Một tờ vé số
Một tờ vé số
"Nếu.... thì hôm nay mình lấy gì mua thức ăn?......Hay là.... Mặc kệ bà ta đi...!". Nhưng rồi anh lại phân vân! Anh không đành lòng!
***
Chua xót nhìn vào chiếc ví đã sứt gần hết những đường chỉ may qua quýt cợt nhả chạy trên lớp da dởm đã bạc màu:
- Chỉ còn mười ngàn! – anh thở dài, đưa đôi mắt đong đầy sự thất vọng rảo quanh một vòng rồi dừng lại ở cửa hàng rau, ái ngại "Mua gì đây trời? Thôi đành mua rau vậy!" và rồi anh quyết định:
- Bán cho em năm ngàn cà chua và năm ngàn cải bẹ xanh đi cô! Nhờ cô đùm bọc hộ con rồi lát nữa khi quay về con ghé lấy rồi trả tiền luôn thể!
- Rồi cưng! Người bán rau đáp lại.
Dứt lời chàng trai sinh viên đạp xe lên phía trước để tìm bạn. Đạp được một khoảng khá xa thì bất ngờ anh nghe thấy tiếng gậy lọc cọc từ phía sau và ngày một gần hơn:
- Vé số đây! Đài Cà Mau đây!
Anh quay lại và nhìn thấy một bà lão mắt mù, lưng còng như một dấu chấm hỏi. Trong tà áo nâu bợt bạt chi chít những đường may thô lậu. Đôi tay khẳng khiu đen sạm, da nhăn nheo đầy tàn nhang đang cầm một sấp vé số dày cộm. Lúc bấy giờ, trời đã trưa lắm rồi mà hình như bà chưa bán được bao nhiêu thì phải. Một vài con nhặng xanh đang đua nhau bâu lên mảnh lá chuối khô gói bánh tét người ta mới vứt, còn sót lại một lớp chất bầy nhầy. Vài nét chấm phá đó cũng đủ làm nên một bức tranh sinh hoạt tẻ nhạt, tiêu điều của khu chợ cóc nơi miền Tây sông nước.
Trong phút chốc, thời gian như ngưng đọng lại, anh bắt đầu nhìn về một cái gì đó thật xa xăm và mông lung như thể đang nhìn lại cuộc đời mình để chiêm nghiệm.
Nếu ngoại anh còn sống chắc ngoại anh cũng trạc tuổi bà lão mù này. Hình hài đã gắn bó với anh, với tuổi thơ của anh như hình với bóng cùng với những mẫu khoai mót ngoài ruộng, thơm mùi mủ khoai đã khô lại trên vết thương bị người ta cuốc đứt khi đào bới. Đó là một tuổi thơ toàn khoai, mì và không hề im lặng một chút nào nhưng ngọt ngào tình thương nơi vùng trũng Đồng Tháp Mười yêu dấu!
- Đài Cà Mau đây!
Tiếng rao như gần hơn của bà lão mù như lôi anh ra khỏi dòng hồi ức miên man đang trải dài trong tâm trí anh, đưa anh trở về với hiện tại. Anh biết rằng, cứ hễ bán được một vé thì bà lão kia sẽ lời được một ngàn đồng. Và hình như anh nghĩ đến một điều gì đó lung lắm.
Đoạn, anh cho tay vào túi quần – chiếc quần mà nó đã mài trên ghế nhà trường gần năm năm trời, móc ví ra. Nhưng rồi anh lại lưỡng lự, lại phân vân. Mười ngàn là tiền ăn cả ngày hôm nay của anh. Vỏn vẹn chỉ còn mười ngàn. Nội tâm của anh bắt đầu đấu tranh:
"Nếu.... thì hôm nay mình lấy gì mua thức ăn?......Hay là.... Mặc kệ bà ta đi...!". Nhưng rồi anh lại phân vân! Anh không đành lòng! Thế rồi anh gọi nhỏ:
- Bà ơi! Bán cho con một tờ đi bà! Vé nào cũng được!
Cọc....Cọc....Tiếng gậy khua dò đường và rồi bà lão dừng lại trước mặt anh, chìa bàn tay thô ráp và dường như đang run lên vì đói về phía anh:
- Đây cậu! – bà lão mù trao cho anh nguyên một xấp vé số. Vừa cầm xấp vé số trong tay, ngay lập tức anh đã đem trả lại cho bà lão.
- Dạ! Bà cho con gửi tiền.
- Bà xin! Bà cảm ơn! – bà lão lại chìa đôi bàn tay gầy về phía anh, để đón lấy xấp vé số và tờ 10.000 đồng. Đôi bàn tay gầy guộc ấy tựa như những nhánh cây khẳng khiu trụi lá của mùa thu đang run lên trong gió – những cơn gió se se lạnh của buổi đầu đông.
- Dạ..
Cuộc mua bán diễn ra và kết thúc tương đối chóng vánh, anh lại leo lên xe rồi đạp xe quay lại cửa hàng rau lúc nãy, nhanh chóng giả vờ cho tay vào túi rồi phân bua:
- Ấy chết! Con quên mang theo tiền rồi cô ơi! Chắc để bữa khác con mua bù lại cho cô vậy. Cô thông cảm cho con nghe! – anh phân minh kèm theo một nụ cười gượng gạo nhưng thật đôn hậu làm sao!
- Xì....Cái thằng.... – Cô ta xì một hơi và nguýt dài một cái sắc như nước.
Không đợi lâu, anh bèn đạp một mạch bỏ lại đằng sau cái nhìn theo đầy quở trách cùng lời chửi mắng:
- Thiệt là khùng quá!
Có ai biết rằng: thực ra anh chàng sinh viên kia chẳng rút một tờ nào trong xấp vé số dày cộm đó cả!!!?
Thiệu Hoàng