hát ru Trịnh. Lần đầu tiên, là lần đầu tiên. Nó giống như lần đầu tiên bạn uống rượu, lần đầu tiên bạn hút thuốc, lần đầu tiên bạn yêu, lần đầu tiên bạn đọc một cuốn sách hay... lần đầu tiên bạn làm bất cứ một điều gì đặc biệt, nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn, hoặc ít nhất sẽ để lại một dấu ấn không thể nhạt phai. Điều đó vừa quyến rũ một cách mê hoặc, vừa nhiều gợi mở, đưa bạn tới một điều gì đó, vốn không tồn tại trong một xã hội tôn trọng giá trị thực tế. Ngay lần đầu tiên ấy, tôi đã tìm thấy ở Trịnh một điều gì đó giải thoát. Một thứ mà rất lâu sau này, tôi vẫn lấy nó làm cứu cánh trong những lúc rụng rời nhất.


“Trời sao chưa thôi mưa?”


Bản nhạc đầu tiên là Tuổi đá buồn, cuối cùng là Nghe những tàn phai, mặc dù còn rất nhỏ, tôi đã hình dung trong khoảng giữa hai tuyệt phẩm đó ẩn chứa quá nhiều cảm xúc, nỗi buồn và hoài niệm hoà với nhau thành một thứ gì đó đặc như mật ong, nhưng không hề ngọt ngào.


Tôi nghe nhạc Trịnh không được bao lâu, thì ông mất. Tôi không quá buồn khổ vì điều đó, bởi dù sao tôi cũng chẳng sinh cùng thời với ông. Việc ông mất, suy cho cùng, đối với tôi cũng giống như việc thấy Micheal Jackson, Tom Finney, Amy Winehouse hay gần nhất là Phillip Hoffman ra đi. Tôi có thể từng rất yêu thích họ, từng say mê những tuyệt phẩm của họ, nhưng tôi cũng chỉ buồn quá lắm là ba ngày sau khi họ trở về với cát bụi. Chúng ta vẫn phải sống tiếp, đó là lẽ tự nhiên. Tuy thế, một cách rất tình cờ, những năm sau đó, tôi thường cùng bạn bè ngồi với nhau vào dịp Trịnh mất (một cách hài hước, đúng vào Cá tháng tư). Không có gì đặc sắc, chỉ là những người bạn cũ, ngồi với nhau nói những câu chuyện cũ trong một quán cũ, và nghe những bản nhạc cũ của một người nhạc sĩ cũ. Lần nào ngồi đó, tôi cũng yêu cầu guitarist chơi bản tôi thích nhất của Trịnh: Một cõi đi về, rất tiếc lại không có nằm trong Sơn ca 7. Điều đó an ủi tôi rất nhiều, bởi những giờ phút đó dường như chậm lại, tôi tìm thấy ở chính mình một góc – dù rất nhỏ thôi – nhưng an lành và đẹp. Nó nhắc nhở tôi sống chậm một chút, không đánh mất những giá trị cuối cùng còn tồn tại trong mình. Bởi khi thấy những người bạn ấy ngồi cùng uống chén rượu và hát lên những bản nhạc quen thuộc qua năm này rồi năm khác, tôi liệu có thể vụt bỏ đi và tìm đến những chốn vui khác, tìm đến những tình cảm nhanh hơn, những cảm xúc rộn ràng, nhưng chóng quên hơn? Không, tôi không thể. Chúng tôi có một cái hẹn không tên mỗi năm như thế, cứ tìm đến quán quen, sẽ gặp những con người đó tụ lại một nơi, nhìn những mùa thu đi và nghe thời gian trôi vào quên lãng.


Có một lần, khi nghe một nhạc sĩ đương đại nói về việc giới trẻ nghe nhạc sến, nhạc cũ là có vấn đề về thần kinh, tôi nổi giận mất mấy ngày. Rồi cũng không biết cất giấu cảm xúc vào đâu, tôi lại tìm về nghe Trịnh, để an ủi chính mình. Cũng giống như khi nghe Pink Floyd, nghe Beatles, việc nghe nhạc Trịnh khiến tôi có một đời sống khác, thấy mình êm hơn trong dòng đời xuôi ngược nhiều thị phi và hư ảo. Tôi không trốn tránh mệt mỏi nhờ thứ nhạc ấy, bởi bạn biết đó, nhạc Trịnh vốn không phải thứ nhạc có thể khiến người ta vui, nếu tính vui, có lẽ nghe nhạc dance vui hơn rất nhiều. Nhưng Trịnh khiến tôi thấy mình nhỏ lại, mà ai chẳng muốn nhỏ lại, muốn thấy mình trở lại những khoảnh khắc không phải nghĩ suy, gối đầu lên chân mẹ và nghe những bản nhạc từ băng cassette, phát ra từ một chiếc loa cũ. Đó vốn không phải cảm giác có thể diễn tả thành từ ngữ. Bạn nhắm mắt lại, và tưởng tượng xem.


Nhiều năm sau nữa, cuộc sống đẩy dần mỗi người ra xa, chúng tôi không còn cái hẹn thường lệ đó. Mỗi dịp kỉ niệm Trịnh mất, tôi chỉ còn một mình. Đôi khi là ngồi uống chén rượu một mình giữa quán đông, đôi khi là bận rộn và chỉ kịp nhớ ra khi ngày đã gần hết, bèn tự bật một bản nhạc của ông lên và ngồi, chẳng làm gì ngoài nghe. Và thảng hoặc nữa, tôi quên luôn ngày ấy, sống đến hôm sau, rồi tự thấy có lỗi một chút trong tâm khảm, dù là cái lỗi chẳng ai bắt vạ. Tôi cứ thấy có lỗi với một người, nếu quên người ta, khi mà họ đã nâng tôi lên biết bao lần, biết bao khoảnh khắc gục ngã, phù hoa, mộng ảo, say mê... Một chút tự thấy có lỗi đó, khiến tôi thấy đời mình thêm chút ý nghĩa, thấy tấm lịch hàng năm của mình có một dấu đỏ vô hình để ghi nhớ.


Có đôi lần, tôi muốn viết mà không gõ được chữ nào trước màn hình trắng xoá, bèn bật nhạc Trịnh, với hy vọng rằng có thể cứu vãn chút nghệ thuật xót lại. Cuối cùng thì âm nhạc của ông không cứu giúp được tôi, hoặc nó không cứu được thứ nghệ thuật nửa vời cố bôi ra để kiếm tiền, tôi để nguyên cái màn hình ấy. Không quá thất vọng về việc chẳng viết ra được chữ nào, tôi nằm nghe những tình khúc của ông mê mải trong những cơn mưa vẫn rơi không ngớt ngoài khung cửa. Như đêm nay.Như một đêm thế này của năm sau, hoặc của nhiều năm sau nữa.


Minh Nhật