Vược
Vược
Thế là Vược đi sang làng bên cưa cẩm chị bạn của Khìn. Thời gian đầu, Khìn còn đi với Vược với tư cách là người làm mối. Nhưng chỉ tháng sau, Khìn có mang, nghén lên nghén xuống, người xanh như tàu lá. Nửa đêm Khìn kêu thèm chuối xanh luộc chấm muối. Bố chồng Khìn chiều con dâu, xách dao ra vườn chặt chuối, loay hoay thế nào dẫm phải bom còn sót lại từ hồi Mỹ bắn phá miền Bắc năm sáu lăm. Bố chồng Khìn mất hẳn hai chân, cả nhà dốc tiền chạy chữa, thành ra gia cảnh nghèo khó. Mẹ chồng Khìn rủa con dâu là đồ báo hại. Khìn khóc ấm ức, đã nghén ngẩm lại còn ốm o suốt ngày.
Sau tai nạn của bố, Định nghỉ học trở về làm lao động chính trong nhà, cũng là để bênh vực Khìn trước sự thịnh nộ của mẹ. Khìn ít khi ra khỏi nhà, chỉ gặp Vược có hai lần. Khìn bảo Vược đợi Khìn khỏe rồi lại sang làng bên, nhưng Vược không đợi Khìn nữa, mà đã quen đường thuộc lối. Chị bạn Khìn có vẻ hơi già thật, gầy bủng beo như người thiếu ăn, hai má tóp lại đen xám xịt, nhìn cả ngày không tìm thấy điểm nào duyên cả. Ấy thế nhưng cũng đành, vì Khìn muốn thế, nên Vược sẽ làm thế. Vược đi ăn hỏi chị bạn xóm bên của Khìn. Khìn khóc, không hiểu vì chuyện Vược ăn hỏi, hay vì chuyện nhà chồng Khìn đã đến hồi khốn khổ. Đói ăn cộng với những cơn khóc rấm rứt khiến Khìn càng trở nên yếu ớt, dù ngày sinh đã cận kề.
Một tuần trước ngày cưới, Vược ra bãi trống cạnh kho thóc hợp tác xã để ngắm trăng lên, hồi tưởng lại những đợt hừng hực với Khìn. Chợt một bóng người lướt qua sân kho khiến Vược giật mình chú ý. Vược bước đến, dõi mắt vào trong coi thử. Bóng người đang lom khom vần trên mình hai bao lúa, lưng oằn xuống khiến bao lúa rơi tuột. Bóng người đang cố gắng ôm một bao bên tay phải, tay trái run rẩy lôi bao còn lại đặt lên lưng. Hóa ra có trộm, mình phải bắt hắn mới được, Vược thầm nghĩ. Thế nhưng, khi gương mặt trên trộm xoay nghiêng dưới ánh trăng thì Vược ngớ ra kinh ngạc. Đó là Định, cái dáng thư sinh lỏng khỏng đang cố vật lộn với hai bao thóc. Vược cố gắng nhấc chân lên, nhưng dường như không di chuyển được.
Định chật vật vác hai bao lúa ra sân, cuống quýt chạy thì chợt khựng lại vì cái bóng đổ dài chênh chếch bên cạnh mình. Cái bóng có vẻ đứng yên khiến Định không thể bỏ chạy, mà run rẩy quay đầu lại nhìn. Hai bao lúa rơi tuột xuống đất, rơi xuống dưới chân. Hai người đàn ông nhìn nhau, im lặng.
Trong ánh mắt Vược là một dấu hỏi.
Ánh mắt Định bẽ bàng cuống quýt trả lời, rằng Khìn sắp sinh, nhà không còn gì để ăn cả. Định không muốn Khìn và con chết đói, Khìn lại sức yếu, phải có thuốc thang tẩm bổ cho cô ấy.
Và vì thế, Định nhìn Vược như van vỉ.
Và chính vì ánh mắt van vỉ yếu đuối của Định, Vược lóe lên ý nghĩ, không thể nào, Định đã cướp Khìn từ tay Vược, và bây giờ, Định đứng trước mắt Vược chỉ là một gã tội nhân, không hơn không kém. Cái gì gọi là tình nghĩa, anh em, vứt hết, ngu thì chết chứ tội gì.
Chợt những bước chân đổ dồn về phía nhà kho, nơi hai người đang ông đang đứng nhìn nhau cùng hai bao thóc ở giữa. Định hớt hải nhìn về phía tiếng người, rồi lại hối hả nhìn Vược. Trong phút chốc, Vược chớp mắt, chân đặt lên bao thóc, đầu cúi xuống. Khi mọi người ập tới cùng với tiếng la hét có trộm, thì Vược dùng tay đẩy mạnh Định sang một bên, ánh mắt gườm gườm. Bảo vệ hợp tác xã dùng gậy chỉ vào mặt Vược, quát to, hỏi sao cả gan dám ăn trộm thóc của công? Định chưa hết bàng hoàng, mới chống tay đứng dậy thì đã thấy Vược hất mặt lên nhìn bảo vệ. Vược bảo đói thì phải trộm chứ sao. Định ú ớ khua tay, nhưng Vược đã nhíu mày thoáng nhìn Định. Định đứng im thin thít, mồ hôi tuôn ròng ròng trên trán. Mọi người chỉ trỏ, bàn tán xì xào. Vược cười khẩy bảo, lẽ ra tao thoát rồi nếu không có thằng Định ngáng chân. Bảo vệ giơ gậy cảnh cáo Vược, bảo Vược đừng có láo toét, đã giở thói trộm cắp rồi khoe cả thói côn đồ. Vược túm cổ áo bảo vệ, hỏi nếu người nhà ông sắp chết đói, ông có dám to mồm như thế không. Bảo vệ không nói không rằng, giáng cho Vược cái tát nảy lửa. Vược cũng không chịu thua, thụi ngay cú đấm vào bụng bảo vệ.
Vược bị kết tội sáu tháng tù do trộm cắp tài sản công, cộng với sáu tháng tù vì chống đối người thi hành công vụ. Vào tù rồi, Vược cay đắng ngồi ôm chân nghĩ ngợi, chẳng hiểu sao mình lại đứng ra nhận tội thay tình địch. Rõ ràng Vược đã rất hả hê, đã muốn trừng phạt Định, muốn vạch mặt Định cho thiên hạ thấy, cho Khìn hối hận vì đã chọn Định chứ không chọn Vược. Vược nhớ đến mùi sả trên tóc Khìn, nhớ đến ánh mắt Định bẽ bàng xấu hổ. Thế rồi Vược tặc lưỡi, dù thế nào thì lựa chọn là việc của Khìn, chứ không phải lỗi của Định. Suy cho cùng, Khìn lấy Định rồi còn qua lại với Vược thì Khìn đối với Định cũng chẳng ra gì, Vược đối với Định cũng chẳng ra gì. Suy cho cùng, Định cũng chỉ là thằng chồng tội nghiệp. Nếu chẳng phải vì Khìn, Định đã không phải bước tới đường cùng như hôm nay. Thôi, cũng coi như chuộc lỗi, làm chút việc nghĩa cho bạn bè, thiệt thòi chút ít không đáng bao nhiêu, ngồi tù một năm không có gì đáng kể.
Nghĩ thế thôi, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Ở tù được ba tháng, Vược vướng vào một vụ đánh nhau giữa các phạm nhân. Nói đúng ra là trong lúc lao động, họ đánh nhau, Vược chỉ là người đứng ra can ngăn. Kết quả, Vược lĩnh trọn nhát cuốc mát mẻ từ bạn tù, phải nằm viện cả tháng trời. Nhát cuốc để lại trên thái dương Vược vết sẹo bằng hai ngón tay trẻ con ghép lại.
Vược ra tù, điều đầu tiên được thông báo là mẹ Vược đã uống thuốc sâu tự tử mất rồi. Mẹ Vược chết vì Vược. Bà nhục vì có thằng con làm bại hoại thanh danh truyền thống gia đình. Bà muốn chết vì chẳng còn lý do gì để sống. Ngôi nhà lạnh lẽo tang tóc. Vược thẫn thờ trước bàn thờ mẹ, nhưng người chết dù sao cũng chết rồi, người sống thì vẫn phải sống, Vược nghĩ vậy. Vược bước ra "quán" cắt tóc của mình, nhưng không đứa trẻ con nào dám đến chơi với Vược, không người lớn nào đưa đầu mình cho Vược cắt tóc. Vược đi đến đâu, người ta xa lánh đến đó. Người ta kháo nhau chuyện Vược ăn trộm thóc, chuyện đánh người không biết sợ ai, kể cả người thi hành công vụ, chuyện Vược đánh nhau với bạn tù chí mạng, bằng chứng là vết sẹo trên mặt, chuyện Vược lẽ ra bị mấy năm tù giam nhưng chắc trốn trại ra ngoài. Người ta kết tội Vược giết mẹ, rằng Vược là một gã tù, và nhắc nhở bọn trẻ tránh Vược càng xa càng tốt.
Vược đâm ra hận cuộc đời, hận Định, hận Khìn. Nếu không phải vì họ, thì Vược đã không phải thê thảm đến thế. Vược đến tìm Định, hầm hầm muốn cho Định một trận nên thân. Ấy thế nhưng khi tới nơi, nhìn thấy Định đang bế đứa bé gái một tuổi cưng nựng trước sân, thì lòng Vược chùn lại. Bỗng nhiên Vược thấy mình yếu đi nhiều, sức lực không còn đủ để mà đánh nhau. Tiếng cười đùa của bố con Định cứ văng vẳng bên tai Vược, ánh mắt đứa trẻ trong veo đến lạ. Thấy Vược đứng sững trước cổng nhà mình, Định vội ôm con bước ra. Định cười, Định áy náy, Định cảm ơn, xin lỗi Vược về tất cả. Định nói suốt đời này sẽ không quên ơn Vược, và xin Vược hãy coi con gái Định như con gái mình, nếu có thể. Vược nắm bàn tay năm ngón bé xíu của đứa bé, chỉ biết nở nụ cười buồn tênh rồi quay đầu bước ra về.
Vược quyết định đi khỏi làng, khuất khỏi tầm mắt dị nghị của những con người nơi đây. Khìn tìm Vược, gái một con mây mẩy ham muốn. Vược đẩy Khìn ra. Vược nói mình sẽ đi xa, khuyên Khìn hãy sống thật tử tế với Định. Định yêu Khìn, thương Khìn, vì Khìn mà khổ sở đến thế, Khìn không nên phụ tấm lòng của Định. Khìn tức lắm, ánh mắt nhìn Vược giận dữ. Vược bỏ đi, mùi sả thoang thoảng nồng nàn năm xưa chợt khiến Vược rùng mình. Vược quay lại, nhưng đó không phải là Khìn, mà là chị bạn xóm bên, người đã được Vược mang trầu cau sang ăn hỏi. Chị này héo hon nhìn Vược, mái tóc xõa dài đến đầu gối. Vược chợt thấy mình có lỗi, nhưng Vược không thể sống yên ổn ở cái đất này, Vược phải đi thôi. Chị bạn của Khìn bảo Vược đi cũng được, nhưng hãy để lại cho chị một đứa con. Đàn ông phần nhiều đi đánh trận chưa về, phần còn lại cũng chẳng ai để ý tới một người quá lứa lỡ thì như chị. Chị không cần gì, chỉ cần có đứa con sau này còn có chỗ dựa lúc về già.