Duck hunt
Hắc Miêu

Hắc Miêu

Tác giả: Sưu Tầm

Hắc Miêu

Phùng Tất Đắc là học trò, thường trú ở quận Hoàn Kiếm, bình sinh chuộng hư danh, hám gái đẹp, nhưng đến năm 12 tuổi vẫn chưa được gần gũi với nữ nhân. Năm 17 tuổi thi đại học ngẫu nhiên đạt điểm cao, được tuyển đi du học ở nước Ba La Tư thuộc Đông Âu, từ đó thoả chí tang bồng, quanh năm tửu sắc.


***


Sau 15 năm lưu lạc, chán cảnh tha phương cầu thực, Phùng về nước vào Sài gòn lập nghiệp, mở tại quận Gò Vấp một tờ báo mang tên "Chó Chết Chẹt", thường đưa tin chó mất mèo lạc, lấy tiền quảng cáo là chính. Thời gian đầu được công chúng ưa chuộng, báo bán rất chạy, quảng cáo đắt như tôm tươi, doanh số nhiều vô kể. Có cao nhân trong làng báo là Bùi Thị, vốn là bạn đồng tuế dị sàng, cùng học thời phổ thông gọi điện khuyên Phùng rằng: "Nghề báo vốn bạc, hay dở không phụ thuộc vào chủ kiến bồi bút, ế chạy chẳng liên quan tới thị hiếu độc giả. Khéo mà làm ân mắc oán. Nên dừng ở lúc đỉnh cao". Phùng đang thị dục huyễn ngã, tự mãn thành công nên bỏ ngoài tai.


Một đêm Phùng ngồi biên tập cho số báo hôm sau phát hành, chợt nghe có tiếng nói cười lả lướt sau lưng. Ngảnh lại thấy một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu, mắt như mắt thỏ, lông như lông mèo, dung mạo vô cùng tươi đẹp. Phùng vốn tính hào hoa, bèn kéo nàng vào lòng mà ngỏ lời giao hợp. Thiếu nữ thoạt đầu từ chối dăm ba câu lấy lệ, sau rồi cũng để mặc Phùng chủ ý mây mưa. Thật là loan phượng tương phùng, thoả nguyện không bút nào tả xiết. Trong khi chăn gối Phùng tinh ý đếm thấy nàng có tới bốn nhũ hoa, nhưng vì mới quen nên chỉ dám nâng niu mà chưa tiện hỏi rõ, còn lấy làm khoái trí coi như báu vật của đời.


Thoắt được nửa tháng, đêm đêm thiếu nữ lại tới mây mưa cùng Phùng, nhưng Phùng giữ thế nào nàng cũng không ở lại trọn đêm, cứ canh ba lại vọt qua cửa sổ đi mất.


Hắc Miêu


Vợ Phùng thấy chồng thần sắc kém dần, mắt lờ đờ vô hồn, đêm nào cũng lấy cớ bận việc báo mà ngủ lại toà soạn thì sinh nghi, bèn thuê Trần Hào vốn là tay ăn cắp vặt ở chợ Tân Định theo dõi. Sau ba ngày Trần trở về, người ngợm hôi hám bẩn thỉu, mặt nhằng nhịt hàng chục vết xước. Phùng thị nóng ruột hỏi tình hình, Trần bộc lộ vẻ kinh hoàng, lát sau lấy lại bình tĩnh, bẩm báo: "Tối nào cũng thấy ông chủ cũng ngồi biên tập bài vở. Nhưng cứ nửa đêm thì có một con mèo đen vọt qua cửa sổ nhảy vào lòng ổng. Ổng bèn cởi...". Trần nói tới đó bỗng nhiên im bặt, mắt trợn ngược, lưỡi thè ra. Phùng thị hoảng sợ giật mình đưa tay vào người y thăm dò thì hơi thở đã tắt từ lúc nào. Phùng thị thấy Trần bất đắc kỳ tử, tự nhiên không cười mà chết thì kinh hồn táng đởm, sức lực bỗng nhiên tăng tiến khôn lường, bèn một tay ôm Trần ra gốc cây lan đầu nhà, một tay dùng xẻng vùi nông chôn tạm.


Nguyên Trần Hào có người bạn thân tên là Trương Ngật cũng thuộc loại vô công rồi nghề, hai tên thường hay qua lại lén lút cờ bạc cà phê rượu chè tình ý gái gú với nhau. Trương thấy Trần lâu không đến uống rượu, sinh nghi, lại từng nghe nói vợ Phùng nhờ Trần điều tra tình nhân phu quân bèn qua nhà Phùng đánh tiếng hỏi dò tung tích. Phùng thị luống cuống sợ hãi, gian ý lộ hết trên nét mặt, ú ớ giải thích không ra lời. Trương vốn ranh mãnh, thấy nội tình thiếu logic biết bên trong có ẩn ý, đêm lén đến phục ở sân nhà Phùng. Tầm canh ba Trương bỗng nghe có tiếng thở dài dưới gốc cây lan, chạy lại thấy Trần đang ngồi xổm như đi đồng, hai tay khư khư ôm lấy mặt. Khẽ gọi thì Trần ngẩng lên, khuôn mặt nhằng nhịt đầy vết mèo cào, cả thân mình bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Trương bị mùi thối xông thẳng vào mũi, mê man ngất đi.


Lát sau Trương tỉnh dậy, thấy vầng trăng toả sáng vằng vặc mà bản thân đang nằm ôm chặt gốc lan, mùi thối vẫn ngào ngạt. Trương cả sợ bèn lủi về nhà nôn oẹ tắm rửa, sớm hôm sau vội lên công đường báo quan. Quan huyện tên Lương họ Trọng đệm là Tồn, tốt nghiệp K21 đại học Luật, tính vốn liêm khiết, bình sinh ghét cay ghét đắng bọn buôn bán kinh doanh. Thấy Trương bẩm báo quan cả mừng, lập tức sai người tới đào gốc lan nhà Phùng, quả nhiên tìm thấy thi thể Trần Hào đang kỳ mục nát, bèn cho pháp y khám nghiệm, kết luận Trần chết do bị Phùng thị hắt hủi. Kế đó ra lệnh bắt giam vợ Phùng, tịch biên toàn bộ gia sản, bắt đóng cửa tờ "Chó Chết Chẹt". Riêng Phùng vì có chứng cớ ngoại phạm là ngủ tại toà báo do Trần Hào làm chứng, nên chỉ bị quan xét hỏi qua loa rồi thả về.


Phùng trở về phẫn uất quá, nghĩ quẩn thế nào chạy ra hiệu thuốc mua một vỉ Paracetamol hàm lượng 150mg định bụng đêm đến uống hết quyên sinh. Nào ngờ lúc vừa rót nước đưa thuốc lên miệng chợt bị hai bàn tay mềm như tay mèo bịt chặt lấy mắt, biết ngay là thiếu nữ lại đến nô đùa. Phùng gạt lệ than thở: "Vẫn biết đời vốn thăng trầm, nhưng nào ngờ ngày vui chóng tàn thế, Phùng mỗ nay nhà tan cửa nát sự nghiệp lỡ làng quả là không còn thiết tha giao hợp nữa". Thiếu nữ dí tay vào trán Phùng mà mắng rằng: "Làm thân đàn ông mà định tự tử, thật là đớn hèn như chó. Chỉ lo nhà cửa sự nghiệp của bản thân, thật là ích kỷ như lợn. Vợ oan khuất biệt tù mà không tìm cách lo lót chạy chọt, thật là bạc tình như giun...". Phùng bị mắng một hồi tối tăm mặt mũi, chợt tỉnh ngộ, vội ném vỉ Paracetamol đi mà hỏi: "Nàng có cách nào giúp Phùng mỗ chăng?". Thiếu nữ buồn đáp: "Việc này âu cũng khép lại món nợ trần ai". Phùng gặng hỏi, thiếu nữ bèn cởi quần áo, xoã tóc ra mà kể: "Thiếp vốn là con mèo đen con gái của mẹ mèo mướp, hai mẹ con bị hàng thịt mèo trên đường Thái Văn Lung bắt cóc, may nhờ có tờ báo "Chó Chết Chẹt" của chàng đăng tin mà mẹ thiếp được cứu thoát, riêng thiếp chạy không kịp bị Trần Hào – là tay bắt mèo bán cho các hàng tiểu hổ bóp chết. Hồn phách thiếp phẫn nộ không tan được, phần vì ơn chàng cứu mẫu thân chưa đền đáp, phần vì oán Trần Hào bóp cổ chưa báo trả". Phùng trước đây vẫn nghi ngờ tung tích thiếu nữ, nhưng bản tính vốn galant nên không tiện hỏi thẳng, nay thấy nàng là ma mèo đen cũng không lấy làm ngạc nhiên, chỉ cười buồn: "Nếu ta nghe lời Bùi Thị từ đầu, sớm bỏ nghiệp báo thì đâu đến nỗi kết cục như ngày nay". Thiếu nữ nói: "Trần Hào bị thiếp bóp cổ chết, đã phải đền tội rồi, còn việc của chàng nhất định thiếp sẽ phải lo chu đáo. Có điều cũng đành từ đây âm dương vĩnh quyết", nói đoạn quấn chặt lấy Phùng hôn hít rồi bỗng rùng mình, cả cơ thể kiều diễm thoắt chỉ còn lại túm lông đen phất phơ theo gió mà bay đi mất.


Lại nói Phùng thị bị bắt giam, oan khuất không biết đằng nào mà nói, thường giậm chân ngửa mặt lên trần nhà lao mà than rằng: "đớn đau thay phận đàn bà, trót sinh ra có nhũ hoa làm gì!", than xong lại vật mình khóc lóc thảm thiết. Một tối nàng đang tẩy trang trong biệt lao, bỗng thấy một con mèo đen nhảy vọt qua cửa sổ, thả vào lòng nàng một bưu phẩm nhỏ rồi thoắt cái lại chạy mất. Phùng thị thoạt đầu sinh nghi không dám mở, sợ là bom thư, lại sợ có vi khuẩn bệnh than, sau nghĩ đến tình cảnh mình sống mà như chết nên liều mình xé lớp giấy bọc, thấy bên trong chỉ là một cuốn video cỡ nhỏ.


Trọng tri phủ là người nhân đức, các phòng trong biệt lao đều có trang bị đầu video cho ngục nhân giải trí. Phùng thị bật lên xem thì là chính cuốn video lắp trong camera ngừa trộm treo ở cổng nhà mình, ngẫu nhiên ghi lại được cảnh đêm Trần Hào về báo cáo tình hình. Phùng thị và Trần đang trao đổi, đột nhiên có cảnh một con mèo đen từ đâu chạy tới nhẩy vọt lên bóp cổ Trần, lại có cảnh Phùng thị hoảng hốt khi thấy Trần tắt thở, nhưng có vẻ dưới mắt Phùng thị và Trần đều không có hắc miêu. May mà có chiếc camera vô cảm lạnh lùng ghi nhận lại mọi cảnh vật sự kiện.


Hôm sau lên đối chất ở công đường, Phùng thị trình cuốn video. Trọng tri phủ xem đi xem lại, lại nhờ chuyên gia ánh sáng khảo nghiệm kỹ càng, đánh giá không phải kỹ xảo điện ảnh. Trọng bèn ghi vào biên bản Trần Hào chết do bị mèo đen bóp cổ, không liên quan gì đến Phùng thị. Bao nhiêu oan khiên của nhà họ Phùng đều được giải, phẩm giá được phục hồi, gia sản được trả lại, giấy phép ra tờ "Chó Chết Chẹt" được tái cấp. Phùng Tất Đắc mừng rỡ, từ đó lại lao vào việc biên tập báo, tập trung đăng tin chó mất mèo lạc, công việc không hề dám trễ nải. Đêm đêm Phùng vẫn thường báo vợ bận việc phải ngủ lại toà soạn, mà Phùng thị qua biến cố vừa rồi cũng sợ hãi, chẳng bao giờ dám hỏi han hay thuê người theo dõi chồng nữa. Thật là khí độ của một đại gia vậy.


Bàn tải cân - Theo Bình Minh Mưa