XtGem Forum catalog
Chông chênh

Chông chênh

Tác giả: Sưu Tầm

Chông chênh

Người đàn bà bạc phần. Anh mất cách nay hai tuần, bỏ chị và thằng Cu chưa đầy 6 tháng. 


***


Cái chòi cũ nát nằm bơ vơ giữa đồng nước mênh mông. Hai ngày nay mưa không ngớt. Mưa rớt lộp độp lộp độp trên nóc lá; ếch nhái, muôn trùng kêu rinh ran; tiếng quạ quang quác lúc đều đều, lúc hỗn loạn. Mấy cột kèo cứ xiu qua, vẹo lại như muốn đổ sập. Giữa khuya, sấm chớp liên hồi đốt cháy cả nền trời đen nghẹt. Thằng Cu sợ khóc thét. Chị lồm cồm trở dậy, vén mớ tóc rồi bù qua phía sau vai. Sốt nặng lắm, chị thở không ra hơi, nghe tưng tức ở lồng ngực, hai mí mắt tưởng bị nướng quíu chặt vào nhau. Thều thào:


"Ồ, ồ, nín đi con, mẹ thương, mẹ thương nghe. Ầu ơ, ví dầu..."


Thằng Cu vừa ngủ lại là chị ngã người liền xuống phản đánh phịch, lấy hơi lên rồi thiếp đi. Trong giấc ngủ mê chị vẫn chập chờn nghe tiếng con khóc. Mà, chị dậy có nổi đâu.


Chông chênh


Xong đêm, trời sáng muộn, nắng hửng gắt rọi qua cái lổ dột trên nóc chiếu thằng xuống mặt, nheo nheo, chị lại nghe tiếng con khóc, ồn quá, chắc là nó đói. Gồng hết sức, chị ngồi dậy, mồ hôi mồ kê xâm xấp. Vỗ hoài mà nó không chịu nín, hồi đứng lên, bước lủi thủi xuống mé sàn, tay khoát nước lia lịa rửa mặt, vén cái áo ỉ òm lau sơ. Nhà mất đàn ông, nghèo, bệnh. Hai bầu vú của chị xẹp lép, người kham khổ dòm tội. Không có đủ sữa con bú, mấy ngày nay chị chỉ biết chắc nước cơm cho nó uống đỡ. Tiền đâu mà mua sữa thêm, với lại, giữa cái đồng nước bao la mưa gió bão bùng làm sao mà tìm được miếng sữa, chợ xa, cơm gạo còn khó. Chị chưa biết tính thế nào. Trong chái bếp, cái khạp nhỏ xíu còn đúng ba lon gạo. Chị cầu trời xế chiều khỏe lại đặng đi giăng lưới, có cá đổi lấy đồ ăn, nằm vầy hoài chết đói.


Người đàn bà bạc phần. Anh mất cách nay hai tuần, bỏ chị và thằng Cu chưa đầy 6 tháng. Hai người lấy nhau ba năm mới có con. Mấy mùa trước anh len trâu với đám thằng Bảy, không biết mâu thuẫn kiểu gì mà mùa này anh bỏ. Rồi, ở nhà đi giăng lưới bắt cá kiếm sống qua ngày. Một phần cũng vì chị mới sanh em bé, anh không yên tâm bỏ hai mẹ con ở nhà. Nhìn bề ngoài chị không được đẹp, tật ở môi, nhưng bù lại rất hiền và đảm đang, anh yêu chị ở cái tính đó. Có con hai người càng quấn quýt. Người ta nói dân len trâu bậy bạ, đi tới đâu gặp gái đẹp là đè ra phành phạch, hại đời biết bao nhiêu cô. Riêng anh chỉ nghĩ đến vợ con ở nhà. Chị hiểu tính nên không bao giờ phải bận lòng. Có nghèo nhưng vui. Vậy mà, vào cái đêm hôm ấy, vẫn công việc đi gỡ lưới, anh nằm lại mãi mãi trong dòng nước lũ không tìm thấy xác. Chị chỉ kịp nhìn thấy lóe lên một tia sáng quật vào phía gốc cây khô đằng xa, âm thanh điếc tai làm cho chị điếng người, mùi khét nghẹt. Chóc, tất cả chìm vào mịt lặng, mưa bắt đầu nặng hạt. Quá nhanh, chị chưa kịp định hồn, chết trân một lúc. Rồi chị gào lên, thằng Cu sợ quá quấy la. Tiếng khóc át đi tiếng mưa, át cả tiếng sấm, chị không kêu, chỉ gào và gào. Kêu ai nghe? Chị lao xuồng ra ngoài, quờ quờ cây sào dưới nước, nước nặng quằn, chị bỏ luôn cây sào, nhảy ủm xuống. Lặng ngụp một hồi kiệt sức phải ngoi dậy. Cái xuồng nước vô đang từ từ chìm nghỉm, bất lực chị trút hơi bơi thẳng vào bờ để mặc nó chìm.


Bước lên sàn, mình mẫy ướt nhẹp,da trắng bệt vì lạnh, chị ngồi một chổ run như sấy, để thằng Cu quấy khóc tự nãy giờ. Không hiểu nó khóc vì nó biết ba nó chết hay vì cái gì mà dữ dội. Chị như mất hồn vào cõi khác, mắt nhìn chăm chăm về phía gốc cây trong tối, lâu lâu chớp sáng, cành nó lại hiện ra rõ mồn một như cánh tay chồng chị đang giơ lên cố níu. Chị ngồi như vậy cho tới sáng, nước mắt không chảy nổi. Thằng Cu khóc mệt rồi ngủ thiếp luôn.


Sáng, chị lọ mọ ra vớt xuồng. Người đàn bà chống xuồng đi kiếm xác chồng. Hai tuần rtôi, mùi khét nghẹt vẫn xồng xộc trong mũi chị mà chẳng tìm ra xác anh. Đành bỏ cuộc. Chị yếu quá, dầm mưa suốt nên mắc sốt.


Ai giúp chị đây? Xung quanh không có gì ngoài nước và nước. À, còn mấy cái cây chết đuối trụi lũi. Lúc mang bầu thằng Cu, hai vợ chồng cũng bàn nhau chuyện vô bờ. Ở ngoài này nguy hiểm quá. Ngặt nỗi không đi len, không có tiền. Anh biểu chị ráng, qua mùa lũ này anh đi xin việc, chắt mót rồi vô đó mua nhà, tính đường cho thằng Cu đi học chữ. Hai vợ chồng có còn bà con thân thích gì đâu, hồi hai bên thông gia còn sống cũng nghèo xơ. Nghèo từ đời ông tới đời cha, rồi đời cha để lại cho đời con, đời cháu... Cái chòi là tà sản lớn nhất, mà coi chừng nó cũng đòi sập. Chông chênh.


Anh đi, giấc mơ về ngôi nhà yên ổn cũng hết. Túng!


Chị hãy còn mệt đừ mà cố lấy sức chống xuồng đi giăng. Không ai giúp mẹ con chị. Bỏ con một mình chị bồn chồn. Thằng bé ưa khóc, khóc suốt, nhiều khi nó biết đời nó khổ nên nó khóc trước. Ừ, thì khóc đi, khóc cho đã đi, lớn lên không khóc nữa. Đời lận đận, khóc bao nhiêu là đủ. Thằng Cu còi trơ. Người nổi sải nhọt đầy, ăn uống thiếu thốn xanh xao yếu que như nhái. Con mình vậy, nhìn đau trong dạ, biết than ai nghe bây giờ. Than với trời hay than với nước? Trời bao la, nước bao la, cái chòi dột.


Tối, chị chống xuồng đi gỡ. Mùa lũ năm nay hẩm thiệt, cá ít ỏi, le que vài con nhỏ bằng một hai ngón tay. Người ta có máy có đăng, còn nhà chị chỉ có mấy manh lưới rách. Mang cá về chị chạy u vô vỗ con. Rồi, đem xuống bếp luộc mềm, đâm vắt ra trộn nước cơm cho con cử tối.


Giờ chị đuối lắm. Gồng gánh cả ngày, phải ngủ sớm có sức để còn lo cho con. Mà chị ngủ không được, trở qua trở lại. Khạp còn hai lon gạo, lấy tiền đâu mua thêm. Cảm giác như hai mẹ con sắp chết đói đốt cháy ruột gan. Hay là vô bờ kiếm gì phụ người ta? Vậy rồi ai giữ con? Mang nó theo có ổn không? Đang đi mà mắc mưa nó bệnh lại khổ. Thôi, dầu sao không đi cũng chết đói, đi cho rồi.


Trời chưa hửng sáng là chị đã dậy chuẩn bị. Thật ra có chuẩn bị gì nhiều, mang theo miếng vải để thằng Cu mà có đánh dầm thì quấn cho nó với cái nón lá bung gần hết vành. Tới chợ, chị lại hàng thịt, hàng gạo, hàng bông xin làm mà người ta thấy chị tả tơi, bũng rung quá không ai mướn. Cô bán cá, lúc trước hay lấy cá của chồng chị nhận ra chị, thương quá mua cho hai mẹ con ba kí gạo, cô cũng chẳng khá giả gì. Đi cả buổi, tan chợ mà không được việc để làm. Con đói, nó lại khóc, chị chạy vô nhà dân xin nước cơm bú đỡ.