Phía sau lưng

Phía sau lưng

Tác giả: Sưu Tầm

Phía sau lưng

Bốn năm trước, trong một buổi chiều mùa thu lộng gió, nó rời quê nhà để bắt đầu cuộc hành trình vào đời của một - đứa - con - gái - trưởng - thành.


***


Nó nhớ hôm đó tiết trời hơi lành lạnh, lá vàng rơi xao xác dưới chân. Cha nó mặc chiếc áo kaki đã bạc màu, cổ quàng chiếc khăn len sờn cũ, đứng tiễn nó dưới chân con dốc dài. Những đồng tiền được cha tích cóp bao năm - cả gia tài của cha - được gói cẩn thận trong một miếng vải trao cho nó. Nó nhét xấp tiền vào túi, cẩn trọng như cất giữ một báu vật.


Phía sau lưng


Tiếng còi xe hụ lên từ đằng xa. Nó ngắm nhìn lại lần cuối cùng khuôn mặt cũ kỹ của làng rồi bước lên xe. Những cái vẫy tay của cha xa dần. Qua ô cửa kính, nó nhìn thấy dáng cha đứng xiêu vẹo hanh hao trong gió, cho đến khi bóng cha nhỏ dần sau lũy tre làng, như một dấu chấm lặng lẽ đặt giữa bao la đất trời.


Cuộc chia tay chỉ đơn giản vậy thôi, không có nước mắt, không có những lời dặn dò luyến lưu bịn rịn. Nó không thấy buồn lắm, nói đúng hơn, nó thấy hăm hở nhiều hơn là thấy buồn. Nó háo hức muốn lao vào cuộc sống ồn ào ngoài kia.


Nó muốn rời khỏi làng để khám phá những chân trời mới, những thế giới mới - những thế giới mà nó nghĩ là chắc chắn sẽ rộng lớn hơn thế giới của những lũy tre làng, ao nước nhỏ, con sông quanh năm nước lớn nước ròng. Nó đang đi tìm một thế giới tươi đẹp hơn, sinh động hơn, không buồn tẻ như làng của nó. Cái thế giới mà nó vẫn thường mơ đến mỗi đêm...


Đứa con gái mười tám tuổi muốn biết: Nó là ai, là gì trong thế giới này?


Ngày nhận được giấy báo đậu đại học, nó mừng rơn. Nó đã chờ đợi cái ngày này từ lâu lắm rồi. Nó muốn làm một cuộc đi. Một cuộc đi dài. Nó chọn cho mình một thành phố xa xôi và phồn hoa để học tập và lập nghiệp. Nó muốn rời khỏi cha...


Cha nó không phản đối gì cả. Cha là người ít nói, kể từ khi mẹ mất, cha dường như trầm lặng hẳn. Đêm trước khi nó đi, cha ngồi trên cái chõng tre ở trước nhà, điếu thuốc lá lập lòe trên tay, đôi mắt nhìn vào màn đêm vô tận. Hình như cha thức suốt đêm. Vậy mà lúc nó sắp đi, cha cũng chẳng nói gì. Cha chỉ đặt tay lên vai nó, nhìn vào mắt nó rồi thở dài.


Phía sau lưng


Cha không dặn nó phải giữ gìn sức khỏe, cũng không nước mắt ngắn nước mắt dài như mẹ của đứa bạn nó. Vì vậy mà nhiều khi, nó thấy ghét cha kinh khủng. Nó thèm nghe những lời nói yêu thương ngọt ngào từ cha, thèm một cái ôm thật chặt để động viên. Nhưng cha thường chỉ lạnh lùng như tảng băng. Dường như cha quá khắt khe với nó, cha dạy nó trở thành một đứa con gái mạnh mẽ, gan góc y như một thằng con trai, mà không biết rằng, nó cần nhiều hơn một sự dịu dàng.


Nó thấy nhớ mẹ. Nếu mẹ còn sống, có lẽ mẹ sẽ làm cho nó thật nhiều món ngon rồi nhét vào balô của nó. Mẹ sẽ hôn lên tóc nó, dặn dò nó đi xa phải cẩn thận, phải thường xuyên về thăm nhà. Mẹ sẽ dùng chiếc khăn mùi soa chậm những giọt nước mắt lăn trên má. Mẹ sẽ làm cho nó phải khóc theo, nhưng nó sẽ thấy bình yên, vì nó biết mình được yêu thương.


Nó trách cha nhiều lắm. Vì vậy mà nó càng quyết chí ra đi. Nó mơ đến cái ngày trở về huy hoàng của mình. Nó tự nhủ: Rồi một ngày nào đó, cha sẽ thấy...


Thành phố phồn hoa chào đón nó bằng những ánh đèn điện nhập nhoạng loạn cả mắt. Ban đầu, cuộc sống thật vất vả. Nó không quen với không gian chật chội của căn phòng trọ, với cái nóng như thiêu đốt của thành phố miền Nam nhộn nhịp. Nó thấy nhớ làn gió mát quê nhà, nhớ những bãi cỏ mướt xanh trải dài đến tận chân trời cho nó tha hồ chạy nhảy đùa giỡn.


Nhưng dần dần rồi nó cũng quen. Bạn bè mới, những mối quan hệ mới kéo nó vào những cuộc vui bất tận. Bãi cỏ xanh quê nhà cũng mờ dần trong trí nhớ.


Phía sau lưng


Mùa hè đầu tiên, nó về thăm cha. Cha vẫn vậy, trầm lặng, không vồn vã chào đón nó. Nó thấy hơi tự ái. Nó đã háo hức biết bao nhiêu, đã nhớ cha biết bao nhiêu... Nó ăn bữa cơm do cha nấu, thấy nghẹn ngào nơi cổ họng. Cha nhìn nó, thở dài.


Mùa thu, nó lại vác balô lên vai quay trở lại thành phố. Cha vẫn đứng dưới con dốc dài lộng gió tiễn nó. Cha còn được tiễn nó thêm một mùa thu như vậy nữa. Những mùa thu sau, cha không có cơ hội để tiễn nó nữa, vì nó đã không trở về làng.


Nó ở lại thành phố tìm việc làm thêm. Nó làm quần quật suốt cả mùa hè trong khi bạn bè đều trở về thăm gia đình. Cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được trong tay, nó thấy tự hào vô hạn. Nó giữ lại một ít cho mình, số còn lại gửi về cho cha. Nằm gác tay lên trán, nó tưởng tượng ra khuôn mặt ngạc nhiên của cha khi nhận được số tiền này.


Con người ta đi học ở thành phố đều được gia đình gửi tiền lên, còn nó, chẳng những không cần cha gửi tiền mà còn gửi tiền ngược lại cho cha. Nó hình dung ra sự bối rối của cha. Nó thấy hả hê, và tự cười một mình.


Hai năm sau đó, nó ra trường và xin được việc làm ở một công ty danh tiếng. Công việc bận túi bụi, nó chẳng mấy khi có thời gian để về thăm nhà. Nó đã thực hiện được ước mơ của chú ngựa non khát khao khám phá những chân trời mới.


Nó đi nhiều hơn, đi đến khắp mọi nơi trên đất nước và cả ra nước ngoài, nhưng đều là vì công việc thôi - nó tự bào chữa cho mình như vậy khi bạn bè chất vấn sao đi nhiều nơi quá mà lại không về thăm nhà. Nó không còn nhớ gì mấy đến ngôi làng cũ kỹ và buồn tẻ nằm nép mình bên dòng sông.


Dĩ nhiên, nó vẫn gửi tiền về đều đặn cho cha - những đồng tiền mới tinh thơm phức mà nó rất lấy làm tự hào. Nó hình dung cha cũng phải sung sướng và tự hào về nó lắm.


Phía sau lưng


Một ngày kia, nó nhận được thư của cha. Cha hỏi nó sao đã lâu rồi mà không thấy nó về thăm. Nó nhìn những nét chữ ngoằn ngoèo run rẩy trên trang giấy tập loang lổ những vết mồ hôi tay, thấy lòng dâng lên những cảm xúc rất lạ. Đây là lần đầu tiên cha viết thư cho nó. Cuối cùng thì cha cũng phải thừa nhận là cha nhớ nó, nó thấy có đôi chút vui vui.


Nó tranh thủ thu xếp công việc rồi chuẩn bị về thăm cha, dự định sẽ mang theo một điều bất ngờ: Anh người yêu mới của nó - chàng trai thành phố chính hiệu, niềm tự hào của nó - sẽ theo nó về gặp cha.


Cha đón nó và anh ở bến xe, vẫn là cha mặc chiếc áo kaki bạc màu, cổ quàng chiếc khăn len sờn cũ như bốn năm về trước. Trên đường về làng, cha vẫn im lặng như cha của ngày xưa. Những đứa trẻ nhem nhuốc của làng nhìn vào những bộ quần áo sang trọng của nó và anh với vẻ đầy tò mò thích thú. Làng vẫn vậy, xác xơ và buồn tẻ. Ba người đi trên đường như một bức tranh tương phản.


Bữa cơm tối, cha đãi nó món canh bông súng và cá kho tộ quen thuộc. Nó thấy ngon, nhưng người yêu của nó thì hơi nhăn mặt bởi món ăn của dân nghèo luôn mặn hơn so với khẩu vị của người thành phố. Trong bữa cơm, nó nói nhiều về công việc, chủ ý muốn cho cha biết nó đã thành công như thế nào, giỏi giang ra làm sao..