Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Câu chuyện bát mì

Câu chuyện bát mì

Tác giả: Sưu Tầm

Câu chuyện bát mì

Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31-12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.


***


Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho nên đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới.


Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ. Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phác, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào.


Câu chuyện bát mì


Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.


- Xin mời ngồi!


Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:


- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?


Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.


- Đương nhiên... đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.


Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:


- Cho một bát mì.


Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau.


- Ngon quá - thằng anh nói.


- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.


Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: "Thật là ngon! Cám ơn!" rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.


- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.


Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm.


***


Lại đến ngày 31-12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.


- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?


- Đương nhiên... đương nhiên, mời ngồi!


Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:


- Cho một bát mì.


Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:


- Vâng, một bát mì!


Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:


- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?


- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.


Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: "Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!".


Câu chuyện bát mì


Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.


- Thơm quá! - Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá! - Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!


Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.


- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!


Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.


***


Đến ngày 31-12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện.


Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là "200đ/bát mì" và thay vào đó giá của năm ngoái "150đ/bát mì". Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy "Đã đặt chỗ".


Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.


- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.


Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:


- Làm ơn nấu cho chúng tôi... hai bát mì được không?


- Được chứ, mời ngồi bên này!


Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy "Đã đặt chỗ" đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì".


- Vâng, hai bát mì. Có ngay.


Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi. Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.


- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!


- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?


- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.


- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.


Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.


- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!


- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?


- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.


- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.


- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần, chúng ta phải cố gắng lên!


- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!


- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.


- Có thật thế không? Sau đó ra sao?


- Thầy giáo ra đề bài: "Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?", Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: "Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc". Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: "Vào tối 31-12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn". Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: "Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!".


Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.


- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.


- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?


- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: "Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vã về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được... Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn.