Polaroid
Tháng 7 - tháng của yêu thương!

Tháng 7 - tháng của yêu thương!

Tác giả: Sưu Tầm

Tháng 7 - tháng của yêu thương!

Tháng 7 về trong những cơn mưa ngâu thoắt đến rồi thoắt đi gợi cho lòng người một cảm giác bâng khuâng, buồn vui chộn rộn.


***


Tôi còn nhớ hồi bé, khi cánh đồng làng đã được cấy xong cũng là lúc mùa mưa ngâu đến. Bọn trẻ chúng tôi cưỡi trâu chăn trên những bờ ruộng giữa đồng, nghe tiếng mưa ào ào, nhìn lên những dãy núi phía Nam mưa rơi trắng xóa, chúng tôi vội vã quất roi cho trâu chạy về trú mưa, nhiều lần trâu chạy không kịp nên bị mưa làm ướt hết, mưa ngâu chợt đến, chợt đi rất nhanh, mưa không kéo dài nhưng hạt mưa cũng rất to đủ làm mọi người ướt sũng. Thường sau cơn mưa mặt trời lại hiện ra chói chang, khiến bọn trẻ sau khi bị mưa tối về rất hay bị cảm sốt bởi cơ thể bị tăng giảm nhiệt độ bất thường.


Tháng 7 - tháng của yêu thương!


 


Những ngày mưa ngâu rỗi việc, mẹ tôi thường mang quần áo của cả nhà ra khâu vá. Mẹ trải chiếu ra hiên nhà rồi đem thúng kim chỉ, quần áo ra vá lại cho anh em chúng tôi. Nhà đông con, áo quần ngày đó cũng không có nhiều, trẻ con nô nghịch nhiều nên áo quần thường hay bị rách. Mẹ hay phàn nàn và mắng anh em tôi "các con chẳng biết giữ gìn gì cả, mấy cái này vừa may hồi nào, giờ đã rách bươm cả rồi, mặc như xé thế này ai mà khâu vá kịp!" Tôi thích ngồi bên mẹ xem mẹ khâu vá, mỗi khi hết chỉ tôi lại giúp mẹ xâu chỉ vào kim, nhiều lúc mỏi tôi liền nằm lăn ngay bên thúng đồ khâu của mẹ, đầu gối lên đùi mẹ, mắt ngước nhìn ra ngoài hiên... Tôi lắng nghe tiếng mưa ngâu bất ngờ ào ào đổ xuống những bụi chuối quanh nhà, giống như tiếng đàn dương cầm trong bản hòa tấu đang độ cao trào, rồi chỉ trong phút chốc tiếng mưa dứt hẳn, bản nhạc như bước vào khoảng lặng, yên tĩnh trở về và rồi mưa lại bất ngờ ập đến, bản nhạc lại vút lên với những âm thanh mạnh mẽ, hối hả tuôn trào...


Mỗi trận mưa ngâu thường diễn ra từng đợt, từng đợt như vậy và cũng chỉ kéo dài chừng 10 -15 phút. Lũ gà con thấy mưa hốt hoảng bỏ chạy tán loạn, khi mưa tạnh chúng nháo nhác miệng kêu, chân chạy gọi mẹ, tìm đàn khắp nơi, mấy chú trống choai đang nghển cổ cố đuổi theo những ả mối béo ị mà khờ khạo đang bay ra từ những hốc cây mục cuối vườn, chúng mổ tới tấp bất chấp trời đang mưa. Xa xa đâu đó vọng lại tiếng sấm ầm ì, mẹ tôi bảo đó là ông giời bị "sôi bụng". Đàn chuồn chuồn nâu không biết chú ngụ nơi nào mà sau những cơn mưa ngâu chúng thường bay ra đông nghịt có khi chúng bay rất thấp, nhưng cũng có khi chúng bay khá cao. Bọn trẻ chúng tôi mỗi khi thấy chuồn chuồn bay như vậy thì khoái trí lắm, đua nhau gào thật to những câu đồng dao mà đứa nào cũng thuộc:


Chuồn chuồn bay thấp thì mưa


Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm


Tuy vậy, nhiều đứa do đọc nhanh lưỡi ríu lại nên đọc nhầm là:


Chuồn chuồn bay thấp thì cao


Bay mưa thì nắng, bay vừa lại cao.


Thế là cả bọn lại xúm vào chế diễu kẻ đọc sai đó, rồi tất cả lại cười to hớn hở lấy que đuổi đánh lũ chuồn chuồn. Những con chuồn chuồn bình thường chúng bay trông lừ đừ rất chậm nhưng khi bị bọn trẻ dùng que quật đuổi, chúng trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát đến lạ kỳ, chúng vút lên cao hoặc nhào xuống thấp rất nhanh tránh khỏi những làn que bọn trẻ nhằm quật vào chúng. Thi thoảng họa may chúng tôi cũng vụt chết được một hai con, chúng tôi liền lấy xác chúng đem thả vào cạnh những hang kiến nâu ven đường rồi xúm lại xem lũ kiến khiêng mồi về tổ. Bọn kiến tuy nhỏ nhưng cả đàn bu vào chả mấy chốc mà những con mồi to kênh càng đã bị chúng khiêng kéo tụt vào tổ...


Tôi nằm khoanh tròn bên mẹ như một chú mèo con xem mẹ khâu vá và chờ hết chỉ để xâu kim, tôi được mẹ kể cho nghe sự tích mưa ngâu. Mẹ bảo rằng mưa ngâu chính là nước mắt Ngưu Lang và Chức Nữ họ là người nhà trời, yêu nhau mà không lấy được nhau. Rồi mẹ kể: "Thuở xưa, có vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang, vì say mê nhan sắc của một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng sáo của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng thượng đế giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Nhưng về sau, Ngọc Hoàng nghĩ lại, thương tình nên ra ơn cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian hoá thành những cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu và gọi họ là ông Ngâu, bà Ngâu.


Bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau dễ dàng. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Các phường thợ mộc mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai. Kẻ muốn làm kiểu này, người muốn làm kiểu kia, cãi nhau chí chóe. Đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Người ta gọi đó là Ô kiều." Kể đến đây mẹ thở dài và bảo: "Chả biết trần gian này còn có bao người yêu nhau mà phải chia lìa như vậy ?!"...


Tháng 7 đang về, lại sắp đến ngày Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Tháng 7 cũng là tháng có ngày lễ Vu Lan 15/ 7 âm lịch, tức lễ đền ơn báo hiếu với mẹ cha, đó cũng là ngày lễ xá tội vong nhân. Vậy là tôi đã mất mẹ hơn 5 mùa lễ Vu Lan. Giờ ngồi ngắm ảnh mẹ mà hồn tôi như đang phiêu diêu về những ngày thơ bé, ngồi bên hiên xem mẹ khâu vá, nghe mẹ kể sự tích mưa ngâu. Tháng 7, tháng của yêu thương ! Tháng của nhớ mong chờ đợi ! Tiếng mưa ngâu rả rích phải chăng đó là nước mắt của trời khóc than cho vong hồn những người mẹ nơi trần gian vốn phải chịu bao lam lũ, đắng cay trong tình yêu, trong cuộc sống, giờ mới được siêu thoát về cõi thiên đàng. Lòng tôi da diết nhớ mẹ khôn nguôi!


 Bùi Nhật Lai