Nhẹ nhàng như mây
Nhẹ nhàng như mây
Thì, má chị đó !
Tiếng xèo xèo từ cái chảo dầu vẫn cứ lặp đi lặp lại trong gian nhà trống.
Bên kia, bà mẹ già cũng đang suy nghĩ lung lắm. Tội nghiệp con nhỏ Ngọc, mới mấy tuổi đầu đã mang cái tiếng mồ côi. "Mồ côi tội lắm ai ơi!". Mà, cũng tội nghiệp má con Ngọc, chồng chết, nó phải oằn lưng lo cho hai miệng ăn. Lo cho con nó thì phải rồi, mà dè lại còn lo cho cái bà già sống bám nầy, rồi tiền đâu nó lo cái bữa ăn, mai mốt tiền đâu cho con nhỏ đi học. Bà Chín nghĩ mình phải giảm phần ăn lại cho đỡ tiền gạo, rồi ít tắm giặt cho đỡ tiền xà bông, rồi phải... À, hay là kiếm việc làm? Làm cỏ mướn, giặt đồ mướn, đổ rác... chuyện gì cũng làm được hết. Nhưng mà, đi làm rồi má con Ngọc cũng đi làm, vậy ai lo cho con nhỏ? Những dự định ấy cứ quẩn quanh trong tâm trí bà.
Nắng chiều chiếu thẳng về phía hai mẹ con bà Chín, cái bóng của hai người càng mờ mờ và dài hơn như một khối đen nặng oằn đang đè lên mái nhà xiêu vẹo ở cái xóm Sóc Chét nầy. Phía trước nhà, thỉnh thoảng có tiếng gió chao mình, lượn lờ, lèn vào mọi ngõ ngách của những lùm cây. Hàng cây trơ trọi thỉnh thoảng lại rơi thêm một vài chiếc lá vàng, xào xạc, nghe khô khốc. Thật lâu sau, khi nướng xong mấy con khô, bà Chín quay lại mới thấy chị Tư đã đứng nép bên vách tự hồi nào. "Ủa, con đứng đây hồi nào vậy?". Hai má con nhìn nhau, buồn buồn. Hình như ai cũng muốn khóc mà khóc không được, không ai muốn đè nén bất cứ cảm xúc nào trong lúc nầy mà lòng thì bảo phải đè nén lại. Chi mà khổ vậy trời?
Chị Tư bỏ ra cái chõng chỗ con Ngọc đang nằm ngủ, ý nghĩ phải kiếm một việc gì đó để làm đang dần manh nha trong đầu. "Cứ làm cỏ mướn lay lắt qua ngày vầy sao được? Hay là đi thành phố tìm việc?". Cái ý định liều lĩnh đó làm lóe sáng lên trong đầu chị một tia hy vọng. "Nhưng mình phải bỏ má, bỏ con Ngọc sao?". "Mà cứ ở đây như vầy hoài làm sao đủ sống?". Chị Tư nghe người nóng bừng, tất cả suy nghĩ của chị như cứ chờ dịp vỡ tung ra để khỏi phải phân vân chuyện đi hay ở.
Nơi nầy, tám năm trước cả nhà chị đã khăn gói đến đây, chỉ mong tìm được một chốn náo thân, làm được chút tiền lo cho con nhỏ. Tám năm trời sống ở đây, mỗi ngày mấy lượt đi vòng quanh cái xứ cù lao nầy, đến nỗi gần như nhà nào cũng quen thuộc, bà con lối xóm ai cũng biết anh chị và cũng thương yêu. Vì anh chị nghèo. Mỗi lần nhận được sự đùm bọc, quan tâm từ xóm giềng, chị thường cười, nói nửa đùa nửa thật: "Xem ra, nghèo cũng là cái phước!". Vậy mà anh Tư đã đi, đi về một nơi xa xôi nào đó, để lại ba người phụ nữ bơ vơ giữa cái mênh mông hiu quạnh của chữ nghèo. Rồi số phận họ sẽ đi về đâu? "Nghèo" đối với họ giờ đây chỉ là sự căm thù, sự tuyệt vọng tột cùng trước trớ trêu của cuộc đời. Còn gì đâu... Dường như chị nghe đất dưới chân mình đang run lên từng hồi, như cố níu kéo, cố cản ngăn một bóng hình đang dần mờ nhạt. Chị tự dưng thấy nhớ về cái dáng hình của mảnh đất nầy, mặc dù chị không ở đâu xa.
"Thôi thì đã lâm vào cảnh nầy, đành bỏ má, bỏ con, tha phương cầu thực, mong có thể kiếm chút tiền, gởi về cho má với con Ngọc. Dù sao trời cũng không phụ lòng người, tận nhân lực mới tri ra thiên mệnh mà". Tự an ủi mình bằng một câu nói của người xưa, chị nghĩ mình phải đi. Nhưng mà, cũng còn nhiều do dự lắm.
***
Chị Tư đến vặn cái đèn dầu lớn lên, rồi ngồi xuống chỏng. Sau một đêm suy nghĩ, chị đã quyết định rồi, phải đi thôi. Có lẽ trong thời gian nầy bà Chín và con Ngọc phải chịu cực một chút, nhưng sau một tháng, làm có tiền rồi chị sẽ gửi về lo tiếp gia đình. "Tội nghiệp, không có mình chắc má phải bương chải lắm để lo cho con Ngọc. Ráng nghe má, ráng một thời gian thôi nhà mình sẽ đỡ khổ hơn một chút", chị lẩm bẩm. Chị nhìn về phía người mẹ già đang ngồi ngoài sân, nhìn lâu lắm, như muốn tận hưởng tình cảm lan tỏa từ người đã chăm bẵm cho mình từ lúc mình còn là một đứa trẻ đỏ hỏn cho tới khi trở thành một cô gái đôi mươi, và bây giờ là quả phụ. Người đó, chị biết rằng ngày mai mình sắp phải xa. Chị lại đến ôm chặt lấy con Ngọc, thương xót cho thân phận của nó. Chị hôn lên má nó, lên trán nó, cứ ôm mãi không muốn rời.
Lát sau, bà Chín đem đến cho con Ngọc một củ khoai, con nhỏ bụng đói cồn cào, chồm lấy củ khoai thật nhanh. Chị Tư lườm nó:
"Ngọc! Để củ khoai cho ngoại ăn đi con!".
Nó nhìn chị Tư rồi nhìn củ khoai, nói nhỏ:
"Con đói bụng!".
Hai má con nhỏ phụng phịu đòi ăn, tay thì vẫn ôm ghì củ khoai. Chị Tư phải la lớn:
"Ngọc! Má nói con để củ khoai cho ngoại ăn sao con lì vậy? Đưa cho ngoại đi!".
Chị vỗ nhẹ vào mông nó rồi giựt lấy củ khoai đưa cho bà Chín:
"Chắc má cũng đói rồi, má ăn đi! Con Ngọc còn nhỏ nó chịu được mà, đói chút đâu có sao".
Con Ngọc khóc ré lên, như muốn đòi lại củ khoai mà nó cho là của mình, chị Tư tiếp tục đánh vào mông nó, nó lại càng khóc lơn. Bà Chín cầm củ khoai mà mắt rơm rớm nhìn con Ngọc, bà đưa củ khoai cho nó:
"Thôi, con ăn đi, ngoại không đói!".
Bà tự từ lột vỏ củ khoai đút cho cháu mình, không để ý rằng chị Tư đã khóc tự lúc nào.
"Ngọc! Con... thương má hông?".
"Dạ thương!".
Cái miệng nhỏ nhỏ của con Ngọc chầm chậm phát ra cái từ thiêng liêng nhứt, mà có đánh đổi cả đời vì từ nầy, chị cũng chấp nhận. Chị nhìn nó, hai hàng nước mắt càng chảy mạnh hơn.
"Trời ơi!".
Buổi tối gió thốc, căn nhà của chị Tư như cũng run run từng hồi. Chị cảm thấy lòng mình đau quặng. Cứ mỗi giờ qua đi lại thấy dường như buổi tối nầy cứ rộng ra mãi theo. Đôi mắt chị Tư cứ nhìn đăm đăm ra con đường đất cặp bờ sông, con đường ấy vài ba hôm nữa thôi sẽ chỉ còn hai cái bóng một già một trẻ liêu xiêu trơ trọi giữa xóm khổ nầy. Trên kia, trăng vẫn dát vàng vài mảnh mỏng manh trên nền trời.
Sáng hôm sau, trên con đường gió thổi ngược, người ta thấy một người phụ nữ quen quen leo lên chiếc xe khách. Chiếc xe lao đi rất nhanh, để lại một làn khói mờ mờ cứ quần trên mặt đường. Ra đi, nhẹ nhàng như một vệt mây mỏng vừa bay qua.
Đó là một buổi sáng bình yên...
Cù lao Năng Gù, 03/04/2011
Vĩnh Thông