Teya Salat
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

Tác giả: Sưu Tầm

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

Những chuyến đi thời sinh viên nghèo, thiếu thốn đã để lại cho tôi một "di sản văn hóa" không bao giờ phai nhòa: thích ở quán trọ (guesthouse). Hoặc cũng có thể là do sau này lớn lên, tình hình kinh tế vẫn chả khả quan hơn là mấy :D. Trừ khi đi công tác, được công ty cho ở khách sạn, còn lại thì cứ bước ra đường là tôi chọn quán trọ.


***


Mỗi quán trọ có đời sống diệu kỳ của riêng nó. Không như khách sạn, mỗi người rút về phòng của mình như về cố thủ ở một pháo đài riêng; đặc thù của quán trọ là sự kết nối bền chặt giữa đám khách trọ với nhau. Sẽ luôn có một phòng sinh hoạt chung bé bé, xinh xinh, nơi bọn khách trọ mỗi sáng mắt nhắm mắt mở ăn bánh mì nướng, và hằng đêm tụ tập về tán phét đủ mọi chuyện trên trời dưới bể. Bạn sẽ không lường trước được hôm nay ngồi tán dóc với mình ở phòng sinh hoạt chung sẽ là một ca sĩ Opera về hưu của Dàn hợp xướng Munich, hay một cậu chàng trẻ măng mới tháng trước vừa đi câu cá hồi ở Kamchatka. Tôi có thể quên rất nhiều chi tiết của một chuyến đi đến thành phố lạ, nhưng không bao giờ quên được cái phòng sinh hoạt chung của những quán trọ mình đã từng qua. Ở đó hay mở nhạc gì, treo tranh ảnh thế nào, không khí có mùi gì, có nhiều chậu hoa không, có đàn guitar chứ... Thậm chí, thứ ánh sáng hắt qua ô cửa sổ quán trọ ấy vào một ngày mưa, tôi vẫn hãy còn nhớ như in. Có lẽ vì đó là "mái nhà" của tôi trong mỗi chuyến đi xa.


Mà bây giờ, cụ thể là tôi muốn kể về "nhà tôi" ở Nhật.


Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về


Nhiều người hỏi tôi mắc giống gì mà ở Kyoto đến 8 ngày. Kyoto nhỏ xíu, đạp xe hai tiếng là thấy lại đường quen. Ở, thì là ở thôi. Chẳng lẽ nói mình ở lâu đến thế, là vì quá vấn vương một quán trọ?!


Lúc ở Kyoto, tôi trú lại một quán trọ nhỏ tên là Compass cách trung tâm thành phố khoảng 15 phút xe buýt. Lý do tôi chọn quán trọ này rất đơn giản: khi lên mạng tìm phòng, tất cả nhà nghỉ ở trung tâm đều đã chật kín chỗ do mùa hoa anh đào sắp đến. Chỉ duy nhất nơi này còn chỗ, do mới khai trương khoảng một tháng nên chưa ai đặt nhiều. Không ngờ, đó là một cơ duyên đẹp trong đời. Ồ thì, có cơ duyên nào mà không đẹp.


Chủ quán trọ là một phụ nữ xinh đẹp, nhanh nhẹn và lúc nào cũng cười tươi. Sau này tôi mới ngỡ ngàng biết ra bà đã gần 60 tuổi. Tất cả mọi người ở đó đều gọi bà là Mama. Ở Nhật, dẫu là ở dorm bạn cũng hãy yên tâm, vì mọi thứ đều sạch sẽ tinh tươm như li như lau, từ khăn trải giường cho đến khu vệ sinh chung. Nhà trọ Compass lại càng xinh đẹp bất thường, vì con gái cả của Mama là một nghệ sĩ làm gốm, lại theo chủ nghĩa hoàn hảo. Từng chi tiết của ngôi nhà được chọn lựa và sắp đặt một cách tinh tế, hài hòa. Tôi có dịp gặp cô gái ấy vài lần, trông dáng vẻ mảnh khảnh, hiền lành và chỉ biết cười khi người ta bắt chuyện. Không phải cô kênh kiệu, mà là vì cô không nói được tiếng Anh, dù nghe hiểu rất tốt. Mama tỏ ra vừa tự hào vừa e dè khi nói về cô con gái này. Cô đã sống ở Ý nhiều năm trước khi trở về lại Kyoto mở xưởng gốm. Mỗi năm hai lần, cô đi khắp thế giới để triển lãm tác phẩm. Nhưng cô là một người yêu sự hoàn hảo đến có phần cực đoan. Từng cái đinh đến miếng nhắc nồi trong nhà trọ Compass đều được cô lựa chọn rất tỉ mẩn, và tất nhiên, chúng đẹp đến rụng rời. Con có biết vì sao nó không nói tiếng Anh dù rất hiểu không? – Mama hỏi tôi, rồi tự trả lời – Vì nó sợ phát âm sai. Bù lại, nó nói tiếng Ý hoàn hảo. Làm điều gì không hoàn hảo là một nỗi sỉ nhục mà nó tự đặt cho bản thân mình.


Buổi sáng tôi thức dậy mò xuống đánh răng, thấy trên bàn có bánh mì nướng, cà phê, trà, bơ mứt và cả trứng luộc lòng đào. Mọi người vẫy tôi vào bàn ăn sáng. Ăn uống chán chê, tôi hỏi bữa sáng giá bao nhiêu tiền thì Mama nói "free". Tôi lấy làm lạ, vì khi đặt trên website, giá đó không bao gồm ăn sáng. Mama giải thích là quanh đây chả có chỗ nào ăn, thôi thì mời khách ăn sáng luôn vậy. Bà hỏi có vẻ ái ngại, không biết bữa sáng giản dị này có làm thỏa lòng chúng tôi chăng. Bà còn xin lỗi vì giá bơ quá đắt, nên bà chỉ có thể phục vụ ma-ga-rin thay bơ để ăn cùng bánh mì mứt. Tôi cảm động mà không biết nói sao. Trên đời có những chỗ người ta chỉ đợi mình xin thêm cục nước đá để tính thêm tiền, thì cũng có những nơi như vầy.


Nói chung, bọn khách trọ chúng tôi quan sát một hồi thì thấy rất lo cho tương lai của Compass. Mama bán mì gói giá còn rẻ hơn ngoài cửa hàng tiện lợi. Đứa nào ở lại hai ba ngày, bà cho mượn xe đạp đi chơi, không tính tiền. Trên bàn sinh hoạt chung lúc nào cũng có đồ ăn vặt. Đêm đến, bà bày ra nào bánh trái nào khô mực nào bia, mời cả bọn quây quần lại đờn ca lả lướt, tám chuyện năm châu. Sau đó bà nhờ chồng đánh xe đưa một bầy loi nhoi cả Âu lẫn Á lên đỉnh núi ngắm Kyoto về đêm. Đến khi cả đám góp tiền lại trả tiền ăn uống, xăng xe, Mama nhất định không chịu nhận. Một đứa phải đứng ra nói với bà một cách nghiêm túc rằng: Mama hãy cầm tiền này, và từ nay về sau làm ơn tính toán đâu ra đấy một chút. Bọn này không muốn lần sau quay lại Kyoto thì Compass đã sạt nghiệp đóng cửa.


Đó là những ngày đầu tiên của mùa xuân, trời còn lạnh. Tôi mặc áo bông, lúp xúp theo Mama đi nhà tắm công cộng, vì theo lời bà, đó là một thứ phải-trải-nghiệm ở đây. Mama đưa tôi một đôi guốc gỗ, bảo đi nhà tắm công cộng phải mang guốc như vầy mới sành điệu củ kiệu. Nhà tắm cách nhà vài ba dãy phố. Tụi tôi vừa đi với nói chuyện vu vơ. Tự nhiên tôi hỏi, sao Mama đặt tên quán trọ là Compass – La bàn? Bà im rất lâu. Rồi bà kể chuyện.


Rằng Mama có một người con trai năm nay chừng ba mươi tuổi. Anh ta bỏ nhà đi đã 8 năm rồi, và từ bấy đến giờ chưa hề liên lạc về nhà. Giấc mơ của anh là trở thành họa sĩ cho Universal Studio, và trót nguyện khi nào thành danh mới trở về. Hồi xưa tôi đọc truyện Nhật, hay thấy rùng rợn vì những câu chuyện như thế. Tôi không hiểu cách nào mà người ta có thể nghiêm túc bền bỉ đến vậy. Nhưng càng tiếp xúc với nhiều người Nhật, tôi càng nhận ra ý chí đó đã tự thân hiện hữu trong từng tế bào của họ.


Con biết ước mơ của Mama là gì không? Là làm cho Compass trở nên nổi tiếng. Để dù không thành công đi nữa, con trai Mama vẫn yên tâm trở về và tiếp quản công việc này. Khi mở Compass, Mama phải bán ngôi nhà cũ đi, dời sang chỗ mới. Đặt tên nó là La Bàn, để con trai Mama còn biết đường mà tìm về. Vả lại, Mama nghĩ những du khách trẻ cứ lang thang mãi cũng có lúc mỏi mệt như người đi lạc, thì quán trọ La Bàn sẽ dẫn đường cho họ về một chỗ để yên tâm trú chân.


Tôi nghe chuyện, nửa thương bà nửa nhớ mẹ mình, tự dưng nước mắt chảy quanh. May mà có đêm tối giấu giùm. Tôi không bỏ đi vì giấc mộng lớn lao như anh con trai kia, nhưng cũng ít về. Nếu tôi về, mẹ tôi cũng chả có cái nhà trọ nào để giao cho tôi quản lý. Di sản mỗi bà mẹ để lại cho con cái mình không giống nhau, nhưng tình yêu mù quáng của họ thì giống nhau đến lạ. Đi song song bên bà, tôi biết bà cũng đang âm thầm khóc. Đi chơi ai cũng nghĩ phải vui muốn chết, nhưng thiệt ra có rất nhiều lúc cảm động, sâu lắng và khóc lóc như vầy.


Sau 8 ngày, tôi rời đi vì không lẽ cứ ở mãi đó, mà trên đời còn bao nhiêu nơi phải đến. Sáng sớm, Mama thức dậy tiễn tôi ra ga. Chúng tôi ôm nhau thật chặt, mắt có rưng rưng. Tôi xốc ba-lô đi mà buồn đến rụng rời, như thể bỏ lại cả một phần đời ở đó. Sau này chắc tôi không thể tự mình làm chủ một quán trọ được, bởi chia tay nào với tôi cũng khó khăn quá đỗi.


Mà ở một quán trọ, chuyện chia tay nhiều như mây qua đầu.


Nguyễn Thiên Ngân


Tựa đề: Thơ Tuệ Sỹ