Old school Swatch Watches
Trở về và mang về

Trở về và mang về

Tác giả: Sưu Tầm

Trở về và mang về

Nó nhìn lưng ba ướt đẫm mồ hôi. Trên mái đầu, màu hoa râm như cố xoa dịu những tháng ngày khắc khoải.


***


Ù...ù....ù....u....u.....


Tiếng âm u rõ dần trên khoảng không làm nó giật mình.


- Cái gì thế hả ba? Nó vừa ngửa mặt lên trời nheo nheo mắt hỏi.


- Ong chia tổ đó con. Đang mùa hoa điều mà.


- Sao ong lại phải chia tổ hả ba? Nó chớp chớp đôi mắt ngạc nhiên.


- À... à...Mùa này hoa điều nở, ong sẽ lấy được nhiều phấn hoa. Chúng làm mật rất nhanh. Khi tổ quá lớn chúng sẽ tự tách ra một tổ khác.


Nó “à” lên một tiếng rồi tò mò quan sát xung quanh.


Trở về và mang về


Đã lâu lắm rồi nó mới vào vườn điều cùng ba. Nó cũng chưa bao giờ để ý xem ba chăm sóc vườn điều như thế nào? Công việc của nó chỉ là học, học và học.


Ra trường, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, nó về nhà với tư tưởng “xả hơi ít bữa”.


Nhìn những bông hoa điều nhỏ xíu, li ti thật dễ thương, con bé gí mũi vào ngửi.


- Hắt xì...ì...


Nó chun mũi lại tủm tỉm cười.


Mùi hoa điều ngan ngát lan toả làm khí trời như trầm lắng. Từng chùm hoa xúm xít bên nhau lấp kín cả bầu trời. Hoa tràn ngập khắp nơi, chỗ nào cũng thấy hoa, trên đồi cao, dưới vườn, cả hai bên bờ suối nữa. Hoa hứa hẹn một mùa điều bội thu...Thỉnh thoảng nó thấy vài chú ong đi tìm nhuỵ, cả mấy con gì là lạ mà nó không biết tên.


Một làn gió bay qua làm hoa điều vương đầy tóc. Nó chẳng buồn nhặt, đưa tay bứt một lá điều tơ. Mùi thơmm nhè nhẹ phảng phất cay cay không giống với mùi lá tiêu vừa nồng vừa nóng.


Nhớ ngày nào cả nhà nó mới vào đây làm kinh tế, ba mẹ nó cực khổ biết bao nhiêu. Ba bắt tay trồng từng dây tiêu, vun từng gốc điều nhỏ bé, chỉ mong sao cây lớn lên khoẻ mạnh. Ba nâng niu cây như chính con cái của mình. Ngày đó, nhà nó còn nghèo, chưa mua được máy bơm, mẹ phải gánh từng gánh nước về tưới. Vậy mà giờ đây, tiêu của ba đã lên xanh kín nọc, vườn điều cũng đã cho thu hoạch mấy năm. Đi trong vườn  cây toả bóng mát rượi. Tất cả đều nhờ công ba mẹ làm lên.


Nó nhìn lưng ba ướt đẫm mồ hôi. Trên mái đầu, màu hoa râm như cố xoa dịu những tháng ngày khắc khoải. Cùng với đó, sự vất vả làm tuổi già thăm mẹ sớm hơn. Những nếp nhăn mang tuổi xuân của mẹ đi nhanh hơn người khác. Nhưng nụ cười của ba mẹ vẫn luôn rạng rỡ mỗi khi đón các con đi học xa về.


Cùng những vất vả ấy, cây điều, cây tiêu chẳng phụ lòng ba mẹ. Gần chục năm qua đi, gia đình nó đã có nhà ngoài phố, tuy không tiện nghi nhưng cũng khá đầy đủ. Ba đã mua được máy vi tính cho nó học. Những đồng tiền ba mẹ nuôi hai chị em ăn học cũng từ cây điều, cây tiêu mà ra.


Không chỉ cây điều, cây tiêu lớn lên cùng người Bình Phước, dọc con đường đi vào rẫy, rừng cao su cũng xanh tốt bạt ngàn. Màu xanh bao trùm lên quê hương hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Cũng con đường này, ba năm trước còn bụi mù đất đỏ, ổ gà, ổ voi mãi nối tiếp nhau nhưng giờ đây đã được san bằng, trải sỏi để mùa khô ít bụi, mùa mưa ít lầy. Từng tốp học sinh con em dân tộc thiểu số đi học về nói cười ríu rít. Những mái nhà tranh đã được thay bằng ngói và tôn.. Khá giả hơn có những ngôi nhà rất to và đẹp.


Bộ mặt Bình Phước mấy năm gần đây cùng hoàn toàn thay đổi. Nhà cao tầng liên tiếp mọc lên. Trường học , bện viện được đầu tư, sửa sang, xây mới. Sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp tư nhân góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường, làm giàu cho mảnh đất vốn mang nhiều di chứng chiến tranh.


Nó nhận thấy Bình Phước đang lớn. Sự lớn mạnh mang tính chất trưởng thành.. Trái tim bỗng hân hoa. Nó thấy mình gắn bó với nơi đây lắm lắm. Bình Phước như quê  hương thứ hai của nó vậy. Nó bỗng thấy yêu vườn cây của ba, yêu con suối sau nhà, yêu những đứa trẻ tóc vàng hoe vì nắng,...yêu tất cả những gì gắn bó với nó bấy lâu. Nó yêu ba mẹ. Nó chợt nhận ra mình không đơn giản là trở về. Nó muốn mang về. Phải! Nó muốn mang về chút gì đó cho quê hương thứ hai.