Cải lạc loài
Cải lạc loài
Bố tôi ở đâu? Bố tôi ở cái xứ nào tôi cũng chẳng nhớ, chỉ nghe qua điện thoại giọng nói khào khào như cơn mưa ban trưa. Ông bảo, giờ ông yếu quá, chân bị loãng xương rồi, đâu có làm được gì nhiều, ngồi nhà nhìn đám con đi làm ăn rồi tối lại xem ti vi. Thằng em con bà mẹ dì có bữa đi lơ xe tôi gặp chân cầu Long Biên, bảo anh có ghé thăm ông già không, giờ ông ấy nằm nhà, đâu có đi được đâu, đụng vào người chỗ nào đau chỗ đó, loãng xương mà, nửa đêm kêu ời ời thấy gớm. Tôi thoái thác nó, nói chừng nào thu xếp rồi ghé chơi với ông già, giờ công việc toà soạn bận bời bời, đâu dứt ra được. Nó nói, anh làm cái giống gì? Tôi nói, thì đi viết bài, viết phóng sự điều tra mát xa mát gần. Nó cười hăng hắc, ông nói láo ăn tiền, đụng đến niêu cơm của tôi tôi đánh mất hàng tiền đạo. Tôi cũng cười, bắt chước gần giống cái giọng hăng hắc, ờ, mày thì ngon quá, kiếm mỗi ngày vài triệu không? Nó nói đủ tiêu, cũng mua được cho ông già mỗi tuần một lon sữa canxi. Tôi thấy mình cũng hơi tệ, dúi nó mấy trăm, tuần này tao mua sữa can xi nhé. Nó lại cười, mẹ đời, nhỏ tới giờ mới thấy ông anh mua quà cho ông già. Nhưng mà cũng cảm ơn. Tôi biết, ông ấy đối với anh cũng chả ra cái mẹ gì. Rồi nhận được cái hộp canxi sữa thằng em lơ xe đưa, chắc nó cũng nói của tôi mua, ông già gọi điện, khiến tôi giật mình đánh thót. Có một câu duy nhất ông nói tôi thấy đáng nghe, rằng ông bảo ông bất hiếu quá, nên giờ tôi phải chăm sóc bà.
Nhưng tôi làm sao chăm sóc được bà. Ngày tôi kiếm được món tiền từ mấy đứa đại gia doanh nghiệp chíp hôi, cứu chúng nó khỏi cảnh tù tội, mua được cái nhà chung cư giá hơn năm trăm triệu, tôi gần như cưỡng chế bà xuống thành phố, lôi xềnh xệch bà cùng nắm cải vàng. Vậy mà bà cự tuyệt, được ba hôm hưởng gió lầu cao thành phố rồi bỏ ra vườn hoa ngồi chơi với đám bán hàng rong, tối mịt chưa chịu về. Rồi bà đi bà nói với người ta, có thằng cháu làm nhà báo, nhưng mà hư hỏng quá, chán nhà không muốn ở, đi chơi cho nó xấu mặt. Tôi ra vườn hoa, lại một lần cưỡng ép về. Bà than, trời ơi, nhà mày cái tủ kem nó cứ kêu ì èo ghê quá, như chứa ma gà ma xó. Bà tôi gọi tủ lạnh là tủ kem, cái điều hoà nhiệt độ là cái máy mùa rét, gọi ông già hàng xóm mê phim chưởng là con ngáo ộp, gọi bà bán vé số tô son đậm là Hắc tinh tinh, bà gọi những cô gái lượn qua nhà tôi mỗi buổi trưa khi bà sang hàng xóm hóng chuyện hầu bóng là Bạch cốt tinh. Bà dằn tôi ra giường, lấy cái quạt giấy đập phì phẹt vào mông, mày ngu lắm, mấy con Bạch cốt tinh nó hút hết cả máu cả tuỷ của mày. Tôi bảo, bà đừng có lo, cháu quá già để ngây thơ với mấy vụ đó. Bà bảo, đàn ông khôn đông khôn tây rồi chết dưới váy đàn bà. Chết đúng những vùng nhạy cảm đó cũng được bà ạ. Tiên sư bố ranh con, nói mãi không chịu nghe, rồi tao lên gặp lãnh đạo cơ quan, bảo người ta tống cổ mày ra đường. Cháu thất nghiệp bà nuôi cháu được không? Ngày xưa mày chưa biết thế nào là bú mớm tao còn nuôi mày lớn tướng. Ngày xưa là ngày xưa thôi bà ơi...
... Đêm càng về sáng sương rơi càng nặng. Những phên lá đao trên mái già cũ quá, lộ cả những vùng sao trời, sương rớt vào má, vào trán, thấy da xon xót và lạnh như kem. Tôi bảo bà, bố cháu vẫn sống tốt, còn mẹ cháu thì cháu chịu đấy, bà đánh cháu trăm roi cháu cũng chịu. Ờ, tao cũng chả biết con mẹ mày đi đâu. Đàn bà nhiều khi cứ oái oăm thế, trong đục đời mình không tự quyết lấy, mà dựa vịn vào những thằng đàn ông chả ra chó gì, như cái thằng bố mày. Thế còn bà thì sao? Ngày xưa ông nội có ra gì không mà giờ bà sống một mình? Ông nội mày đẹp trai nhất cái vùng này. Bà yêu ông nội mày từ lúc bà mới mười tuổi. Mỗi lần ông đi qua nhà, bà đều tìm cách để được nhìn thấy ông gần nhất. Bà thường gài hoa lên tóc. Ông cười, hay xoa đầu. Thế mà mấy năm sau ông nội không xoa đầu nữa. Mà thành ra có thằng bố mày. Rồi ông ấy đi buôn nứa xuôi bè, người ta đồn thác sóng mạnh quá mà mất xác. Tao thì tao chả tin, có khi ông ấy đang sống trên cái bãi bờ nào dọc cái con sông Cầu này, chứ ông ấy làm sao mà chết. Thế bà có đi tìm bao giờ không? Có đi mà chẳng thấy nổi một cái tăm cá. Có khi ông lấy vợ khác, đẻ ra cả mấy cái làng dưới hạ lưu cũng nên. Bà chép miệng, nước bọt nhễu nhão, ờ thì cũng làm sao mà biết, đời người ta có khúc như sông, cũng trả trách ông mày. Bà chả tin mà vẫn còn thắp hương cúng là sao? Thì cúng thần linh sông suối, cùng cho nó an cái tâm mình. Bà ngồi bếp, tuổi già ngủ chả mấy nả, miệng vẫn còn tiếc rẻ miếng bã trầu tươi. Toàn, mày dập thêm cho bà một cối nữa, đời bà là đời cái bã trầu, nhìn ngoài thì tươi roi rói mà trong xơ xác như lúa sau bão. Thế có khi nào bà nằm mơ thấy ông về không? Tao thức đêm bao nhiêu năm rồi, chả mơ mộng gì, thế mới tin là ông ấy còn sống. À, hôm trước có người nói ông nội mày sống dưới Ba La Tắc Cun, nhà lão ấy sống bằng cám ngô, ăn bằng cháo ngô, uống bằng rượu ngô, vợ đẻ một bầy con, con sinh thành bầy cháu như những bầy lợn nái, nghe phát tởm. Tao nghe, tặc lưỡi cười, chân tao nhức quá rồi, chả đủ sức đi tìm lão ấy nữa. Mà giờ thì cũng mấy chục năm, xa nhau dài như một kiếp khác, gặp nhau rồi lại thấy mình vớ vẩn, cũng chả thiết. Chi bằng cứ để trời nó tính cho đời mình. Đời tao cũng chả còn thiếu gì, biết mọi sự, sướng khổ cũng đủ rồi. Thế bà có muốn cháu thử đi tìm không? Thôi, mày rảnh rỗi thì lo kiếm vợ nó đẻ con cho. Cứ kiếm đứa nào nó chịu lấy mày là được. Xinh không mài ra mà ăn. Không có việc thì đem nó về đây, đất đai của bà không thiếu. Bà đúng là bà già nhà quê lẩn thẩn. Bọn con gái nó chịu chui về cái xứ khỉ này nó ở với bà chắc. Trên đời này chỉ có bà khoái chí với cái miệt chó đá này thôi. Cháu không hiểu được. Bà tức quá, móm mém khóc, cầm roi quật tiếp vào chân tôi. Mày biến đi, thằng chó con, đời bà khốn khổ khốn nạn ở cái xứ này rồi, bà không đi được. Mày bị bả thành phố nó lây nhiễm, mày hư hỏng, sống như con chó dại, đời người không ra sao. Không vợ không con, đời nhìn như lá vàng. Tôi cười, ôm chặt lấy bà, nhấc bổng bà lên. Bà khóc làm gì, để cháu bế cháu ru bà ngủ nhé. À ơi, gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay... Bà nhẹ tọp, nước mắt cạn, bà khóc mà như sương thu. Mày ru trả nợ bà ngày xưa đây, ôi, thằng chó con, mày không sống cho tử tế tao chết chắc cũng không nhắm được mắt...
Thực ra thì mẹ tôi không phải không về thăm, nhưng ngày đó tôi ghét mẹ, tôi là đứa cực đoan bướng bỉnh và thiếu kiên nhẫn, sống vội vàng. Mẹ tôi về, mang những thứ quà rách rưới nhặt được từ đâu đó, mà về sau tôi mới biết là bà phải năn nỉ những đứa con của chồng để chúng không bán cho đồng nát và mang về cho tôi. Tôi mang những món quà xấu đến dị người và thum thủm mùi nước cống đó buộc vào con bù nhìn coi vườn cải. Mẹ tôi nhìn, khóc rưng rức, Toàn, mẹ xin lỗi con. Tôi cười, mười tuổi tôi đã học được cách cười khẩy của bà, những thứ rác rưởi này làm bù nhìn coi cải là tốt quá rồi. Bà đi đi, đừng bao giờ mang những thứ thiu thối này về. Đời tôi sẽ không cần bà đâu. Tôi sẽ sống để bà chống mắt lên mà nhìn... Về sau, tôi thấy mình ác, mà cũng không biết mẹ tôi đã chuyển đến xứ nào, sống chết ra sao mà tạ lỗi. Ngày tôi vào đại học, bà tôi có cho địa chỉ của mẹ dưới thành phố. Nhà mẹ ngay dưới bãi sông, ông chồng làm nghề thịt lợn, còn mẹ quanh năm có phản thịt bán ở chợ Quán Triều, tay liên tục cầm cái quạt có buộc túm rẻ đuổi ruồi. Bà kể, có lần người làng đi chợ dưới đó, thấy mẹ cầm con dao chọc tiết lợn chạy phăm phăm trên các sạp hàng đuổi theo một đứa ăn cắp dám ăn trộm quả tim. Vừa chạy mẹ vừa cho cả phường ăn cắp hưởng một bữa "tiết canh" thịnh soạn. Bà dặn, mày đi ô tô, về tới Quán Triều chắc chỉ mất mười mấy đồng thôi, (bà tôi luôn quy mọi loại tiền ra thành từng đồng, dù đó có là mấy triệu mấy tỷ) rồi mày xuống đó, hỏi bà Diên bán thịt lợn.