Bản Châng mùa gió lạ
Bản Châng mùa gió lạ
"Mẹ, mẹ đừng đánh ý (chị) nữa, đau chị."
Không ai thèm nghe lời van xin ấy. Chỉ đến khi tiền và đồng hồ trong ngực áo Hẩn rơi ra, bà Xổm Lánh nhặt lên hỏi Hẩn lấy ở đâu ra. Hẩn bảo sẽ cho mẹ hết chỗ đó nếu cho cô ở lại nhà. Hôm đó Hẩn bị đuổi xuống gầm sàn, dù thế nào ông bà Xổm Lánh vẫn không chấp nhận được chuyện cô ở trong nhà. Sau khi bà Xổm Lánh sang nhà bà Mẳn về, bà nói gì đó với chồng, hai vợ chồng gật gù với nhau. Mấy ngày sau một cái lều nhỏ được dựng lên cạnh chuồng bò, Hẩn lại bị xua ra đó ở. Bố mẹ cô để vào trong lều cho cô ít gạo, rau và làm cho cô một cái bếp để cô tự nấu nướng lấy. Hẩn cứ thế mà tiếp tục sống, cũng chẳng biết khi nào mình sẽ sinh con và sẽ làm gì với nó.
Bố mẹ Hẩn dường như vẫn không thèm nhìn vào mặt cô và cấm tiệt cô bước lên nhà. Hẩn lủi thủi một mình trong căn lều được dựng riêng cho cô, thỉnh thoảng cô em gái út lại vào chơi. Con bé thương chị nhưng cũng sợ mẹ nó, bà Xổm Lánh cũng cản cả việc em gái Hẩn lại gần cô. Nhiều đêm đau bụng, thấy khó chịu trong người Hẩn chẳng biết kêu ai. Lúc ấy cô mới thấm hiểu nỗi nhục của người đàn bà không chồng mà chửa ở cái bản Châng này. Những ngày đó mới bước vào tháng 9 âm lịch nhưng bản Châng đã bắt đầu chìm vào trong cái rét lạnh lạ lùng. Cái lạnh làm cho da dẻ người ta trở nên khô và nứt nẻ. Trời lạnh vậy mà đêm đến đi ngủ Hẩn chỉ có mỗi chiếc chăn mỏng cũ kỹ, cô cũng chẳng dám mở mồm đòi hỏi. Khi cái thai của Hẩn bước sang khoảng tháng thứ 8, thứ 9 gì đó thì bắt đầu có một số người khách đến thăm cô. Họ bước vào lều của cô nhìn cô hồi lâu, rồi thường hỏi cô là cô mang thai với người như thế nào. Khi mang bầu như thế cô hay thèm ăn những món gì, rồi một số người đàn bà còn xin xem bụng của cô để đoán là trai hay gái.
Những vị khách lạ đó đều là những cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc những người mong có con trai. Đến đây Hẩn mới biết là đứa con trong bụng chưa kịp chào đời của cô đã bị rao bán khắp nơi. Người làm việc đó không ai khác chính là mẹ cô và cô ruột của cô. Hẩn cũng biết nếu cô đẻ con trai thì sẽ thuận lợi hơn vì nó sẽ dễ... bán hơn. Bán con đi đó là cách giải quyết tốt của những cô gái trót dại, lầm lỡ mà Hẩn cũng đã từng nghe đến. Sau khi có người mang đứa bé đi nuôi, Hẩn sẽ được trở lại làm thiếu nữ, có thể lấy chồng tất nhiên cũng chỉ là những người đàn ông đã từng có vợ, hoặc có khiếm khuyết nào đó nhưng ít nhất như thế cũng là tốt lắm rồi. Nghĩ vậy Hẩn cũng thấy nhẹ người đi, cảm thấy biết ơn cô và mẹ mình và cô mong sao mình sinh con trai sẽ đỡ khổ hơn là con gái.
Cái bụng của Hẩn to dần, kèm theo những trận ốm vặt làm cô thấy vô cùng khó ở, Hẩn chỉ muốn tống khứ cái thai ra khỏi người càng sớm càng tốt. Vào một buổi sáng trời lạnh thấu xương, Hẩn bắt đầu đau đẻ. Những người muốn mua con của Hần hôm đó đều đến hoặc cử người đại diện đến. Bà Mẳn hôm đó đến đỡ đẻ cho cháu gái. Nghĩ đến cái lợi sẽ được khi bán đứa bé mà cháu mình sắp đẻ ra bà ta mới làm chứ bà Mẳn cũng chẳng muốn dính dáng gì đến cô cháu gái làm cả họ nhà bà mất mặt ấy. Hẩn đẻ khá dễ dàng, con của cô là một bé trai như cô mong muốn. Đứa bé mới sinh được người ta đặt vào trong một cái thúng có lót chiếc váy cũ của Hẩn.Tất cả mọi người đến xem đứa bé đều lặng im, nó không khóc. Nó chỉ khoảng gần hai cân là cùng, nhìn không được tròn trịa, khỏe mạnh gì. Những điều đó chưa phải là tất cả, khắp người đứa bé có những nốt chấm trắng, chấm đen rất lạ. Nó làm người ta phát hãi. Bà Mẳn đắn đo không biết có nên cắt rốn cho nó hay không. Trong đầu bà đã nghĩ đến chuyện hay là gói đứa bé này lại và mang đi chôn quách đi cho xong.
Hẩn vẫn còn chưa hết cơn đau đớn, cô đã từng bao lần ruồng rẫy đứa con này nhưng sau khi sinh nó xong bản năng làm mẹ trong Hẩn như trỗi dậy. Cô đòi bế con, đúng lúc đó đứa bé cũng bắt đầu khóc ré lên. Bà Mẳn đành phải cắt rốn cho nó. Nó được đặt nằm bên cạnh Hẩn liền nín khóc luôn. Những người đến xem lẳng lặng ra về, không một ai tỏ ý muốn đem đứa bé về nuôi vì nó xấu xí và còm cõi quá. Bà Xổm Lánh và bà Mẳn chỉ biết nhìn nhau, bà Hẩn lúc này nhìn con gái và nhìn cháu ngoại với một vẻ vô cùng tức tối. Bà không thể chịu đựng được cái cảnh phải nuôi thêm một miệng ăn và lời lẽ cay nghiệt của thiên hạ nói về mình nữa. Đứa bé không khóc được một hồi lâu, người nó lại cứ tím tái dần đi. Bà Mẳn bảo chắc nó chẳng sống được đâu. Sau khi nói với nhau một vài lời gì đó ở bên ngoài lều, bà Mẳn đi vào trong lều bê lấy cái thúng đựng đứa bé đi ra, nó vẫn im nhưng hình như vẫn còn thở. Hẩn định giằng lại nhưng không đủ sức. Bà Mẳn và vợ chồng em trai Hẩn mang đứa bé đi về khu rừng già tít cuối bản. Mang theo cả dao và cuốc xẻng. Lúc ấy trời đã xâm xẩm tối. Ai cũng biết họ định làm gì.
Lúc đến cửa rừng thì đứa bé bỗng lại khóc ré lên và ngọ nguậy. Có hai vợ chồng từ trong bản Châng đi tới, họ đi trên một chiếc xe đạp cũ, người vợ ngồi sau dắt theo một con bò, người chồng cố đạp xe chậm cho con bò đuổi kịp, chắc họ là người bản khác đến đây mua bò về nuôi. Thấy lạ, hai vợ chồng người bản khác ấy tiến lại gần chỗ bà Mẳn hỏi xem có chuyện gì. Bà Mẳn nhìn hai người lạ đó từ đầu đến chân, trông họ có vẻ hiền lành, phúc hậu và cũng còn khá trẻ. Bà ta nghĩ một lúc rồi bảo đứa bé này mới sinh ra đã không có ai nuôi, thấy nó bị bỏ ở gần rừng bà vừa nhặt được nhưng có vẻ như nó không lớn nổi nên định đem đi làm ma cho nó. Người vợ liền nhìn đứa bé tội nghiệp đang thoi thóp trong chiếc thúng rách. Rồi chị bế lấy đứa bé vào lòng, lấy khăn quàng cổ của mình quấn quanh người nó thay cho tã. Chị tin là nó vẫn sống và sẽ sống khỏe mạnh nếu được nuôi nấng cẩn thận. Nhìn nhau một hồi như hiểu ý nhau, hai vợ chồng kia liền xin bà Mẳn đứa bé mang về nuôi. Như trút được gánh nặng, bà đồng ý ngay. Bà nghĩ chắc đứa bé chẳng sống được mấy tiếng nữa đâu. Khi được hai vợ chồng kia hỏi trong bản có ai có sữa không thì bà Mẳn bảo hình như là không. Như sợ bị trả lại đứa bé bà ta cùng với các cháu mình cáo lui nhanh chóng. Người chồng vội đưa cho bà ta một ít tiền gọi là quà cảm ơn, bà Mẳn không thể từ chối. Còn lại hai vợ chồng với đứa bé, người vợ nói với chồng:
"Mới cho con bé út cai sữa xong, nhưng chắc vẫn còn để tôi cho nó bú xem".
Người chồng cũng lục lọi trong túi có ít nước đường mà họ pha từ nhà mang đi theo để uống, người chồng bảo.
"Cho nó uống cái này được không?"
Người vợ ngần ngừ nhưng mãi không ra sữa nên đồng ý, chị uống và ngậm nước đường trong mồm rồi mớm dần cho đứa bé. Mãi một hồi lâu hai vợ chồng mới giục nhau về vì trời đã tối mịt. Hai vợ chồng đó là người bản Kò Kạ, cách bản Châng khoảng nửa ngày đi đường. Người ta gọi họ là nhà Mai Thiển, Mai là tên con gái đầu, Thiển là tên người chồng. Vợ chồng Mai Thiển đã có ba cô con gái, họ đang buồn rầu vì mãi không đẻ được con trai. Bởi thế đứa bé mang về từ bản Châng là món quà vô cùng quý giá. Cả nhà đều yêu quý nó, họ gọi nó là Lả có nghĩa là út. Những ngày đầu bé Lả còi cọc, ốm yếu và hay khóc nhưng sau vài tháng nó bỗng trở nên kháu khỉnh và bụ bẫm dần. Nó cũng rất ngoan và bắt đầu tập đi, tập nói khá sớm.
Phải mất mười năm sau, Hẩn mới biết là đứa con ngoài giá thú ấy của mình còn sống. Trong mười năm đó cô đã đi lấy chồng ba lần, người chồng đầu tuy là trai chưa vợ nhưng cũng chỉ là một kẻ lang thang, chuyên đi lừa đảo và cũng có con rơi con rớt. Hắn bỏ Hẩn sau khi đã chê trách cô lười biếng, đĩ thõa và đánh đập đủ kiểu. May Hẩn không có con với hắn. Người chồng thứ hai sớm chết vì thuốc phiện. Đến người chồng hiện tại thì có vẻ khá hơn nhưng lại ở rất xa, tận một huyện khác, lại quá già rồi, ông ta muốn có một đứa con nhưng sau hai năm chung sống Hẩn chẳng thấy chửa đẻ được gì. Cuối cùng vì muốn có con quá, chồng Hẩn bảo cô đi nhận con nuôi. Hẩn về bản Châng nói với gia đình bảo muốn tìm xin con nuôi, lúc này bà Mẳn mới đem chuyện mười năm trước ra kể. Giục cô đi tìm mà đòi lại con. Nghe thế, Hẩn cũng tò mò rất muốn biết đứa con ấy giờ thế nào, thế là cô đi tìm dấu tích của nó. Biết cô từng có con riêng, chồng Hẩn không những không tức giận mà còn bắt cô đi tìm lại nó mà đưa về nuôi.