Cải lạc loài

Cải lạc loài

Tác giả: Sưu Tầm

Cải lạc loài

Hôm qua đọc báo thấy cái mặt nó, danh giá gì chứ. Tôi xấu hổ lắm. Tôi phì cười. Ông là gì của Giày đỏ? Ông đã định cưỡng hiếp cô ấy khi cô ấy mới mười lăm tuổi cơ mà. Ông già quăng cái chén sạt qua tai tôi. Mày cút ngay, thằng mất dạy, mày lấy đâu ra cái tin vớ vẩn đó? Tôi bỏ chạy. Chuyện đó ly kỳ quá, bái hấp dẫn quá, tin độc quá, lũ tin nhắn chúc mừng lúc nhúc trong điện thoại ngay buổi sáng đầu tiên của loạt bài Giày đỏ. Tôi nhìn những bài báo, những con chữ của mình. Người ta nói rằng, khi những ngón tay không cầm bút viết, những con chữ đã không đi ra từ trong tim, vì thế những trang bản thảo cũng lạnh lùng hơn. Bởi những con chữ được số hoá không biết run rẩy. Tôi thường chửi người nói câu đó là triết lý nhảm. Và bây giờ tôi thấy mình nhảm đến không ngờ.


Cuối cùng thì vụ việc Giày đỏ cũng chìm dần vào im lặng. Đi với đại gia thì đâu có gì là xấu, người ta có thể chửi trăm ngày, nhưng Giày đỏ dứt khoát không phạm tội. Giày đỏ xuất hiện trở lại thành phố, cô đi một mình. Cô chủ động đến tìm tôi. Anh ơi, em đi với đại gia mà giờ cái nhà nát chẳng có mà ở. Anh cho em ở nhờ vài hôm được không? Tôi gần như phát câm. Giày đỏ mang túi quần áo đến ở căn phòng trống trong nhà. Rồi Giày đỏ rủ tôi uống rượu, Giày đỏ khóc. Giày đỏ bảo tôi, em là con gái hư thì em chịu, sao dư luận còn bắt mẹ em gánh thay em. Mẹ em nào biết xứ nào để tìm chứ... Giày đỏ lột dần quần áo tôi. Người tôi như lên cơn sốt. Khi tôi nằm đó, thân thể tôi trống rỗng nằm bết trên tấm nệm đó, thì Giày đỏ rũ gục xuống người tôi. Giày đỏ hổn hển khóc, em nghĩ rằng anh vẫn còn yêu em. Chúng mình có một quá khứ chó ghẻ, chúng mình không còn bố mẹ, chúng mình côi cút yêu nhau. Nhưng mà em đau, Giày đỏ khóc to hơn, người ta đã bới cả cái hang ổ cuối cùng mà em không muốn bị móc lên. Lão ta là gì mà phán xét cuộc đời em. Tôi nằm đó, nước mắt Giày đỏ chảy tràn vòm ngực rộng. Tôi nằm đó, thân thể ngập đầy sinh lực, mà sao tôi không thể làm gì, mà sao tôi không thể cày nát em như bao đêm tôi đã cùng em. Tôi nằm im. Tôi khóc...


Cải lạc loài


...Khi Giày đỏ nằm đó, thân hình trắng phơi mở trên tấm nệm, như một sự thách thức, thì tôi bỏ đi. Tôi về với bà. Cháu về để kể với bà chuyện này đấy, bà có đánh cháu tiếp không? Bà không nhìn tôi, nhìn ra những triền núi đầy sương sáng, giọng bà ướt sũng như những tàng cây chó đẻ sau đêm đông. Toàn à, sao mà bà muốn khoẻ lại, bà muốn đập chết mày, thằng ranh con... Bà khóc thành tiếng, tiếng khóc phát ra như gió đụng bờ rào, khô khoảng và xiên xiết. Bà cứ khóc như thế. Để rồi tôi đứng trước bà, khóc thật nhiều, mà chẳng dám ôm bà vào lòng nữa. Tôi khóc như tôi chưa từng là tôi...


***


...Tôi cứ đinh ninh là Giày đỏ sẽ ở lại. Nhưng cô đã ra đi ngay trong buổi sáng đó. Khi tôi về lại thành phố, cô không để lại gì trong căn phòng, ngoài một bộ quần áo lót khi xưa chia tay nhau cô cầm của tôi, bộ quần áo lót mà cô bảo tôi mặc vào trông như một bức tượng trong sạch. Khi đó cô nói, cô cầm đi để khi nào nhớ tôi sẽ lấy ra nhìn ngắm. Tôi khi đó cho là sự rồ dại và bốc đồng trẻ con. Nhưng lúc này, khi sau bao bể dâu, cô vẫn giữ lại và trả về với tôi, tôi biết mình đã mất Giày đỏ. Tôi về lại toà soạn, nói với ông sếp xin chuyển qua làm mảng văn hoá văn nghệ một thời gian, suốt ngày đọc sách, xem phim. Công việc không nhẹ nhàng, nhưng nó làm tôi ít phải gặp, ít quan hệ với con người hơn, thực tâm khi đó tôi sợ những mối quan hệ phức tạp của loài người. Ông sếp không hiểu được, ông cho là tôi bị điên, hay chí ít tôi cũng bị chứng vĩ cuồng của người trẻ nổi tiếng sớm. Ông cho rằng, làm báo phải làm mảng nội chính và xã hội mới mong trưởng thành. Trong phim của ông Phi Tiến Sơn, ông ta bắt một phóng viên mảng xã hội xuống làm mảng văn hoá văn nghệ vì cậu ta... vi phạm kỷ luật. Tôi đang có triển vọng mà đã mắc bệnh ngôi sao...


Tôi giải thích với ông sếp bằng cách làm việc cần mẫn trong căn phòng trống rộng mênh mông, thư viện cơ quan vô cùng nhiều bụi, tôi đọc và lau những cuốn sách. Chúng là những cuốn sách mới lâu ngày...


Những dòng đầu tiên của câu chuyện này tôi ghi lên blog của mình. Thế nên nó hình thành từ những nghĩ suy vụn vặt trong nhiều ngày. Có quá nhiều người hỏi thăm bà tôi, hỏi rằng bà đã ra sao, bà giờ sống thế nào, bà có về lại thành phố để xem cái tủ kem? Tôi im lặng, vì chẳng biết nói làm sao. Bà yêu tôi, yêu báu vật của đời bà nhiều quá. Nên bà sẽ không bao giờ tha thứ, bà sẽ không nhượng bộ tôi với phố phường của tôi.


Trong một lần lang thang trên những trang nhật ký ảo, tôi bất chợt nhận ra chút gì mơ hồ như thân thiết, như quen thuộc. Quá nửa các trang blog cá nhân tại Việt Nam đều trích đăng lại một trang blog của một người khác, trang blog đỏ rực và dở dang. Trang blog được kết thúc đứt đoạn vào cuối tháng bảy năm hai ngàn lẻ sáu, chủ nhân của blog đó nói, cô sẽ tha thứ tất cả mọi lỗi lầm của người cô yêu, dù anh ta có cào muối vào ruột cô đi nữa, nếu người đàn ông của cô biết dùng những nụ hôn xoá đi những muộn phiền. Nhưng người đàn ông ấy đã không làm gì, thân thể cường tráng khoả thân như xác chết ngâm nước, như tảng đá không chịu mòn dù nước mắt cô thành suối, thành sông. Người đàn ông đó đã không dám ái ân với cô sau những ngày đau đớn. Cô biết, cô chẳng còn gì cả. Nên cô đã ra đi...


Tôi luôn thầm mong, đó không phải những trang nhật ký của Giày đỏ...


Tôi không đi tìm Giày đỏ nữa. Bởi những gì tôi tìm kiếm trong những tháng ngày sống trên mặt đất này đều đã trở nên xa dần, tưởng gần mà dần vụt khỏi tay. Ngày rời miền cải vàng của bà ra đi, tôi nghĩ mình có cả thế giới, tôi sẽ làm được những chuyện phi thường và sẽ cho bà sống cuộc sống của những bộ phim truyền hình nhiều tập. Nhưng tôi đã quăng quật cuộc đời mình, để cuối cùng, tôi chỉ còn lại vùng quá khứ mà tôi cố gắng đến tuyệt vọng nhằm chối bỏ và cắt lìa. Khi trắng tay mới hay mình như hạt cải lạc loài, mọc hoang trên cát, mải mê đi cùng cát. Và cát đam mê đã cuốn tôi lẫn nhòa vào với suối sông.