Ring ring
Con đường trắng hoa sưa tuôn

Con đường trắng hoa sưa tuôn

Tác giả: Sưu Tầm

Con đường trắng hoa sưa tuôn

Bạn nhắc tôi nhớ năm mười bảy tuổi khi đến kí túc xá Mễ Trì tìm bạn thấy những bông hoa bé xíu trắng muốt rụng trải thảm dưới chân, ngước lên nhìn hoa ấy từng chùm như mây trắng trời rung rinh theo gió...


***


Tặng Tôi và những người từng yêu Hà Nội nhân một dịp có duyên nào đó....


Uyên viết thư bảo Hà Nội đã đến mùa hoa sưa. Bạn nhắc tôi nhớ năm mười bảy tuổi khi đến kí túc xá Mễ Trì tìm bạn thấy những bông hoa bé xíu trắng muốt rụng trải thảm dưới chân, ngước lên nhìn hoa ấy từng chùm như mây trắng trời rung rinh theo gió. Hương hoa không đặc biệt nhưng rất bình yên. Hỏi bà cụ bán nước chè xanh mới biết đó là Hoa Sưa. Cụ nhai trầu bỏm bẻm, tóc trắng vấn cao, răng hạt na nhưng tiếng nói còn thanh tao: " Ngày trước hoa Sưa còn ối ra đấy. Giờ người ta chặt đi để bán nhiều rồi. Đến Hà Nội mà không biết hoa Sưa thì chưa hiểu Hà Nội đâu. Hoa ấy còn là hồn người Hà Nội nữa đấy cháu ạ!"


Con đường trắng hoa sưa tuôn


Tuổi mười bảy tôi mộng mơ với hương thơm ngọc lan, hoa sữa mùa thu, ngẩn ngơ ngắm hoa Lộc Vừng đầu đông chứ nào biết đến hoa sưa. Hoa sưa nằm trong sự trầm lặng trong nỗi nhớ của những con người cả đời gắn bó với " thăng trầm Hà Nội". Hoa sưa lặng lẽ trút lá rồi một sáng tháng ba trên chót vót đầu ngọn ngập tràn sắc trắng hiền hoà của hoa. Ngày ấy tôi cứ kiếm cớ đi sang Mễ Trì chơi để ngắm hoa sưa, ngồi dưới gốc sưa uống bát nước chè xanh của bà cụ răng hạt na, đến nỗi bà cụ Cải ( tên của bà cụ bán nước chè) quen mặt rồi kể chuyện cho nghe.


Cụ bảo hoa sưa theo truyền thuyết là hồn của nàng trinh nữ phương xa gởi đến tình lang là chàng trai ở thành Thăng Long, tình yêu không trọn vẹn, cô gái kết hồn bạch ngọc phủ đầy vòm cây sưa vừa thay lá nhờ hoa nói hộ lòng mình. Ông lão nhà cụ ngày xưa cưới cụ cũng vào mùa hoa sưa, khi mưa xuân giăng nhẹ tiễn hoa sưa rơi trên cỏ xanh. Mấy mươi năm ăn ở với nhau nồng nàn, tha thiết không bao giờ có điều tiếng gì cụ ông lại bỏ cụ bà đi trước cũng vào mùa hoa sưa. Năm ấy hoa sưa bỗng nở nhiều như tuyết phủ. Nhớ cụ ông, cụ bà mới bán nước chè nơi này xem như đi thay cho cụ ông trên con đường hoa sưa thêm vài năm nữa. Hoa sưa nở chỉ đôi tuần khiêm nhường lẫn vào nhiều loài hoa khác vào độ cuối xuân.


Câu chuyện của cụ khiến tôi tha thẩn tìm hoa sưa trên đường Bưởi, Vườn Bách Thảo, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng...chẳng có máy ảnh mà chụp, tôi đành nhờ anh thợ chụp ảnh có hiệu gần đấy chịu khó chụp mấy kiểu ảnh, chụp người ít thôi, chỉ cần chụp được cái mặt ngước lên vòm mây trắng muốt chót vót trên cao.


Những chuyến đi kéo tôi về phía nam, mỗi năm đi ngang Hà Nội để về Bắc Giang vào cuối năm chẳng dịp nào gặp lại vòm trắng muốt tháng ba kia nhưng câu chuyện tình yêu của bà cụ bán nước chè cứ theo tôi mãi...


***


Mãi đến năm ba mươi tuổi, ngồi sau xe một anh bạn thời phổ thông, ngập ngừng hỏi: "Tớ muốn đi dưới vòm hoa sưa. Đã lâu mới về Hà Nội vào dịp tháng ba". Anh bạn cười lớn: "Nẫu ạ!Hoa ấy người Hà Nội quên từ lâu rồi. Người ta hạ xuống gần hết. Gỗ ấy quý lắm, giá cả triệu đô".


Nói thế nhưng anh bạn vẫn chịu khó chạy đến đường Thanh Niên để cô bạn "nẫu" ngắm hoa sưa vào giữa trưa tháng ba vàng nắng. Tôi đi qua kí túc xá Mễ Trì tìm lại bà cụ bán nước chè bên gốc hoa sưa. Vẫn phố nhưng bụi và ồn, hoa sưa vắng đi nhiều. Uyên nói "Bà cụ Cải mất đã lâu. Khi còn sống thỉnh thoảng cụ vẫn hỏi cô gái tóc dài năm xưa sao không thấy tháng ba đến ngắm hoa sưa". Chẳng còn dấu vết của hàng phố, những gương mặt quen, chỉ còn câu chuyện của cụ Cải về tình yêu gắn với hoa sưa bứt rứt một kiếp người.


Đâu chỉ có hoa sưa nhẹ nhàng, tha thiết, Hà Nội còn là phố, là người, là những câu chuyện kể trong kí ức của tôi. Hà Nội năm nay rét đậm hơn, kéo dài hơn như những sợi len trên đôi que đan của nàng Bân đan áo gởi chồng. Chẳng biết nỗi nhớ chồng của nàng Bân có "trở mình xanh non như nõn lá" hay không nhưng tháng ba luôn dẫn tôi về với nỗi nhớ hoa sưa trong câu chuyện của cụ Cải. Hà Nội đang dần mất đi vẻ trữ tình, êm đềm của kinh đô xưa ngàn năm để thay vào đó là sự sát nhập, mở rộng, cao sừng sững những toà nhà hiện đại được dung để mở công ty, khách sạn, nhà hàng, quán bar...


Người ta vẫn phàn nàn khi sự thanh lịch của người Hà Nội đi đâu mất để phô bày ra vẻ trơ khô, xô bồ, chụp giật mà không chịu hiểu họ có phải người Hà Nội đâu khi muôn phương tìm về thủ đô như miền đất thánh. Người Hà Nội vẫn thanh lịch, tao nhã, hào hoa, tinh tế như hương nhài, hương sen, hương cốm mới nhưng họ như những cây hoa sưa kia nép mình, thu gọn và mai một dần đi với Hà Nội 2 rồi sẽ có Hà Nội 3...


Cũng chẳng trách được Hà Nội trong sự buồn vui chuyển mình vẫn còn những con đường sắt từ cuối thế kỉ XIX, những nghĩa địa từ trước cách mạng tháng 8, chợ Đồng Xuân vẫn năm cầu chợ, thỉnh thoảng trên góc phố còn bà cụ tóc vấn răng hạt na bán nước chè, gánh hàng rong cùng tiếng rao xuyên phố mặc nắng dài hay cơn mưa không báo trước.


Khi có dịp được ngủ cùng Hà Nội tôi chẳng chọn cho mình khách sạn hiện đại trên khu phố hào nhoáng, chẳng phải vì không có tiền nhưng những nơi ấy Hà Nội loãng lắm nên cứ thích chọn nhà khách nào đó ven đô, đi xa một chút để mường tượng góc phố lạ xa kia thân thuộc với mình, lan can chưa bao giờ đứng lại mang hơi thở thân thuộc, nhìn ra phố để được lắng nghe Hà Nội thở dịu dàng, cho tôi gặp nụ cười thân thiện chào nhau của những người cả đời mới gặp một lần hoặc trò chuyện với cô bán bánh rán đầu ngõ như thân quen từ lâu lắm mà không sợ lừa lọc, móc túi, giằng néo bán mua.


Cô bạn người Tràng An bảo rằng Hà Nội thức trọn đêm nhưng âm thầm ủ mầm cho một điều gì đó tốt đẹp cho Hà Nội ngày mai. Đừng nhìn Hà Nội bằng đôi mắt xoi mói sẵn sàng bắt lỗi ở bến xe, vỉa hè, góc công viên hay những con đường đèn mờ...Hãy nhớ đến Hà Nội những tháng năm mưa bom bão đạn, Hà Nội đánh máy bay Mỹ trên bầu trời, người Hà Nội từ cụ già đến cháu bé sẵn sàng xả thân xung trận để bảo vệ từng mái nhà, góc phố. Hãy nhìn Hà Nội bao dung hơn, phán xét ít đi, ngẫm nghĩ nhiều hơn để thấy vòng quay chầm chậm bánh xe đạp của ông cụ bán nem mỗi tối, gánh xôi nếp than của bà cụ ban sáng, đêm nhọc nhằn của chị quyét rác và sau khung cửa sổ kia có ông giáo già giảng bài cho đứa cháu thơ, một chiều nhạt nắng nàng thiếu nữ ngẩn ngơ nhìn chiếc lá thu rơi, chú bé con vừa nhẩy chân sáo trên vỉa hè vừa véo von bài hát nào đấy... Hãy yêu Hà Nội bằng tình yêu những điều bình thường nhỏ bé như ngàn năm nay đã tồn tại.


Những điều ấy đã tạc nên một Hà Nội trầm mặc cho cả kí ức một dân tộc và khi mặt trởi lên Hà Nội cựa mình thức giấc với ồn à phố phường, nhịp đời sôi nổi.


Tôi yêu Hà Nội không bằng cảm xúc " vật vã" như cảnh tắc đường, chen lấn mà yêu bằng một tình yêu rất thầm lặng, riêng tư như thể tất cả sự lãng mạn của tôi dành cả cho Hà Nội rồi.