Ring ring
Bồi hồi nghĩ về tết

Bồi hồi nghĩ về tết

Tác giả: Sưu Tầm

Bồi hồi nghĩ về tết

Dù có sự khác nhau về vùng miền, về phong tục, tập quán của từng địa phương đi chăng nữa thì tất cả chúng ta đều cảm nhận rất rõ ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần.


***


Bồi hồi nghĩ về tết


Trong nhà, ngoài phố đều tất bật và nhộn nhịp niềm vui. Vẻ mặt ai nấy đều hân hoan hạnh phúc sẵn sàng tiễn đưa một năm cũ và đón rước một năm mới với những cảm xúc rất riêng của mình. Những cánh hoa rực rỡ sắc màu đang đua nhau khoe hương, thi sắc càng làm cho không khí tết thêm rộn ràng, náo nức, những đợt gió mùa đông không đủ sức cản lối xuân sang! Trong khoảnh khắc giao mùa ấy, đất trời vạn vật dường như đổi thay và khoác lên mình tấm áo mới căng tràn nhựa sống. Những cánh đào đỏ hồng tươi của miền bắc, hay những cánh mai vàng rực rỡ của miền nam đua nhau khoe sắc, báo hiệu một mùa xuân viên mãm đã lại về. Một năm cũ có thể còn đầy nỗi chuân chuyên, khó nhọc của người này, nhưng cũng có thể là thành công, thắng lợi của người kia...Nhưng hãy để cho cánh cửa mùa đông của năm cũ khép lại, lòng mỗi người lại rạo rực đón xuân sang với những niềm vui và hy vọng mới! Để cho những đứa con xa quê được bồi hồi với niềm vui khôn tả, rảo vội những bước chân theo tiếng gọi yêu thương để trở về đoàn tụ bên gia đình! Ôi! tuyệt vời biết bao khi chúng ta sinh ra trên đất Việt yêu thương!


Quên sao được không khí tết cổ truyền của dân tộc khi xưa, ta "ăn Tết" với "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh". Tết và lễ hội diễn ra tưng bừng và kéo dài đến hết tháng giêng. Kinh tế tuy nghèo những đời sống tinh thần của người Việt luôn phong phú và dạt dào cảm xúc. Nên dù giàu hay nghèo thì mọi nhà đều chuẩn bị cho mình mọi thứ với mong muốn 3 ngày tết phải đầy đủ nhất, vui tươi nhất, tốt đẹp nhất để cầu mong một năm mới tràn đầy hạnh phúc! Đất nước thanh bình. Bởi vậy nhà dù nghèo thế nào đi chăng nữa thì "ngày ba mươi Tết cũng vẫn có thịt treo trong nhà", và tất nhiên không thể thiếu mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên vào tối 30 Tết mà ta quen gọi là bữa cơm Tất niên! Bữa cơm đoàn tụ gia đình sau một năm làm lụng, cách xa! Đó là những phút giây lắng đọng hồn người, tràn ngập yêu thương và đầy cảm xúc thăng hoa cũng như bao niềm hy vọng. Đó cũng là lúc người ta cùng "ôn cố tri tân", cùng nhắc nhớ về những gì đã qua và hướng tới một năm mới với những niềm hy vọng mới!


Tôi còn nhớ cái không khí của những ngày giáp Tết ngày xưa, đó là những ngày U tôi tất bật đôn đáo, giục chị em chúng tôi đi kiếm cây, kiếm lá để đốt lấy tro, lọc nước làm bánh Lẳng. Những phiên chợ tết mẹ tôi mua đủ các thứ nào măng khô, hành củ, rau dưa, nào khoai tây, cải bắp, nào nước mắm, hạt tiêu, nào mỳ, nào miến, rồi cả nấm hương, mộc nhĩ, hành tây... Nhưng vui nhất có lẽ là ngày mà cả nhà tôi dậy từ 3 giờ sáng đun nước nhờ người đến thịt lợn. Lợn ngày đó đâu có to chỉ chừng 30 - 40 Kg, ấy vậy mà anh chị em chúng tôi thấy vui sướng vô cùng....


Tôi nhớ mãi cái cảm xúc chiều cuối năm, mẹ tôi dẫn mấy chị em tôi đi tảo mộ cho bố và bà ngoại, đốt nén hương trước mộ bố và bà, trước không gian tĩnh lặng của nghĩa trang mà lòng chúng tôi trào dâng bao cảm xúc, bỗng thấy mắt mình rưng rưng, thấy lòng phiêu lãng mỗi khi nhìn mẹ thắp hương và lầm rầm khấn vái mời bố và bà cùng về ăn tết. Đó là những phút giây thiêng liêng ta có dịp hoài niệm quá khứ và nhớ về những người đã khuất, biết ơn nguồn cội và ta bỗng thấy thương yêu những người thân nhiều hơn. Đêm ba mươi cả nhà tôi quây quần bên nồi bánh chưng với tiếng nước sôi lục bục, hương nếp thơm tỏa bay ngào ngạt, những tàn hoa lửa nổ lép bép cuốn bay theo làn khói ấm nồng. Tết đã gắn kết mọi người lại với nhau thêm bền chặt.


Tết ngày nay cũng có nhiều đổi khác, dịp cuối năm mọi người tràn ra thi nhau ngược xuôi trên phố, dòng người hối hả bị cuộc sống đầy tất bật và lo toan cuốn theo. Với guồng quay của cuộc sống hiện đại, việc chuẩn bị Tết ngày nay cũng nhanh gọn và đơn gian hơn nhiều. Cần thứ gì thì cứ vào chợ hay siêu thị là có ngay không cần phải chuẩn bị hàng tháng trời như trước đây, bởi hàng hóa ngập tràn: Từ bánh mứt, củ kiệu, dưa hành, giò, chả...thậm trí là cả bánh chưng tất cả đều có sẵn, có lẽ vì thế mà Tết ngày nay giảm đi cái không khí sôi động, và cũng chính vì thế mà hương vị Tết cũng đã "bay đi ít nhiều"!? Mọi người không còn phải bận bịu với mấy ngày Tết như trước nữa, việc đi chơi, chúc tết, bạn bè, xóm giềng cũng giảm, hầu như mọi người chỉ đi chúc Tết những người thân trong họ hàng nội tộc mà sao nhãng xóm giềng như xưa. Tết ngày nay đến nhanh và đi cũng rất nhanh, chớp cái đã thấy hết Tết, mọi người đã phải trở lại học hành hay công việc, trở lại cuộc sống thường nhật và tiếp tục những ngày tháng đeo bám nỗi lo toan mưu sinh và theo đuổi sự nghiệp của mình và gia đình.


Có lẽ, chỉ có con trẻ mới được hưởng trọn vẹn cái không khí náo nức vui tươi của những ngày Tết. Chúng háo hức chờ Tết đến để được đi chơi, được ăn ngon và diện những bộ quần áo mới, nhất là được người thân lì xì mừng tuổi! Theo thời gian, mỗi chúng ta sẽ dần mất đi sự háo hức chờ mong mỗi khi đến Tết bởi ta đâu còn trẻ? Thay vào đó là những nỗi lo toan giống như của bà, của mẹ khi xưa. Đã bao lần ta tự hỏi lòng mình, không biết có phải Tết ngày nay tẻ nhạt và ít háo hức hơn so với Tết xưa? Hay là do cuộc sống hiện đại ngày nay mang đến cho con người bao nỗi lo toan khác?? Hay vì ta đã già ?


Rồi một ngày cuối năm con gái đi học dưới Thủ đô về nghỉ Tết, vai đeo, tay sách bao thứ quanh người, nó mở cửa ùa vào như một làn gió, hớn hở khoe đã được nghỉ Tết! Rồi nó rối rít khoe đã mua quà cho bố thứ này, cho mẹ thứ kia...Ta bỗng nhận ra rằng, cái con bé mới ngày nào còn hay khóc nhè, ăn vạ, bây giờ đã lớn khôn, đã đủ cứng cỏi, mạnh mẽ thế này. Nhất là nó đã biết yêu thương, lo nghĩ tới mọi người! Ôi! Mới đó mà đã hơn hai mươi năm!! Trời đất đổi thay nhanh vậy! Lòng bâng khuâng nhớ lại những Tết xưa, mà thoáng chút bùi ngùi, vẩn vơ.


Nhưng dù là Tết ngày xưa hay Tết ngày nay đi nữa, những ngày Tết đều là những ngày vui vẻ nhất trong năm, ngày của đoàn viên hạnh phúc. Là ngày con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ để mừng thọ, chúc phúc, để thờ cúng tổ tiên, thể hiện truyền thống hiếu kính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.


Mặc cho năm tháng dần trôi, Tết Việt ngàn đời vẫn thế, vẫn náo nức, vẫn rộn ràng, vẫn có hoa và rượu, vẫn có nhớ và mong, vẫn có hoài niệm và hy vọng. Sau phút giây sum họp tất là đến những ngày tháng chia xa. Đó là quy luật của tình yêu và cuộc sống. Tết và mùa xuân là điểm hẹn để cho con người kết nối những yêu thương! Tết đang đến rất gần, hãy cùng nhau tìm về cuội nguồn hạnh phúc để cùng nhau chia sẻ mọi yêu thương! Để mọi người càng thêm yêu quý hơn giá trị cuộc sống, và để ta thêm yêu quý ngôi nhà bé nhỏ của chính mình! Chào xuân mới! Với bao điều tốt đẹp đang chờ ta phía trước! Hãy nhìn lên và tiến bước!!


Sáng ngày 12/01/2016


Bùi Nhật Lai