Ring ring
Giản dị khó đấy, phải đâu chuyện đùa

Giản dị khó đấy, phải đâu chuyện đùa

Tác giả: Sưu Tầm

Giản dị khó đấy, phải đâu chuyện đùa

Sáng nay tôi đọc một vòng Facebook, và thật sự là tôi mắc mệt. Để tôi chứng minh cho bạn thấy, tôi sẽ trích dẫn một câu mà tôi đọc phải, để coi bạn có mắc mệt không.


***


Mà thôi, như thế có vẻ xấu tính quá. Đại khái là trong một câu không dài lắm, tôi phải đọc rất nhiều tính từ "thăng hoa, tuyệt vời, lộng lẫy, siêu việt, trác tuyệt, tột đỉnh...." Đọc xong tôi muốn xỉu. Tôi không biết cuối cùng cái thứ được nói đến đấy có "thăng hoa, tuyệt vời, lộng lẫy, siêu việt, trác tuyệt, tột đỉnh...." như nó cố truyền tải hay không, nhưng cảm giác rõ nhất của tôi là mình bị hắt một rổ chữ nghĩa lung linh, đao to búa lớn vào mặt.


Giản dị khó đấy, phải đâu chuyện đùa


Thật ra, dùng nhiều tính từ đao to búa lớn là một thói quen của hầu hết những người từng-trẻ-tuổi. Hồi còn nhỏ, bạn tích nhặt từ ngữ qua sách vở báo chí và người lớn. Biết được từ nào mới, bạn không từ bỏ bất cứ cơ hội nào đem ra dọa người khác. Đến lúc bạn có kha khá từ ngữ, bạn càng háo thắng tợn. Bạn chỉ chực viết ra, nói ra những câu nghe xủng xoẻng bởi quá nhiều "từ lạ" (chứ không phải tàu lạ) để áp đảo tinh thần đối phương. Và bạn nghĩ như vậy là bạn giỏi lắm rồi, sâu sắc lắm rồi. Hay bạn không nghĩ vậy, nhưng tôi thì tôi đã nghĩ vậy đấy.


Đúng cái thời viết lách màu mè hoa lá hẹ đầy ảo tưởng đó của tôi, thì bỗng nhiên có một việc xảy ra. Tôi và một người bạn một ngày kia đi ngang qua chợ G. Bạn tôi đột nhiên chỉ cho tôi tấm biển lớn chăng từ góc này qua góc kia của chợ: "Toàn dân tích cực phòng cháy chữa cháy để mang lại ấm no hạnh phúc an toàn an tâm (dài lắm mà quên bớt rồi).....", hỏi tôi rằng ê, mày chuyên viết lách, vậy tao hỏi mày nhé, nếu mày phải viết lại câu này, mày viết thế nào?. Tôi đang suy nghĩ lung lắm để ra một câu long lanh lóng lánh xứng đáng để treo lên vị trí trang trọng kia, thì bỗng nghe bạn mình lầm bầm "Cháy chợ là chết hết".


Lúc đó, giống như tôi bị đứng hình. Tôi chưa từng cao giờ bị cảm giác mạnh mẽ về câu chữ như thế. Mà bạn tôi có nói gì cao siêu đâu, nó chỉ nói một câu giản dị đến có phần thô tháp.


Sau này đi học những lớp chuyên về viết lách, tôi lại được thêm nhiều dịp ngỡ ngàng. Ông giáo sư người Anh ngày đầu tiên vào lớp đã đưa ra yêu cầu kỳ quặc, là hãy tả lại không khí buổi học hôm nay, không dùng bất cứ một tính từ nào. Bài học rất đơn giản: Những tính từ phải là thứ cảm giác đọng lại sau khi người ta đọc một cái gì đó, chứ không phải là thứ người ta bị cưỡng bách phải thấm nhuần thông qua vỏ chữ.


Văn minh đem lại nhiều thứ, trong đó có cả việc nghệ thuật ngôn từ ngày một tiến dần đến đỉnh cao. Nhưng màu mè không phải là lỗi của văn minh. Nó là lỗi tha hóa của con người. Chúng ta đã đến cái nông nỗi cố che đậy một thông điệp đơn giản bằng vỏ chữ hào nhoáng, vô nghĩa.


Hãy đơn giản nói rằng "tôi yêu em", thay vì "thưa em, nếu em có một ý hướng nào đó trong đời về việc có một người bạn đời xứng hợp, thì liệu rằng em có cân nhắc đến tôi chăng?". Vì màu mè phức tạp là thứ ai cũng học đòi được. Nhưng đơn giản, chân thành là thứ phải luyện tập để đạt tới, sau hết.


Thực ra chúng ta sinh ra rất giản dị, chúng ta đã từng biết nói đơn giản những gì mình nghĩ: con yêu mẹ, con muốn ăn cơm, con ghét đi học.... Nhưng dần dần chúng ta quên mất.


Nguyễn Thiên Ngân