Duck hunt
Em chỉ là công nhân

Em chỉ là công nhân

Tác giả: Sưu Tầm

Em chỉ là công nhân

24 tuổi, Chị tốt nghiệp Đại học với một cái ngành được coi là "hiếm". Có lẽ là do "hiếm" quá mà hầu hết các doanh nghiệp đều không cần, thậm chí là không thèm liếc mắt đến bộ hồ sơ của chị. Lúc còn ngồi ở giảng đường được thầy cô giảng dạy những kiến thức chuyên ngành Chị cứ tưởng sau này những kiến thức đó sẽ làm cho cuộc đời Chị khởi sắc. Bao nhiêu ước mơ chị dệt nên trong bị đầu...bỗng tiêu tan dần theo cuộc hành trình tìm kiếm việc làm.


***


Với tấm bằng cử nhân hạng khá trong tay, chị lao vào công cuộc tìm kiếm việc làm với bao hi vọng. Và rồi, hết lần này đến lần khác đã làm cho hi vọng trong chị mất dần từ lúc nào mà đến bản thân chị cũng không hay biết. Hàng chục bộ hồ sơ được gửi đi nhưng số lượng hồi âm thì không đến 1/10. Lang thang trên từng ngõ ngách, lần mò theo từng con hẻm, băng qua bao nhiêu con đường trên mảnh đất Sài Gòn gần 3 tháng trời chỉ mong kiếm được một việc làm ổn định thôi chứ chưa nói đến là việc làm đúng chuyên ngành. Ấy thế mà bao nhiêu ngày trôi qua chị vẫn chưa tìm được bến đỗ của năng lực và trí óc.


Có lúc, mệt mỏi quá chị ngồi thụp xuống dưới hành lang vỉa hè với bộ hồ sơ trên tay mà nước mắt cứ chực trào nơi khóe mi. Nhưng với ý chí mạnh mẽ chị không thể gục ngã như thế, lấy tay quẹt ngang dòng lệ gượng dậy bước nhanh trên con đường phía trước.


Em chỉ là công nhân


Hôm nay chị mang hồ sơ đến một công ty bất động sản nộp và hồ sơ chị ứng tuyển vị trí nhân viên văn phòng như thông tin đăng tuyển trên một trang web tìm việc làm. Hai ngày sau chị được mời lên công ty để tham dự lớp đào tạo. Ôi...! không có gì hạnh phúc hơn lúc này. Bao nhiêu hi vọng lại ùa về, chị lấy lại tinh thần để chuẩn bị cho buổi huấn luyện ngày mai.


9:20 am: Chị đã có mặt tại công ty, ngồi trong căn phòng chờ với những ứng viên khác. Trong đầu chị chỉ có một nguyện vọng là mong rằng mình làm được. Ngồi nghe anh Trainer thao thao bất tuyệt giảng về công việc, nào là sàn vàng, là môi giới, là giao dịch, là thị trường, là nhà đầu tư. Mọi kiến thức đều mới mẻ đối với chị, bởi vì chị là dân xã hội có bao giờ được nghe về những kiến thức kinh tế. Hoang mang và mơ hồ nhưng trong đầu chị vẫn xuyên suốt một quan điểm là "người ta làm được thì mình sẽ làm được". Chị nung nấu một ý chí sắt đá để có thể làm tốt công việc này. Cuối buổi Trainer phổ biến cách thức làm việc và không quên nhắc nhở mỗi nhân viên khi muốn làm công việc này thì phải có tài khoản là 2 triệu thì mới làm được. Lúc này chị mới nhận ra một điều là công ty này cũng thuộc một loại của công ty lừa đảo - đăng tin một đằng mà làm một nẻo. Chị oán giận cái xã hội lừa lọc "treo đầu dê bán thịt chó". Chị muốn chửi vào mặt những con người giả tạo, lừa lọc, kinh doanh trên sự lừa bịp.


Tính đến nay, từ ngày chị rời quê lên Sài Gòn đã được 2 tháng mà chưa kiếm được việc làm. Ngồi trong bóng đêm, bật một tí nhạc Trịnh để nghe chị thấy cuộc đời sao khó nhọc, gian truân không thể ngờ trước được. Bây giờ, chị mới thấm thía câu nói "Đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ". Không khi nào hơn lúc này chị thấy câu nói đó đúng tuyệt đối. Bao nhiêu mơ ước ban đầu của chị bây giờ tan theo mây khói, bay về một nơi xa xăm mù khơi.


Mới đó mà đã đến đầu tháng, thời gian thoáng qua như một giấc chiêm bao trong khi chị chưa làm được gì ra tiền. Bao nhiêu là thứ tiền, nào là tiền phòng, tiền điện, tiền nước, tiền internet rồi tiền ăn những ngày tháng tiếp theo. Ôi! Mới nghĩ tới thôi chị đã không biết phải làm sao xoay sở, trong khi gia đình dưới quê thì khó khăn nên chị không thể mở miệng xin gia đình. Bao nhiêu khó khăn chất chồng đang đè lên vai chị, chị thật sự bất lực trong hoàn cảnh này. Trong lúc tuyệt vọng chị chỉ muốn buông xuôi tất cả. Hơn khi nào hết, lúc này chị muốn trốn khỏi cái thế gian này, thậm chí chị chỉ muốn ngủ một giấc thật dài không bao giờ tỉnh dậy để không phải đối mặt với tình trạng hiện tại. Bao nhiêu suy nghĩ lóe lên trong đầu chị, nhưng rồi một phút chị đã dập tan tất cả. Chị nghĩ đến công sức bốn năm chị bỏ ra, nghĩ đến hi vọng của ba mẹ đã dành cho chị, nghĩ đến giọt mồ hôi vất vả của gia đình nuôi chị bao năm qua và với nghị lực của chính con người chị, chị không cho phép mình có suy nghĩ tồi tệ đến thế!


Sau bao nhiêu thất bại trong công cuộc đi tìm việc làm và đứng trước những khó khăn hiện tại chị không thể làm được gì hơn nên chị quyết định đi làm công nhân!


Hân – cô bạn thân cùng thời sinh viên với chị, ở cùng phòng với chị. Hân cũng tốt nghiệp Đại học Sư phạm hẳn hoi nhưng do không có tiền lót đường nên cũng bơ vơ không xin được việc làm. Hai con người gặp nhau, hai số phận khác nhau nhưng cùng chung một hoàn cảnh. Cả hai đều là nạn nhân của cái xã hội bất công. Cái xã hội mà chỉ có tiền với quyền đi trước.


Ngày tháng cùng nhau rông ruổi trên những chặng đường để kiếm việc làm, cùng nhau san sẻ những buồn vui, khó khăn trong cuộc sống. Bây giờ cả hai đã nhận ra một điều là muốn có sức để đi tiếp thì đầu tiên phải có tiền. Cả hai quyết định đi làm công nhân kiếm tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt.


Những ngày tháng đi làm công nhân đầu tắt mặt tối, vô cùng vất vả, thậm chí bị chửi, bị sĩ nhục nhưng vì tương lai chị đã cố gắng hết sức. Có lúc giữa đêm khuya cựa mình không nổi chị chỉ muốn bật khóc. Chị ngẫm mà thấy cuộc đời mình sao ngang trái đến thế. Rồi khi mưa, vô tình chị lại nhớ đến ngày tháng năm xưa chị là sinh viên. Ngày ấy chị cũng hãnh diện như bao người, chị cũng có một anh chàng người yêu tốt đẹp như ai, chị cũng được trân trọng trong ánh mắt của mọi người xung quanh. Nhưng thoáng một cái, chị cũng không ngờ cuộc sống của mình lại là như thế này. Chị che giấu mọi người trong gia đình để đi làm công nhân, gặp bạn bè chị không dám đối mặt, thậm chí chị chia tay người yêu cũng chỉ nghĩ rằng chị không bằng anh ấy, chị không ngang cấp với anh ấy. Để rồi, trong những lúc này chị lại thấy mình đơn côi quá! Chị nhớ anh ấy, chị nhớ ngày xưa quá đi mất.


Ấy thế mà đã hai năm trôi qua, đã hai năm chị đồng hành với màu áo công nhân. Trong ngần ấy thời gian Hân và chị đã đồng hành cùng nhau trên những chặng đường vất vả. Cả hai đã nương tựa lẫn nhau, bảo ban nhau mà sống cho qua ngày qua tháng.


Em chỉ là công nhân


Hai năm vừa qua chị đã phụ giúp cho gia đình rất nhiều, nhưng đổi lại chị lại phải mang nỗi dằn vặt bản thân vì đã lừa dối gia đình. Chị không cho gia đình chị biết là chị đang làm công nhân, vì chị sợ nhìn thấy nỗi thất vọng trên gương mặt ba chị, sợ nhìn thấy giọt nước mắt xót xa của mẹ hằn sâu trong mắt chị, sợ nhìn thấy giọt mồ hôi thêm nặng hạt của các anh trên đồng ruộng, sợ bà con hàng xóm lời ra tiếng vào....Tất cả những lý do đó buộc chị phải lừa dối bản thân, lừa dối gia đình. Chị biết làm như thế là sai, là không tốt, thậm chí là bất hiếu nhưng chị không thể nào làm khác hơn trong hoàn cảnh này. Những dịp lễ, tết chị về thăm gia đình có tất cả anh chị em sum họp, lúc nào về chị cũng dành dụm cho mẹ tiền để xoay sở, cho ba tiền tiêu vặt, mua quà và mua những thứ cần thiết trong gia đình. Ba mẹ chị tự hào về chị, khen chị ngoan, giỏi. Và mỗi lần như thế chị chỉ biết gượng cười và xót xa đến tận đáy lòng, nước mắt chị đang rơi nhưng rơi trong một góc lòng. Chị thất vọng cho chính bản thân mình bởi vì chị nghĩ chị đã thất bại trong con đường sự nghiệp công danh. Ngẩng mặt lên thở dài và chị lại thầm trách ông Trời, nhưng chị biết người đáng trách nhất không ai hết ngoài bản thân chị, chính chị đã tự chọn cho mình con đường đi và chính đôi chân của chị đang bước trên con đường mà chị đã chọn. Có trách thì trách bản thân chị vô dụng, trách chị không giỏi giang, trách chị không bằng người ta, trách chị nhu nhược...


Nhưng có oán trách như thế nào thì cũng không thể làm được gì hơn, chị buột miệng nói một câu mà hai năm vừa qua câu nói ấy luôn đồng hành trong cửa miệng của chị "thôi kệ đến đâu hay đến đó". Nhiều lúc thốt câu này lên chị thấy ghét bản thân mình vô cùng, cũng nhiều lần chị đã tự nhủ là không thể buông xuôi thế, nhưng biết làm gì khi bản thân chị cần tiền, gia đình chị cũng đang cần tiền như thế. Ai bảo chị sinh ra trong gia cảnh khó khăn, ai bảo số phận chị trái ngang và ai bảo chị lựa chọn sai lầm để rồi bây giờ tiếc nuối và hối hận. Nếu biết cơ sự như ngày hôm nay chị thà không đi học Đại học để gia đình chị không bị kiệt quệ sau bốn năm nuôi chị ăn học. Mỗi lần nghĩ như thế chị lại dằn vặt bản thân, căn rứt thân mình để rồi nghị lực trong chị lại trỗi dậy, chị tăng ca liên tục, chị lao đầu vào làm bất kể tình trạng sức khỏe cả chị đang dần giảm sút, bất kể ngày hay đêm.


Có thể đối với một số người thì số tiền lương 6 triệu đồng cho một tháng tăng ca liên tục của chị không cao nhưng đối với chị đó là số tiền khá lớn và 6triệu cũng là số tiền mơ ước của bao nhiêu sinh viên ra trường mới đi làm. So với một người kiếm được việc làm khi ra trường thì số tiền này hơn hẳn, số tiền này là mồ hôi là công sức của chính bản thân chị chứ không sung sướng như bạn bè chị cứ sáng cắp giỏ xách lên công sở rồi đợi đến tối cắp về và đến tháng lĩnh lương. Cái gì cũng có cái giá của nó, chị làm bằng chính công sức của mình, nhận thành quả giọt mồ hôi của chính mình đôi khi chị còn hãnh diện hơn cả khối người làm sang mà tư tưởng chệch hướng. Không có nghề nào cao quý, nghề nào thấp hèn mà nghề nào làm bằng chính sức lao động của mình cũng là nghề cao quý. Nghĩ thế cho thấy thoải mái tâm hồn vậy.


***


Một buổi chiều đi làm về, đang chạy xe trên đường đột nhiên chị nghe có tiếng í ới kêu tên chị sau lưng. Chị ngoảnh đầu lại thì thấy anh ấy, anh người yêu của chị mà hai năm rồi chị đã bặt vô âm tín. Một sự gặp gỡ bất ngờ chị quá ngạc nhiên nên tay lái mất cân bằng, cứ mãi nhìn anh nên chị chạy xe loạng choạng. Thấy thế anh ấy ép chị vào lề đường và mời chị vào quán nước ngồi nói chuyện. Chị đi theo anh như người bị mộng du.


Vào quán, chị kéo ghế ngồi thụp xuống nhưng mắt vẫn không rời khỏi gương mặt anh. Vẫn là gương mặt này, vẫn những cử chỉ điệu bộ mà chị đã lạc mất suốt hơn 2 năm trời dài biền biệt. Chị khó thở quá đi mất, mặt chị đỏ bừng lên, tim chị đập rộn ràng như khoảnh khắc của 2 năm về trước. Chị cứ mải miên man theo dòng suy nghĩ mà quên mất đi những câu chào hỏi xã giao khi gặp người quen. Anh ấy hỏi chị dạo này sao? Chị sững sờ thả hồn nhìn anh nên không nghe anh đang nói gì và làm gì? Anh thấy chị đăm chiêu nhìn mình nên hơi lúng túng trước cử chỉ của chị. Anh giả bộ ho khàn một tiếng để kéo chị quay về với hiện tại và lúc này chị mới giật mình, chị thấy ngại ngùng và hơi lúng túng trước anh.