Teya Salat
Ai già, ai trẻ?

Ai già, ai trẻ?

Tác giả: Sưu Tầm

Ai già, ai trẻ?

Người lớn thực có thấu được lòng người?


***


Một đám trẻ con chơi đùa.


Một đứa tranh giành đồ chơi với đứa khác, hai đứa con nít cãi nhau chí choé, khóc mếu tơi bời. Ta cười bảo chúng còn trẻ con.


Nếu đứa kia tươi cười nhường nhịn, ta cười bảo đứa kia thật "người lớn".


Một nhóm người lớn sống trong cộng đồng.


Một người tranh giành địa vị với người khác, đấu đá, ganh ghét, thậm chí hãm hại lẫn nhau. Ta có nói họ trẻ con?


Nếu đối thủ chịu lùi bước trước mình, nhường đường để mình thăng tiến, ta có nói rằng họ "người lớn"?


Ai già, ai trẻ?


Thực sự thì...


Trẻ con vẫn cứ là trẻ con, chúng không hiểu được nỗi lòng của người lớn nếu họ không thể hiện ra bên ngoài, để rồi trách móc, hờn giận và kéo xa khoảng cách giữa con người.


Người lớn cũng là trẻ con, không ít người tưởng rằng vì toàn cục, thực chất là vị kỉ, chỉ vì những mong muốn, toan tính của bản thân mà đẩy trẻ con vào bi kịch, để rồi tất cả phải chịu tổn thương.


Trẻ con thực có thấu được chuyện đời? Những tưởng mình hiểu chuyện, nghĩ rằng mình thấu đáo, chí lý biết bao. Kì thực cái chí lý ấy chúng mới thấy qua mà chưa từng trải nghiệm. Chúng đâu biết rằng những chuyện chúng làm những điều chúng nghĩ đều tựa hồ đường chỉ tay trong lòng bàn tay cha mẹ. Có điều, họ vì sĩ diện trẻ con của chúng mà không nói ra. Người lớn thực là người lớn!


Người lớn thực có thấu được lòng người? Những tưởng mình trải qua sóng gió đường đời, hành sự sẽ thấu tình đạt lý. Đúng vậy, kinh nghiệm, vốn sống là thứ không thể phủ nhận, nhưng của cải đó đã nhuốm đầy cay đắng mặn mòi. Chỉ khi sự hồn nhiên vô tư lự của con kéo người lớn về với thời xuân trẻ, họ mới lại thấy được sự tươi mới ngày nào đã bị lãng quên. Từ lũ trẻ, người trưởng thành cũng học được nhiều lắm chứ, học cái đã biết. Trẻ con cũng thực "người lớn" biết bao!


Người lớn đều đã từng trải qua những gì gọi là tuổi trẻ, với những thứ mà con trẻ trăn trở băn khoăn, tình cảm gia đình, bạn bè và tình yêu đôi lứa. Họ luôn khuyên con rằng hãy thế này, nên thế nọ, đời họ cũng từng, nên họ biết. Thế nhưng, người lớn dường như đã quên hoặc những thăng trầm cuộc sống đã làm mờ đi trong họ nếp suy nghĩ thời non trẻ. Và giờ đây, khi dạy dỗ con mình, cha mẹ lại áp vào con thứ tư duy người lớn, khuôn phép, trưởng thành.


Rất nhiều trong số họ thường được khuyên rằng hãy đặt mình vào vị trí của con mà suy xét, nhưng mấy ai đã làm được như vậy? Họ chưa hề, hoặc quả đã đặt mình vào vị trí ấy rồi lại giải quyết bằng cách làm của người lớn, dắt con đi theo bước đi của họ. Dĩ nhiên, không phải đứa trẻ nào theo cách ấy rồi cũng lớn lên được. Bởi vậy mới sinh ra những người lớn tương lai mang trong mình nỗi hoang mang tự kỉ. Tiếc rằng, đa phần người lớn khi chứng kiến hay nghe qua về sự dại dột của một đứa trẻ nào đó đều lắc đầu, hoặc ngán ngẩm vì sự bồng bột trẻ dại, hoặc trách cứ chúng thiếu suy nghĩ, là không tốt, phụ lòng người lớn mà họ không nhìn lại sự quan tâm, cách dạy dỗ của chính mình.


Dù sao chúng cũng là trẻ con, chúng thực sự muốn được lắng nghe, sẻ chia và thấu hiểu. Vì là trẻ con, chúng cần được định hướng và đưa dẫn theo cách mà chúng nên và dễ dàng tiếp nhận. Vì là trẻ con, chúng cần thời gian và không gian để khôn lớn. Nhưng mà "người lớn" ơi, có nghe thấy lòng "trẻ con" lên tiếng?


Trẻ con luôn noi gương người lớn mà học tập.


Người lớn cũng nên nhìn lại để dạy người, dạy mình!


Nhung Kira Kira


Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE