Teya Salat
Hà Nội đầu mùa gió

Hà Nội đầu mùa gió

Tác giả: Sưu Tầm

Hà Nội đầu mùa gió

(Admin - "Rồi sẽ qua hết, phải không?")


Hà Nội ơi. Hà Nội nhớ ai mà cứ rả rich mãi? Nhớ người phương xa, hay nhớ người bốn năm về trước.


***


Em dịu ngọt là thế, mềm mại là thế, ấm áp là thế. Em lướt qua ngày gió nhẹ như hạt mưa phùn, chẳng đủ nặng để buốt da, nhưng đủ ẩm để ướt áo. Em không vồn vã, không cao ngạo, không quý phái. Em chỉ ấm sực mùi hoắc hương, một thứ mùi mộc mạc không hóa chất. Em vốn thế, mỏng manh mà cũng rất đỗi chân thật đến lạ thường. Giống như một cốc trà ngày gió đầu mùa, ấm nóng thật thà như mới chạm vào đầu lưỡi ngọt lừ đấy mà đã hư ảo trôi đi đâu mất, khiến người ta khát mãi không thôi.


Hà Nội đầu mùa gió


Hà Nội ơi. Hà Nội nhớ ai mà cứ rả rích mãi? Hà Nội thi với tôi xem ai sụt sùi lâu hơn không? Haha, tôi sẽ thua Hà Nội thôi. Hà Nội mau nước mắt lắm, Hà Nội nhỉ? Đêm về Hà Nội khóc ướt cả giấc mơ tôi chập chờn. Ngoài kia dòng đời cứ hối hả như thế, cớ sao Hà Nội vẫn đứng im âu sầu chuyện gì? Người ta đi nhanh như thế, tiên tiến như thế, Hà Nội có sợ mình già không? Đừng sợ Hà Nội nhé, trong mắt tôi, Hà Nội ở lại mãi tuổi mười tám đôi mươi ẩm ương mau nước mắt.


- Thưa thầy, bài khó quá, em không biết mình làm có đúng không nữa.


- Tôi thì thấy em khó quá, tôi không biết em ngốc thật hay giả vờ ngốc nữa. Hay em cũng giống tôi, mắc chứng trầm cảm mùa thu rồi hả?


- Có lẽ thế ạ. Em cũng hay ngồi ngắm mưa mà mỉm cười một mình giống thầy lắm.


- Em nhìn tôi làm gì! Sáng nay tôi chưa cạo râu...


- Bài dễ quá thầy ạ. Buổi sau thầy cho em bài nâng cao nhé, để em còn tập trung làm bài, không nhìn thầy nữa.


- Này hết giờ rồi đấy cô ạ.


- Tốt quá thầy ạ.


- Tôi không thích xưng mình là thầy, nên nghe mình được gọi là thầy cũng thấy gai người.


- Thế thì gọi là Thầy Nhiều Râu vậy.


- Này Cô Nhiều Chuyện, buổi sau lại pha trà cho tôi nhé.


- Uống nước nhiều ướt hết râu đẹp thầy ạ.


- Đã bảo không thích gọi bằng thầy. Thôi tôi về đây.


Giống như một cốc trà ngày gió đầu mùa, ấm nóng thật thà như mới chạm vào đầu lưỡi ngọt lừ đấy mà đã hư ảo trôi đi đâu mất, khiến người ta khát mãi không thôi.


- Không làm được đâu, đừng cố nữa. Hết giờ rồi, em đánh đàn cho tôi nghe đi.


- Ơ hay, hết giờ rồi thầy phải về đi chứ, không người yêu lại mong.


- Có người mong thì tôi đã chẳng ngồi đây dạy em.


- Thế thì thầy phải về thật rồi.


- Hừm.


Em không vồn vã, không cao ngạo, không quý phái. Em chỉ ấm sực mùi hoắc hương, một thứ mùi mộc mạc không hóa chất. Em vốn thế, mỏng manh mà cũng rất đỗi chân thật đến lạ thường.


Tôi xuống đến chân cầu thang khu tập thể, tiếng dương cầm vang lên thánh thót sau lưng. Tôi tần ngần đứng đó đến gần năm phút để nghe hết đoạn nhạc em chơi, người ta thấy tưởng mình không có áo mưa về, đưa tôi một chiếc. Tôi nói không cần, người ta tròn mắt nhìn tôi ngỡ ngàng.


Em dịu ngọt là thế, mềm mại là thế, ấm áp là thế.


Người ta cất áo mưa đi:


- Hơn bốn năm rồi. Hình như anh đã quên mất em?


Lần này thì đến lượt tôi tròn mắt ngỡ ngàng.


Em lướt qua ngày gió nhẹ như hạt mưa phùn...


Hà Nội ơi. Hà Nội nhớ ai mà cứ rả rich mãi? Nhớ người phương xa, hay nhớ người bốn năm về trước.


- Tuần sau cho em một cái hẹn nhé. Anh muốn uống trà quán, hay trà em pha?


- Tôi muốn uống trà của cô trò nhỏ.


- Bốn năm thôi mà Hà Nội thay đổi nhiều quá, anh nhỉ?


..., chẳng đủ nặng để buốt da, nhưng đủ ẩm để ướt áo.


Ừ, thay đổi. Năm nay gió khô đầu mùa đã ùa về mà mưa vẫn cố trút nốt những hạt cuối cùng, cho hết nỗi ấm ức trong lòng.


Ừ, thay đổi. Năm nay tuổi trưởng thành đã cận kề mà vẫn cố giữ lấy những ưu tư trẻ con cuối cùng, cho hết nỗi cô quạnh trong lòng.


Ừ, thay đổi. Vị trà năm nay đã khác năm xưa nhiều.


Chắc tại tôi vô tâm. Hơn bốn năm trước quen thuộc với cái khu tập thể này là thế, tuần hai lần đưa đón người ta đi chơi. Mà giờ đây trông thấy người ta lại ngỡ ngàng, trông thấy cô trò nhỏ lại thấy như thân quen. Thời gian ơi. Thời gian hận ai mà làm đau tôi, đau người ta nhiều đến thế?


Hay tại tôi mang nỗi lòng nặng quá?


- Thay đổi vừa đủ, để người ta vẫn còn nhận ra đó là Hà Nội chứ không phải ai khác. Tuần sau tôi muốn uống trà em pha, vẫn trên Phố tối thứ bảy Hà Nội nhé.


Vai áo tôi đã ươn ướt. Là nước mưa hay nước mắt Hà Nội năm xưa?


Hẹn em trên Phố nhưng thỏa thuận đứng ở đài phun nước đối diện Hàm Cá Mập cho khỏi mất dấu nhau giữa lưới phố đan nhau sin sít. Mất dấu hơn bốn năm có lẽ đã là quá đủ đối với cả hai người, à không, hai đứa trẻ ngây ngô thì đúng hơn.


Cà phê Mã Mây có bán trà, bán cả không gian, bán cả hương cả tình. Người ta và tôi lên Mã Mây, quán quen hơn bốn năm trước, bà chủ vẫn nhớ khách, để người ta tự tay pha hai cốc trà mật ong nóng thơm phức, quyến rũ đủ để xiêu lòng người uống.


Vai áo cả hai người đều ướt. Hà Nội vẫn lất phất mưa dù đã đầu mùa gió. Người ta say cảnh, hay say người, mà ngồi vào đàn, bản Romance như vang lên từ cõi nào xa xôi lắm.


Tiếng đàn vừa dứt, người ta lại bàn tôi ngồi, đưa ra tấm bìa cứng đỏ au tươi tắn, rồi chỉ kịp nhấp một ngụm trà mà rơi lại tiếng hồng còn vương vị ngọt:


- Hà Nội đi, rồi Hà Nội lại về. Hà Nội bao nhiêu tuổi vẫn là Hà Nội. Nhưng Hà Nội càng nhiều tuổi, sẽ càng có thêm nhiều cái mới.


Người ta sượt qua tôi, mùi hoắc hương còn níu trên vai áo ướt.


Hà Nội lên đèn. Tôi về, thấy từ sau lưng mùi hoắc hương bay đi theo gió.


Sáng chủ nhật.


- Thầy ơi, bài này...


- Đừng gọi tôi là thầy nữa.


- Tại sao ạ?


- Vì em có mùi tình.


Một tháng sau.


Sáng chủ nhật, tôi không còn đi gia sư.


Khi đến cái tuổi đủ lớn, người ta không đủ can đảm làm một số việc nữa.


Khi đến cái tuổi đủ lớn, đàn ông không còn dùng nước hoa có mùi sporty nữa, mà dùng nước hoa có mùi hoắc hương.


Khi đến cái mùa đủ gió, Hà Nội sẽ không còn mưa rả rích nữa.


Phải không em?