12 chiếc bánh flan

12 chiếc bánh flan

Tác giả: Sưu Tầm

12 chiếc bánh flan

Bà chỉ trả nghĩa cho ông bằng sự có mặt của Kim trên đời, rồi đi...


"Mẹ" cả ngày chỉ ngồi xem ti vi và đọc sách. Việc thường xuyên nhất của "mẹ" khi Kim đến là giữ Kim khư khư, vạch tóc đòi bắt chấy. Kim không biết "mẹ" có xem, có hiểu, có cảm nhận gì ở những chuyện phim buồn tẻ trên ti vi hay những tiểu thuyết chữ to rẻ tiền không, nhưng việc những ngón tay của "mẹ" cào đến đau da đầu Kim chỉ để bắt một vài con chấy kềnh tưởng tượng thì Kim chỉ có hai mong muốn, một là choài ra bằng mọi giá, hai là bóp chặt cổ tay "mẹ" đến đau nhừ. Một lần Kim làm thế, "mẹ" khóc, nhìn thật tội...


Dĩ nhiên việc nào cũng hoàn toàn không dễ. Đôi tay lẩy bẩy mềm yếu của "mẹ" có thể hững hờ với bất cứ thứ gì, nhưng cứ túm được Kim là không dễ buông ra. Kim liên tưởng đôi bàn tay "mẹ" giống như đôi càng cua, khi kẹp vào ngón tay, người ta càng kêu la, càng cuống thì nó càng kẹp chặt. Nhiều lần "mẹ" giữ Kim cả buổi trong phòng, hết sục những ngón tay vào tóc Kim tìm chấy, lại hát chèo, rồi kể cho Kim hàng lô xích xông những chuyện đâu đó. Kim dĩ nhiên không hiểu, mà cũng chẳng cần hiểu, chỉ cần "mẹ" lơi tay là Kim biến mất.


Mà "mẹ" hát chèo rất có nghề.


12 chiếc bánh flan


Gã không bao giờ mở miệng giải thích cái kiểu "giữ khư khư" Kim của mẹ gã (Kim cho rằng đó là sự ám ảnh về việc "mẹ" để San tuột khỏi tay mình, và hẳn San ...rất nhiều chấy ), cũng chẳng buồn quan tâm đến việc Kim xoay sở kiểu gì trong tình huống ấy. Gã chỉ nhắc Kim làm tròn bổn phận khi thấy Kim với nét mặt cực kì hí hửng ngồi dưới gốc ngọc lan ngoài sân, còn mẹ gã thì cứ ỉ ôi gọi "San à, San ơi" không ngớt.


Trong giao ước, gã yêu cầu Kim ngoài việc giả làm San, cứ làm những gì Kim thích, trừ việc đừng có tọc mạch vào chuyện gia đình gã. Một điều được gã nhấn mạnh - mà nếu vi phạm Kim sẽ bị đuổi việc ngay tức khắc - đó là đừng bao giờ đụng đến những vật dụng riêng tư trong phòng ngủ của "mẹ". Để cảnh cáo thêm phần sống động, gã lấy ví dụ trước Kim đã có dăm bảy "San" bị đuổi việc vì không kiềm chế được lòng tham và thói tò mò tọc mạch.


Kim không phải là đứa tham lam, càng không thích tò mò, dẫu có là bí mật của thủ tướng Kim cũng không quan tâm. Nhưng Kim vẫn biết chuyện gia đình gã.


Kim biết chuyện của gia đình gã nhờ bà Hồng. San là con gái út của "mẹ". San chẳng phải một đứa xinh đẹp đáng yêu gì, nhưng "mẹ" thương San vô cùng. Năm San khoảng mười bảy, đột nhiên không ốm đau bệnh tật gì mà lăn ra chết. San chết, "mẹ" cũng đổ bệnh luôn. "Mẹ" mắc một tâm bệnh, cả ngày sống trong mơ hồ. Lạ là mọi việc trong quá khứ, mọi cái tên từng nghe, mọi khuôn mặt từng gặp, "mẹ" đều không quên, còn có thể nhắc lại những kỉ niệm xa xôi nào đó nữa. Chỉ riêng có việc của San là "mẹ" mơ hồ. Chuyện này được khẳng định rõ rệt nhất là khi con trai cả nảy ra sáng kiến thuê một đứa con gái chạc tuổi, mặt mũi hao hao như San về thay thế San. "Mẹ" quả nhiên coi nó như San, như báu vật trong đời...


Kim không thích những ý nghĩ ngấm ngầm trong đầu khi ở bên người dưng này. Đó là việc hằng ngày giả làm con bà ta, cố làm ra vẻ mình đã sắm được một bà mẹ danh giá, rồi lại hình dung về mẹ đẻ. Nếu mẹ để mất Kim trong một tình huống tương tự, liệu bà có phát điên không?


Không. Chắc chắn thế. Vì nếu có phát điên, mẹ chỉ phát điên vì chị gái Kim mà thôi.


Kim thường cảm thấy uể oải, mỏi mệt khi nạp những ý nghĩ đó vào đầu.


Vài lần Kim thử mua những tạp chí kiểu "hạnh phúc gia đình" về đọc, xem người ta làm mẹ như thế nào. Thật sáo rỗng, khuôn mẫu và chán ngắt. Những bà mẹ trong tạp chí chỉ là những bà mẹ điển hình của số đông, những bà mẹ Kim gặp trong số đông lại không điển hình. Vô vị. Kim vứt chúng vào xó bếp.


Lẽ ra Kim không bao giờ quan tâm đến sự tồn tại của ông chủ nếu một lần cha Kim không hỏi về ông. Tất nhiên lúc đó Kim không thể trả lời cha. Câu trả lời đến với Kim vào một hôm khác.


Một buổi trưa, từ phòng "mẹ" chạy xuống, Kim đã vô ý đâm sầm vào ông chủ. Cú đâm khiến Kim ngã quay đơ ra sàn. Ông ta giầu sụ, nhưng gầy đét, khuôn mặt choắt với đôi mắt hung dữ. Đôi mắt xoáy vào Kim một tia lạnh lẽo khinh miệt. Mãnh lực của sự khinh miệt trong cái nhìn của ông ta rất khủng khiếp.


Kim nghĩ ông ta sẽ bỏ qua cho lỗi vô ý đó, trừng phạt bằng cái nhìn như thế là vừa đủ, nếu như "mẹ" không từ trên tầng chạy xuống, vồ lấy Kim và kêu ầm ĩ : "San con ơi. Ông định giết con tôi lần nữa đấy hả? Ông là đồ khốn nạn."


Ái chà. Thật là một cơn thịnh nộ cuồng phong. Kim bị bóp nghiến trong tay "mẹ" khi bà vừa lay, vừa lắc.


Ông ta dửng dưng nhìn "hai mẹ con". (Kim đã gặp nhiều sự dửng dưng trên đời, nhưng chưa bao giờ thấy một sự dửng dưng đáng nhớ đến thế.) Sau đó, thản nhiên nhỏ toẹt một bãi nước bọt trước mặt vợ, rồi mới bỏ đi.


Kim không kể chuyện đó cho cha. Đơn giản, Kim sợ vì thế mà cha sẽ bắt Kim phải về. Việc Kim đến nhà họ "làm San" đã được chi trả một khoản tiền khá (dù cha không muốn). Nhưng Kim kể chuyện đó cho bà Hồng. Bà Hồng nghe với vẻ dửng dưng (lại dửng dưng). Kim không còn ngạc nhiên khi gặp quá nhiều nỗi dửng dưng như thế trong nhà này như những ngày đầu. Nhưng bà Hồng nhỏ nhẹ trước khi rời bếp :


"Cháu không thấy các cô cậu nhà này chẳng ai giống ai à?"


Kim thường xuyên gặp gã chế bánh flan trong bếp. Một lần như thế, (hẳn đêm trước điều gì đó khiến gã hào hứng, như được người tình tặng quà, hay đội bóng của gã chiến thắng chẳng hạn, mà...) trông thấy Kim, gã vui vẻ vẫy Kim lại, thậm chí còn yêu cầu Kim khuấy giúp gã tô trứng gà. Gã giải thích đơn giản rằng món bánh này phải làm thủ công mới ngon, chứ cho vào máy quay tít thì vô vị. Thế là, trong không khí thân mật hiếm hoi, gã kể mối tơ duyên với bánh flan của mình.


12 chiếc bánh flan  


Câu chuyện xảy ra trong một bộ phim dành cho thiếu niên của Nhật Bản. Bối cảnh phim là một trường trung học. Ở đây mỗi ngày đều xảy ra một sự việc rất lạ lùng: Cứ đúng 12 giờ trưa là hàng trăm học sinh cùng chạy đến căngtin để mua bằng được cho mình một chiếc bánh flan.


Vấn đề là để mua được bánh, họ đã phải chạy đua với nhau, giành giật rất kịch liệt. Và ngày nào cũng thế, chiến thắng chỉ 12 người, vì mỗi ngày căngtin chỉ bán đúng 12 chiếc bánh mà thôi.


Những chiếc bánh flan đó hẳn là rất tuyệt vời? Đương nhiên. Nếu không tuyệt vời thì không thể khiến ngần đó học sinh dồn tâm dồn sức cho cuộc chạy đua trở thành một trong 12 chủ nhân của 12 chiếc bánh "thần tiên" kia.


"Mày có bao giờ nghĩ, nếu mày là thằng cha bán bánh kia, nếu mỗi ngày đều có hàng trăm học sinh cùng muốn mua bánh đến thế, mày có thể sản xuất hàng loạt và bán đại trà, đem lại một nguồn thu lớn, nhanh chóng làm giàu. Nhưng tại sao mày lại chỉ bán 12 chiếc bánh mỗi ngày mà không bán nhiều hơn? Mày có nghĩ hoạ ngu mới không nhìn thấy món hời ấy không?"


Gã hỏi chỉ để hỏi. Tất nhiên. Kim cũng không buồn trả lời. Kim mải nghĩ đến San. Cuối cùng, sau bao nhiêu ngày giả làm cô ta, Kim đã nhìn thấy cô ta trong ảnh:


"Mẹ" chỉ sống quẩn quanh trong căn phòng tít tận tầng năm của ngôi nhà to rộng như một tiểu cung điện vua chúa. Bao quanh ban công là những tấm lưới sắt dày vô cùng vững chắc. Ban đầu Kim nghĩ chúng dùng để ngăn không cho quần áo phơi trên tầng khỏi bay tứ tung, hoặc chim trời vô ý sa xuống (người ta bảo chim sa cá nhảy là hoạ vô đơn chí, độc lắm, xui lắm.) Nhưng Kim chưa từng thấy người làm phơi quần áo trên tầng năm bao giờ.


Một lần, trong lúc hiếm hoi không có ai ở nhà, để khuấy động không khí buồn tẻ, Kim trêu "mẹ" bằng việc nói Kim phải đi học. Nhưng dù có dỗ ngon ngọt, nói lý kiểu gì "mẹ" cũng không chịu cho Kim đi. "Mẹ" bảo mẹ rất nhiều tiền, con không phải đi học làm cho cho mệt óc, mai sau vẫn sung sướng như bà chúa ông hoàng.


Bà Hồng bảo mấy người con của "mẹ" chẳng ai phải mất công học hành gì cả mà cũng có bằng cấp cao, mỗi người có tới ba, bốn cái xe, thích đi xe gì thì đi. Ngày tháng trong đời họ chỉ quẩn quanh với mấy khái niệm du lịch, tiêu xài, hưởng thụ.