Đường tàu
Đường tàu
Tôi đã nhìn thấy rất nhiều đường ray, nơi có những con tàu chạy qua. Hằng ngày, hằng ngày.
Tôi đã thử mình bước đi trên những đường ray đó, cái cảm giác chông chênh xảy đến trên đôi chân mình.
***
Từ khung cửa nhà chúng tôi có thể nhìn ra một con lộ nhỏ, con lộ nhỏ đó chạy thẳng ra một con lộ lớn hơn. Chị tôi nói, chỗ đó ngày càng nhiều xe cộ qua lại. Chị tôi nói thêm, chỗ đó dẫn chúng tôi tới thành phố, để đi ra khỏi cái thị trấn nhỏ bé của chúng tôi.
Những lúc đó, tôi có cảm giác như chị tôi nói với thái độ bàng quan hết sức, nửa như quan tâm, nửa như không quan tâm tới những gì mình đang nói, không một chút biểu cảm nào biểu lộ ra trên khuôn mặt dửng dưng đó. Tôi cũng không để ý lắm, nhưng lúc chị nói tới đoạn, giá như có đường tàu nào đó chạy qua thị trấn nhỏ bé của mình thì hay biết mấy.
Khi ấy, tôi cũng chưa tưởng tượng ra nổi nếu như có đường tàu chạy trước cửa nhà mình thì sẽ như thế nào. Giống như trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam ấy, hai chị em chúng ta, hai đứa trẻ, chị tôi nói (lần này với giọng điệu hào hứng hơn đôi chút). Còn tôi thì im lặng mỉm cười, và mỗi đêm đêm tôi đều mơ tới đường tàu, có con tàu to lớn rầm rập chạy qua vào mỗi buổi chiều, mỗi khi chúng tôi choàng tỉnh giữa đêm khuya sau cơn mộng mị.
Sau này chị tôi đi lấy chồng xa, ở dưới thành phố. Chị tôi nói, chị đã băng qua con lộ nhỏ trước cửa nhà của chúng tôi, ra tới con lộ lớn hơn. Càng ngày càng có nhiều xe cộ qua lại hơn trước, đủ các thể loại xe. Rồi những chuyến xe đưa chị tôi ra khỏi thị trấn nhỏ bé và đi vào thành phố rộng lớn hơn.
Rồi chị cũng kể tôi nghe, trước nhà của chị cũng có một đường tàu chạy qua. Có những đêm chị không tài nào ngủ nổi khi đoàn tàu rầm rập đi qua. Cánh cửa sắt khe khẽ rung lên trong từng căn nhà trong khu phố cạnh đường. Mấy đứa nhỏ trong phố bị đoàn tàu làm cho tỉnh giấc, khóc giữa đêm khuya. Cha mẹ dỗ mãi không thôi khóc.
Tôi hỏi, có phải là chị đang nhớ về thị trấn của chúng tôi không, không có đường tàu mà chỉ có con lộ nhỏ chạy qua đó thôi, con lộ nhỏ dẫn ra con lộ lớn hơn. Chị không bao giờ cảm thấy phiền hà khi tôi nhắc lại điều đó. Chị gật đầu chắc nịch bảo, đúng như thế. Rồi tôi hỏi chị thêm, chị chắc là yêu mến cái đường tàu trước cửa của nhà chị lắm.
Nhưng lần này, chị tôi lại lắc đầu. Chị tôi bảo, trước đây chị đã từng ước sẽ có đường tàu chạy qua trước cửa nhà mình. Chị ước mỗi đêm trong khi đang ngủ, nếu như có đoàn tàu chạy qua, tiếng còi tàu tu tu vang lên từ xa. Chị choàng tỉnh giấc và sẽ gọi tôi dậy cùng nhau ngắm tàu, như hai đứa trẻ đợi tàu, như trong truyện của Thạch Lam. Chị không bao giờ có thể quên điều đó. Tôi cũng thế. Như tôi, như chị vẫn mơ về nó, hằng đêm, hằng đêm.
Nhưng cũng chẳng hiểu sao, khi sau này, khi lấy chồng rồi, khi có một đường tàu trước cửa nhà mình, và ngày nào cũng có dăm ba chuyến tàu chạy qua vào buổi chiều, giữa đêm khuya. Chị tôi lại bảo, mình chẳng hề yêu mến những đường tàu đó nữa, cái cảm giác trống không mỗi khi nhìn về phía đường tàu. Cái cảm giác chẳng biết sẽ đi về đâu, khi hướng mắt nhìn về xa tít tắp những đường ray đó. Cái cảm giác cô đơn, lạc lõng mà chẳng biết chia sẻ cùng với ai.
Khi ấy, tôi cũng chẳng hỏi thêm điều gì nữa. Tôi im lặng, nhưng không cười. Sau này, tôi đi học, tôi cũng đi khỏi con lộ nhỏ trước cửa nhà tôi. Con lộ đó dẫn tôi đi ra con lộ lớn hơn, ngày càng nhiều xe cộ qua lại, đủ các loại xe lớn nhỏ. Rồi con lộ lớn hơn dẫn tôi tới thành phố.
Tôi đã nhìn thấy rất nhiều đường ray, nơi có những con tàu chạy qua. Hằng ngày, hằng ngày.
Tôi đã thử mình bước đi trên những đường ray đó, cái cảm giác chông chênh xảy đến trên đôi chân mình.
Tôi cũng thử đưa mắt nhìn về phía xa xa. Và khi ấy tôi chợt hiểu cái cảm giác trống không, cái cảm giác không biết đi về đâu, hay cái cảm giác cô đơn lạc lõng không biết chia sẻ cùng ai mà chị tôi đã từng nói.
Nhưng sau cùng không có nghĩa là chúng tôi không bao giờ thèm mơ tới cái cảm giác sẽ có đường tàu chạy trước cửa nhà mình. Và cũng không bao giờ chối bỏ cái cảm giác sẽ thấy mình lạc lõng ở một nơi xa lạ.
Tuổi trẻ luôn thế
-Nguyên Nguyên-