The Soda Pop
Cô đơn chiều nhạt nắng

Cô đơn chiều nhạt nắng

Tác giả: Sưu Tầm

Cô đơn chiều nhạt nắng

Nhưng cũng may là bên cạnh việc gây ra cảm giác buồn tủi, cái cô đơn còn cho người ta biết mong biết chờ. Phải thấy lòng mình cô đơn thì người ta mới nhận ra rằng mình đang thiếu rằng mình cần cái gì đó gọi là sẻ chia, là tình cảm.


***


Nắng chiều khẽ nhả từng giọt qua khe cửa sổ mơn man lên chiếc bàn học dựng ngay sát tường, xua êm dịu vào giấc ngủ vội của Hoàng. Bỗng từ ngoài dội vào, nghêu ngao một giọng hát, đó là Trinh. Hoàng bật cười trong cơn buồn ngủ.


Cô đơn chiều nhạt nắng


Hoàng là sinh viên khoa Văn năm Ba, cậu thường thức đêm, thức vào giờ đi học, thức khi bạn rủ đi chơi, thức khi có hứng viết và ngủ bất cứ khi nào có thể. Cậu tỉnh giấc. Cái Trinh ít khi hát mà đã hát là cả xóm đều nhận ra. Nó hát chẳng hay, nhưng cái giọng đặc biệt. Giọng Trinh khàn khàn mà vang vang. Người thì bé mà miệng thì như cái loa. Hoàng mở cửa sổ cho anh nắng dịu dàng ùa vào phòng. Cậu bám thanh cửa, vu vơ mà cười. Cái Trinh vẫn hát, bên ngoài tiếng mấy anh em trong xóm vừa đi đá bóng về ồn ào nói chuyện, tiếng những con chim Cu nhà cô chủ trọ gù nhau. Hoàng lặng nghe những âm thanh cuộc sống dịu dàng chảy vào căn phòng theo màu nắng nhạt.


Hoàng tủm tỉm cười, cậu nghĩ về con bé Trinh. Cậu thấy con bé cùng xóm ấy hiền khô và điệu điệu. Dĩ nhiên đó mới chỉ là cảm nhận thôi, vì cậu cũng chỉ mới đến xóm, còn Trinh nó đã ở đây hai năm rồi.


Hoàng cũng là sinh viên năm ba như Trinh. Nhưng cậu mới chỉ đi học được một kì. Hoàng học xong kì đầu thì xin nghỉ vì nhiều lý do, nhưng rồi cái duyên cái số lại không cho Hoàng nghỉ học. Cậu quay lại trường, tiếp tục cái mong ước dở dang đã đôi lần lỡ nhịp: mong ước cầm bút.


Cái xóm trọ Hoàng mới chuyển đến thật lắm nhộn nhịp, thứ nhộn nhịp của cuộc sống sinh viên. Hoặc cũng có thể, Hoàng đã sống quá lâu trong sự lẻ loi và cô quạnh nên mới thấy nhịp sống mới sao vui vẻ quá. Có thể lắm, khi ở lâu trong cô đơn và lẻ loi rồi bất chợt chẳng cô đơn nữa, người ta dễ cảm thấy cuộc đời tươi vui đến lạ. Hoàng vươn vai nhìn nắng chiều hiền dịu rải đầy sân, vẳng từ góc cầu thang là tiếng con Cappi, chú chó của cậu bạn dãy nhà trên. Cậu đang hếch cái mõm lên ra điệu rủ rê cho Hoàng vào một cuộc chơi đùa. Cái con chó đến là nghịch. Nó be bé, dễ thương mà nghịch. Con Cappi làm Hoàng nhớ tới con chó Sói trắng muốt cậu đôi lân gặp trên đường phố Hà Nội, con Sói trắng hay vắt vẻo trên chiếc xe Ga vững chắc, hai chân trước nó đặt lên tay xe, ngồi sau con Sói trắng là một chàng thanh niên ngổ ngáo. Thoáng nhớ tới con chó ấy, Hoàng lại nhớ Hà Nội.


Nhớ tới Hà Nội, Hoàng lại nhớ tháng ngày của lạc lõng và đơn côi. Lạc lõng giữa những người chẳng cùng cách nghĩ, chẳng cùng thú vui. Ngày ấy, Hoàng ra Hà Nội làm phụ bếp, ăn tập thể, ở tập thể.


Cậu sinh viên vừa thôi học, mới rời ghế nhà trường được đặt vào sống trong thế giới của những người lao động tha hương. Những người cùng làm với Hoàng từ xứ đến và phần nhiều là đi ra ngoài kiếm sống từ nhỏ. Lắm người sống tình cảm những cũng nhiều người thích soi mói. Đôi khi, Hoàng thấy ở họ tính khí phóng khoáng tới bạt mạng của những tâm hồn tự do mà lớn.


Hà Nội là những tháng ngày Hoàng sống giữa một thế giới xa lạ. Cậu lạc lõng giữa trời đêm, lạc lõng giữa khói thuốc nơi căn phòng nhỏ, những cuộc vui, và những nợ nần triền miên của anh em xung quanh. Trong công việc, Hoàng không tìm thấy đam mê và luôn kém cỏi. Trong cuộc sống, Hoàng không tìm được sự đồng điệu nơi những thú vui bản năng kia. Dưới trời Hà Nội, cậu nhóc là một kẻ buồn tủi và cô đơn. Buồn tủi và cô đơn trong từng cuộc gọi điện từ gia đình, trong từng sự tìm kiếm tình thân, trong từng cái khép mình để không tan vào thế giới mà cậu vẫn không thích, thế giới của những bản năng. Cuộc sống Hoàng cứ trôi chầm chậm theo từng bước cậu lang thang giữa trời đêm Hà Nội, trôi giữa cái giá lạnh nghiêng nghiêng trên vai Hoàng.


Ngày ấy Hoàng hay gọi điện nói chuyện thật lâu với những người mình từng thân để tìm kiếm thứ gì đó và dường như cậu chưa bao giờ tìm thấy gì từ những cuộc nói chuyện ấy. Những người từng thân, khi đã dứt ra khỏi những quan hệ ràng buộc rồi thì nhiều khi sẽ không là gì của nhau nữa. Bởi cuộc đời ai cũng nhiều việc phải lo. Thế rồi Hoàng đi vào một thế giới mà tôi chưa từng. Thế giới của những người lao động, nhiều tệ nạn nhưng cũng lắm tình cảm chân thành. Trong bầu không khí của thế giới chưa từng ấy, cậu lại dạt sang một thế giới lẻ loi hơn: Hoàng nhủ lòng mình, phải khác với những con người ở đây. Nhưng làm sao để vừa khác nhau lại vừa sống với nhau bằng cái tình? Câu hỏi ấy, cậu lại không trả lời được.


Nhưng những tháng ngày ấy qua rồi. Những thứ đã qua mà đọng lại nhiều ấn tượng thì luôn mang giá trị riêng. Cho dù những ấn tượng kia có là buồn tủi và cô đơn đi nữa. Bây giờ Hoàng lại thấy thấy quãng thời gian ấy hay. Màn sương mờ lạnh tê tái của trời đêm Hà Nội trở lại như thứ gì hay hay trong tâm trí Hoàng, ngay lúc Hoàng đứng trước những mảng nắng Thái Nguyên nhàn nhạt. Người ta vẫn thấy những rung động nhỏ dội vào tâm trí ấm áp hơn sau khi đã sống lâu trong cái lạnh lẽo đóng băng tâm hồn.


Nắng chiều Thái Nguyên làm tan sương lạnh giữa trời đêm Hà Nội. Âm thanh xóm trọ hòa vào nắng chiều dịu dàng. Rộn lên trong những âm thanh êm dịu ấy là tiếng hát lanh lảnh của một cô gái.


Hoàng bỗng nhận ra có làn hơi là lạ từ trong nắng chiều....


Tan tầm chiều, giờ họp lớp kết thúc. Mọi người rộn ràng đổ ra cửa, từ tầng năm mà phóng tầm mắt ra xa bỗng thấy bầu trời thật rộng, cảm giác như bóng trời chiều chuẩn bị ập vào bóng giảng đường.


- Tí nữa có ra Công nghệ thông tin chạy không.


Hoàng với gọi Hương, cô bạn cùng lớp, và cũng cùng xóm trọ.


- Không, hôm nay tớ mệt.


Cô bé hiền lành xua xua tay đáp. Hoàng mỉm cười:


- Thế hôm nay tớ cũng chẳng đi! Hai đứa mình ra chợ luôn xong về nấu cơm nhé.


Con bé Hương gật gật, hai đứa dắt nhau ra chợ. Hoàng mới lên Thái Nguyên được đâu có hai tuần. Lần này đi học, cậu bảo với bố mẹ là sẽ tự liệu hết cuộc sống của mình, những ngày đầu cũng may là có Hương giúp. Hương với Hoàng chơi với nhau từ năm đầu rồi, ấy là hơn một năm trước. Cũng chỉ học cùng lớp, bâng quơ rồi quen và chơi với nhau. Hương và Hoàng đều hay đi chạy bộ rồi cũng từ đấy mà thân. Đời người ai cũng có lúc khó. Mà có khó thì mới phải nhờ đến bạn. Nhưng dù thân thế nào cũng chẳng thể nhờ nhau mãi được, Hoàng biết thế và sự vô tư nơi con bé cũng làm cậu yên tâm hơn.


Chập choạng tối, Hoàng vắt vẻo trên cái võng nhà anh Hà treo giữa hai cây nhãn trước cửa, từ khoảng không giữa hai lùm cây, bóng trăng vàng ươm tìm đường phủ xuống sân. Hoàng nghĩ tới ngày trung thu. Trung thu năm nay chắc là chẳng về đâu, về thì giải quyết được cái gì. Việc Hoàng đi học lại, bố mẹ vốn đã chẳng thích rồi. Trong suy nghĩ của bố mẹ luôn có một câu "đương yên đương lành". Hoàng là một thằng không quen, không chịu cái yên lành ấy được và có lẽ là cũng hơi bột phát nữa. Thế cho nên mới có chuyện cậu tự ý nghỉ học. Nhưng khi cái duyên nợ với sách vở chưa hết thì Hoàng lại phải cầm bút sách lên thôi.


Ngày đi lên Thái Nguyên, bố còn ném cho Hoàng sự lặng im và biết bao nhiêu là dằn vặt. Mẹ thì bảo: cho nó lên đấy mấy hôm, bao giờ tiêu hết tiền xong chơi chán rồi lại về. Trong mắt cha mẹ thì con cái có bao giờ là trưởng thành. Bố mẹ không biết thời gian đi làm, trong đêm tối Hoàng đã lạc lõng nhiều như thế nào. Không ai biết cách mà cậu tìm đến thế giới của những người viết văn, không ai biết những đêm cậu bấm từng con chữ trên bàn phím điện thoại. Hoàng vẫn còn thích cầm bút lắm. Cầm bút, cái sở thích từ thuở bé đã bao lần da diết rồi lại lãng quên, cái mong muốn mập mờ đã bao lần lỡ làng bỗng chốc lại âm ỉ cháy trong đơn côi.


Nhưng Hoàng cũng thấy tình cảm của bố từ trong những trách mắng, dằn vặt dành cho mình. Cậu không biết làm thế nào để diễn tả nỗi buồn tủi khi nhận ra những tình cảm ấy, vào ngay lúc đeo cặp lên, đi về với thầy cô và các bạn cũ. Có những cuộc chia xa của tình thân thật giống những cuộc chia cách của những mối tình, rất nhiều dằn vặt và đơn côi.