XtGem Forum catalog
Những vì sao cô đơn

Những vì sao cô đơn

Tác giả: Sưu Tầm

Những vì sao cô đơn


Chữ của cái Năm giống lời bà Tư dạy hơn cả. Chữ của Sứt méo mó, đầu to, đít tóp và nhảy dòng loạn xạ. Bà Tư động viên Sứt, bảo Sứt về mua cái bảng tập viết cho đỡ tốn giấy!


Cái Năm về lu loa với mọi người ở nhà rằng Sứt học dốt. Mẹ cốc đầu Sứt một cái rõ đau. Sứt ức lắm, đặt quyết tâm phải viết đẹp hơn cái Năm.


Hôm sau, nhà Sứt nhìn chỗ nào cũng thấy chữ O: Chữ O đỏ choét được viết bằng mẩu gạch vụn trên nền nhà, chữ O đen xì được viết bằng hòn than trên bờ tường, cho đến chữ O ươn ướt, nhầy nhầy được viết bằng nước mũi trên be giường... Thấy Sứt ham viết chữ, bà nội khề khà bảo: "Có chí thì nên!". Mẹ Sứt thì lắc đầu, sẵng giọng: "Thôi được rồi! Để mai mẹ mua cho mày cái bảng".


Những buổi học sau Sứt được bà Tư khen là có tiến bộ. Chữ của Sứt đã đẹp gần bằng với chữ của cái Năm. Nhưng cái Năm lại hơn hẳn Sứt ở mục tiêu phấn đấu. Trong khi Sứt quyết tâm viết đẹp bằng cái Năm thì cái Năm lại quyết tâm đọc được chữ trên ti vi. Xóm này chẳng nhà nào có tivi, nhưng ý đồ của cái Năm đúng là ghê gớm thật!


***


Xóm nhà Sứt không có điện nên được gọi là xóm Tù Mù. Nhà bà Tư ở xóm bên, xóm đấy lại có điện, có ti vi. Tối tối dân xóm nhà Sứt thường kéo nhau đến nhà bà Tư để xem ti vi. Ti vi 14 inch, hình vuông, có màu rất sống động. Bà Tư chu đáo đóng hẳn ba cái ghế băng và tối nào cũng có tích chè xanh để phục vụ bà con. Ai mua quà ở quán nhà bà Tư thì mua, còn nước nôi thì miễn phí.


Sứt thích xem hoạt hình, xem thế giới động vật, xem phim cũng được nhưng không hiểu lắm. Xem thời sự càng không hiểu gì luôn. Thời sự toàn chính sách, pháp luật, giá xăng, giá vàng, ma túy, mại dâm... xem đau đầu nên hầu như chẳng ai thích xem. Chương trình thời sự đông người xem nhất là chương trình phát sóng ở đài địa phương hôm tối chủ nhật vừa rồi. Người ta làm một phóng sự mười lăm phút về xóm nhà Sứt cơ đấy!


Sứt mang máng nhớ cách đây vài tuần có mấy người lạ mặt cầm máy quay phim đến nhà Thím Muôn và ở đó đến tối mịt. Thím Muôn sang kể với mẹ Sứt đấy là mấy người của đài truyền hình, họ cho thím Muôn những năm trăm nghìn và bảo thím kể về cuộc sống ở xóm Tù Mù, kể về nghề mưu sinh, càng kể khổ càng tốt, lên tivi sẽ giấu mặt không ai biết đâu mà lo.


Người ở đài truyền hình đã giữ lời hứa. Phóng sự về xóm Tù Mù dài mười lăm phút, trong đó có mười phút phỏng vấn người đàn bà đang ngồi trong bóng tối. Người đàn bà sụt sịt kể:


"Dân xóm em khổ lắm anh ạ! Ai đời đường điện cao thế như mấy cái dây thừng trên đầu thế kia mà không có điện. Đất này lúa không mọc nổi, không có điện chẳng biết làm gì mà ăn. Đàn ông, người đi biển, người đi tìm trầm... Người đi tìm trầm hú họa mới có người trở về, có tiền là đưa vợ con thoát ly chứ ở cái đất này làm gì. Còn người đi biển - nói đến đây người đàn bà nức nở - cơn bão chan chu chan chiếc gì đấy đi một lượt mười mấy người. Chồng em với ông bác cũng mất trong cơn bão ấy... Đàn bà như tụi em chỉ biết ở nhà trông con, giữ đất, không đi khách thì kiếm cái gì mà ăn..."


Mấy đứa trẻ con đang xem ti vi bỗng nhao nhao chỉ trỏ vào cái Năm: "Mẹ mày đấy!", "Cô này là cô Muôn góa, tao biết thừa!", "Mẹ mày làm nhục cả xóm". Người lớn, người nín lặng xem, người lanh lảnh quát trẻ con giữ trật tự. Mắt bà Tư đỏ hoe, mắt mẹ Sứt ầng ậc nước. Cái Năm nằm lăn ra đất khóc. Nó khóc còn dữ dội hơn cả khi Sứt ăn mất cái bánh gai, cái bánh rán của nó...


Chưa xem hết phóng sự, mẹ Sứt vội bế cái Năm về. Cái Năm vẫn khóc rưng rức, chốc chốc người nó lại giật một cái vì nấc. Lẽo đẽo theo mẹ về, Sứt cảm thấy mình cũng bị tổn thương. Nhưng Sứt sẽ không khóc. Mẹ từng bảo: "Con trai thì không được khóc!". Sứt biết, có một vì sao đang đi theo Sứt, nó cũng cô độc ở một khoảng trời, thỉnh thoảng nó lẩn khuất sau những đám mây, nhưng không bao giờ khóc!


***


Thím Muôn là người lớn mà rất mau nước mắt. Trong bữa cơm chiều ở nhà Sứt, thím Muôn nước mắt ngắn nước mắt dài đút cơm cho cái Năm. Đêm nay, thím Muôn sẽ bắt xe đi Thái Bình. Thím bảo cậy nhờ mẹ Sứt và bà nội trông cái Năm một thời gian, khi nào ổn định sẽ về đón. Bà nội hỏi: "Đi Thái Bình làm cái gì?". Thím Muôn bảo: "Làm thuê!". Bà nội cười mỉa: "Chứ không phải dạng háng nữa hả?". Thím Muôn sa sầm mặt mày, xúc một thìa cơm lớn nhét vào mồm cái Năm. Mẹ Sứt phá tan im lặng bằng một giọng the thé: "Mày ăn rau vào! Sao bới tung cả đĩa thịt thế? Ăn cả thịt mỡ nữa mới béo, mới ra hồn người được". Mọi ngày Sứt vẫn ăn kiểu vậy, chả hiểu sao hôm nay mẹ lại quát Sứt. Sứt nhăn nhó xúc rau vào bát.


Bà nội ăn hết lưng bát cơm, xoay đũa quẹt miệng một cái rồi đứng dậy, đi ra sau nhà. Không khí dễ thở hơn. Thím Muôn để cái Năm tự xúc cơm ăn, quay ra thủ thỉ với mẹ Sứt. Thím bảo, hai giờ đêm nay tay tài xế người Thái Bình sẽ qua đón, lên đấy hắn sẽ thuê nhà cho, cứ ở nhà trọ mà dưỡng thai không phải đi khách nữa. Tay ấy hứa nếu đẻ được con trai thì sẽ mua nhà và dọn về sống như vợ chồng. Mẹ Sứt tò mò: "Có đúng là con của tay ấy không?". Thím Muôn quả quyết: "Chắc! Đợt vừa rồi khách nào em cũng bắt dùng bao, mỗi hắn là ngoại lệ thôi". Mẹ Sứt nghi ngại hỏi: "Tay ấy khát thằng cu! Nhỡ đẻ thị mẹt thì sao?". Thím Muôn cười gượng: "Em cảm giác thế! Mấy hôm nay em toàn mơ thấy một thằng cu đỏ hỏn đứng đái trên bụng thôi". Mẹ Sứt chép miệng, lắc đầu, gắp một miếng thịt mỡ rõ to vào bát của Sứt rồi nói với thím Muôn: "Chẳng biết đâu được với ông trời! Thoát ly được thì tốt, chứ ở đất này không biết bao giờ mới ngóc đầu lên được!"


***


Thím Muôn đi được hơn một tháng, tay tài xế người Thái Bình thỉnh thoảng ghé qua nhà Sứt đưa bánh và quà mà thím Muôn gửi cho cái Năm. Cái Năm ngày nào cũng hỏi bao giờ thì mẹ nó về. Bà nội phát cáu: "Mẹ mày đi theo giai rồi. Không bao giờ về!". Cái Năm khóc tu tu suốt bữa cơm, mẹ Sứt phải dỗ dành mãi nó mới nín.


Bà nội càng già càng khó tính. Bà nội hằn học với Mẹ Sứt, hay mắng Sứt, phát cáu với cái Năm và con chó trụi lông nhà cái Năm. Bà nội rủa: "Chúng mày không cho bà ngủ. Chúng mày không ra thể thống gì hết. Chúng mày không nghe lời bà thì chúng mày bị trời quở, bị ông thằng Sứt, bố thằng Sứt quở. Chúng mày sẽ chết đói hết cả thôi!". Mẹ bảo Sứt : "Bà lẩm cẩm rồi! Bà chửi cứ mặc kệ cho bà chửi, đi chỗ khác chơi". Sứt nghe lời mẹ nên bây giờ hễ bà có chửi, có la mắng là Sứt lảng đi chỗ khác chơi. Bà nội bảo Sứt: "Thằng này càng lớn càng mất dạy!". Thì Sứt rủ cái Năm mang sách ra sân học đánh vần. Đánh vần thật to! Sứt đang học chữ, mất dạy làm sao được!


Trong bữa cơm chiều, cả nhà đang ăn, bà nội lớn tiếng: "Ngày mai là giỗ bố thằng Sứt với bố cái Năm, đêm nay và đêm mai cấm thằng đực rựa nào bén mảng đến cái nhà này. Thằng nào vào phải bước qua xác bà!". Khuôn mặt nhăn nhúm của bà đanh lại, mắt bà trợn lên làm cái Năm sợ quá phải bỏ bát cơm chạy vào trong nhà, lên giường trùm chăn. Sứt mặc kệ, chan nước riêu đầy bát rồi cắm đầu húp sì sụp. Mẹ Sứt thì mấm môi không nói gì, bỏ mâm cơm đi ra ngoài cổng ngồi.


Hình như Mẹ Sứt đang khóc không thành tiếng.


Tối hôm ấy, mẹ Sứt không mang đèn pin ra cổng ngồi như mọi ngày. Mẹ Sứt ngồi đan áo len cho Sứt. Sứt với cái Năm ngồi trên giường hoa tay múa chân chơi trò tạo bóng hình con chim, con gà, con chó.