Polly po-cket
Chuồn chuồn ướt mưa

Chuồn chuồn ướt mưa

Tác giả: Sưu Tầm

Chuồn chuồn ướt mưa

Tôi thoát khỏi giấc mộng mị khi cơn mưa vẫn còn rỉ rả. Những gã đầu gấu vỉa hè, vài mụ hàng quán, mấy đứa trẻ lang thang,... Những thứ ấy bám riết lấy tôi đã nhiều năm nay, và giờ thì tôi cũng chẳng còn sợ chúng nữa.


***


Chị tôi vẫn còn đang ngủ. Chị tôi đẹp, đẹp cả trong giấc ngủ. Với những thứ mà cuộc đời này ban tặng thì tôi dám chắc chị chẳng xấu chỗ nào. Một sống mũi cao với chân mày lá liễu, đôi mắt nhỏ và bộ mi cong, làn da trắng, hồng hào. Bao lần chị đi bán, vài lão già ghé xe ngang, tán tỉnh, chị tôi bỏ chạy. "Ông nội đó thấy gớm, râu ria xề xòa, mắt như mắt ác quỷ. Nghĩ sao mà đòi cưa tao, mày. Lần này tao chạy, chớ lần sau tao vụt đôi dép kẹp vô mặt ổng, há há", chị tôi bảo thế sau một lần bị một lão "hỏi thăm", và tôi thì chẳng biết làm gì ngoài ngồi cười hì hì trước cái giọng điệu của bà chị.


Tôi cười vậy thôi chứ tôi sợ lắm. Những lão như thế giàu lắm, mà nhà tôi thì lại nghèo, chị tôi chống trả họ được mấy lần khi cái thạp gạo có ngày trống không.


Chuồn chuồn ướt mưa


Căn nhà hỗn độn, mặt đất nằm dưới tầng nước cao tới mắt cá. Nhà không ghế, cũng không bàn, chỉ một chiếc giường, nhưng nó cũng bị mọt xơi gần hết hai cái chân. Tấm tôn lợp tạm nằm chơi vơi nửa ngoài nửa trong, mưa tạt vào nhà. Ướt, lạnh!


Tôi bước ra cửa, vươn vai vài cái. Tiếng mưa ngớt dần, tạnh hẳn. Chị tôi thức, tôi huơ tay lấy cọc vé số với cái nón. Chúng tôi ra khỏi nhà. Nước ngập dọc con hẻm. Quen rồi, mùa mưa ở đây là vậy. Nhà nào được cái thềm cao thì khô ráo, còn nhà nào như nhà bọn tôi thì cứ lội nước như vậy suốt mùa.


Tôi đi về phía trường học. Phố sau mưa ướt át, ảm đạm. Thuốc lá, tiếng chửi léo xéo, tiếng đấm nhau thình thịt... Tôi không nghĩ đây là chỗ mà con người có thể sống. Nhưng người ta vẫn sống đấy thôi, dù nó có bần cùng lúc nào thì con người ta cũng phải thích nghi hết. Một định luật gì ấy mà tôi từng nghe mấy đứa học trò bảo nhau.


Tôi đến trường học, tôi tìm vài người có tình một tí, chắc họ sẽ thấy một đứa trẻ tội nghiệp và mua vài tờ vé số.


Trường học không chỉ có đại gia mà còn có cả những gã hung hăng. Họ không côn đồ như bọn đầu gấu bảo kê đầu phố. Họ thương con họ. Nhưng con người khác thì vui lòng xéo ngay.


Con người khác thì họ đối xử thế, chứ còn tôi, tôi còn tệ hơn "con người khác". Một cái nón rộng vành rách chỏm, quần áo bẩn thỉu, tôi không biết là nó có bốc mùi hay không nữa. Và như thế, tôi chẳng may mắn bán được tờ vé số nào trước cổng trường.


Nhưng tôi vẫn ngồi đấy, ngồi ngắm bọn học sinh. Áo trắng, quần tay, đầu tóc gọn gàng, mặt mũi sạch sẽ, thơm tho. Tụi nó nói chuyện cũng rất đàng hoàng, ít nhất là đàng hoàng hơn tụi thằng Chai, thằng Lon chuyên đi mua ve chai. Tôi ngắm tụi nó, rồi thấy buồn buồn, tủi tủi.


Nhưng buồn tủi kiểu nào cũng phải đi kiếm tiền. Tôi bước vòng vòng phố. Nằng rớt dọc con đường, gió thở dài qua các phiến lá. Tôi gặp chị ở ngã tư đầu phố.


Chúng tôi trở về nhà khi cơn mưa bắt đầu nặng hạt. Những gì tôi gặp hôm nay cũng chẳng có gì nhiều. Tụi thằng Chai phun bừa vài câu tục tĩu, ông bảo kê đầu phố nện cho tôi hai cái, mấy bà bán khô đốt phong long khi tôi đi ngang. Thường! Cũng chẳng có gì phải để ý lắm. Tôi tự bảo sẽ chẳng để ý nữa, vết thương cũng chẳng đau, tôi chẳng cần xức dầu hay thuốc gì cả. Còn bà chị tôi thì cứ quýnh lên. "Đau chỗ nào, làm gì cho ổng đánh, hả?". Rồi chị tôi ôm tôi mà khóc, khóc thét lên, thét inh ỏi.


Vài "con người" ở trong những ngôi nhà cao nền chạy sang, tống vào tai chúng tôi mấy câu chửi vã, rồi chống nạnh quay về, miệng không ngớt nham nhảm. Mấy con mụ ấy là ma là quỷ!


Chị tôi không khóc nữa, nhưng ánh mắt chị có cái gì đó thâm độc lắm, còn độc hơn cả những "con người ở trong những ngôi nhà cao". Tôi sợ, chị tôi chưa vậy bao giờ. Tôi bắt đầu nhớ tới những gã mà chị nói ghê rợn, với cái mặt đểu cán và những thứ khác. Tối đó, tôi không ngủ được.*


* *


Chị tôi chưa về, trời nhập nhoạng tối, thường thì chúng tôi sẽ gặp nhau ở đầu hẻm, nhưng hôm nay chị tôi mất bóng. Mưa đánh lên tôn những tiếng ào ào nghe chói tai. Tôi nhớ đến câu nói của chị tối qua, rồi nhớ đến những thứ kinh tởm khác. Thạp gạo trong nhà đã hết...


Chị tôi về trễ, đôi mắt đỏ, sưng húp, chị khoác cái áo mới, mùi nước hoa tôi hay ngửi thấy khi đi ngang một quý bà nào đó, tay cầm bọc tôm còn đang búng phành phạch. Chị tôi cười, nhưng trong cái cười đó tôi nghe chị khóc, khóc ở một nơi nào đó rất xa và bây giờ tiếng khóc ấy vọng về. Chị không nói, tôi cũng hiểu. Những gì chị làm hôm nay, nước mắt chị rơi, quần áo, nước hoa và cả bọc tôm... Tôi không khóc, tôi chưa từng khóc và hình như cũng không biết cách khóc.


Con tôm tôi từng nghe những bà hàng tôm nói là ngon, nhưng thực tình thì nó chẳng ngon tí nào cả, khó nuốt, và tôi nghe cả vị cùa nước mắt trong đó.


***


Sáng sớm, trời tạnh mưa. Tôi chuẩn bị đồ đạc. Từ ngày đó tới nay, hôm nào trời cũng mưa đêm. Ông trời cũng thương chị tôi đấy hả, ông cũng khóc chung với chị tôi đấy!


Hai tên côn đồ xông vào nhà tôi, một tên lôi tôi ra ngoài, tên kia nói với chị tôi cái gì đó trong nhà. Bọn họ bỏ đi, tôi chạy vào nhà. Chị tôi cười, "Không có gì, người ta bắt ghen, lộn nhà chứ gì đâu mà mày sợ". Và tôi lại linh cảm chẳng lành...


Người ta ùn ùn kéo nhau ra đường. Trời tối. Ánh đèn đường hắc xuống cái màu vàng ảm đạm. Chị tôi chưa về, thạp gạo còn đầy, nhưng bị dột nước, gạo ướt, hẩm hiu. Tôi chẳng lạ gì cảnh này nữa, chị tôi thường về trễ, chị không nói, nhưng tôi biết hết, tôi định cản chị, nhưng hình như muộn rồi!


Người ta nói chị tôi nằm trên vỉa hè công viên, và tôi đã thấy. Máu, tôi thấy máu, và gương mặt trắng bệnh. Tôi không nghe chị thở, và tôi cũng không khóc. Tôi biết tất cả, tôi nhớ hai tên hôm trước, tôi nhớ những lão già của chị, vợ của những lão ta... Và tôi hiểu hết.


***


Tôi lang thang khắp phố, ngõ này đến ngõ khác, người ta gọi tôi, tôi cũng chẳng để ý. Người ta bảo tôi khùng, những gã đầu gấu không đánh tôi nữa, chúng sợ đánh tôi nhiều quá nên tôi khùng, những mụ hàng nước cũng chẳng kiếm chuyện với tôi. Tôi lang thang như thế, nhiều ngày.