Những ô cửa màu xanh
Những ô cửa màu xanh
- Ông vào ăn rồi em kể mấy chuyện hôm nay nghe thấy ở chợ. Toàn chuyện hay lắm, mà ông ăn nhanh để em còn dọn dẹp. Em còn bao nhiêu việc kia kìa.
Cha lặng lẽ đứng dậy, chậm chạp xúc từng thìa cơm ăn, thi thoảng lại dừng lại lắng nghe câu chuyện chợ búa của bác giúp việc. Tôi cũng góp vài ba câu chuyện nhưng nó trở nên lạc lõng vì tôi không còn bắt nhịp được cảm xúc của cha. Cho đến khi tôi bảo:
- Bố ạ, sắp tới vợ chồng con sẽ nhận thưởng đầu năm, chắc cũng được kha khá. Con sẽ sửa sang ngôi nhà mình và mua thêm vài vật dụng. Con sẽ sắm riêng cái ti vi thật to để trên phòng để hàng ngày bố xem cho đỡ buồn.
- Bố không cần gì, chỉ muốn có một ô cửa sổ để thoáng đãng và để treo vài chậu hoa con ạ.
Tôi chợt giật mình nhớ ra phòng cha không hề có cửa sổ, chỉ có cửa lớn mở thông ra cầu thang. Nhẽ ra tôi là người phải để ý điều này, tôi đã quên mất cha đã từng rất yêu những ô cửa màu xanh. Nhưng tôi biết kể cả khi mời thợ về trổ thêm cửa sổ tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn vì ngay sát nhà tôi là tường của những ngôi nhà khác vượt lên, bưng bít. Có lẽ cha đã không biết điều ấy. Nước mắt tôi tự nhiên cứ ứa ra.
Tôi mua về rất nhiều chậu cây đặt trên sân thượng và chuyển ba sang phòng hai vợ chồng tôi, vì cũng không thể đổi phòng với Huy được, con trẻ rất cần có không gian. Ở hướng này ít ra còn có thể mở cửa sổ dù tầm nhìn cũng không thoáng hơn là mấy. Nhưng cha không chịu vì nghĩ thương con, phải nằn nì mãi ông mới chuyển mà mắt cứ rưng rưng lệ, nghĩ thấy tội cha. Sân thượng tận tầng năm, thay vì ngồi sau cánh cửa như trước, ngày nào ba cũng lập cập leo lên tưới cây, nhặt lá. Tôi hỏi ba:
- Bố leo lên như thế này có mệt lắm không ạ? Để con bảo cháu Huy hàng ngay dìu bố lên cho đỡ mỏi.
Bố xua tay:
- Không cần đâu con, bố leo được mà.
- Thế bố có muốn nuôi một vài con chim không, để mai con ra phố chim cảnh mua về.
Cha nhìn ra mông lung đất trời, khẽ thở dài bảo:
- Thôi con ạ! Là loài chim thì phải để cho chúng bay trên bầu trời rộng lớn. Nhốt chúng vào cái lồng chật hẹp chỉ vì mua vui cho bố thì thật là tội nghiệp. Mà công việc của con dạo này thế nào? Cũng phải để ý chăm sóc gia đình, thằng Huy nó đang tuổi lớn nếu không để ý sau này khó uốn nắn lại. Cả chồng con nữa, nó cứ đi biền biệt thế con cũng phải gắng vun đắp, giữ gìn. Là phụ nữ lỡ sơ sảy thì khổ nhiều con ạ.
Hai cha con tôi lại ngồi bên nhau như thuở nào, chỉ khác chăng là thiếu vắng những người thân cũ, cây ngọc lan, tiếng đàn ghi ta, hương trà của mẹ và những ô cửa màu xanh. V lại tràn về lòng tôi bằng dòng hồi ức vẫn đượm màu...
Hồi ấy... Mẹ ra đi không lâu thì anh cả mất trong một đêm đi tuần quanh thị xã, khi dồn đuổi một toán trộm cướp có máu mặt. Ngày tiễn anh đi theo mẹ, cha không đứng vững nổi trước nỗi đau quá lớn, bởi anh cả từng là niềm tự hào, là kỳ vọng của cha.
V lúc đó giống như một thảm mây mù u ám. Thế nhưng chúng tôi chưa nghĩ đến việc dời bỏ V nếu như không có một ngày cậu út sau những vấp ngã trong tình yêu đã bồng bột theo bạn ra nước ngoài lao động. Tôi đã chẳng còn tiếc nuối nhiều khi quyết định dời V, có chăng chỉ là tiếc những hình bóng cũ.
Đã mười ba năm kể từ khi xa V, mọi thứ tự bản thân chúng đều đã vận động và đổi thay nhiều. Huy giờ cũng đã thành chàng trai 18 tuổi, cao lớn và đầy hoài bão. Đã quá quen với cuộc sống thành phố không còn bỡ ngỡ như cái ngày đầu tiên khi nhìn những tòa nhà cao tầng và luôn mồm hỏi "vì sao lại thế?". Tôi bây giờ thành người phụ nữ đã có tuổi, nếp nghĩ và nếp sống cũng chậm hơn. Chồng tôi sau những chuyến đi dài ngấm dần từ đời vẻ phong trần và cả nhiều toan tính.
Tôi biết, nhưng vì sự bình yên của gia đình tôi đã buông tay anh ra. Thực tế thì đó là một sự lựa chọn đúng, thà tự động buông tay một người đang muốn bay nhảy còn hơn để người ta vùng vẫy. Buông tay để thi thoảng anh trở về thăm ba cho đúng đạo làm con, quan tâm đến Huy cho ra dáng người cha một chút.
Tôi vờ như không có chuyện gì xảy ra, vẫn sống tốt và cười nói bên cha mỗi ngày. Tôi nghĩ cha đã già, không còn minh mẫn và cũng chẳng còn tâm trạng để nghĩ về những chuyện đang âm thầm diễn ra trong gia đình. Nhưng một hôm, khi ngồi tren sân thượng uống trà cùng cha, giữa khoảng không gian tĩnh lặng hiếm hoi của thành phố, cha bảo:
- Nếu không vui thì đừng cố giữ trong lòng, phải nghĩ cho mình một chút con ạ. Con cứ hãy sống và làm những gì mà con muốn.
Tôi gục vào vai cha òa khóc. Chưa bao giờ tôi lại thấy thương mình và thương cha đến vậy. Để rồi tôi cứ tự hỏi mình liệu có thật tôi đã thích nghi với cuộc sống ở thành phố này? Liệu tôi đã hài lòng với những gì mình đang có như những nụ cười vẫn thường trực trên môi? Bỗng chốc tôi nhớ V. Nhớ lắm...
Từ bao giờ không rõ, tôi đã có mong ước được trở lại sống ở V.
***
Một hôm, đang giữa đêm khuya tôi tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng bước chân nặng nhọc của cha đang leo lên sân thượng. Tôi rất nhớ khoảnh khắc khi tôi mở cửa sân thượng, dáng cha ngồi hướng vào đêm vừa khắc khoải vừa mong manh đến nhạt nhòa. Cha hỏi tôi:
- Ở đây, hướng nào nhìn về phía V được hả con?
Tôi nhìn xung quanh, chỉ thấy nhà cửa san sát nhau xen kẽ những khoảng trống nhấp nhô không có gì để phân biệt cả. Tôi định chỉ bừa một phía để dỗ cha nhưng nhìn ánh mắt chờ đợi của ông mà tôi không nỡ.
- Hướng này phải không con? Cha nghĩ nó ở hướng này – Cha chỉ tay về phía Nam, nơi ấy một vài tòa nhà vẫn còn sáng điện.
Khi thấy tôi khẽ gật đầu, cha vịn vào thành lan can nhìn thăm thẳm về phía đó. Rưng rưng!
Vài ngày sau đó, tình cờ tôi biết được tin căn nhà cũ của chúng tôi ở V lại đang đăng tin tìm chủ mới. Tôi dừng mọi công việc lao về V như sợ nếu chậm chỉ một phút thôi tôi sẽ lại đánh mất một thứ gì quý giá.
Hành trình quay trở về V chỉ có hai cha con tôi. Huy đã làm xong thủ tục du học tại Hàn Quốc và bay trong tuần trước. Con không phản đối chuyện chuyển nhà về V, chỉ bảo:
- Mẹ và ông thấy thích là tốt rồi. Ở đó chắc cũng sẽ tốt hơn là thành phố này, con cũng sẽ muốn trở về hơn khi con thấy mệt. Cả bố cũng vậy, con nghĩ thế.
Chồng tôi không nói gì, anh trở về hoàn thành thủ tục bán nhà trên thành phố, chuẩn bị mọi thứ cho hai cha con tôi rồi lại đi. Tôi nhận ra anh có vẻ mệt mỏi hơn, cứ định nói với tôi một điều gì đó rồi lại ngập ngừng. Trước lúc đi chỉ bảo:
- Em và bố về V trước, anh sẽ về sau?
Tôi định hỏi anh sau là bao lâu? Nhưng sợ hỏi lại thừa nên tôi im lặng. Đường về V như dài miên man, cha hỏi:
- Mùa này ngọc lan nở phải không con?
- Vâng! Thưa bố. Chắc là nồng nàn khắp cả khu vườn rồi, hôm nọ con về hoa mới đơm nụ nhỏ.
- Vậy còn những ô cửa màu xanh?
- Nó đã cũ rồi, màu rêu cha ạ. Nhưng con sẽ sơn lại cho cha.
- Khu vườn của chúng ta...
Tôi nắm chặt bàn tay cha bảo:
- Chim vẫn về làm tổ, vẫn ríu rít sớm chiều cha ạ.
Cha khẽ gật đầu.
Về đến V lúc trời đã nhá nhem. Cánh cửa sắt kêu lên từng tiếng hoen gỉ của thời gian. Ập vào tôi một khoảng không gian ăm ắp kỉ niệm, cha bước tới bậc thềm, miết bàn tay già nua lên những viên gạch xanh rêu. Tôi biết nơi ấy ngày xưa mẹ vẫn ngồi khâu áo cho chồng con hay những trưa mùa thu mẹ ngồi hong tóc. Nơi ấy thằng út những ngày cao hứng vẫn ngồi gảy đàn ghi ta, còn anh cả ngồi ngâm nga vài ba câu hát. Nơi ấy ngày xưa Huy mới tập bò đã bao lần ngã, ông vội vàng đỡ dậy. Nơi ấy, những e ấp tình đầu của tôi như vẫn còn vẹn nguyên lấp lánh. Cha mở toang tất cả những ô cửa sổ, hương ngọc lan lại ùa vào thơm ngát.
Hàng xóm vui mừng khi chúng tôi trở lại, bạn bè cha giờ đều lưng còng, tóc bạc, gặp lại mừng tủi ôm chặt nhau rưng rưng không nói lên lời. Cha không còn đủ minh mẫn cho các nước cờ nhưng vẫn tiếp bạn bè bằng ấm chè ướp hương nhài, hái ngoài vườn đêm trước. Tôi thay cha vun lá khô cuối vườn, rắc gạo tấm đón chim chiều về nhặt. Không ai nói với ai nhưng tôi biết cả hai cha con đều đang chờ đợi.